Thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa khởi sắc, MXV-Index vượt 2.200 điểm

Ngô Thị Minh Ngọc   |  26/04/2025

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, sắc xanh bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (24/4). Đóng cửa, lực mua chiếm áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index tăng gần 1% lên mức 2.215 điểm. Trên thị trường nông sản, giá đậu tương có phiên thứ 3 tăng liên tiếp sau gần hai tuần tích lũy trong vùng đi ngang. Trong khi đó, giá hầu hết các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã được xoa dịu. Giá đậu tương ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp Theo ghi nhận từ MXV, thị trường nông sản đã có phiên phục hồi đầu tiên sau 4 phiên suy yếu liên tiếp. Trong đó, giá đậu tương nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp với 1,12% lên mức 390 USD/tấn. Sau gần hai tuần tích lũy trong vùng đi ngang, thị trường có cú hích mới nhờ tuyên bố từ Tổng thống Trump rằng Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc trao đổi trong sáng hôm qua. Bất chấp phía Trung Quốc phủ nhận thông tin này trước đó, tuyên bố từ phía Mỹ vẫn thúc đẩy lực mua mạnh trên thị trường.  Bên cạnh đó, tiến độ thu hoạch tại Nam Mỹ tiếp tục có dấu hiệu chậm. Theo số liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Buenos Aires, tại Argentina, tiến độ thu hoạch mới chỉ đạt 14,5% diện tích dự kiến, thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Trong khi đó, Hiệp hội Các Nhà Xuất Khẩu Ngũ Cốc Brazil (ANEC) đã hạ dự báo xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 4 xuống còn 14,3 triệu tấn, thấp hơn so với ước tính trước. Những yếu tố này cho thấy áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế đang giảm trong ngắn hạn, góp phần thúc đẩy đà tăng của giá. Về thời tiết, thị trường không ghi nhận yếu tố nào đáng lo ngại trong ngắn hạn. Một số khu vực phía nam và phía đông nước Mỹ vẫn còn ẩm, khiến tiến độ gieo trồng chậm lại, song nền nhiệt tăng đang hỗ trợ quá trình khô đất. Độ ẩm cải thiện tại các vùng phía tây được đánh giá là tích cực. Cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy diện tích đậu tương nằm trong vùng hạn hán đã giảm xuống 21%, thấp hơn tuần trước và gần như ngang bằng cùng kỳ năm ngoái.  Ngoài ra, theo các số liệu trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), bán hàng đậu tương niên vụ 2024-2025 của Mỹ đạt mức 277.000 tấn trong tuần kết thúc ngày 17/4, giảm 50% so với tuần trước. Giao hàng đậu tương cũng giảm 31,4%, chỉ đạt  495.000 tấn trong giai đoạn này. Sự sụt giảm trong hoạt động bán hàng và giao hàng của Mỹ vẫn nằm trong mức dự đoán của thị trường nên tác động đến giá trong phiên hôm qua không quá lớn.  Giá dầu đậu tương tăng vọt 3,5% lên mức 1.103 USD/tấn vào hôm qua. Đà tăng này được hỗ trợ trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, cùng lo ngại tình hình vụ mùa của Argentina.  Giá kim loại đồng loạt tăng Giá nhiều mặt hàng kim loại đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã được xoa dịu. Chốt phiên, giá bạc quay đầu và giảm nhẹ 0,13% xuống còn 33,5 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim nhích thêm 0,07% lên mức 980,3 USD/ounce. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp ô tô với chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo một số nguồn tin nước ngoài, Washington đang xem xét kế hoạch miễn một số loại thuế cao đối với các nhà sản xuất ô tô.  Mới đây, Liên minh các hiệp hội ngành ô tô Mỹ vừa kiến nghị Tổng thống Trump ngừng áp thuế 25% với linh kiện ô tô nhập khẩu vì nếu thực thi sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo ra hiệu ứng domino dẫn đến giá xe tăng cao, doanh số bán xe tại các đại lý giảm, các nhà cung ứng gặp khó khăn, có nguy cơ ngừng sản xuất, sa thải nhân viên hoặc phá sản, dẫn đến sự đình trệ dây chuyền sản xuất. Việc miễn thuế chủ yếu nhắm vào các mức thuế mà ông Trump áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong nỗ lực trấn áp fentanyl. Hiện ngành ô tô vẫn đang chịu mức thuế 25% đối với thép và nhôm. Sau khi thông tin này được đưa ra, tâm lý thị trường đã được cải thiện, nhất là đối với bạch kim. Cho tới nay, ngành công nghiệp ô tô vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn bạch kim cho bộ chuyển đổi xúc tác, bugi, cảm biến và các bộ phận khác của xe. Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đảo chiều và đi lên 0,26%, đạt 10.705 USD/tấn. Mặt khác, giá quặng sắt đánh mất 0,79%, lùi về mức 99,45 USD/tấn.  Theo đánh giá từ các chuyên gia tại Diễn đàn Hội nghị ngành đồng CCIE-2025SMM, dù Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh nội địa hóa công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành năng lượng mới, hàng không vũ trụ và điện tử công nghiệp, sản lượng đồng bán thành phẩm năm 2024 chỉ tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 21,3 triệu tấn. Điều này cho thấy nguồn cung đồng hiện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, qua đó hỗ trợ đà tăng giá đồng trong phiên giao dịch gần đây. Ở chiều ngược lại, những lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại mỏ đồng Antamina ở Peru đã được xoa dịu khi hoạt động khai thác tại đây đang dần trở lại ổn định, phần nào kiềm chế đà tăng giá đồng trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, giá quặng sắt chịu áp lực giảm do Ấn Độ vừa áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời 12% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ tràn vào thị trường nội địa. Đây là biện pháp bảo hộ thương mại nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất thép trong nước trước áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá thấp, nhất là từ Trung Quốc. Không chỉ riêng Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét và áp dụng các biện pháp bảo hộ tương tự để bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dư cung trên thị trường thép toàn cầu, từ đó kéo giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt giảm xuống. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Mỹ áp thuế cao, xuất khẩu cà phê có đáng lo?

Ngô Thị Minh Ngọc   |  12/04/2025

Ngày 2/4, thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu thực sự đã chao đảo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế tối thiểu 10% lên tất cả hàng nhập khẩu. Đối với Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai và có thặng dư thương mại đáng chú ý với Mỹ bị áp mức thuế lên tới 46%. Ngay lập tức, thị trường cà phê đã phản ứng mạnh mẽ. Trong hai phiên giao dịch ngày 4/4 và 7/4, giá cà phê Arabica đã đánh mất hơn 12% trong khi Robusta chạm mức thấp nhất trong vòng hai tháng rưỡi, giảm 11,3%. Đây là mức giảm sốc chưa từng xảy ra trong nhiều năm trở lại đây... Vậy quyết định áp thuế này của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Mỹ và các quốc gia sản xuất cà phê lớn trên thế giới, trong đó có Việt Nam? Nâng hàng rào thuế quan, giá cà phê tại Mỹ có thể tăng 50% hoặc hơn thế Cho tới nay, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu và tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Brazil là nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Mỹ bên cạnh nguồn nhập khẩu đáng kể từ Colombia, các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ và từ một số quốc gia tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Diễn biến giá cà phê Robusta và Arabica từ đầu năm 2025 Tuy nhiên, đầu tháng 4, Mỹ đã công bố áp mức thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam - nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là quốc gia cung cấp hàng đầu cà phê Robusta cho nước này, cũng như mức thuế 32% đối với hàng nhập khẩu từ Indonesia - nước sản xuất lớn thứ tư. Các nước sản xuất cà phê ở Trung và Nam Mỹ, như Brazil và Colombia, bị áp mức thuế 10%. Theo Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ (NCA), ngành công nghiệp cà phê đang đóng góp khoảng 343 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, với khoảng 75% người dân Mỹ uống cà phê thường xuyên. Và trong nhiều thập kỷ qua, cà phê đã vào Mỹ mà không phải chịu thuế do ngành công nghiệp nước này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Không giống như nhôm, thép hoặc ô tô, cà phê là mặt hàng Mỹ không thể tự sản xuất trong nước. Do đó, việc Mỹ áp thuế lên tất cả các nước cung cấp sẽ khiến cho giá cà phê tại Mỹ tăng ít nhất 50% hoặc cao hơn thế.  Trước đó, lo ngại về khả năng áp thuế lên cà phê từ các nguồn rang xay trung chuyển Nam Mỹ cũng đã khiến cho giá cà phê thế giới tăng kỷ lục, với mức giá bán buôn vượt 4 USD/pound. Như vậy, mức thuế mới mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng có thể đẩy các nhà sản xuất cà phê Mỹ vốn phải đối mặt với giá bán buôn Arabica tăng chóng mặt do nguồn cung tại Brazil và Colombia khan hiếm sẽ phải gánh thêm gấp đôi giá. Xét trên bình diện lớn hơn, căng thẳng thương mại còn đem đến nguy cơ làm phân mảnh chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu, buộc các nhà xuất khẩu ở các nước cung cấp phải xem xét lại sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.  Hướng đi cho cà phê của Việt Nam trong bối cảnh thuế quan mới Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), hai tuần trở lại đây, giá cà phê thế giới và giá cà phê trong nước đã phản ứng rất mạnh với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ tác động trong ngắn hạn, thị trường sẽ sớm chịu sự chi phối bởi yếu tố cung cầu trong thời gian tới bởi theo ước tính sản lượng cà phê toàn cầu khả năng cao sẽ thiếu hụt trong năm thứ 4 liên tiếp do nguồn cung khan hiếm tại hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Brazil và Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý I, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau EU), chiếm 6,5% về khối lượng và 6,4% về giá trị xuất khẩu. Mặc dù không phải là thị trường lớn nhất nhưng lại là thị trường trọng điểm xuất khẩu sản phẩm cà phê đặc sản phân khúc cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng và cà phê hòa tan. Cho nên, nếu Mỹ không thay đổi mức thuế suất áp với Việt Nam, thì cà phê Việt Nam sẽ gần như không thể đặt chân vào Mỹ do giá quá cao, không thể cạnh tranh được với giá cà phê Brazil và Colombia.  Xuất khẩu cà phê Việt Nam theo quốc gia Quý I (Nguồn: MXV) Tuy nhiên, đòn thuế quan của Mỹ cũng khiến cho việc đa dạng quan hệ chính trị và kinh tế thương mại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang ra sức tìm mối quan hệ thương mại thay thế, trong đó EU đang tìm cách mở ra các cơ hội hợp tác tại châu Á, Trung Đông... Điều này cho phép cà phê Việt Nam có thể chuyển hướng sang các thị trường khác như: châu Âu, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan... với giá bán không kém, thậm chí còn cao hơn xuất khẩu sang Mỹ. Cà phê cho tới nay vẫn được coi là một trong những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại nhiều quốc gia. Thậm chí tại không ít quốc gia đã hình thành nên văn hóa cà phê bên cạnh các văn hóa ẩm thực khác. Thực tế đã chứng minh, thế giới đã từng trải qua Covid-19 nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê không hề giảm. Do đó, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam vẫn có hướng đi riêng, phân khúc riêng dù kịch bản xấu nhất là đánh mất thị phần Mỹ.  Thêm vào đó, hãng StoneX mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng cà phê của Brazil cho niên vụ 2025–2026, thu hoạch từ tháng 7 tới, xuống còn 3,87 triệu tấn, giảm 1,67% so với dự báo trước đó và giảm 2,06% so với sản lượng vụ trước. Trong đó, sản lượng Arabica ước đạt 2,32 triệu tấn, giảm 13,4% so với vụ trước và Robusta Brazil (Conilon) lên 1,55 triệu tấn, tăng gần 22% so với vụ trước. Với tình hình nguồn cung thế giới sẽ còn thắt chặt thì chắc chắn sẽ còn nhiều “khoảng trống” cho Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. Hoàng Tú
Xem thêm

Giá hàng hóa thế giới tiếp tục biến động trước ngày Mỹ ra thuế đối ứng

Ngô Thị Minh Ngọc   |  04/04/2025

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm thị trường hàng hóa thế giới trước ngày Mỹ dự kiến công bố thuế suất đối ứng. Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, chỉ số MXV-Index tăng 0,38% lên mức 2.285 điểm. Đáng chú ý, sau chuỗi tăng “nóng” kể từ phiên giao dịch ngày 19/3, giá dầu đang có xu hướng hạ nhiệt. Trong khi đó, những lo ngại về tình hình nguồn cung trong tương lai lại thúc đẩy đà tăng của giá mặt hàng đậu tương.  Giá dầu hạ nhiệt  Theo MXV, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá dầu đã giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 khi những lo ngại về nguồn cung trước đó được xoa dịu nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+, trong khi thị trường lại đối mặt với áp lực mới từ triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu suy yếu.    Sau khi lên mức cao nhất trong một tháng, kết thúc phiên ngày 1/4, giá dầu Brent giao tháng 6 giảm 0,37% xuống 74,49 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 0,39%, chốt ở mức 71,2 USD/thùng.  Nguồn cung dầu toàn cầu hiện đã bớt căng thẳng nhờ kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo kế hoạch được công bố vào đầu tháng 3, sản lượng khai thác sẽ tăng thêm khoảng 138.000 thùng/ngày trong tháng này. Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục nâng sản lượng vào tháng 5, với đề xuất tăng thêm 135.000  thùng/ngày dự kiến được xem xét tại hội nghị Bộ trưởng OPEC+ trong tuần này. Bên cạnh đó, hai yếu tố khác cũng làm gia tăng viễn cảnh nguồn cung dư thừa. Thứ nhất, báo cáo từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng mạnh 6,04 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/3, đảo ngược xu hướng giảm sâu 4,6 triệu thùng ở tuần trước đó. Thứ hai, sản lượng dầu thô tại Kazakhstan tiếp tục lập kỷ lục mới với mức 2,17 triệu thùng/ngày trong tháng 3, vượt xa hạn mức cho phép của OPEC+ là 1,47 triệu thùng/ngày. Điều này đang khiến Kazakhstan chịu áp lực từ các nước thành viên OPEC+ khác yêu cầu cắt giảm phần sản lượng vượt mức. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với những rủi ro lớn hơn từ nhu cầu. Các chính sách thuế quan mới dự kiến được Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 2/4 đang làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ có thể dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Qua đó kéo theo nhu cầu dầu lao dốc, vượt qua cả những lo ngại về nguồn cung bị thiếu hụt trước đó.  Ngoài ra, những áp lực tăng giá ngắn hạn vẫn tồn tại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela. Các biện pháp thuế quan thứ cấp đối với các nước nhập khẩu dầu từ Venezuela sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2/4, qua đó gia tăng nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khu vực. Giá đậu tương phục hồi mạnh mẽ Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Đóng cửa, giá đậu tương đã tăng mạnh gần 2% lên mức 380 USD/tấn, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt thông tin tích cực từ thị trường.  Một trong những động lực chính thúc đẩy giá là Báo cáo Triển vọng Gieo trồng trước đó, cho thấy diện tích gieo trồng đậu tương tại Mỹ đang có xu hướng thu hẹp. Dự báo nguồn cung giảm trong tương lai đã củng cố tâm lý thị trường, tạo lực đẩy cho giá tăng. Cùng với đó, thời tiết ẩm ướt kéo dài tại Mỹ tiếp tục cản trở tiến độ gieo trồng và làm tăng nguy cơ phải trồng lại ở một số khu vực do ngập nước. Những yếu tố này khiến thị trường lo ngại về năng suất cây trồng trong niên vụ tới, đồng thời gia tăng lực mua. Ngoài ra, giá dầu đậu tương cũng ghi nhận mức tăng vọt hơn 5,5% trong ngày hôm qua nhờ kỳ vọng nâng hạn mức pha trộn nhiên liệu sinh học tại Mỹ. Các cuộc thảo luận về quy định pha trộn dầu diesel sinh học đã hỗ trợ triển vọng nhu cầu nội địa đối với dầu đậu tương. Biên lợi nhuận ép dầu cũng đạt mức cao nhất trong sáu tuần qua, cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm này vẫn rất lớn và là yếu tố quan trọng thúc đẩy giá đậu tương. Bên cạnh đó, thông tin từ công ty tư vấn StoneX cho biết sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2024-2025 dự kiến giảm xuống còn 167,54 triệu tấn, thấp hơn mức dự báo trước đó là 168,34 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ điều kiện thời tiết bất lợi tại bang Rio Grande do Sul. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung từ Nam Mỹ có thể không đạt kỳ vọng, góp phần hỗ trợ giá. Tuy nhiên, thị trường vẫn phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn như Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu đậu tương của Mỹ. Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Tổng thống Trump đang làm gia tăng lo ngại về các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác. Đồng thời, nguồn cung toàn cầu vẫn duy trì ở mức dồi dào nhờ tiến độ thu hoạch nhanh tại Brazil và xuất khẩu kỷ lục từ quốc gia này trong tháng 3, điều này có thể hạn chế tiềm năng tăng giá trong dài hạn. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu tăng chậm lại, giá đồng COMEX rơi khỏi mốc kỷ lục

Ngô Thị Minh Ngọc   |  29/03/2025

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động trong phiên giao dịch hôm qua (27/3). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,03% về mức 2.300 điểm. Trên thị trường năng lượng, tốc độ giá dầu đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh các nhà đầu tư đang thận trọng hơn để đánh giá các tác động của chính sách thuế quan sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ như thế nào. Ở chiều ngược lại, giá đồng COMEX bất ngờ rời khỏi mức kỷ lục. Thị trường dầu thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt Sau 6 phiên tăng liên tiếp, đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, đà tăng của giá hai mặt hàng dầu thô đang có dấu hiệu chậm lại. Trong đó, giá dầu Brent tăng phiên thứ 7 với mức tăng nhẹ 0,33%, tương đương 74,03 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI tăng 0,39% lên mốc 69,92 USD/thùng. Phiên giao dịch trước đó chứng kiến mức tăng khoảng 1% đối với hai mặt hàng dầu.  Theo MXV, giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi thị trường đánh giá tác động từ các chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tới tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.  Lo ngại về nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục đẩy giá dầu lên cao. Hiện tại thị trường vẫn đang phải chờ đợi vào kế hoạch tăng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vào tháng 4 và 5 nhằm bù đắp vào nguồn cung bị thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela.  Hai báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô thương mại thâm hụt lớn hơn dự kiến. Điều này phản ánh sự thu hẹp chênh lệch cung-cầu. Có thể, nhu cầu tại Mỹ đang tăng trong mùa cao điểm đi lại. Những biến động chính trị cũng chưa thực sự hạ nhiệt. Ngoài điểm nóng tại Trung Đông và vùng Biển Đỏ; thì trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Marco Rubio đã cảnh báo Venezuela không được phép tấn công nước láng giềng Guyana và đe dọa dự án khai thác dầu của Tập đoàn Exxon Mobil tại nước này.  Ở diễn biến khác, Tổng thống Trump thông báo về hàng rào thuế quan mới nhắm vào mặt hàng ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, từ ngày 3/4, Mỹ sẽ áp dụng với thuế suất 25%, chưa bao gồm các lệ phí khác, lên các sản phẩm ô tô được lắp ráp ở nước ngoài.  Theo dữ liệu từ GlobalData, một nửa số ô tô được bán tại Mỹ trong năm 2024 là hàng nhập khẩu. Điều này khiến biện pháp áp thuế mới của Nhà Trắng có thể đẩy giá phương tiện tại Mỹ lên cao, gián tiếp làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại nước này.  Dẫu cho việc chuyển đổi sang xe điện của người dân Mỹ có thể bị chậm lại sau thông báo về thuế này của Tổng thống Trump, hỗ trợ nguồn cầu dầu trong tương lai; thị trường vẫn lo ngại bước đi này tiếp tục làm căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng trở nên tệ hơn.  Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng sẽ áp thuế mạnh tay hơn lên Canada và Liên minh Châu Âu (EU) nếu thấy các dấu hiệu gây tổn thất kinh tế lên nước Mỹ. Thủ tướng Canada Mark Carney nói Canada sẽ có biện pháp đáp trả hàng rào thuế quan này của Mỹ. Những diễn biến này đang khiến thị trường phải “chậm lại” để xem xét viễn cảnh “chiến tranh thương mại”, đi kèm với đó là nền kinh tế giảm phát và nhu cầu dầu trong tương lai bị sụt giảm.  Giá bạc tiến sát mốc 35 USD/ounce Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá các mặt hàng kim loại. Đà tăng được thể hiện mạnh mẽ trên thị trường kim loại quý, khi giá bạc tiếp tục bật tăng thêm 2,54% lên mức 34,9 USD/ounce, cao hơn giá hồi đầu năm tới 18%. Trong khi đó, bạch kim cũng đảo chiều đi lên 1,56%, đạt 984,4 USD/ounce. Trong bối cảnh những lo ngại về chính sách thuế mới của Mỹ, dòng tiền tìm trở lại nhóm kim loại quý. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, dòng tiền đang chảy mạnh vào nhóm kim loại quý khi triển vọng kinh tế Mỹ chịu áp lực sau tuyên bố áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ ngày 3/4 của Washington. Chính sách thuế mới của Mỹ đã ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ các đối tác thương mại. EU lên tiếng chỉ trích đây là hành động gây tổn hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong khi Canada tuyên bố sẽ xem xét các biện pháp trả đũa. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết sẽ có phản ứng quyết liệt, còn Brazil dự kiến sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo ước tính của công ty nghiên cứu Cox Automotive, mức thuế mới có thể khiến giá xe tại Mỹ tăng thêm 3.000 USD, trong khi xe sản xuất tại Canada hoặc Mexico có thể đội giá lên tới 6.000 USD. Nếu chính sách này được triển khai, lượng xe tại Bắc Mỹ có thể sụt giảm tới 30% vào giữa tháng 4, tức là thị trường thiếu 20.000 xe mỗi ngày. Thêm vào đó, dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 22/3 đã giảm xuống còn 224.000 đơn, thấp hơn mức dự báo 225.000. Con số này tiếp tục củng cố sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ, khi số người thất nghiệp có dấu hiệu giảm nhẹ. Tuy nhiên, số liệu về yêu cầu trợ cấp thất nghiệp vẫn cho thấy rằng một số vấn đề trong thị trường lao động Mỹ chưa được giải quyết triệt để. Sự không chắc chắn của nền kinh tế đã khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn như kim loại quý. Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX bất ngờ quay đầu suy yếu 2,36%, lùi về mức 11.286 USD/tấn sau khi thị trường rộ lên đồn đoán rằng Mỹ có thể sớm áp thuế nhập khẩu đồng trong vài tuần tới, thay vì chờ đến hết thời hạn 270 ngày theo quy định của cuộc điều tra hiện tại. Trước đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo mức thuế 25% sẽ được áp dụng vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, nhưng với tiến độ như hiện nay, khung thời gian này có thể sẽ rút ngắn lại. Điều này khiến các nhà giao dịch đang đối mặt với áp lực lớn khi có thể không còn đủ thời gian để đẩy thêm hàng sang Mỹ trước khi thuế nhập khẩu chính thức có hiệu lực. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Căng thẳng địa chính trị kéo giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng, giá kim loại quý giảm

Ngô Thị Minh Ngọc   |  21/03/2025

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối giằng co trong phiên giao dịch ngày hôm qua (20/3). Đóng cửa, lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,1% về mức 2.303 điểm. Trên thị trường kim loại, giá hai mặt hàng kim loại quý vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ quyết định mới nhất của FED. Trong khi đó, tình hình căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng. Giá kim loại quý tiếp tục giảm mạnh Phiên giao dịch ngày 20/3, thị trường chứng kiến hai xu hướng trái ngược của nhóm kim loại. Trong khi nhóm kim loại cơ bản đã có sự tăng giá nhẹ, nhóm kim loại quý vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dư âm từ quyết định mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).  Kết phiên, cả hai mặt hàng kim loại quý đều tiếp tục giảm giá. Bạc hiện dừng ở mốc giá 33,79 USD/ounce, tương đương với mức giảm 0,56%. Trong khi đó, bạch kim đã có mức giảm sâu nhất từ đầu tháng 3 là 1,72%, lao đầu xuống mốc 992 USD/ounce.  Quyết định giữ nguyên lãi suất ở ngưỡng 4,5% của FED vào rạng sáng ngày 20/3 theo giờ Việt Nam đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến dòng tiền đổ vào nhóm kim loại quý. Trái phiếu với khả năng sinh lời hấp dẫn cùng với việc sức mua của đồng bạc xanh đã tăng lên trong ngày hôm qua đã khiến các nhà đầu tư tạm dịch chuyển dòng tiền khỏi các mặt hàng kim loại quý không sinh lời.  Ngoài ra, các chỉ báo của nền kinh tế lớn nhất thế giới không ảm đạm như lo ngại của giới đầu tư cũng là một nguyên nhân đáng chú ý. Đồng thời mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định những tiến triển tích cực hướng tới hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Việc những biến động về chính trị và kinh tế đều được xoa dịu đã làm giảm nhu cầu trú ẩn của giới đầu tư vào nhóm kim loại quý.  Trên thị trường kim loại cơ bản, mặt hàng đồng COMEX vẫn chưa thể ngừng tăng giá khi tiếp tục xác lập mức kỷ lục mới vượt mốc 11.270 USD/tấn. Theo phân tích mới nhất của Bloomberg thì nguyên nhân lớn nhất vẫn tiếp tục là hàng rào thuế quan mà Nhà Trắng có thể áp dụng lên mặt hàng này trong tương lai. Thị trường vẫn đang chuẩn bị cho thông báo của Nhà Trắng về vấn đề này, theo kế hoạch sẽ là vào ngày 2/4 theo giờ địa phương.  “Chảo lửa” Trung Đông lại nóng lên Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng mạnh sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Iran và căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông gia tăng đã đẩy giá dầu tăng. Đóng cửa, giá dầu Brent tăng 1,22 USD tương đương với 1,72%, lên mức 72 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,1 USD  tương đương 1,64%, lên mức 68,26 USD/thùng. Hôm qua, Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhắm vào các thực thể, lần đầu tiên bao gồm một nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, cùng các tàu vận chuyển dầu thô đến các nhà máy lọc dầu này. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, và dữ liệu từ các công ty tư vấn FGE và Vortexa cho thấy xuất khẩu dầu thô của Iran hiện khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong hơn 4 năm qua, trong đó hơn 80% được vận chuyển đến Trung Quốc. Các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ, chủ yếu ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc Tuy nhiên, dữ liệu chính thức từ Trung Quốc hiếm khi công bố rằng những thùng dầu nhập khẩu là từ Iran mà thay bằng các lô hàng từ Malaysia, Oman hoặc các quốc gia Trung Đông khác. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu dầu từ Iran. Đây là vòng trừng phạt thứ tư của Mỹ đối với hoạt động bán dầu của Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố chiến dịch "gây sức ép tối đa" vào tháng 2 nhằm giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống mức 0. Hiện Iran vẫn duy trì sản xuất hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong khi Bắc Kinh từ lâu đã phản đối quyền tài phán dài hạn của Washington và kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là việc OPEC+ công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng của 7 thành viên trong khối, nhằm bù đắp việc khai thác vượt mức thỏa thuận. Kế hoạch này sẽ dẫn đến mức cắt giảm từ 189.000 thùng/ngày đến 435.000 thùng/ngày, kéo dài đến tháng 6/2026. Trong khi đó, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ tăng 1,7 triệu thùng, vượt qua kỳ vọng tăng 512.000 thùng trong cuộc thăm dò của Reuters. Chỉ số sức mạnh đồng USD đã tăng 0,5% trong hôm qua, khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ không vội cắt giảm lãi suất vào ngày 19/3. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn dự báo sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu năng lượng. Ngoài ra, xung đột địa chính trị tại Trung Đông vẫn tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Các lực lượng Houthi vẫn tấn công các tàu của Mỹ trong khu vực, trong khi Israel đã điều quân trở lại dải Gaza sau hai tháng ngừng giao tranh. Thêm vào đó, việc Tổng thống Trump thúc đẩy các biện pháp thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc đã dấy lên lo ngại về suy thoái, tạo thêm sức ép lên giá dầu. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hóa thế giới tiếp tục biến động theo yếu tố cung - cầu

Ngô Minh Ngọc   |  15/03/2025

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), yếu tố cung - cầu đóng vai trò chính tác động lên diễn biến giá hàng hóa trong phiên giao dịch ngày hôm qua (12/3). Trên thị trường năng lượng, giá hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI bật tăng trong bối cảnh tồn kho tại Mỹ giảm, nhu cầu xăng và dầu diesel tiêu thụ nhiều hơn. Bên cạnh đó, trên thị trường cà phê, giá lại đang chịu áp lực sau thông tin xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm. Diễn biến giằng co trên toàn thị trường, đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,06% đạt mức 2.284 điểm. Giá dầu thô nối dài đà tăng sang phiên thứ hai Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá hai mặt hàng dầu thô đồng loạt bật tăng sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu và nhiên liệu sụt giảm nhiều hơn so với dự báo.  Chốt phiên, giá dầu Brent tăng 1,39 USD (tương đương 2%), lên 70,95 USD/thùng, dầy WTI tăng 1,43 USD (tương đương 2,2%), lên 67,68 USD/thùng.  Động lực chính thúc đẩy đà tăng đến từ báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo EIA, dự trữ dầu thô nước này chỉ tăng 1,4 triệu thùng trong tuần gần nhất, thấp hơn mức 2 triệu thùng mà các chuyên gia dự báo. Đáng chú ý, tồn kho xăng giảm mạnh 5,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 1,9 triệu thùng, cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang gia tăng. Ngoài ra, sự suy yếu của sức mạnh đồng USD trong thời gian gần đây cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Thêm vào đó, yếu tố căng thẳng địa chính trị tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung, khi phiến quân Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công tàu Israel nếu nước này không dỡ bỏ lệnh cấm viện trợ vào Gaza. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị kìm hãm bởi lo ngại rằng thuế quan có thể làm tăng giá cho doanh nghiệp, thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.  Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025. Báo cáo của OPEC cũng cho thấy sản lượng của nhóm OPEC+ tăng 363.000 thùng/ngày trong tháng 2, chủ yếu từ Kazakhstan, quốc gia đang chậm trễ trong việc tuân thủ hạn ngạch sản lượng. Giá cà phê tiếp tục biến động Chốt phiên giao dịch ngày 12/3, chỉ số giá nhóm nguyên liệu công nghiệp đóng cửa trong sắc đỏ khi giá cà phê Arabica giảm 1,78% xuống 8.526 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng mất 0,79%, lùi về mức 5.508 USD/tấn. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu toàn cầu giảm mạnh, trong khi tồn kho ICE có dấu hiệu phục hồi, đặt ra câu hỏi về cán cân cung – cầu thực tế của thị trường. Hiện giá Arabica đã rời xa mức đỉnh lịch sử 9.676 USD/tấn thiết lập vào giữa tháng 2/2025. Giới chuyên gia nhận định khi những lo ngại về tình trạng khô hạn tại đã phần nào phản ánh vào giá, mối quan tâm mới đang chuyển sang tác động của mức giá cao đối với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 giảm 13,3% xuống còn 10,8 triệu bao, so với 12,4 triệu bao cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê nhân xô (chưa rang) giảm 14,2% xuống còn 11,32 triệu bao, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Riêng phân khúc Arabica chứng kiến mức giảm 2,5% xuống 6,665 triệu bao, tương đương mức sụt giảm 171.000 bao. Xuất khẩu sụt giảm phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại các nước sản xuất lớn, nhưng cũng có thể cho thấy nhu cầu đang suy yếu trước giá cao kéo dài. Đây là bài toán khó đối với giới đầu tư khi phải cân nhắc giữa hai yếu tố đối lập này. Ngoài ra, dữ liệu tồn kho do ICE giám sát cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi lượng cà phê Arabica đạt 803.032 bao vào ngày 11/3. Trong khi đó, tồn kho Robusta cũng phục hồi lên 4.356 lô, mức cao nhất trong vòng một tháng trở lại đây. Thông tin về tồn kho tăng, kết hợp với dự báo mới từ Marex Solutions, tiếp tục tạo áp lực điều chỉnh giá cà phê. Marex dự báo thặng dư cà phê toàn cầu trong niên vụ 2025-2026 sẽ tăng lên 1,2 triệu bao, cao hơn rất nhiều so với mức 200.000 bao của niên vụ trước. Nhận định này khiến thị trường thận trọng hơn sau đợt tăng giá mạnh trước. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook