Thị trường hàng hóa

Thị trường năng lượng và nông sản phủ sắc xanh

Ngô Minh Ngọc   |  30/08/2024

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường năng lượng và nông sản rực rỡ sắc xanh trong phiên giao dịch hôm qua (29/8). Giá dầu bật tăng trong bối cảnh nguồn cung tại Libya bị gián đoạn kéo dài trong khi Iraq chuẩn bị cho kế hoạch cắt giảm sản lượng vào tháng 9. Bên cạnh đó, lực mua cũng chiếm áp đảo trên thị trường nông sản ngay khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố kết quả xuất khẩu khả quan. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng 0,71% lên 2.151 điểm. Giá dầu bật tăng trước lo ngại nguồn cung bị thắt chặt  Theo MXV, giá dầu quay đầu đi lên trong phiên giao dịch hôm qua khi nguồn cung dầu tại Libya tiếp tục bị gián đoán và kế hoạch giảm sản lượng ở Iraq làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt hơn nữa trên thị trường toàn cầu. Kết phiên, giá dầu thô Brent tăng 1,29 USD, tương đương 1,6%, lên mức 79,94 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng gần 1,9%, lên 75,91 USD/thùng.  Gián đoạn nguồn cung dầu ở Libya đã kéo dài sang ngày thứ 5, khiến sản lượng dầu của nước này sụt giảm hơn một nửa, trong khi hoạt động xuất khẩu đã bị tạm ngưng. Theo tính toán của Reuters, hoạt động khai thác khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày trên tổng số hơn 1 triệu thùng/ngày công suất của nước này đang chịu ảnh hưởng. Rủi ro nguồn cung từ Libya qua đó thúc đẩy đà tăng đối với giá trong bối cảnh thị trường vốn đã thắt chặt dưới tác động đến từ chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).  Thêm vào đó, Iraq có kế hoạch giảm sản lượng dầu vào tháng 9 như một phần của kế hoạch bù đắp cho việc sản xuất vượt quá hạn ngạch 4 triệu thùng/ngày đã thỏa thuận với OPEC+. Theo Reuters, Iraq - quốc gia đã sản xuất 4,25 triệu thùng/ngày trong tháng 7 sẽ giảm sản lượng xuống còn từ 3,85 triệu đến 3,9 triệu thùng/ngày vào tháng tới.  Kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 8 cũng là động lực thúc đẩy đà tăng trên thị trường. Cụ thể, theo dữ liệu do LSEG Oil Research tổng hợp, tổng nhập khẩu trong tháng 8 dự kiến là 26,74 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 24,56 triệu thùng/ngày của tháng 7. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mức tăng 2,18 triệu thùng/ngày so với tháng trước được thiết lập sau khi nhập khẩu của Châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm trong tháng 7.  Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng tới cũng hỗ trợ đà tăng đối với giá dầu. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic trong một phát biểu mới nhất đã đề cập đến việc cắt giảm lãi suất, với quan điểm lạm phát đã phần nào được kiểm soát và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hơn dự đoán.  Giá đậu tương tăng vọt sau báo cáo xuất khẩu của Mỹ Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, 6 trên 7 mặt hàng nhóm nông sản đồng loạt tăng giá. Trong đó, ba mặt hàng đậu tương đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của nhóm hàng. Sau phiên suy yếu trước, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 tăng trở lại với mức 1,59%. Lực mua chiếm ưu thế gần như áp đảo trong phần lớn thời gian giao dịch. Tâm điểm chú ý của thị trường là kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ trong tuần vừa rồi.  Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương niên vụ 2024-2025 của nước này trong tuần kết thúc ngày 22/8 đạt tổng cộng 2,61 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 1,67 triệu tấn một tuần trước đó và vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường là 1,5 - 2,5 triệu tấn. Trong đó, 870.000 tấn đậu tương được bán cho Trung Quốc và 845.600 tấn được bán cho các nước giấu tên. Điều đó cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đã tăng nóng trở lại và đã tác động “bullish” mạnh lên giá mặt hàng này.  Ở chiều ngược lại, triển vọng thời tiết thuận lợi hơn ở Mỹ đã giới hạn đà tăng của giá đậu tương trong phiên hôm qua. Sau khi mưa xuất hiện ở khu vực Midwest, dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ sẽ ôn hòa hơn trong cuối tuần này và hỗ trợ cho cây trồng trong giai đoạn phát triển cuối cùng. Điều này đã xoa dịu tâm lý lo ngại của thị trường về triển vọng sản lượng đậu tương năm nay của Mỹ.  Sắc xanh cũng bao phủ bảng giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương trong phiên 29/8. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 diễn biến khá giằng co. Giá khởi sắc ngay sau khi mở cửa và theo sát với diễn biến giá của đậu tương, nhưng nhanh chóng suy yếu vào cuối phiên trước áp lực chốt lời của thị trường. Tuy vậy, giá khô đậu vẫn ghi nhận mức tăng gần 1% sau khi kết phiên. Trong khi đó, dầu đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất cả nhóm trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới 3,46%.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá cà phê lập kỷ lục lịch sử mới, giá lúa mì lao dốc 2%

Ngô Minh Ngọc   |  23/08/2024

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa ngày giao dịch 21/8, chỉ số MXV-Index tiếp đà suy yếu khi rơi 0,18% xuống 2.115 điểm. Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại, trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản và năng lượng lại đi xuống. Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vẫn tiếp tục biến động.  Giá cà phê lập đỉnh mới, nối dài chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp  Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, toàn bộ 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đều đồng loạt tăng giá. Trong đó, hai mặt hàng cà phê “rủ nhau” lập đỉnh mới, nối dài đà tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 0,3%, tiến sát mức giá cao nhất hai năm rưỡi đã ghi nhận vào giữa tháng 7; giá cà phê Robusta phá vỡ kỷ lục vừa hình thành ở phiên trước, tạo mức đỉnh lịch sử mới khi gần tiến tới mốc 5.000 USD/tấn.   Thị trường tiếp tục phản ứng với rủi ro thời tiết có thể ảnh hưởng đến triển vọng nguồn cung cà phê vụ 2025-2026 của Brazil. Lo ngại sương giá trở lại vào cuối tháng 8 chưa qua, nông dân trồng cà phê tại Brazil lại đối mặt với tình trạng khô hạn tại các vườn trồng cà phê chính. Gần hai tháng qua, nhiều khu vực trồng cà phê tại Đông Nam của nước này không có mưa và dự kiến sẽ còn kéo dài sang tháng 9. Thiếu mưa tác động xấu lên cây cà phê vụ 2025-2026 đang ra hoa, từ đó gây ảnh hưởng kém tích cực lên triển vọng nguồn cung.  Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay 22/8, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ diễn biến đồng pha với giá thế giới khi bất ngờ tăng hơn 1.000 đồng/kg so với hôm qua, hiện dao động khoảng 119.000 - 119.800 đồng/kg. Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao tiếp tục đi lên khi tăng gần 1% trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính bị thiếu hụt. Các doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn mối lo lớn về tình hình sản lượng ở Ghana, quốc gia sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới. Điều kiện thời tiết bất lợi và dịch bệnh đã khiến ngành ca cao nước này thận trọng đưa ra mục tiêu đạt sản lượng 650.000 tấn, giảm so với dự đoán 810.000 tấn đưa ra trước đó.   Giá lúa mì lao dốc hơn 2% do sự cạnh tranh của nguồn cung từ Nga  Nhiều mặt hàng nông sản đóng cửa ngày giao dịch hôm qua trong sắc đỏ. Trong đó, giá lúa mì quay đầu lao dốc hơn 2%. Sự cạnh tranh của nguồn cung giá rẻ từ Nga là yếu tố chính dẫn đến sự suy yếu của giá lúa mì CBOT.  Bộ Nông nghiệp Nga duy trì dự báo sản lượng ngũ cốc năm nay của nước này ở mức 132 triệu tấn, bao gồm 86 triệu tấn lúa mì, bất chấp những thiệt hại mùa vụ do thời tiết bất lợi. Trước đó vào đầu tuần này, hãng tư vấn IKAR báo cáo giá lúa mì xuất khẩu của Nga đạt 218 USD/tấn trong tuần vừa rồi, giảm 3 USD/tấn so với một tuần trước đó do nhu cầu yếu. Nguồn cung dồi dào với giá rẻ từ Nga sẽ cạnh tranh gay gắt với lúa mì Mỹ và gây áp lực lớn lên giá mặt hàng này trong thời gian tới.  Trong đó, giá ngô hợp đồng tháng 12 diễn biến giằng co và tăng không đáng kể. Triển vọng nguồn cung từ khu vực Nam Mỹ, bao gồm Argentina và Mỹ, đã có tác động trái chiều lên giá.  Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) dự báo, diện tích trồng ngô cho niên vụ 2024-2025 của Argentina sẽ đạt 6,3 triệu ha, giảm 17% so với niên vụ trước do những lo ngại về thời tiết cũng như dịch rầy nâu gây hại. Bên cạnh đó, lợi nhuận của nông dân cũng bị thu hẹp do giá ngô thấp thời gian gần đây và làm giảm mong muốn trồng ngô của họ. Điều này có thể khiến triển vọng nguồn cung ngô từ Argentina trong niên vụ 2024-2025 trở nên kém khả quan hơn, và đã hỗ trợ giá.  Trong khi đó, cuộc khảo sát mùa vụ Crop Tour 2024 tại khu vực Midwest của Mỹ đã kết thúc ngày thứ hai tại các bang Indiana và Nebraska với kết quả tích cực. Đoàn khảo sát ước tính năng suất ngô trung bình ở Indiana và Nebraska lần lượt ở các mức 187,54 và 173,25 giạ/mẫu, đều cao hơn so với kết quả năm ngoái cũng như mức trung bình 3 năm. Dữ liệu này phần nào củng cố thêm cho triển vọng về một vụ ngô bội thu tại Mỹ và đã gây áp lực lớn lên giá.   Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã ‘hâm nóng’ thị trường kim loại và năng lượng

Ngô Minh Ngọc   |  16/08/2024

  Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau hai phiên liên tiếp đi xuống, chỉ số MXV-Index đã bất ngờ bật tăng 0,92% lên 2.119 điểm trong ngày giao dịch hôm qua (15/8). Lực mua chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong đó, sắc xanh gần như bao trùm thị trường kim loại và năng lượng. Loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ mới được công bố đã củng cố tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư. Rủi ro suy thoái Mỹ được xoa dịu, dòng tiền tấp nập quay lại thị trường kim loại Đóng cửa, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá sau khi Mỹ công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng, đẩy lùi tâm lý lo ngại suy thoái tại nền kinh tế số 1 thế giới. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc bứt phá 3,95% lên mức 28,42 USD/ounce, xóa bỏ hoàn toàn mức giảm của hai phiên trước đó. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng lớn nhất của giá bạc trong gần hai tháng qua. Giá bạch kim cũng phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp với mức tăng 3,82% lên 965,1 USD/ounce, mức cao nhất hai tuần gần đây.  Tâm điểm thị trường phiên hôm qua hướng về hai dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ. Cụ thể, theo báo cáo Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này đã giảm xuống 227.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 10/8. Con số này thấp hơn 9.000 so với dự báo và là mức thấp nhất trong một tháng trở lại đây. Ngoài ra, dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy doanh số bán lẻ của nước này tăng 1% trong tháng 7, đánh bại kỳ vọng của thị trường là tăng 0,4% và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.   Loạt dữ liệu kinh tế tích cực này cũng giúp khôi phục niềm tin trên thị trường. Trước đó vào đầu tháng này, lo ngại nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đã khiến giới đầu tư hoảng loạn, sắc đỏ liên tục phủ kín trên thị trường tài chính thế giới. Do vậy, khi những lo ngại này được giảm bớt, các nhà đầu tư phân bổ dòng tiền lại thị trường, qua đó hỗ trợ cho giá các mặt hàng nhóm kim loại quý bật tăng mạnh mẽ.   Đối với kim loại cơ bản, giá các mặt hàng trong nhóm cũng được hưởng lợi khi những áp lực vĩ mô dần được rũ bỏ. Trong đó, giá đồng COMEX là mặt hàng dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 2,75% lên mức 9.151 USD/tấn, cao nhất hai tuần gần đây.  Thêm vào yếu tố hỗ trợ cho giá, tình trạng đình công tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Công đoàn lao động tại mỏ mới đây cho biết cuộc đình công đã khiến các nhà máy sản xuất đồng Los Colorados ngừng hoạt động hoàn toàn.   Do vậy, nếu tình trạng đình công tiếp tục kéo dài, sản lượng đồng tại mỏ này có thể sụt giảm mạnh và khiến nguồn cung đồng toàn cầu thu hẹp. Trước đó vào năm 2017, hơn 2.300 công nhân đã tham gia cuộc đình công kéo dài 44 ngày tại chính mỏ đồng này, làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và khiến giá đồng tăng cao trong giai đoạn này.  Giá dầu nhảy gần 2% Giá dầu quay đầu tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua sau khi dữ liệu kinh tế  Mỹ làm giảm bớt lo ngại về một cuộc suy thoái tại quốc gia này. Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm hơn đã kiềm chế đà tăng của giá. Kết phiên, dầu thô WTI tăng 1,53% lên mức 78,16 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,6% đạt mức 81,04 USD/thùng.  Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 7, trong khi một báo cáo khác cho thấy sự gia tăng thấp hơn hơn dự kiến về số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 7 tăng 1% so với tháng trước, ghi nhận sự phục hồi sau khi giảm 0,2% trong tháng trước đó và cao hơn dự báo tăng 0,4% của thị trường. Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này trong tuần trước chỉ đạt 227.000 đơn, trái ngược so với dự báo tăng lên mức 236.000 đơn của giới phân tích. Dữ liệu tích cực này đã thúc đẩy đà tăng của giá trên thị trường.  Tuy nhiên, đà tăng trên thị trường đã phần nào bị hạn chế tiếp tục với dữ liệu ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, bức tranh nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi gam màu xám khi sức cầu trong nước vẫn yếu kém. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt 5,1%, không đạt được kỳ vọng của thị trường là 5,2%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024.  Cũng theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3,9 triệu thùng/ngày trong tháng 6, mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ tháng 7/2021 với nguyên nhân là do lĩnh vực bất động sản yếu kém đã làm chậm tăng trưởng kinh tế, bên cạnh khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang thay thế dầu diesel trong xe tải hạng nặng. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Dòng tiền đầu tư đang dần quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Ngô Minh Ngọc   |  09/08/2024

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường nông sản đỏ lửa trong ngày giao dịch hôm qua (8/8) trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tại Mỹ và Nam Mỹ tích cực. Trong khi đó, lực mua áp đảo trên thị trường năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Đóng cửa, nhiều mặt hàng quan trọng trong các nhóm nguyên liệu này đã đồng loạt tăng giá đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,16% lên 2.100 điểm. Bạc có phiên tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 7 Kết thúc ngày giao dịch 8/8, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế đã giúp phần lớn mặt hàng kim loại tăng giá trong phiên hôm qua. Đối với kim loại quý, giá bạch kim nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp với mức tăng 1,1% lên 939,2 USD/ounce. Giá bạc phục hồi 2,46%, đóng cửa tại 27,6 USD/ounce. Đây cũng là phiên tăng giá mạnh nhất của bạc kể từ đầu tháng 7.   Dòng tiền đầu tư đang dần quay lại thị trường khi tâm lý các nhà đầu tư ổn định tích cực hơn. Nỗi lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã được xoa dịu sau những bình luận trấn an của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).  Bên cạnh đó, giá kim loại quý vẫn đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu trú ẩn tăng cao khi căng thẳng Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vụ sát hại các thành viên cấp cao của nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah trong tuần trước đã làm dấy lên lo ngại Iran sẽ tấn công trả đũa Israel.   Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 0,18% lên 8.728 USD/tấn sau khi liên tục giằng co trong phiên hôm qua. Giá đồng vẫn đang phải chịu sức ép trong bối cảnh tiêu thụ còn ảm đạm, đặc biệt là tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu Trung Quốc. Tuy vậy, lực mua kỹ thuật cùng với một số tín hiệu cho thấy tiêu thụ tại Trung Quốc cải thiện đã giúp củng cố lực mua đồng trong phiên.  Dữ liệu cho thấy chênh lệch chi phí đồng nhập khẩu tại nước này liên tục tăng trong thời gian gần đây, tồn kho đồng tại đây cũng duy trì đà giảm trong 4 tuần liên tiếp, phản ánh nhu cầu đang có dấu hiệu phục hồi.  Giá dầu thế giới nối dài đà phục hồi Theo ghi nhận của MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới tiếp đà hồi phục sau dữ liệu việc làm của Mỹ giảm bớt lo ngại về nhu cầu và căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Chốt phiên, dầu WTI tăng 1,28% lên 76,19 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 1,06% lên 79,16 USD/thùng.  Tại Trung Đông, Israel hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa về một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận trong bối cảnh các vụ trả đũa của Iran vẫn chưa lắng xuống. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn đối với nguồn cung dầu thô từ khu vực sản xuất lớn nhất thế giới.  Thêm vào đó, sau tuyên bố bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara, công suất khoảng 300.000 thùng/ngày của Libya vì các cuộc biểu tình, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nước này tiếp tục đưa ra thông báo đang tiến hành cắt giảm dần sản lượng.  Hơn nữa, dữ liệu từ Cơ quan phân tích và kế hoạch dầu khí Ấn Độ cho biết, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 19,653 triệu tấn trong tháng 7, do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và tăng trưởng kinh tế nói chung tăng lên. Nhu cầu tích cực từ quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 châu Á đã xoa dịu đi những áp lực trước đó đến từ phía Trung Quốc.  Đối với yếu tố vĩ mô, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, làm dịu đi những lo ngại áp lực trên thị trường lao động của nền kinh tế số 1 thế giới. Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 17.000 xuống còn 233.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 3/8, theo Bộ Lao động, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong khoảng 11 tháng. Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cũng tích cực hơn so với dự báo ở mức 240.000 đơn xin trợ cấp của các nhà kinh tế.  Trong khi đó, trong một tuyên bố mới nhất, bất chấp sức ép vĩ mô các nhà phân tích đến từ Citi Bank vẫn kỳ vọng giá dầu sẽ được hỗ trợ trong cuối năm. Các nhà phân tích tại Citi cho biết có khả năng giá dầu thô Brent sẽ nhận được sự hỗ trợ trong vùng 80 USD/thùng.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

MXV-Index chưa ‘thoát khỏi’ sắc đỏ

Ngô Minh Ngọc   |  02/08/2024

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa giao dịch ngày đầu tháng 8, lực bán quay lại, chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,29% xuống 2.114 điểm. Toàn bộ 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đều giảm giá, trong đó, giá ca cao lao dốc hơn 6,5%, đường giảm hơn 2%. Sau phiên khởi sắc trước, sắc đỏ tiếp tục xuất hiện trên thị trường kim loại khi có 7 mặt hàng giá suy yếu.  Giá ca cao đánh mất hơn 6,5% Kết phiên hôm qua (1/8), giá ca cao dẫn đầu đà giảm của nhóm nguyên liệu công nghiệp khi sụt sâu 6,55%, về mức thấp nhất một tháng tại 7.562 USD/tấn. Thị trường dồn sự chú ý vào những tín hiệu cải thiện nguồn cung tại các quốc gia sản xuất và xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới.   Mô hình thời tiết La Nina thay thế El Nino làm các cơn mưa xuất hiện nhiều hơn ở Bờ Biển Ngà và Ghana, hai quốc gia sản xuất trên 60% lượng ca cao toàn cầu, giúp cải thiện độ ẩm của đất và thúc đẩy năng suất ca cao.  Tại Bờ Biển Ngà, những đợt nắng xen lẫn mưa nhẹ vào cuối tuần trước đã thúc đẩy vụ mùa ca cao chính (tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau). Người dân trồng ca cao cũng kỳ vọng sản lượng thu hoạch sẽ đáng kể vào tháng 9 và tăng dần  từ tháng 10 đến tháng 12.  Ngoài ra, xuất khẩu ca cao trong tháng 6 tại Nigeria tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, cũng góp phần cải thiện nguồn cung trên thị trường ở hiện tại.   Hơn thế, nhu cầu về ca cao yếu đi trên toàn cầu cũng tạo thành áp lực đối với giá. BMI, một đơn vị của Fitch Solutions, cho biết sản lượng ca cao xay toàn cầu, thước đo nhu cầu, đã giảm 4,2% trong quý II so với quý I.     Cùng chung diễn biến với ca cao, đóng cửa, giá đường 11 giảm thêm gần 2,32%, đánh dấu phiên thứ hai suy yếu liên tiếp. Thị trường phản ứng với tín hiệu tích cực về mùa vụ tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới. Các cánh đồng mía tại Ấn Độ sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn trong thời gian tới khi quốc gia này đã nhận được lượng mưa nhiều hơn 9% so với mức trung bình trong tháng 7.   Bên cạnh đó, giá hai mặt hàng cà phê cũng giảm lần lượt 0,85% với Arabica và 0,84% với Robusta do tỷ giá USD/BRL tăng, hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil tích cực hơn so với năm ngoái, đồng thời tồn kho cà phê tại châu Âu đã phục hồi.   Thị trường kim loại “mất đà”, giá đi xuống  Sau phiên giao dịch khởi sắc trước đó, sắc đỏ đã quay trở lại trên bảng giá kim loại khi có tới 7 mặt hàng đảo chiều giảm giá. Đối với kim loại quý, bất chấp sự hỗ trợ của yếu tố vĩ mô, giá bạc và bạch kim quay đầu giảm hơn 1%, lần lượt chốt phiên tại mức 28,48 USD/ounce và 970,5 USD/ounce.  Trong phiên hôm qua, giá bạc và giá bạch kim giảm chủ yếu là do hoạt động chốt lời của giới đầu tư sau khi giá bật tăng mạnh trong phiên trước. Tới gần cuối phiên, giá hai mặt hàng phục hồi trở lại khi tâm lý chung của thị trường vẫn đang rất lạc quan về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhất là sau tuyên bố cuộc họp tháng 7.  FED gửi đi thông điệp ôn hòa trong cuộc họp vừa rồi, kết hợp với việc Chủ tịch FED Jerome Powell phát tín hiệu cắt lãi suất trong tháng 9 đã khiến thị trường ngày càng tin tưởng rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới. Sự lạc quan này trên thị trường sẽ tiếp tục được duy trì, ít nhất là cho tới trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào tối nay.  Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm hơn 2%, đóng cửa tại 9.000 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Triển vọng tiêu thụ kém sắc tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá đồng trong phiên hôm qua.  Theo dự báo của công ty nghiên cứu Antaike, giá đồng có thể giảm vào nửa cuối năm nay do nhu cầu yếu kém trong khi nguồn cung tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tăng trưởng nhu cầu đồng tinh chế của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, được dự báo giảm xuống 2,5% vào năm 2024, từ mức 5,3% của năm ngoái, do sự suy yếu của ngành xây dựng. Về nguồn cung, thặng dư đồng tinh luyện toàn cầu dự kiến ở mức 300.000 tấn vào năm 2024, cao hơn so với năm ngoái.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều

Ngô Minh Ngọc   |  26/07/2024

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong ngày hôm qua. Có đến 5 trên 6 mặt hàng nhóm nông sản tăng giá trong khi nhiều mặt hàng kim loại đồng loạt suy yếu. Tuy nhiên, lực bán vẫn chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,18%, xuống còn 2.153 điểm. Giá ngô tăng phiên thứ 4 liên tiếp Giá ngô hợp đồng tháng 12 có xu hướng giằng co trong phiên giao dịch ngày 25/7. Trong bối cảnh thời tiết có dấu hiệu đe dọa đến triển vọng mùa vụ Mỹ, phe mua chiếm ưu thế hơn giúp đẩy giá ngô tăng 0,66% khi đóng cửa, đánh dấu phiên khởi sắc thứ 4 liên tiếp.  Công ty Commodity Weather Group dự báo thời tiết khô nóng sẽ xuất hiện ở khu vực trung tâm Mỹ trong hai tuần tới và nguy cơ đe dọa khoảng 20% diện tích ngô vốn đang ở giai đoạn phát triển quan trọng. Điều này dấy lên lo ngại năng suất và chất lượng tiềm năng của cây trồng có thể nhanh chóng xấu đi, giảm triển vọng sản lượng ngô năm nay.  Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán ngô niên vụ 2024-2025 của nước này trong tuần 12 - 18/7 đạt hơn 745.190 tấn, tăng 53,4% so với một tuần trước và vượt ngoài khoảng dự đoán trước của thị trường. Dữ liệu báo cáo cho thấy nhu cầu quốc tế với ngô vụ mới của Mỹ tăng trưởng mạnh, góp phần hỗ trợ giá mặt hàng này trong phiên hôm qua.  Ở chiều ngược lại, đóng cửa phiên hôm qua, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 quay đầu giảm tới 1,69%. Nhu cầu đi xuống trong khi nguồn cung dự kiến dồi dào, áp lực bán đã đè nặng lên giá lúa mì trong suốt thời gian giao dịch của phiên.  Báo cáo Export Sales cho thấy, các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán xấp xỉ 309.320 tấn lúa mì niên vụ 2024-2025 trong tuần kết thúc ngày 18/7, giảm mạnh 46,5% so với một tuần trước và gần mức thấp nhất của khoảng dự đoán từ giới phân tích. Con số này cho thấy nhu cầu lúa mì Mỹ hiện đang thấp và gây áp lực lớn lên giá mặt hàng này.  Giá 8 trong số 10 mặt hàng kim loại đi xuống Khép lại ngày giao dịch hôm qua, sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạch kim quay đầu suy yếu trong khi giá bạc nối dài đà giảm trước sự mạnh lên của đồng USD. Trong đó, giá bạc đã đánh mất 4,57% xuống 27,98 USD/ounce. Giá bạch kim hạ 2,46% giá trị, đóng cửa tại mức 945,7 USD/ounce.  Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý II của Mỹ là tâm điểm chú ý của thị trường trong phiên hôm qua. Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ, trong quý II, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 2,8% so với quý trước. Con số này cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với dự báo và phục hồi từ mức tăng 1,4% của quý I. Trong đó, chi tiêu của người tiêu dùng, lĩnh vực chiếm hơn hai phần ba nền kinh tế Mỹ, tăng 2,3% sau khi đã chậm lại trong quý I.  Loạt dữ liệu tích cực này đã xua tan mối lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ có nguy cơ “hạ cánh cứng”, nhu cầu trú ẩn đối với kim loại quý vì thế cũng giảm bớt, qua đó làm gia tăng lực bán đối với bạc và bạch kim.  Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt quay đầu suy yếu trở lại do nhu cầu tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc vẫn tạo lực cản lớn đà tăng giá. Đóng cửa, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) giảm 0,98% về 99,9 USD/tấn.  Dữ liệu từ Steelhome cho thấy tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ yếu kém. Tính đến tuần kết thúc ngày 12/7, tồn kho tại các cảng Trung Quốc đã tăng 7 tuần liên tiếp, hiện ở mức 150,2 triệu tấn, tăng 30% so với đầu năm nay và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook