Thị trường hàng hóa

Sau chuỗi dài suy yếu, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang phục hồi

Ngô Minh Ngọc   |  08/03/2025

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết sau 8 phiên liên tiếp chìm trong sắc đỏ, đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (5/3), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã quay đầu phục hồi. Lực mua chiếm ưu thế là kéo chỉ số MXV-Index lên gần 0,6% - mức 2.270 điểm. Thị trường kim loại chứng kiến đà bứt phá của giá mặt hàng đồng COMEX khi tăng 5,2% lên hơn 10.500 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Ở chiều ngược lại, giá dầu thô trượt dài sau báo cáo tồn kho của EIA. Dòng tiền quay lại thị trường kim loại Theo MXV, khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, lực mua mạnh diễn ra trên thị trường kim loại giữa bối cảnh Mỹ siết chặt hàng rào thuế quan, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung. Đóng cửa, giá bạc tăng 2,34%, lên mức 32,86 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Bạch kim cũng nhích nhẹ 0,3% lên 974,8 USD/ounce, được hỗ trợ bởi lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm nay. Trên thị trường kim loại quý, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh hơn do nhu cầu trú ẩn gia tăng. Không chỉ lo ngại về các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường còn quan ngại rằng các chính sách thuế quan của Washington có thể gây gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.  Trong khi đó, Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC) dự báo thị trường bạch kim toàn cầu sẽ thâm hụt 848.000 ounce trong năm nay, mức thiếu hụt nghiêm trọng hơn ước tính trước đó. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguồn cung tái chế suy giảm và sản lượng khai thác thấp tại Nam Phi. Mặc dù thị trường vẫn đối diện với rủi ro nhu cầu suy giảm do hàng rào thuế quan của Mỹ, nhưng lo ngại nguồn cung khan hiếm đã hỗ trợ giá bạch kim đi lên trong phiên hôm qua.  Mặt khác, dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho thấy chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức 53,5 điểm trong tháng 2, cao hơn kỳ vọng 52,5 điểm. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục gia tăng khi chỉ số giá cả đạt 62,6 trong tháng 2, cao hơn mức 60,4 của tháng 1. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2023, chỉ số này ghi nhận ba tháng liên tiếp trên 60%. Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục nóng lên, củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giữ chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn. Điều này có thể là yếu tố hỗ trợ giá kim loại quý trong dài hạn, khi nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn trước rủi ro lạm phát kéo dài.   Bên cạnh đó, nhóm kim loại cơ bản cũng gây chú ý khi giá đồng COMEX ghi nhận mức tăng ấn tượng 5,21%, lên 4,79 USD/pound (tương đương 10.568 USD/tấn), chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2024. Động lực chính đến từ lo ngại về chính sách thuế mới của Mỹ. Trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 4/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp thuế 25% đối với đồng nhập khẩu. Động thái này kích hoạt làn sóng mua mạnh trên thị trường, khi giới đầu tư kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung trong nước có thể bị thu hẹp. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Chile, Canada và Peru chiếm hơn 90% tổng lượng đồng tinh luyện nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2024, do đó, bất kỳ rào cản thương mại nào cũng có thể khiến nguồn cung bị gián đoạn đáng kể. Giá dầu vẫn trượt dài Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thế giới ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp, với mức giảm hơn 2%. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 1,74 USD/thùng (tương đương 2,45%), xuống còn 69,30 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI mất 1,95 USD/thùng (tương đương 2,86%), chốt phiên ở mức 66,31 USD/thùng. Đà giảm của giá dầu được cho là hệ quả từ những chính sách kinh tế trước đó, trong đó có việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, cùng với quyết định tăng sản lượng từ OPEC+ vào tháng 4 tới. Theo dự báo, các biện pháp thuế quan và động thái trả đũa có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ khoảng 100 điểm cơ bản, kéo theo mức giảm nhu cầu dầu toàn cầu khoảng 180.000 thùng/ngày. Thị trường dầu thô thế giới còn chịu áp lực khi dữ liệu mới nhất cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tuần trước, chủ yếu do hoạt động bảo dưỡng định kỳ tại các nhà máy lọc dầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô tồn kho tăng 3,6 triệu thùng, lên 433,8 triệu thùng, vượt xa mức dự báo 341.000 thùng của giới phân tích. Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong hai năm. Dầu Brent giảm còn 68,33 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021, trong khi WTI chạm đáy 65,22 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Tuy nhiên, giá dầu đã có dấu hiệu phục hồi khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tuyên bố Tổng thống nước này có thể xem xét giảm thuế cho một số ngành công nghiệp trong năm nay. Theo đó, dù mức thuế 25% đối với hàng hóa Canada và Mexico vẫn được duy trì, Mỹ có thể dỡ bỏ thuế 10% đối với một số mặt hàng năng lượng nhập khẩu từ Canada, bao gồm dầu thô và xăng, nhằm tuân thủ các quy định trong Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Bất chấp những biến động, các nhà phân tích tại JP Morgan cho biết nhu cầu dầu toàn cầu trong tháng trước đạt trung bình 103,6 triệu thùng/ngày, tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức dự báo tăng 1,8 triệu thùng/ngày mà ngân hàng này đưa ra trước đó. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu 2025: OPEC sẽ lựa chọn thế nào trước chính sách của ông Donald Trump

Ngô Minh Ngọc   |  01/03/2025

Bên cạnh những biến động kéo dài từ năm 2024, giá dầu trong năm 2025 được dự báo sẽ bị chi phối mạnh mẽ bởi các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và phản ứng của các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để duy trì lợi thế trong chuỗi cung ứng dầu toàn cầu. Giá dầu 2024: Điểm nóng xung đột tác động chính lên giá dầu Theo ghi nhận của MXV, giá dầu trong năm 2024 dao động mạnh, biên độ từ 67 USD/thùng đến 91 USD/thùng. Ảnh hưởng chủ yếu của giá dầu vẫn là các điểm nóng xung đột gồm Trung Đông và cuộc chiến Nga – Ukraine. Bên cạnh đó là nhu cầu yếu từ nền kinh tế Trung Quốc và các chính sách về chuyển dịch sang năng lượng xanh của các nước trên thế giới. Xung đột vũ trang đẩy giá dầu tăng cao Tại Đông Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba thúc đẩy giá dầu tăng.  Nhu cầu dầu mỏ để phục vụ chiến tranh, cùng với đó là hạ tầng công nghiệp lọc dầu bị tàn phá, khiến lượng dầu xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng. Cuộc chiến kéo dài cũng đồng nghĩa với số lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp lên Nga – chủ yếu vào xuất khẩu dầu thô – càng nhiều và khắc nghiệt. Theo thống kê, Mỹ và phương Tây đã áp đặt gần 21.700 lệnh trừng phạt với Nga trong ba năm qua. Các lệnh trừng phạt này khiến dòng chảy dầu từ Nga bị gián đoạn, đẩy giá dầu tăng. Các nước tham gia trừng phạt Nga kể từ tháng 2/2022 - Nguồn: Castellum Khó khăn cũng buộc Nga phải xuất khẩu dầu với giá rẻ. Hiện tại Nga có xuất khẩu dầu sang G7 bằng đội tàu với giá dưới 60 USD/thùng, hoặc dầu Diesel với giá dưới 100 USD/thùng. Hiện tại giá dầu Ural chủ lực của Nga đang ở mức 70 USD/thùng, còn dầu Diesel đang ở mức 75 USD/thùng. Để có thêm nguồn lực duy trì cuộc chiến, Nga đang xoay trục tìm kiếm nguồn xuất khẩu dầu mỏ, mục tiêu được hướng tới là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong đó biểu hiện rõ ràng nhất là Nga phát triển hệ thống thanh toán BRICS để thoát khỏi hệ thống thanh toán SWIFT hiện do Mỹ đứng đầu. Hệ thống BRICS này của Nga được sự ủng hộ nhiệt tình của Trung Quốc lẫn Ấn Độ và nhiều nước khác. Giá dầu năm 2024 cũng liên tục tăng mạnh do nguồn cung dầu từ Trung Đông bị gián đoạn bởi xung đột khu vực, nhất là thời điểm căng thẳng mà Israel xung đột vũ trang với các lực lượng do Iran hậu thuẫn như Hamas (Palestine), Houthi (Yemen), và Hezbollah (Lebanon).  Đỉnh điểm là sau khi Israel tấn công vào tòa lãnh sự Iran tại Syria ngày 1/4, Iran đã đe dọa trả đũa và đẩy giá dầu tăng 5 phiên liên tiếp. Theo ghi nhận của MXV, ngày 5/4, giá dầu WTI tiến sát 87 USD/thùng, còn giá dầu Brent vượt mốc 91 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất trong năm. Dòng chảy dầu từ Trung Đông tiếp tục thêm ách tắc khi lực lượng Houthi liên tục tấn công các tàu chở hàng qua Biển Đỏ, khiến sản lượng vận chuyển qua eo biển này trong năm 2024 giảm 50% so với mức trung bình 8,7 triệu thùng/ngày của năm 2023. Tuyến đường vòng đi qua Mũi Hảo Vọng Houthi khống chế biển Đỏ cũng khiến các tàu đổi lộ trình vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), khiến chi phí nhiên liệu và vận hành gia tăng, kéo theo giá cước vận chuyển trở nên đắt đỏ và làm giá dầu bật tăng trong những tháng đầu năm. Đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tình hình căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt, dòng chảy dầu lưu thông trở lại, giúp giá dầu giảm mạnh về vùng giá 75 USD/thùng so với mức đỉnh cao 90 USD/thùng hồi tháng 4. Lưu lượng dầu thô vận chuyển hàng ngày thông qua các điểm nghẽn trên thế giới - Nguồn: EIA Cung áp cầu giữ giá dầu ổn định Nguồn cung dầu từ Nga và Trung Đông ảnh hưởng, khối Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ & Đồng minh (OPEC+) cũng đã gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng, nhưng sản lượng dầu từ các nước ngoài khối OPEC+ như Mỹ, Brazil, Canada, và Na Uy liên tục tăng.  Trong nửa cuối năm, nhiều tổ chức đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thặng dư nguồn cung khoảng 1 triệu thùng/ngày, khiến tâm lý thị trường trở nên bất ổn hơn và gây sức ép lớn lên giá dầu. Về nguồn cầu, sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc khiến nhu cầu về dầu thấp, kéo giá dầu có xu hướng giảm. Các gói hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa có dấu hiệu vực dậy nền công nghiệp nước này. Thêm vào đó, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng hiện hữu, khi hai bên đã có những thông báo áp thuế vào hàng hóa của nhau. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến giá dầu là sự chuyển dịch sử dụng năng lượng xanh của nhiều quốc gia, trong đó nổi bật nhất là tăng trưởng của ngành ô tô điện. Theo đó, doanh số xe điện toàn cầu đã tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2024. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu xu hướng khi tiêu thụ tới 11 triệu xe, tăng 40% so với năm 2023. Dự báo trong năm 2025, doanh số xe điện toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 17%, vượt mốc 20 triệu xe, trong đó tiêu thụ tại Trung Quốc ước tính sẽ tiếp tục đi lên, đạt mức tăng 17%. Năm 2025: Khó đoán với chính sách của Donald Trump Đầu năm 2025, ông Donald Trump chính thức quay trở lại Nhà Trắng. Cũng chính từ thời điểm này, trật tự, diễn biến thị trường hàng hóa thế giới, trong đó có năng lượng bắt đầu rung lắc và biến động mạnh. Đánh dấu cho sự trở lại đầy tham vọng trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Trump đã ký danh sách dài các sắc lệnh hành pháp liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó gây chú ý là lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia, nhằm thực hiện lời hứa hạ giá dầu, thúc đẩy sản xuất năng lượng hóa thạch và phớt lờ các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.  Chính sách này của Mỹ trong bối cảnh thị trường dầu toàn cầu được dự báo dư thừa nguồn cung, MXV nhận định rằng giá dầu sẽ giảm sâu hơn, đồng thời các nhà sản xuất toàn cầu cũng chịu áp lực lớn khi biên lợi nhuận thu hẹp và rủi ro tài chính tăng cao. Song song với tăng cường sản xuất dầu mỏ trong nước, ông Trump lại kêu gọi khối OPEC giảm giá dầu. Điều này ngay lập tức đã khiến giá dầu giảm mạnh. Kết thúc tuần đầu tiên ông Trump trở lại Nhà Trắng, giá dầu mất 3%, rời xa vùng 80 USD/thùng đạt được vào ngày 15/1 và cắt đứt chuỗi 4 tuần tăng liên tục trước đó. Chưa dừng lại ở đó, ông Trump cũng cứng rắn áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc phản ứng lại bằng cách sẽ áp dụng mức thuế 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, cũng như mức thuế bổ sung 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số phương tiện. Đối với các quốc gia khác, ông Trump cũng ưa thích sử dụng thuế quan như công cụ để buộc các nước này điều chỉnh theo ý muốn của mình, điển hình như đe dọa nhưng hoãn thực hiện áp thuế đối với Canada, Mexico hay Colombia. Các hành động này khiến giá dầu tăng giảm liên tục. Đáng chú ý, theo ghi nhận của MXV, trong những tuần giao dịch gần đây, giá dầu thô thế giới liên tục đà giảm, thậm chí tuần qua (17 – 23/2), giá dầu tăng 4 phiên liên tục nhưng phiên cuối tuần giảm mạnh, xóa bỏ những kết quả đạt được trong thời gian trước đó, khiến giá dầu Brent đã rơi xuống mức 74,43 USD/thùng; giá dầu WTI xuống mức 70,4 USD/thùng. Do đó, MXV nhận thấy sự bất ổn trong thương mại toàn cầu kết hợp với những thay đổi trong chuỗi cung ứng dầu mỏ có thể đẩy thị trường vào giai đoạn biến động lớn. Vì vậy, các nước xuất khẩu dầu mỏ và nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt với nhiều thách thức khó lường trong thời gian tới. Dự báo tăng trưởng sản lượng dầu của các nước không thuộc OPEC+  - Nguồn: Báo cáo tháng 1/2025 của OPEC Áp lực gia tăng khiến OPEC đứng trước thách thức lớn khi quyền lực chi phối thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng bị thu hẹp và có nguy cơ phải nhường chỗ cho các nhà sản xuất lớn khác.  Hiện tại, OPEC vẫn là khối xuất dầu lớn nhất thế giới, các quyết sách của nhóm này vẫn sẽ tác động mạnh đến giá dầu. Tuy nhiên khối này đang bị ràng buộc bởi hệ thống Petro – Dollar mà Mỹ đã xây dựng từ nhiều năm trước. Trong quá khứ, sự cộng sinh giữa khối OPEC và đồng USD đã tạo ra sức mạnh cho cả hai, tuy nhiên dưới chính sách của Tổng thống Donald Trump, lợi ích nước Mỹ được đặt lên hàng đầu, nên lợi ích của khối xuất khẩu dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, trục kinh tế mới Nga – Trung – Ấn với xuất hiện tiêu biểu là hệ thống thanh toán BRICS đang không ngừng muốn mở rộng để tạo thế cân bằng với Mỹ, đồng thời xóa bỏ hệ thống Petro – Dollar đã chi phối kinh tế thế giới từ nhiều năm nay. Việc lợi ích khối OPEC bị tổn hại có thể đẩy khối này gần hơn với trục Nga – Trung – Ấn. Tuy nhiên, rủi ro cho lựa chọn của OPEC là Nga đang kéo dài cuộc chiến tại Ukraine mà chưa hẹn ngày kết thúc, còn Trung Quốc đang rơi vào đà suy thoái kinh tế. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Trung Quốc - Ấn Độ suốt nhiều năm nay vẫn luôn căng thẳng, nhất là vùng biên giới Nam Tây Tạng. Về cuộc chiến Nga – Ukraine, ông Donald Trump có vẻ đang làm mọi cách để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến này, trong đó điển hình là mở lại cuộc đàm phán với phía Nga. Tuy nhiên, Ukraine lại tuyên bố cứng rắn không chấp nhận những kết quả đàm phán mà không có sự tham dự của nước này. Hệ quả, bên lề cuộc gặp Mỹ - Nga tại Riyadh, phía Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu ở khu vực biển Capsi, khiến nguồn cung dầu ra thế giới tổn thất khoảng 380.000 thùng/ngày. Do đó, trong ngắn hạn, cuộc chiến này khó có thể chấm dứt, nhưng đối với những gì ông Trump đã thể hiện, việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt lên Nga sẽ là điều khả thi, từ đó khơi thông dần dòng chảy dầu Nga trên thị trường thế giới, nên nguồn cung càng thêm dư thừa, khiến giá dầu tiếp tục giảm sâu. Tại Trung Đông, bước sang năm 2025, nhờ sự can thiệp tích cực từ Mỹ cùng các quốc gia trung gian, xung đột tại khu vực này đang được kiểm soát hiệu quả hơn. Nếu các bên tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết ngừng bắn, nguồn cung dầu từ khu vực Trung Đông sẽ ổn định, từ đó giúp giá dầu thế giới bình ổn hơn. Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu chính của thế giới đang gây lo ngại khi phát hiện một chủng virus Corona mới, gây ra những lo lắng về một cuộc bùng phát dịch bệnh sẽ tiếp tục làm tăng đà suy thoái của quốc gia này, khiến nguồn cầu dầu sụt giảm, gia tăng tình trạng dư thừa. Ở chiều ngược lại, MXV cho rằng giá dầu trong năm 2025 sẽ được hỗ trợ bởi những biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và các chính sách cắt giảm sản lượng từ OPEC+. Với những dự báo ở trên, nhiều khả năng giá dầu trong năm 2025 sẽ còn giảm sâu thêm nữa, dao động trong khoảng 65 - 80 USD/thùng. Trong bối cảnh này, MXV cho rằng sự linh hoạt và tầm nhìn dài hạn sẽ là yếu tố then chốt để các nhà đầu tư và doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược của mình. Việc theo dõi sát sao các diễn biến địa chính trị, kinh tế vĩ mô, và xu hướng năng lượng xanh toàn cầu sẽ giúp xác định rõ những cơ hội và rủi ro tiềm năng. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Chỉ số MXV-Index tiếp tục nằm trên vùng đỉnh 9 tháng

Ngô Minh Ngọc   |  21/02/2025

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (18/2). Đặc biệt, trên thị trường năng lượng, 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá, trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô bật tăng trước những lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung; giá khí tự nhiên cũng lên mức cao nhất trong ba tuần. Bên cạnh đó, nhóm nông sản cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực sau kỳ nghỉ lễ. Đóng cửa, lực mua áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,92% lên 2.371 điểm - mốc đỉnh kể từ cuối tháng 5/2024. Giá khí tự nhiên vọt lên đỉnh trong ba tuần Lực mua mạnh diễn ra trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Đáng chú ý, giá khí tự nhiên tăng xấp xỉ 8% lên  4,01 USD/MMBtu - mức cao nhất trong vòng ba tuần qua. Thời tiết khắc nghiệt tại nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ đã khiến các giếng khoan dầu và khí đốt bị đóng băng. Theo cơ quan dự báo thời tiết của nước này, trong hai tuần tới, nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm và nhu cầu sưởi ấm còn tăng cao hơn nữa. Với tình hình này, giá khí đốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Diễn biến đồng pha, trên thị trường dầu thô, giá dầu thế giới cũng tăng đáng kể trong phiên giao dịch 18/2 sau hàng loạt sự cố ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,82% lên 75,84 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,57% (tương đương 1,11 USD) lên mức 71,85 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu Brent đã tăng 48 cent ngay sau khi một máy bay không người lái của Ukraine tấn công trạm bơm trên đường ống Caspian Pipeline Consortium tại Nga – tuyến đường dẫn dầu từ Kazakhstan ra thị trường thế giới. Vụ tấn công làm giảm lượng dầu chảy qua đường ống từ 30-40%, tương đương khoảng 380.000 thùng mỗi ngày. Tiếp sau đó, cùng ngày, nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục chịu áp lực khi cảng Novorossiisk ở Biển Đen của Nga phải tạm dừng hoạt động bốc hàng do bão. Đồng thời, tình hình thời tiết khắc nghiệt cũng tác động đến thị trường Mỹ, khi đợt lạnh đột ngột khiến sản lượng dầu tại tiểu bang sản xuất lớn thứ ba giảm tới 150.000 thùng mỗi ngày, theo ước tính của Cơ quan Đường ống Bắc Dakota.  Mặc dù giá dầu đang tăng mạnh, giới đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng khi chờ đợi tín hiệu từ cuộc gặp giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine tại Ả Rập Saudi. Trong bối cảnh đó, một thông tin rò rỉ cho biết các nước G7 đã soạn thảo tuyên bố đề xuất hạ mức giá trần hiện hành đối với dầu thô Nga xuống còn 60 USD/thùng, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 24/2 tới. Sản lượng dầu thô của Nga hiện đã giảm xuống còn 8,96 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16.000 thùng so với hạn ngạch đã thỏa thuận với OPEC+. Nếu đạt được thỏa thuận, Washington và các đồng minh có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nguồn cung dầu Nga. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi quyết định cuối cùng của OPEC+ về kế hoạch tăng nguồn cung dầu từ tháng 4.   Ngoài ra, chính phủ Brazil – nước xuất khẩu dầu lớn thứ 7 thế giới đã đồng ý gia nhập OPEC+, nhưng theo các chuyên gia, quốc gia này sẽ không bị ràng buộc bởi các cam kết cắt giảm sản lượng. Giá đậu tương ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp Quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ Presidents’ Day, giá đậu tương chịu sức ép ngay khi mở cửa. Sau đó, thị trường đã nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, do những lo ngại về tình hình nguồn cung tại Nam Mỹ. Khép lại phiên giao dịch, giá đậu tương tăng nhẹ 0,24% lên mức 381 USD/tấn, ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh.  Thời tiết tiếp tục là yếu tố hỗ trợ khi lo ngại về sản lượng Nam Mỹ sụt giảm vẫn tồn tại, bất chấp xu hướng thuận lợi gần đây ở hầu hết khu vực canh tác tại Argentina và Brazil. Ngày hôm qua, Tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia lĩnh vực nông sản khu vực Nam Mỹ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 của Argentina sẽ chỉ ở mức 48 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với báo cáo trước do mưa không đều và nhiệt độ cao. Trong khi đó tại Brazil, Công ty tư vấn nông nghiệp AgRural cho biết, tính đến ngày 13/2, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 2024-2025 của nước này đã đạt 23% diện tích trồng, tăng 8 điểm phần trăm so với tuần trước đó và thấp hơn so với mức 32% cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động thu hoạch đậu tương chậm trễ đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Brazil trong tháng này. Hiệp hội các Nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia (Anec) vào hôm qua đã hạ dự báo xuất khẩu tháng 2 của Brazil xuống còn 9,72 triệu tấn, giảm từ 10,10 triệu tuần trước. Đây là yếu tố đã thúc đẩy lực mua đối với đậu tương vào hôm qua.  Ở chiều ngược lại, trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết giao hàng đậu tương của nước này trong tuần kết thúc ngày 13/2 chỉ đạt 720.000 tấn, giảm mạnh so với mức 1,09 triệu tấn trong tuần trước. Sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu là yếu tố đã kìm hãm đà tăng của giá trong phiên vừa rồi.  Giá dầu đậu tương cũng tăng hơn 2,5% vào hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng ba tháng. Trong báo cáo mới nhất, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia Mỹ (NOPA) cho biết tồn kho dầu đậu tương tại Mỹ trong tháng 1 ở mức cao nhất 6 tháng, nhưng thấp hơn kỳ vọng thị trường do sản lượng ép dầu thấp và nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng mạnh.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Thị trường ngô thế giới năm 2025: Thách thức ‘mang theo’ cơ hội

Ngô Minh Ngọc   |  14/02/2025

Thị trường ngô đã kéo dài đà giảm sang hai năm liên tiếp, đặt ra nhiều thách thức lớn trong năm 2025. Những biến động về chính sách kinh tế, thương mại và thời tiết dự báo sẽ tạo nên một bức tranh khó đoán cho mặt hàng nông sản này. Liệu ngô có cơ hội bứt phá, lấy lại vị thế sau hai năm trầm lắng hay không? Đây sẽ là câu hỏi lớn với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong năm mới. Dư cung trên thị trường kéo giá ngô “tụt dốc” Nhìn lại năm 2024, thị trường ngô biến động tương đối giằng co và kết thúc năm với mức giảm nhẹ. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, giá ngô được giao dịch liên thông trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) đã lao dốc hơn 20% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 26/8, giá ngô đã lao xuống mức 361 cents/giạ (142,12 USD/tấn) - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, sau đó giá mặt hàng này lại nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, gần như xóa hết đà giảm trước đó. Diễn biến này cho thấy sự giằng co và khó đoán của thị trường khi giá chịu sự chi phối của các yếu tố cung - cầu. Diễn biến giá ngô trong vòng 3 năm Về phía nguồn cung, sản lượng ngô toàn cầu duy trì ở mức cao, đặc biệt tại các quốc gia sản xuất lớn nhất trên thế giới như Mỹ, Brazil và Argentina. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt mức 1,23 tỷ tấn, tăng 70.000 tấn so với niên vụ trước. Nguồn cung dồi dào đã góp phần đã tạo áp lực lên diễn biến giá. Trong khi đó, về phía cầu, thị trường ngô cũng chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình kinh tế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu ngô hàng đầu thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua tiếp tục đối mặt với những khó khăn do cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tình trạng đình trệ kinh tế. Điều này khiến người dân thắt chặt chi tiêu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ ngô.  Sau giai đoạn bùng nổ nhập khẩu vào cuối năm 2023, hoạt động mua ngô của Trung Quốc đã dần chậm lại và ở mức thấp vào năm ngoái. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, tổng khối lượng nhập khẩu ngô của nước này trong năm 2024 đã giảm sốc tới hơn 49% so với năm trước, tương đương mức 13,78 triệu tấn ngô. Trong đó, ngô Brazil vẫn là sự lựa chọn hàng đầu do giá thấp, tiếp theo là Mỹ và Ukraine.  Nhập khẩu ngô của Trung Quốc giai đoạn 2023 - 2024 Tuy nhiên, Mexico, khách hàng nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ và là nước nhập khẩu ngô lớn thứ ba thế giới vẫn duy trì nhu cầu ổn định. Đây là “điểm sáng” giúp hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong những tháng cuối năm, từ đó giúp giá ngô CBOT hồi phục mạnh mẽ. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định thị trường ngô năm 2024 đã trải qua nhiều biến động với sự giằng co giữa các yếu tố cung - cầu. Mặc dù nguồn cung dồi dào từ các quốc gia sản xuất lớn như Mỹ, Brazil và Argentina đã gây áp lực giảm giá, nhưng sự hồi phục mạnh mẽ của giá ngô CBOT vào cuối năm cho thấy sức hút từ nhu cầu ổn định của các thị trường nhập khẩu chính như Mexico. Trong bối cảnh hiện tại, các yếu tố cung – cầu, cùng chính sách thương mại tiếp tục sẽ là chìa khóa quyết định xu hướng giá ngô trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Bức tranh thị trường ngô thế giới năm 2025 như thế nào? Sau hai năm suy yếu, giá ngô đang đưa ra nhiều tín hiệu cho biết sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, theo dự báo của MXV, thị trường ngô sẽ tiếp tục biến động khó lường do tác động của cả yếu tố cung - cầu, chính sách thương mại của các nước và sự biến đổi thời tiết. Đặc biệt, ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và các chính sách thuế quan mới có thể tạo ra những thay đổi lớn đối với thị trường hàng hóa toàn cầu. Chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump Ngay trong tuần đầu tiên nắm quyền, chính quyền Trump đã thực thi cam kết vận động bằng cách áp thuế nhập khẩu 25% lên hàng hóa từ Canada và Mexico, đồng thời đánh thuế 10% đối với Trung Quốc – động thái được cho là nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng fentanyl và làn sóng di cư bất hợp pháp. Mặc dù, việc áp thuế đối với Mexico và Canada đã tạm lùi sang tháng 3 nhưng động thái này của Nhà Trắng vẫn sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường trong năm nay. Với Mexico, đối tác nhập khẩu hơn 15 triệu tấn ngô Mỹ hàng năm thì việc áp thuế của Trump sẽ làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định, Mexico khó lòng có thể từ bỏ nguồn cung ngô Mỹ do lợi thế địa lý và chất lượng ổn định. Việc vận chuyển ngô từ Brazil hay Argentina sang Mexico tốn gấp đôi thời gian và chi phí so với từ Mỹ. Điều này khiến các nhà máy chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Mexico khó tìm được nguồn thay thế hiệu quả. Nhập khẩu ngô của Mexico qua các niên vụ Trong khi đó, Trung Quốc, thị trường tiêu thụ ngô hàng đầu lại đang đứng trước lựa chọn khó khăn. Nếu Mỹ leo thang căng thẳng, Bắc Kinh có thể áp thuế trả đũa lên nông sản Mỹ, từ đó chuyển hướng nhu cầu sang Brazil và Argentina. Điều này vô hình trung lại làm giảm sự đa dạng hóa nguồn cung của Trung Quốc. Nếu nguồn cung từ Nam Mỹ không dồi dào như kỳ vọng, Trung Quốc sẽ buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa an ninh lương thực và đấu tranh thương mại với Mỹ. Mối đe dọa từ sự trở lại của La Nina Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết có khoảng 55% hiện tượng thời tiết La Nina sẽ quay lại vào cuối tháng 2/2025, song cũng có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 với khả năng tương tự là khoảng 55%. Thông thường trong những năm La Nina xuất hiện, vụ mùa tại Brazil và Argentina sẽ phải đối phó với rất nhiều kiểu thời tiết bất lợi như khô hạn và sương giá. Đây được xem là "quả bom hẹn giờ" đối với nguồn cung ngô toàn cầu. Điển hình trong quá khứ, giai đoạn 2020-2023, giá ngô đã tăng ba năm liên tiếp, phần lớn là do tác động của La Nina đến nguồn cung Nam Mỹ.  Sự quay trở lại của La Nina càng làm tăng rủi ro mùa vụ hơn khi trong năm nay đối với ngô vụ 2, vụ ngô chiếm 70-75% sản lượng hàng năm của Brazil, dự kiến sẽ trồng muộn do hoạt động thu hoạch đậu tương chậm trễ. Ngô gieo trồng chậm sẽ có xác suất cao hơn gặp thời tiết bất lợi vào cuối mùa. Đây có thể sẽ là yếu tố giúp ngô tăng giá trong năm 2025. Sự dịch chuyển diện tích gieo trồng năm 2025 của Mỹ  Năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến sự xáo trộn mạnh trong cơ cấu nguồn cung nông sản Mỹ, khi giá cả và chính sách thương mại trở thành yếu tố quyết định việc phân bổ đất đai giữa hai cây trồng chủ lực là ngô và đậu tương. Ngô và đậu tương là những cây trồng được sản xuất cùng  thời điểm trong năm tại Mỹ và thường cạnh tranh diện tích trồng của nhau trong mùa vụ. Trong năm 2024, cả giá ngô và đậu tương đều giảm, tuy nhiên mức giảm của đậu tương nhiều hơn nhiều so với ngô. Hiện tại, tỷ lệ corn to soybeans price ratio (tỷ lệ giá đậu tương/giá ngô) của Mỹ đang thấp hơn nhiều so với mức 2,5 tiêu chuẩn. Điều đó đồng nghĩa với việc trồng ngô đang mang lại lợi nhuận cao hơn so với đậu tương.  Tỷ lệ giá đậu tương/giá ngô Theo phân tích của S&P Global Commodity Insights, diện tích trồng ngô niên vụ 2025 tại Mỹ dự kiến tăng 3,2 triệu mẫu, đạt 93,5 triệu mẫu. Ngược lại, đậu tương tiếp tục “mất đất” khi diện tích ước tính giảm 4,3% (còn 83,3 triệu mẫu). Điều này phản ảnh kỳ vọng rằng nguồn cung ngô của Mỹ sẽ mở rộng hơn trong năm tới.  Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng đặt ra thách thức về khả năng tiêu thụ. Nếu xuất khẩu ngô từ Mỹ sang Trung Quốc và Mexico gặp trở ngại, nguồn cung dư thừa có thể khiến giá ngô CBOT giảm mạnh. Trong kịch bản hoạt động xuất khẩu của Mỹ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi chính sách của ông Trump và vụ mùa tại Nam Mỹ bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, nguồn cung từ Mỹ sẽ nhận được sự chú ý từ thị trường, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Nhu cầu từ Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố quyết định Một yếu tố khác dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá vào năm sau là nhu cầu từ Trung Quốc. Sau một năm vật lộn với khủng hoảng bất động sản và tiêu dùng nội địa ì ạch, Trung Quốc đang nỗ lực hồi sinh nền kinh tế thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng táo bạo. Nếu những biện pháp này phát huy hiệu quả, nhu cầu tiêu thụ ngô của nước này dự kiến sẽ tăng đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ cho giá ngô toàn cầu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu ngô lớn, với nhu cầu chủ yếu đến từ ngành chăn nuôi và sản xuất ethanol. Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang tập trung phục hồi sản xuất và tiêu dùng nội địa, nhu cầu ngô dự kiến sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, mức độ phục hồi còn phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách kinh tế cũng như tình hình tiêu thụ thịt và các sản phẩm chăn nuôi khác.  Nhu cầu từ Trung Quốc có thể sẽ là yếu tố then chốt quyết định hướng đi của giá ngô trong năm 2025. Tuy nhiên, diễn biến cụ thể vẫn cần được theo dõi sát sao trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động. Theo MXV, năm 2025 dự báo sẽ là một năm đầy thách thức nhưng cũng ẩn chứa nhiều cơ hội cho thị trường ngô toàn cầu. Nguồn cung lớn từ Mỹ và Nam Mỹ có thể tiếp tục gây áp lực giảm giá, đặc biệt nếu các chính sách thương mại của chính quyền Trump ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, sự quay trở lại của hiện tượng La Nina và chậm trễ mùa vụ tại Nam Mỹ có thể tạo cú hích cho giá ngô. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao diễn biến chính sách thương mại và sản lượng mùa vụ để có thể đưa ra các quyết định giao dịch chính xác. Anh Tú
Xem thêm

Chỉ số MXV-Index hồi phục, quanh ngưỡng 2.300 điểm

Ngô Minh Ngọc   |  07/02/2025

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua (6/2). Sau phiên lao dốc trước, thị trường nông sản đã hồi phục nhanh chóng khi 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Bên cạnh đó, thị trường kim loại cơ bản cũng nhận được sự hỗ trợ từ những kỳ vọng về chính sách thúc đẩy kinh tế mới của Trung Quốc. Kết phiên, chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,14% lên mức 2.316 điểm. Thị trường đậu tương diễn biến giằng co Phiên giao dịch hôm qua, thị trường nông sản thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Kết phiên, chỉ số giá nhóm này tăng 0,76%. Đáng chú ý là mặt hàng đậu tương. Ngay khi mở cửa, giá mặt hàng này đã bật tăng tuy nhiên giá dần thu hẹp trong phiên tối. Sự thận trọng bao trùm thị trường trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump liên tục thay đổi và khó đoán. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng tập trung đến doanh số bán hàng cùng thời tiết tại Nam Mỹ.   Trong hai tuần tới, dự báo thời tiết tại Nam Mỹ chưa thực lý tưởng cho dù sẽ có hai đợt mưa vào tuần sau tại các khu vực trồng trọt khô hạn từ miền trung đến bắc Argentina. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, chất lượng cây trồng vẫn đang bị ảnh hưởng do tình trạng khô hạn và nhiệt độ cao. Theo báo cáo hàng tuần của Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires, tuần qua, chất lượng đậu tương của Argentina tiếp tục giảm so với tuần trước và cùng kỳ năm trước với 17% tốt đến tuyệt vời và 32% kém đến rất kém. Đây là nguyên nhân khiến thị trường dù biến động giằng co nhưng phe mua vẫn có phần chiếm ưu thế.  Ở chiều ngược lại, trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương trong tuần kết thúc ngày 30/1 ở mức hơn 387.700 tấn, giảm 12% so với tuần trước. Sự sụt giảm các đơn hàng cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đang giảm, gây áp lực và kìm hãm đà giảm của giá trong ngày hôm qua.  Thị trường kim loại diễn biến phân hóa   Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá kim loại quý quay đầu suy yếu trong khi các mặt hàng kim loại cơ bản được hỗ trợ trong bối cảnh thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào các chính sách kích thích kinh tế mới của Trung Quốc. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc nối dài đà suy yếu sang phiên thứ hai, đánh mất 1,06% xuống còn 32,63 USD/ounce; giá bạch kim cũng quay đầu giảm 0,34%, xuống 1.022 USD/ounce.  Kết phiên giao dịch ngày hôm qua, tỷ giá Dollar Index tăng 0,1% lên 107,7 điểm. Theo các chuyên gia kinh tế và giới phân tích, sự kết hợp giữa sức mạnh của đồng bạc xanh cùng lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và hoạt động chốt lời mạnh đã gây áp lực lên giá kim loại quý trước khi Mỹ công bố báo cáo việc làm.  Thị trường kim loại quý quay đầu suy yếu trong phiên giao dịch ngày hôm qua do chịu áp lực từ việc đồng USD phục hồi và áp lực chốt lời sau chuỗi tăng liên tiếp trước đó trong bối cảnh lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Hiện thị trường đang tập trung vào báo cáo bảng lương phi nông nghiệp được sẽ được công bố vào hôm nay để có thêm thông tin chi tiết về sức mạnh tổng thể của nền kinh tế và lộ trình chính sách của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED).  Trong khi đó, trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã có phiên thứ 4 tăng liên tiếp lên 9.834 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Giá quặng sắt cũng hồi phục 1,84% lên mức 106,35 USD/tấn.  Giá kim loại cơ bản nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng tiêu thụ gia tăng khi Trung Quốc đang nỗ lực điện khí hóa nền kinh tế và cam kết đầu tư quy mô lớn cho cơ sở hạ tầng lưới điện. Cuối tháng trước, tập đoàn vận hành lưới điện quốc gia của Trung Quốc đã công bố đầu tư 650 tỷ nhân dân tệ, tương đương 88,7 tỷ USD, vào hệ thống lưới điện toàn quốc, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với các kim loại sử dụng trong ngành điện.   Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới cuộc họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 với hy vọng chính quyền Bắc Kinh sẽ tung ra thêm gói kích thích kinh tế. Kỳ vọng này đã hỗ trợ giá kim loại cơ bản trong phiên giao dịch hôm qua. Đáng chú ý, giá đồng tiếp tục khởi sắc trước dự báo nhu cầu đồng trong năm 2025 sẽ gia tăng nhờ việc chuyển đổi sang năng lượng xanh và lưới điện, trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế. Theo Ủy ban Đồng Chile (Cochilco), thị trường đồng toàn cầu năm nay ước tính thâm hụt 118.000 tấn. Thêm vào đó, mới đây, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với một số kim loại chiến lược nhằm khẳng định vị thế thống lĩnh trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Điều này tác động mạnh lên tâm lý thị trường, qua đó hỗ trợ giá đồng.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

MXV-Index tăng 4 phiên liên tiếp, neo mốc trên 2.300 điểm

Ngô Minh Ngọc   |  28/01/2025

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong phiên giao dịch hôm qua (22/1). Đóng cửa, chỉ số MXV-Index nhích nhẹ lên trên mức 2.313 điểm, nối dài chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục “nóng” khi đồng loạt bật tăng 4% nhờ nhận hỗ trợ kép từ yếu tố vĩ mô và cung - cầu. Riêng cà phê Robusta đã tăng 4 phiên liên tiếp, lên mức cao nhất trong gần hai tháng qua. Giá cà phê tăng mạnh nhờ lực kép từ yếu tố vĩ mô và cung – cầu    Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, ngoại trừ dầu cọ thô và bông, giá các mặt hàng còn lại trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đều tăng. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ kép của cả yếu tố vĩ mô và cung - cầu.  Đóng cửa, giá cà phê Arabica tăng khoảng 4,3% lên mức 341,85 cent/pound (7.536 USD/tấn). Giá cà phê Robusta cũng nối dài đà tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, tăng gần 4% lên mức 5.452 USD/tấn, mức cao nhất trong gần hai tháng gần đây.   Về yếu tố vĩ mô, tỷ giá USD/BRL suy yếu mạnh đã tác động gián tiếp lên hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil, đồng thời kéo lực mua cà phê tăng mạnh trong phiên hôm qua. Đồng Real Brazil mạnh lên khiến cho chỉ số USD/BRL đã giảm 1,34% xuống mức 5,94 điểm - mức thấp nhất trong gần hai tháng trở lại đây, đồng thời đánh dấu mức giảm theo ngày lớn nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Tỷ giá thu hẹp có thể khiến nông dân tại Brazil hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn, qua đó làm giảm lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới và góp phần hỗ trợ giá tăng mạnh trong phiên hôm qua.  Về yếu tố cung - cầu, giá cà phê tiếp tục được hưởng lợi trong bối cảnh triển vọng nguồn cung kém tích cực tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.   Cơ quan Khí tượng Somar mới đây cho biết lượng mưa tại Minas Gerais - bang sản xuất cà phê Arabica lớn nhất tại Brazil, đạt 29,6 mm vào tuần trước, tương đương 53% so với lượng mưa trung bình trong lịch sử. Thiếu mưa làm gia tăng lo ngại về tình hình mùa vụ và sản lượng cà phê tại quốc gia này.  Trước đó, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) cũng hạ dự báo tổng sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2024 của Brazil xuống 54,22 triệu bao loại 60 kg. Con số này tương đương mức giảm 1,05% so với báo cáo trước và thấp hơn 1,6% so với năm 2023. Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy yếu này đến từ những lo ngại về thời tiết tại các vùng sản xuất chính.  Trong đó, sản lượng cà phê Arabica đạt 39,6 triệu bao loại 60 kg, tăng nhẹ so với mức 39,59 triệu bao trong báo cáo tháng 9/2024 và cao hơn 1,8% so với năm trước. Sản lượng cà phê Robusta đạt 14,62 triệu bao, cao hơn 4% so với báo cáo trước nhưng giảm gần 10% so với năm 2023.  Giá dầu thô trượt nhẹ, giá khí đốt tăng vọt Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá năng lượng. Đi ngược với xu hướng của thị trường, giá các mặt hàng dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp tuy thu hẹp đà suy yếu. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác sẽ khiến nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm. Kết phiên, giá dầu Brent giảm nhẹ 0,37% còn 79 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI cũng đánh mất 0,51%, xuống 75,4 USD/thùng. Ngược lại, khí tự nhiên bất ngờ tăng mạnh 5,43% lên mức 4 USD/MMBtu.  Giá dầu kéo dài đà suy yếu trong ngày hôm qua khi thị trường lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế toàn cầu, từ đây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu nói chung. Chính quyền Tổng thống Mỹ mới đang cân nhắc áp mức thuế nhập khẩu 10% lên các hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/2, cùng ngày với thời điểm ông Trump dự định công bố đánh thuế 25% đối với hàng hóa của Mexico và Canada. Với vai trò là thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên thị trường dầu toàn cầu. Nguy cơ Mỹ làm trầm trọng mâu thuẫn thương mại giữa hai nước đã gia tăng áp lực bán tháo trong phiên ngày hôm qua. Bên cạnh đó, trong bối cảnh châu Âu gặp khó khăn trong việc đưa ra tiếng nói chung trước mối đe dọa áp thuế từ Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cố gắng tìm đến giải pháp chung trong một cuộc họp tại Paris (Pháp). Thêm vào đó, lo sợ về việc Mỹ thắt chặt lệnh trừng phạt, Iran đã gửi thông điệp hòa giải tới các nhà lãnh đạo phương Tây tại Davos (Thụy Sĩ) vào thứ Tư (22/1), khi một quan chức cấp cao của Iran phủ nhận việc nước này muốn sở hữu vũ khí hạt nhân và đề xuất các cuộc đàm phán về cơ hội hợp tác. Động thái xoa dịu này đã giảm bớt lo ngại về gián đoạn dòng chảy dầu, từ đó gia tăng áp lực lên giá. Ở chiều ngược lại, trong phát biểu hôm 20/1, ông Trump cho hay Mỹ nhiều khả năng sẽ ngưng mua dầu từ Venezuela, từ đó có thể khiến nguồn cung đến các cơ sở lọc dầu Mỹ bị thiếu hụt, và ghìm lại bớt đà suy yếu của giá trong phiên giao dịch. 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ đã đạt khoảng 200.000 thùng/ngày, cao hơn mức trung bình 100.000 thùng/ngày trong năm 2023. Ngoài ra, các nhà phân tích dự đoán kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 1,6 triệu thùng trong tuần tuần kết thúc ngày 17/2. Điều này làm gia tăng kỳ vọng về tiêu thụ tích cực tại Mỹ, góp phần giảm bớt áp lực giảm giá dầu. Cả hai báo cáo tồn kho tuần của Viện Dầu khí Mỹ (API) và Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đều hoãn một ngày công bố do kỳ nghỉ lễ Martin Luther King Jr. Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên bật tăng do nhu cầu sưởi ấm tăng mạnh trong bối cảnh khu vực Bờ Vịnh của Mỹ đang đối mặt với cơn bão mùa đông lịch sử, khiến các thành phố của bang Florida chìm trong tuyết. Tuyết dày tới 9 inch, tương đương gần 23 cm phá vỡ kỷ lục từ trước đến nay. Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia còn cảnh báo rằng các tác động của bão sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) 
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook