Giá dầu đang phải chịu một sức ép khác không xuất phát từ yếu tố cung cầu cơ bản thông thường, đó là đà tăng mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Nếu như cuộc họp trực tuyến của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và đồng minh (OPEC+) trong ngày hôm nay không cho thấy có tín hiệu bất ngờ nào, giá dầu có thể tiếp tục chịu sức ép giảm điều chỉnh bởi yếu tố vĩ mô này.
Là một nước xuất khẩu dầu hàng đầu đang thu được nhiều lợi ích từ việc giá tăng cao, nhiều khả năng Saudi Arabia vẫn sẽ giữ nguyên kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện tới cuối năm nay. Bất kỳ tuyên bố nới lỏng kế hoạch nào của OPEC đều sẽ khiến giá dầu giảm mạnh trở lại, nhất là khi nhu cầu còn tiềm ẩn rủi ro bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ không có nhiều sự bất ngờ đối với thị trường, trừ khi Saudi Arabia sẽ có các phát biểu cứng rắn hơn về việc “sẽ xem xét tiếp tục cắt giảm”, điều rất khó xảy ra vì sẽ làm giảm thị phần của quốc gia này.
Do đó, giá dầu có thể phản ứng nhiều hơn với tâm điểm thứ 2, đó là dữ liệu lao động của Mỹ trong tháng 9.Tối nay, dữ liệu bảng lương của ADP thường là một dự báo sớm cho dữ liệu chính thức của Bộ lao động Mỹ. Trong trường hợp số người có việc tiếp tục tăng cao hơn mức 153.000 theo dự báo, sẽ có thể đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng hơn nữa.
Hiện tại, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm đang tiến tới vùng 5%. Giá trị bị chiết khấu mạnh về thời điểm hiện tại thể hiện kỳ vọng lãi suất thị trường sẽ còn duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Điều này sẽ đem lại rủi ro đầu tư, gây sức ép cho thị trường dầu.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý về yếu tố nguồn cung thực tế vẫn đang thắt chặt bởi tác động của nhóm OPEC, nên nhịp giảm có thể chỉ là nhịp giảm điều chỉnh. Động lực cho giá dầu ở mức cao khoảng 90 USD/thùng vẫn còn hiện hữu.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Miễn phí giao hàng toàn quốc
Tiếp tục mua hàng