Thị trường hàng hóa

Giá kim loại quý sẽ còn tăng vào cuối năm

Ngô Minh Ngọc   |  20/07/2024

Kết thúc chuỗi đi ngang, thị trường kim loại quý dần sôi động trở lại kể từ đầu tháng 3 năm nay và bứt phá mạnh mẽ vào cuối tháng 5. Giá bạc liên tục tăng cao và leo lên mức đỉnh cao nhất 11 năm, giá bạch kim cũng tăng chạm mức cao nhất một năm. Tuy nhiên, sang tháng 6, giá kim loại quý lại đảo chiều giảm trở lại. Vậy đây chỉ là nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn hay xu hướng tăng giá đã chấm dứt? Giá kim loại quý bước vào chu kỳ tăng giá mới  Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau hai tháng đầu năm diễn biến trầm lắng, giá bạc và giá bạch kim dần lấy lại đà tăng kể từ đầu tháng 3. Cho đến cuối tháng 5, giá bạc đã tăng gần 40% so với đầu năm nay và vượt qua mốc 32 USD/ounce, vững vàng neo đỉnh 11 năm. Giá bạch kim cũng tăng 15% lên mức cao nhất một năm. Đáng chú ý, nhờ đà bứt phá này, giá bạc và giá bạch kim đã thoát khỏi giai đoạn tích lũy kéo dài và chính thức bước vào xu hướng tăng giá mới. Diễn biến giá bạc và giá bạch kim từ đầu năm 2023 đến nay MXV cho biết bạc và bạch kim đều là những kim loại nhạy cảm với yếu tố vĩ mô và thường có xu hướng tăng giá khi lãi suất giảm. Do đó, giá hai mặt hàng đã được hưởng lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi những thông điệp “ôn hòa”, thuận chiều với kịch bản hạ lãi suất. Quay lại cuộc họp chính sách hồi tháng 3, FED đã giữ nguyên dự báo sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời cho biết FED không cần phải đợi cho tới khi lạm phát giảm về đúng mục tiêu 2% mới bắt đầu hạ lãi suất. Bên cạnh đó, nhóm kim loại quý còn được biết đến như một loại tài sản trú ẩn mỗi khi nền kinh tế có biến động. Do vậy, nhóm này đã phát huy tốt vai trò là kênh đầu tư an toàn khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng. Vào hồi tháng 4, đợt tập kích quy mô lớn của Iran vào Israel đã đánh dấu sự leo thang đáng kể trong quan hệ giữa hai nước này, đồng thời đẩy khu vực Trung Đông tới ngưỡng cửa một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Cùng với đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.  Tuy nhiên, bước sang tháng 6, giá bạc và giá bạch kim lại đảo chiều suy yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ở vùng giá cao. Hơn nữa, sự thay đổi quan điểm từ “ôn hòa” sang “cứng rắn” của các quan chức FED đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, kéo dòng tiền rời khỏi thị trường. Xung đột địa chính trị hạ nhiệt so với thời điểm hồi tháng 4, càng làm hạn chế nhu cầu đầu tư vào kim loại quý. Đáng chú ý hơn, nhịp điều chỉnh giảm này đồng thời cũng đưa nhóm kim loại quý đứng trước ngã rẽ quan trọng. Liệu đà tăng giá của nhóm này đã kết thúc hay đây chỉ là bước đệm chuẩn bị cho chu kỳ tăng giá dài hạn hơn? FED sẵn sàng hạ lãi suất, giá kim loại quý còn nhiều dư địa tăng  Đánh giá về triển vọng giá trong thời gian tới, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV cho rằng: “Nhịp điều chỉnh giảm của giá bạc và giá bạch kim là tất yếu khi thị trường dần dần ổn định sau một đợt tăng nóng. Xét về trung và dài hạn, giá kim loại này vẫn còn nhiều dư địa tăng khi FED được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất vào cuối năm nay, dự kiến sớm nhất là vào tháng 9. Ngoài ra, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xung đột địa chính trị leo thang, giá kim loại quý đều sẽ được hưởng lợi”. Đi sâu hơn vào bối cảnh vĩ mô hiện tại, trong khi lạm phát tiếp tục xuống thang, nền kinh tế Mỹ lại bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là sự giảm nhiệt trên thị trường lao động, đòi hỏi FED cần sớm hạ lãi suất. Lạm phát lõi và tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ  Trong báo cáo công bố mới đây của Bộ Lao động Mỹ, nước này chỉ có thêm 206.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 6, thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp tuy vẫn ở mức thấp so với lịch sử, nhưng đã tăng 3 tháng liên tiếp và đạt mức 4,1% trong tháng 6. Con số này chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức trung vị mà các quan chức FED coi là trạng thái việc làm toàn dụng phù hợp với mức lạm phát 2%. Ngoài ra, 4,1% cũng là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của Mỹ trong gần ba năm trở lại đây. Không chỉ suy yếu trên thị trường lao động, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nước này cũng có dấu hiệu thu hẹp trở lại, chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất thậm chí đã giảm xuống mức thấp nhất 4 năm. Các số liệu thống kê khác cho thấy hoạt động tiêu dùng, lĩnh vực chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ, cũng sụt giảm trong vài tháng trở lại đây khi người dân Mỹ siết chặt chi tiêu. Khảo sát từ Đại học Michigan chỉ ra tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng.  Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ  Trước những tín hiệu kinh tế ảm đạm, thị trường kỳ vọng FED sẽ sớm hành động để tránh phạm phải sai lầm nếu giữ lãi suất cao trong thời gian quá dài. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy thị trường đang đặt cược 100% khả năng FED hạ lãi suất vào tháng 9, một sự thay đổi đáng kể so với tỷ lệ chỉ hơn 60% trong đầu tháng 7. Như vậy, việc FED chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ là cơ hội tốt cho giá kim loại quý quay trở lại xu hướng tăng từ giữa quý III và sớm chinh phục lại mức đỉnh hồi cuối tháng 5.  “Trong kịch bản kém lạc quan hơn, FED có thể chưa cắt lãi suất trong tháng 9 nhưng việc FED xoay trục chính sách trong năm nay là điều gần như chắc chắn, như FED đã thừa nhận trong tuyên bố cuộc họp tháng 6. Ở kịch bản này, dù muộn hơn và “con đường gập ghềnh” hơn, nhưng giá kim loại quý dự kiến vẫn sẽ tăng vào cuối năm”, ông Quang nhận định. Khánh Hòa
Xem thêm

Giá cà phê Robusta thiết lập đỉnh lịch sử mới

Ngô Minh Ngọc   |  12/07/2024

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/7, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá. Trong đó, đà tăng mạnh của các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đã dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường. Chỉ số MXV-Index phục hồi 0,67% lên 2.269 điểm. Giá cà phê Robusta tăng phiên thứ 4 liên tiếp Khép lại phiên giao dịch ngày 9/7, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng 6,63% lên 5.510,45 USD/tấn, chạm mức cao nhất trong 2 năm. Giá cà phê Robusta bật tăng 6,58% lên 4.634 USD/tấn, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp, vượt mức đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 4. Sự suy yếu của tỷ giá USD/BRL, kết hợp cùng tồn kho cà phê đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm phiên thứ hai đã giúp giá Arabica giữ vững đà tăng.  Đồng Real nội tệ của Brazil mạnh lên kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm mạnh gần 1% trong phiên hôm qua. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này góp phần giúp lực mua chiếm ưu thế trên thị trường.    Bên cạnh đó, kết phiên 8/7, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục đánh mất thêm 2.710 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đã qua chứng nhận tại đây còn 808.649 bao.   Đối với cà phê Robusta, lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường. Nguồn cung trong nước eo hẹp đã kéo theo xuất khẩu đi xuống. Theo Tổng cục Hải quan, lượng cà phê xuất đi trong tháng 6 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023, về còn 70.202 tấn. Đây cũng được ghi nhận là tháng sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, nước ta mới chỉ xuất đi 893.820 tấn cà phê, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.    Giới thương nhân cho rằng, tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mới bắt đầu thu hoạch.    Cùng chung diễn biến giá, giá ca cao tăng mạnh 5,78% khi nguồn cung hiện tại trên thị trường vẫn còn eo hẹp. Tính từ đầu vụ 2023-2024 đến ngày 7/7, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,61 triệu tấn, giảm mạnh 29% so với cùng kỳ vụ trước. Hãng tư vấn Trader Ecom Agroindustrial đã hạ dự báo sản lượng ca cao 2023-2024 của nước này xuống mức thấp nhất trong 8 năm là 1,75 triệu tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ vụ trước.  Giá dầu nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp  Chốt phiên hôm qua, giá dầu thế giới suy yếu phiên thứ 3 liên tiếp, do rủi ro nguồn cung đến từ Mỹ giảm bớt. Chốt ngày, giá dầu WTI giảm 1,12% xuống mức 81,41 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,27% về 84,66 USD/thùng.  Các nhà giao dịch cho biết rằng sự gián đoạn nguồn cung dưới ảnh hưởng từ cơn bão Beryl là hạn chế. Mặc dù một số địa điểm sản xuất ngoài khơi của Mỹ đã được sơ tán, các cảng đóng cửa và hoạt động lọc dầu giảm tốc, thì các nhà máy lọc dầu lớn dọc theo Bờ Vịnh của Mỹ dường như không chịu quá nhiều tác động sau khi cơn bão Beryl suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Các cảng vận chuyển dầu lớn của Texas đã được thiết lập để mở cửa trở lại vào thứ ba sau khi buộc phải đóng của trước đó. Một số nhà điều hành như Marathon Petroleum cho biết họ cũng đang chuẩn bị khởi động lại các nhà máy lọc dầu của mình.  Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có phản ứng trái chiều với những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell sau phiên điều trần của Quốc hội hôm thứ ba. Ông Powell nhận xét rằng nền kinh tế không còn quá nóng và thị trường việc làm cũng hạ nhiệt. Mặc dù cho thấy khả năng sắp cắt giảm lãi suất, giá dầu đã giảm sâu hơn sau những nhận xét vì nền kinh tế suy yếu có thể sẽ là yếu tố cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu thô.  Có cùng quan điểm, trong Báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm nay xuống 2,4%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với ước tính trước đó.  Tuy nhiên, đà giảm trên thị trường đã được thu hẹp cuối phiên giao dịch khi mặc dù hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, EIA cho biết thị trường vẫn ở trạng thái thâm hụt đáng kể trong 2024 với mức thâm hụt cả năm đạt trung bình 500.000 thùng/ngày, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó. Cụ thể, sản lượng dầu toàn cầu năm 2024 được EIA điều chỉnh giảm về mức 102,4 triệu thùng/ngày, từ mức 102,6 triệu thùng/ngày, trong khi tăng trưởng nguồn cung được giữ nguyên ở mức 1,1 triệu thùng/ngày.  Cùng với đó, trong rạng sáng nay, Viện Dầu khí (API) Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm gần 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/7, so với dự báo giảm 0,7 triệu thùng của thị trường. Áp lực tồn kho qua đó đã kéo giá dầu hồi phục trở lại.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Thị trường hàng hóa thế giới trầm lắng trong ngày nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ

Ngô Minh Ngọc   |  06/07/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu diễn biến khá trầm lắng trong ngày hôm qua (4/7) khi nhiều mặt hàng đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Phần lớn các mặt hàng còn lại biến động giằng co tuy nhiên lực mua chiếm ưu thế hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,02% lên 2.293 điểm. Giá dầu tăng do yếu tố nguồn cung và vĩ mô Tính đến 1 giờ 30 phút sáng 5/7, giá dầu WTI tăng 0,84% lên mức 84,06 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,1% lên 87,43 USD/thùng. Do thị trường đóng cửa sớm trong ngày Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh, giá đóng cửa sẽ được tính toán vào sáng ngày mai (6/7). MXV cho biết, đà tăng này được thúc đẩy bởi rủi ro nguồn cung tăng cao bên cạnh yếu tố vĩ mô. Thêm vào đó, các căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng tiếp tục tạo ra sự chi phối trên thị trường. Cụ thể, theo phát ngôn từ Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Alberta, Todd Loewen cho biết hoạt động khai thác 215.000 thùng/ngày tại dự án cát dầu Firebag của Suncor Energy sẽ bị đóng cửa để đề phòng cháy rừng. Ông cũng cho biết thêm, hiện đang có hơn 60 đám cháy đang bùng phát khắp Alberta, bang sản xuất dầu lớn nhất Canada với hơn 5 triệu thùng/ngày. Các quan chức cũng đã đánh giá nguy cơ hỏa hoạn ở phía bắc của tỉnh là rất cao đến cực đoan. Trong năm ngoái, nguy cơ cháy rừng đã khiến hoạt động sản xuất gần 1 triệu thùng/ngày tại khu vực này phải tạm dừng.  Áp lực nguồn cung cũng được gia tăng khi theo nhà sản xuất dầu lớn đến từ Nga, Rosneft cho biết, họ sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu khoảng 220.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với mức trung bình tháng 6 khi các nhà máy lọc dầu trong nước nối lại hoạt động sau giai đoạn bảo trì.  Bên cạnh đó, trong một tuyên bố mới được đưa ra, Chính phủ Trung Quốc đã đã yêu cầu các công ty dầu khí nhà nước bổ sung 8 triệu tấn, tương đương gần 60 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ khẩn cấp của nước này để tăng cường an ninh nguồn cung. Động thái trên là một tín hiệu mang tính hỗ trợ đối với giá khi mục tiêu nâng cao kho dự trữ sẽ buộc các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc tăng cường nhập khẩu.   Đối với yếu tố vĩ mô, nền kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chịu áp lực sau khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) phi sản xuất tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi chỉ đạt 48,8 điểm. Điều này thúc đẩy niềm tin trên thị trường vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh việc hạ lãi suất. Dấu hiệu áp lực đối với nền kinh tế Mỹ đã thúc đẩy thị trường nâng dự báo Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9 lên 74% từ 65%.  Ở một diễn biến khác, Hezbollah, Lebanon đã phát động một cuộc tấn công lớn hướng vào Israel và đưa ra đe dọa sẽ tấn công các mục tiêu mới để trả đũa việc một chỉ huy hàng đầu nước này hi sinh. Rủi ro địa chính trị qua đó cũng thúc đẩy đà tăng đối với giá khi căng thẳng biên giới giữa hai bên được đẩy lên cao làm dấy lên lo ngại một cuộc xung đột toàn diện, kéo theo sự tham gia tại các quốc gia tại khu vực.  Giá cà phê tăng mạnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung  Trong khi cà phê Arabica đóng cửa nghỉ giao dịch ngày hôm qua, cà phê Robusta tăng vọt 2,34% lên 4.153 USD/tấn, dẫn dắt đà tăng của thị trường. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân chính tác động mạnh mẽ đến diễn biến trên.   Cụ thể tại Việt Nam, nguồn cung trong nước eo hẹp đã kéo theo xuất khẩu đi xuống. Tổng cục Thống kê ước tính, trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất đi 85.000 tấn cà phê, bằng 60% lượng cà phê xuất khẩu cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta xuất đi khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.  Bên cạnh đó, các thương nhân cũng ước tính, tổng lượng cà phê xuất khẩu vụ 2024-2025 của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm 20% so với vụ trước. Trong khi 9 tháng đầu vụ, nước ta đã xuất đi 1,25 triệu tấn cà phê. Điều này cho thấy lượng cà phê phục vụ trong những tháng tới còn ở mức thấp và sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá.   Chính phủ Indonesia cho biết, trong tháng 5, quốc gia này xuất đi 6.265,48 tấn cà phê, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung sụt giảm do ảnh hưởng từ El Nino kéo theo xuất khẩu giảm sâu.   Ngoài ra, đồng Real của Brazil tiếp tục mạnh lên trong khi chỉ số Dollar Index suy yếu, kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm mạnh 1,22%. Như vậy, đồng Real giảm bớt sự mất giá tương đối so với đồng USD, hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này góp phần giúp lực mua chiếm ưu thế đối với cà phê Robusta trong phiên hôm qua.  Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 5/7, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng nhẹ, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 121.000 – 122.300 đồng/kg. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đồng loạt lao dốc

Ngô Minh Ngọc   |  28/06/2024

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), phiên giao dịch ngày 25/6 đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của giá hàng hoá nguyên liệu toàn cầu. Lực bán chiếm ưu thế ở cả 4 nhóm mặt hàng nông sản, nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng. Điều này đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,1% về mức 2.258 điểm, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Giá đậu tương lao dốc trước triển vọng nguồn cung từ Argentina Kết phiên giao dịch 25/6, giá đậu tương lao dốc 1,68% về mức 408,41 USD/tấn. Trong bối cảnh triển vọng nguồn cung từ Argentina đang tương đối khả quan, phe bán đã chiếm ưu thế áp đảo ngay từ đầu phiên. Đà giảm của giá chỉ phần nào được thu hẹp bởi sự xấu đi của tình hình mùa vụ tại Mỹ trong tuần trước.  Tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cho biết rằng cường độ La Nina vào cuối năm nay được dự báo sẽ ôn hòa hơn trong những tháng tới, giúp nước này có thể nhận được lượng mưa nhiều hơn so với thông thường. Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp Argentina, bởi nước này thường xuyên phải đối mặt với khí hậu khô nóng trong thời kỳ La Nina hoạt động. Vào năm 2022, Argentina đã hứng chịu đợt hạn hán lịch sử do ảnh hưởng của La Nina. Cuối năm là giai đoạn đậu tương ở Argentina được gieo trồng và bước vào quá trình phát triển ban đầu, do đó lượng mưa nhiều hơn sẽ nâng cao triển vọng sản lượng hạt có dầu của nước này. Đây là yếu tố đã gây áp lực lớn lên giá đậu tương trong hôm qua.  Theo dữ liệu từ báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress), tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/06 đạt 67%, giảm 3 điểm phần trăm so với một tuần trước đó và thấp hơn mức 68% kỳ vọng của thị trường. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm chất lượng là do cây trồng đã phải trải qua điều kiện nắng nóng gay gắt trong tuần vừa rồi, trước khi mưa lũ xuất hiện vào cuối tuần khiến nhiều diện tích đậu tương bị ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mưa lũ có thể là tín hiệu tích cực, bởi cây trồng sẽ nhận được lượng nước cần thiết cho quá trình phát triển sau thời gian dài đối mặt với nắng nóng cực đoan. Do đó, báo cáo Crop Progress hôm qua chỉ phần nào hỗ trợ thu hẹp đà giảm của giá đậu tương.  Sắc đỏ cũng bao trùm trên bảng giá hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu. Trước áp lực từ đà suy yếu của giá đậu tương, giá khô đậu ghi nhận mức giảm 1,73% sau khi đóng cửa phiên hôm qua. Bên cạnh đó, giá dầu đậu tương giảm 2,08% do áp lực từ triển vọng mùa vụ ở Argentina, nước xuất khẩu dầu đậu lớn nhất thế giới.  Trái lại với xu hướng giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày hôm qua (25/6), giá chào khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta có xu hướng tăng nhẹ. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán khô đậu tương kỳ hạn tháng 8 và 9 năm nay dao động quanh mức 12.150 – 12.200 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn, dao động quanh mức 12.000 – 12.050 đồng/kg. Phát biểu “diều hâu” của FED gây sức ép lên nhóm kim loại Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá kim loại trong phiên hôm qua với 7 trong số 9 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Áp lực vĩ mô gia tăng sau loạt phát biểu mang tính “diều hâu” của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã gây sức ép lên toàn thị trường kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của cả nhóm khi giảm 2,23% xuống 28,87 USD/ounce, mức thấp nhất hơn một tháng. Giá bạch kim cũng giảm 1,46%, đóng cửa tại mức 999 USD/ounce.   Trong bài phát biểu hôm qua, Thống đốc FED Michelle Bowman cho rằng FED cần giữ lãi suất chính sách ổn định trong một thời gian để kiểm soát lạm phát. Bà cũng nhấn mạnh rằng FED sẵn sàng tăng chi phí đi vay nếu cần thiết. Đồng tình với quan điểm này, trước đó vào thứ Hai, Chủ tịch FED bang San Francisco Mary Daly cũng cho biết bà không ủng hộ việc cắt giảm lãi suất, ít nhất là cho đến khi các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng lạm phát giảm bền vững về 2%.  Loạt phát biểu cứng rắn này của các quan chức đã gián tiếp làm gia tăng lo ngại FED chưa vội hạ lãi suất, kéo đồng USD tăng trong phiên hôm qua. Chỉ số Dollar Index phục hồi 0,13% lên 105,61 điểm. Chi phí đi vay tăng cao kết hợp với rủi ro lãi suất đã đẩy giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm.   Đối với kim loại cơ bản, đồng USD tăng giá cũng là yếu tố gây sức ép lên giá các mặt hàng này. Trong đó, giá đồng COMEX giảm 1,34% xuống 9.650,72 USD/tấn, mức thấp nhất hơn hai tháng.   Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trì trệ vẫn đang là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá đồng. Tồn kho đồng trên Sở Giao dịch Kim loại London (LME) hiện đã vượt 172.000 tấn, mức cao nhất 6 tháng và tăng 67% so với giữa tháng 5. Tại Trung Quốc, tồn kho tại Sở Giao dịch Thượng Hải vẫn duy trì ở vùng cao nhất hai năm.   Theo dự báo của các chuyên gia, sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể tiếp tục cản trở tiêu thụ đồng và các kim loại công nghiệp khác. Giá đồng dự kiến sẽ biến động trong khoảng 9.500 – 9.900 USD/tấn cho đến khi có dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc.  Cùng chung diễn biến giá, giá niken LME cũng giảm gần 1% xuống 17.167 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4, do tình trạng dư thừa nguồn cung.Theo dữ liệu từ Sở LME, tồn kho niken tại đây đang ở mức 92.000 tấn, tăng 40% so với đầu năm nay. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Bản tin TCKD ngày 20/06/2024: Hỗ trợ kép từ vĩ mô và cung cầu thúc đẩy giá kim loại

Ngô Minh Ngọc   |  22/06/2024

Ngày hôm qua (19/6), các Sở Giao dịch Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Theo đó, nhóm nông sản và phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp ngừng giao dịch, trong khi thị trường năng lượng và kim loại đóng cửa sớm phiên ngày 19/6. Lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,25% lên 2.303 điểm.  Mặc dù đóng cửa sớm trong hôm qua, nhưng thị trường kim loại vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong nước và quốc tế khi các mặt hàng chủ chốt biến động mạnh. Tính tới 1h30 sáng nay, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng gần 1% lên 29,82 USD/ounce, sau khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế yếu kém. Các mặt hàng kim loại cơ bản cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh nhờ hỗ trợ từ yếu tố cung cầu. Giá đồng tăng khoảng 0,2% lên 9.921,9 USD/tấn. Giá quặng sắt cũng tăng hai phiên liên tiếp, đóng cửa tăng 0,79% lên 107,11 USD/tấn. MXV cho biết, lo ngại rủi ro thiếu hụt nguồn cung đã giúp giá đồng tiếp tục phục hồi từ mức đáy 2 tháng. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, vào năm 2025, sản lượng đồng tại một trong những mỏ khai thác lớn nhất tại Chile có thể giảm khoảng 30% so với mức trung bình lịch sử. Nếu sản lượng tiếp tục sụt giảm tại mỏ này, thị trường đồng có thể phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt lớn hơn. Ở một diễn biến khác, giá quặng sắt đang được hưởng lợi nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện sau khi Trung Quốc công bố các gói hỗ trợ mới cho lĩnh vực bất động sản, bất chấp nhu cầu thực tế vẫn còn yếu. Tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn của nước này đã tăng khoảng 27% so với đầu năm nay,  vượt mức 147 triệu tấn. Đây là cũng là mức cao nhất được ghi nhận trong hơn 2 năm qua. Trên thị trường nội địa, sau 1 tháng đi ngang, vào hôm qua 19/6, một số doanh nghiệp thép trong nước đã thông báo điều chỉnh giảm giá thép, do tiêu thụ còn yếu. Sau điều chỉnh, hiện giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc đang neo ở mức 13,94 triệu đồng/tấn, giảm từ mức giá 14,09 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 14,44 triệu đồng/tấn. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Chỉ số MXV-Index dứt chuỗi giằng co

Ngô Minh Ngọc   |  14/06/2024

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua 12/6. Nhiều mặt hàng tăng mạnh hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng gần 1% lên 2.315 điểm, chấm dứt chuỗi giằng co, đồng thời đạt mức cao nhất trong 1 tuần. Thị trường kim loại biến động mạnh trong ngày họp FED Kết thúc ngày giao dịch 12/6, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá. Đối với kim loại quý, cả giá bạc và giá bạch kim đều trải qua phiên biến động mạnh khi thị trường đón nhận hai dữ kiện kinh tế quan trọng, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ và quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chốt ngày, giá bạc tăng 3,54% lên 30,26 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,26% lên 971 USD/ounce.  Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 5, chỉ số CPI lõi của Mỹ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với tháng trước, cả hai con số này đều thấp hơn so với dự báo và giảm nhẹ so với tháng 4. Điều này cho thấy lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, đồng thời gây áp lực lên đồng Dollar Mỹ. Sau báo cáo, đồng USD lao dốc mạnh với chỉ số Dollar Index giảm từ 105,08 điểm xuống còn 104,2 điểm. Giá bạc và giá bạch kim cũng đồng loạt tăng vọt sau đó.  Tuy nhiên, cuối phiên tối, động thái cứng rắn từ FED đã gây áp lực lên nhóm kim loại quý, kéo giá bạch kim thu hẹp mức tăng xuống chỉ còn khoảng 1% và giá bạc tăng 3,5%. Cụ thể, theo kết quả cuộc họp lãi suất tháng 6, FED đã ấn định một lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, ít hơn so với dự báo trong cuộc họp hồi tháng 3 là ba lần cắt giảm. Đối với kim loại cơ bản, nhờ sự suy yếu của đồng USD sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến, các mặt hàng kim loại công nghiệp cũng được hỗ trợ đáng kể. Chốt ngày, giá đồng COMEX phục hồi 1,26%.   Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung đồng thiếu hụt cũng giúp củng cố lực mua đồng trong phiên. Theo dữ liệu từ Ủy ban đồng Chile Cochilco, sản lượng đồng của Codelco, nhà cung cấp đồng lớn nhất thế giới, chỉ đạt 86.700 tấn trong tháng 4, mức thấp nhất trong gần 18 năm. Trước đó, dữ liệu từ Cochilco cũng cho thấy sản lượng đồng Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, với khoảng 405.600 tấn trong tháng 4.  Tương tự, rủi ro nguồn cung gián đoạn cũng giúp giá niken LME phục hồi sau 3 phiên giảm liên tiếp, kết phiên với mức tăng 1,36% lên 18.061 USD/tấn.   Theo Reuters, tình trạng bất ổn xã hội vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc tại New Caledonia của Pháp, quốc gia chiếm 6% nguồn cung niken toàn cầu. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp sản xuất niken tại đây và khiến hoạt động sản xuất niken bị đình trệ. Lo ngại về nguồn cung hỗ trợ giá ngô Thị trường nông sản tiếp tục diễn biến trái chiều. Giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 7 quay đầu tăng 1% vào hôm qua, xóa đi hoàn hoàn toàn mức giảm trong phiên trước đó. Mặc dù báo cáo Cung cầu Nông sản Thế giới WASDE tháng 6 được công bố vào đêm hôm qua, tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không thực hiện các thay đổi đáng kể.    Trong một năm mà vụ mùa phát triển tương đối thuận lợi và mới chỉ ở giai đoạn đầu như năm nay, việc USDA không thực hiện sự thay đổi nào liên quan đến nguồn cung tại Mỹ là điều hoàn toàn có thể dự đoán được. Tuy nhiên, đối với ngô niên vụ 2023 - 2024 ở Argentina và Brazil, 2 trong số 3 nhà xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, sự thay đổi số liệu so với tháng trước cũng không xảy ra. Việc vụ mùa tại Argentina bị tàn phá bởi côn trùng gây hại rõ ràng đã ảnh hưởng đáng kể tới năng suất cây trồng và thiệt hại được dự đoán sẽ phản ánh vào báo cáo Cung – cầu tháng sau.   Một yếu tố cũng khiến giá ngô nhận được lực mua vào hôm qua là lo ngại tình hình nguồn cung từ Argentina. Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine (UGA) dự báo, sản lượng ngô niên vụ 2024 - 2025 của nước này sẽ chỉ đạt 25,5 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 29,6 triệu tấn của niên vụ trước, do thời tiết nắng nóng gay gắt trong giai đoạn tháng 4. Do sản lượng sụt giảm, Ukraine dự kiến sẽ chỉ xuất khẩu được 20,5 triệu tấn ngô trong niên vụ 2024 - 2025, so với mức 26 triệu tấn của niên vụ trước. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook