Thị trường hàng hóa

Nhận diện cơ hội và thách thức ngành nhôm thép trước cạnh tranh thương mại quốc tế

Ngô Minh Ngọc   |  08/06/2024

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng khi Mỹ tiến hành tăng thuế đối với hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Trong đó có nhôm, thép đều là những hàng hoá thế mạnh của Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, nhưng các thách thức cũng sẽ không hề nhỏ. Hàng rào thuế quan Mỹ - Trung Vào khoảng giữa tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch tăng thuế với một loạt hàng hóa Trung Quốc có tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ đạt hơn 18 tỷ USD. Trong đó, nhôm và thép cũng có mặt trong danh sách sản phẩm bị đánh thuế, với mức thuế được điều chỉnh từ 7,5% vào năm 2019 lên tới 25% bắt đầu từ năm 2024. Thực tế, tác động thuế quan đến ngành thép của Trung Quốc được đánh giá tương đối hạn chế, do Trung Quốc chiếm chưa đến 1% lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, kinh tế Trung Quốc cũng khó bị ảnh hưởng vì Mỹ chỉ chiếm 0,8% lượng thép xuất khẩu của nước này. Đối với nhôm, Trung Quốc chiếm 5,2% lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ trong quý IV năm ngoái. Thuế quan có thể có tác động nhiều hơn đến thị trường kim loại này do nhôm còn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt bổ sung đối với thương mại của Nga. Tuy nhiên, so với Canada chiếm lĩnh tới 50% lượng nhôm nhập khẩu vào Mỹ, thị phần của Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Thuế quan của Mỹ đối với một số mặt hàng Trung Quốc Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Nếu xét toàn bộ danh sách mặt hàng mà Mỹ đánh thuế, có thể thấy các lĩnh vực quan trọng như xe điện, chất bán dẫn, pin xe điện, pin mặt trời, linh kiện pin,… đều được áp dụng mức thuế suất mới rất cao. Mặt khác, kim loại nói chung, bao gồm nhôm, thép lại đóng vai trò đầu vào không thể thiếu nhằm chế tạo ra các sản phẩm này. Nói cách khác, chính sách áp thuế sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới lĩnh vực nhôm và thép của Trung Quốc”. Trong khi đó, cũng là quốc gia xuất khẩu nhôm và thép lớn sang thị trường Mỹ, Việt Nam lại được kỳ vọng có thể hưởng lợi từ bối cảnh nêu trên, nếu như các doanh nghiệp trong nước nỗ lực và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác quốc tế. Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam Trong những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc giúp Việt Nam hưởng lợi không nhỏ nhờ lợi thế về khoảng cách địa lý, chi phí nhân công và không bị áp thuế chống cạnh tranh.  Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là một trong những đối tác chiến lược. Đối với ngành thép, trung bình năm 2023, Mỹ chiếm gần 10% thị phần xuất khẩu thép Việt, đứng thứ 3 sau Ý và Campuchia.  Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu sắt thép của nước ta rất tích cực. Trong đó, Mỹ vươn lên trở thành thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam, chiếm 13% trong tổng lượng và chiếm 15,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 563.990 tấn, tương đương 496,38 triệu USD, tăng 129,3% về lượng và tăng 156,6% về kim ngạch. Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam Ngoài ra, Việt Nam cũng chiếm tới 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhôm và các sản phẩm từ nhôm đối với Mỹ, đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất trên thị trường này. Ngoài các sản phẩm nhôm, thép trực tiếp được hưởng lợi, cơ hội của Việt Nam còn được rộng mở hơn đối với các lĩnh vực sản xuất trong lĩnh vực năng lượng xanh như pin mặt trời, pin xe điện,… vốn rất cần quá trình gia công các mặt hàng kim loại. Chất bán dẫn cũng là một mặt hàng tiềm năng tương tự như vậy. Với độ mở kinh tế rất cao và hàng loạt hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương…, Việt Nam được đánh giá sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư quốc tế. Mặc dù vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng tạo ra không ít thách thức, do Trung Quốc vốn là công xưởng sản xuất lớn nhất trên thế giới. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ cần phải được nâng cao rất nhiều mới có thể “chắc chân” trên thị trường quốc tế. Nhận diện thách thức  Đối với sản phẩm kim loại thế mạnh của Việt Nam như thép hay nhôm, các mặt hàng được đem đi xuất khẩu, nhưng thực tế “vẫn cần nhập khẩu”. Việt Nam xuất khẩu thép thành phẩm, nhưng cũng nhập khẩu nguyên liệu thép như thép phế liệu, thép cuộn cán nóng,… nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất.  Đối với ngành bauxite Việt Nam, toàn bộ lượng alumin sản xuất đều được xuất khẩu. Nhưng doanh nghiệp trong ngành vẫn phụ thuộc vào nhôm thỏi, phôi nhôm nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm từ nhôm, do chưa có năng lực luyện nhôm. Như vậy, tác động cung cầu và xu hướng giá quốc tế vẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường trong nước. “Hiện nay, giá sắt thép thế giới liên tục suy yếu trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng dồi dào so với nhu cầu suy yếu. Xuất khẩu thép của Trung Quốc chiếm khoảng 10% sản lượng thế giới, dẫn đến thách thức cho các thị trường khác trong việc hấp thụ lượng xuất khẩu tăng vọt của nước này. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc các quốc gia khác áp dụng biện pháp tự vệ, hạn chế năng lực cạnh tranh”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết thêm. Mặt khác, giá nhôm thế giới có chiều hướng tăng cao trước rủi ro thiếu hụt nguồn cung, sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi rõ ràng năng lực xuất khẩu nhôm sơ chế của nước ta rất tiềm năng. Diễn biến giá sắt và nhôm thế giới Thực trạng này sẽ làm giảm cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế đang tạo ra nhiều điều kiện rất tốt, đòi hỏi cần nhanh chóng nâng cao năng lực ngành. Một trong những điểm trọng tâm nhất đó là việc chủ động được nguồn nguyên liệu và chuỗi sản xuất, nhằm bảo vệ chuỗi giá trị ngành. Ngoài ra, việc liên kết với các lĩnh vực khác cũng cần được phát huy, đặc biệt là những ngành tiềm năng và có giá trị cao như năng lượng tái tạo, công nghiệp chất bán dẫn. Khi đó, Việt Nam mới có thể tận dụng tối ưu cơ hội quốc tế về cạnh tranh thương mại như hiện nay, và nâng cao giá trị xuất khẩu các ngành công nghiệp thế mạnh. Muốn vậy, sẽ rất cần sự nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, học hỏi, phát triển và liên tục ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, về dài hạn, các lĩnh vực sản xuất nhôm, thép cũng rất cần thiết phải tính toán luôn tới bài toán phát triển bền vững, thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm chinh phục các đối tác thương mại hàng đầu. Hồng Hạnh
Xem thêm

Bản tin TCKD ngày 31/05/2024: Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại

Ngô Minh Ngọc   |  01/06/2024

Sắc đỏ phủ kín bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua (30/5), kéo chỉ số MXV-Index giảm mạnh 1,6% xuống 2.339 điểm, thấp nhất trong vòng 1 tuần. Trong đó, nhóm kim loại và năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường khi tất cả các mặt hàng đồng loạt ghi nhận giảm giá. Phần lớn các mặt hàng kim loại giảm mạnh từ 2 – 3%. Đóng cửa, với kim loại quý, giá bạc giảm 2,59% xuống 31,53 USD/ounce, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Giá bạch kim giảm 0,94% xuống 1.038 USD/ounce. Tương tự, với kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm 2,7% xuống 115,64 USD/tấn, mức thấp nhất hai tuần, giá đồng cũng giảm mạnh 2,77%. MXV cho biết, kim loại nói chung, kim loại quý nói riêng chịu áp lực mạnh từ yếu tố vĩ mô. Ngoài ra, triển vọng tiêu thụ hạn chế, cũng góp phần gây sức ép lên giá kim loại nguyên liệu sản xuất công nghiệp như đồng, quặng sắt. Theo dữ liệu trong lần điều chỉnh thứ hai của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP quý I chỉ ghi nhận mức tăng 1,3% so với quý trước đó, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dữ liệu sơ bộ. Sự không chắc chắn về hướng đi của FED khiến giá bạc và giá bạch kim đồng loạt giảm, bất chấp việc Mỹ công bố loạt dữ liệu kinh tế yếu kém, củng cố cho kịch bản hạ lãi suất. Trong khi đó, với kim loại cơ bản, theo một tuyên bố mới đây của Chính phủ Trung Quốc, nước này đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon của các ngành công nghiệp chủ chốt ở mức tương đương khoảng 1% tổng lượng khí thải quốc gia vào năm 2023, đồng thời nhắc lại việc kiểm soát sản xuất kim loại. Trước đó vào tháng 4, cơ quan hoạch định nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ tiếp tục quản lý sản lượng thép thô vào năm 2024. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Ngô Minh Ngọc   |  27/05/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa tuần trước với những biến động rất mạnh. Tuy nhiên, sự trái chiều ở nhiều mặt hàng quan trọng khiến chỉ số MXV-Index thay đổi không đáng kể, chốt tuần tăng chưa đến 0,1% lên 2.345 điểm.   Giá nguyên liệu công nghiệp tăng mạnh Đáng chú ý, chỉ số MXV-Index nhóm Nguyên liệu công nghiệp ghi nhận chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp, cho thấy xu hướng tăng ổn định của giá nhiều mặt hàng quan trọng trong nhóm. Chốt tuần, ngoại trừ dầu cọ, 8 mặt hàng còn lại đồng loạt tăng mạnh. Giá ca cao tăng vọt 12,87%, dẫn đầu đà tăng thị trường trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung toàn cầu vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Bông, đường, cao su, cà phê cũng đều đón nhận lực mua tích cực.  Giá bông kết thúc tuần tăng mạnh hơn 6% từ mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Doanh số bán hàng bông vụ 2023-2024 của Mỹ tăng trở lại, phản ánh nhu cầu về bông đang có sự phục hồi. Trong báo cáo xuất khẩu bông hàng tuần kết thúc ngày 16/5, Mỹ bán 202.900 kiện bông, tăng lần lượt 30% và 19% so với tuần trước và mức trung bình 4 tuần gần nhất.   Hơn thế, thị trường đang dần nhận thấy sự gia tăng nhu cầu về bông tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ và nhập khẩu bông lớn nhất thế giới.   Thị trường cà phê nhanh chóng lấy lại đà tăng với Robusta tăng 10,6%, Arabica tăng 5,6%. Nguồn cung kém tích cực tại các quốc gia sản xuất chính đang gây tâm lý lo ngại thiếu hụt cà phê trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá tăng trở lại. Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ 2024 lần thứ 2, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil CONAB nâng dự sản lượng cà phê Robusta lên 58,8 triệu bao, tăng nhẹ so với mức 58,1 triệu bao trước đó.   Tuy vậy, CONAB hạ dự báo sản lượng cà phê Robusta của quốc này 600.000 bao, xuống còn 16,7 triệu bao trong báo cáo mới nhất.   Ngoài ra, thông tin từ nông dân Brazil cho biết, hoạt động thu hoạch cà phê Arabica của họ đang diễn ra khá chậm chạp và kích thước quả nhỏ có thể ảnh hưởng đến sản lượng năm nay.   Cùng với đó, StoneX ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Giới phân tích cho biết, biến đổi khí hậu khiến nguồn cung giảm tại Việt Nam.   Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào cuối tuần trước (25/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng thêm 1.500 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 114.500 – 116.000 đồng/kg. So với 1 tuần trước đó, giá cà phê nội địa đã tăng mạnh khoảng 12.000 đồng/kg. Giá lúa mì nhảy vọt Giá lúa mì dẫn dắt đà tăng trong nhóm nông sản khi nhảy vọt hơn 7%, chạm mốc cao nhất kể từ giữa tháng 8/2023. Mối lo ngại về triển vọng mùa vụ kém tích cực tại các nước sản xuất lớn vẫn là yếu tố giúp nâng đỡ giá trong tuần qua. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, ước tính đến nay đã có khoảng 900.000 héc-ta diện tích ngũ cốc tại quốc gia xuất khẩu hàng đầu này đã bị thiệt hại bởi sương giá vào đầu tháng 5. Trước đó, 8 khu vực sản xuất chính cũng đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về sương giá trên diện rộng, đẩy mối ngại về nguồn cung thắt chặt hơn lên cao.   Rủi ro nguồn cung tại khu vực Biển Đen đã khiến Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2024 - 2025 xuống còn 795 triệu tấn. Theo đó, sản lượng lúa mì tại Nga và Ukraine dự kiến giảm xuống 85,5 và 23,7 triệu tấn, từ mức 90,4 và 24,5 triệu tấn được đưa ra trước đó. Lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá lúa mì quay trở lại xu hướng và ghi nhận tuần tăng thứ 5 trong vòng 6 tuần vừa qua.  MXV cho biết, tuần này dự báo sẽ là một tuần rất sôi động của thị trường nông sản. Các Sở Giao dịch tại Mỹ phần lớn sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong hôm nay (27/5), và khi mở cửa trở lại từ ngày mai, nhóm nông sản có thể sẽ đón nhận lực mua mạnh, bởi tình trạng thu hoạch chậm trễ ở Brazil có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trong giai đoạn giữa năm, giai đoạn mà nhu cầu nhập khẩu từ các nước Đông Á và Đông Nam Á thường rất lớn.  Đây là điều các nhà máy TĂCN cần phải đặc biệt lưu ý, bởi việc mua hàng của Nam Mỹ hay Mỹ sẽ không chỉ phụ thuộc vào giá, mà còn phụ thuộc vào thời gian hàng về để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hoá nguyên liệu biến động trái chiều

Ngô Minh Ngọc   |  18/05/2024

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 16/5. Với khoảng 60% số mặt hàng tăng giá, chỉ số MXV-Index nhích nhẹ 0,03% lên 2.310,37 điểm. Sự phân hoá trong diễn biến giá các mặt hàng khá rõ ràng trong phiên hôm qua. Trong khi lực bán chiếm ưu thế đối với nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu công nghiệp, thì nhóm năng lượng và kim loại lại ghi nhận nhiều mặt hàng tiếp đà phục hồi. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 6.400 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền đầu tư của thị trường tập trung nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại, chiếm gần 80%.  Giá ngô giảm phiên thứ 3 liên tiếp  Giá ngô tiếp tục hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua. Đóng cửa phiên giao dịch 16/5, mặt hàng này suy yếu hơn 1%, kéo dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp. Doanh số bán hàng kém khả quan của Mỹ là yếu tố đã thúc đẩy lực bán trên thị trường vào hôm qua.  Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán ngô niên vụ 2023/24 của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 9/5 đạt 742.000 tấn, giảm 16,5% so với tuần trước. Con số này cũng nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường.  Ngoài ra, Mỹ cũng chỉ giao được 952.000 tấn ngô, giảm 22,6% so với báo cáo trước đó, phản ánh hoạt động xuất khẩu chậm chạp. Những số liệu trên đến từ việc nguồn cung giá rẻ từ Nam Mỹ đang trở nên cạnh tranh hơn so với Mỹ và từ đó tạo áp lực bán lên thị trường ngô CBOT.   Ở một diễn biến khác, mặc dù tăng khá mạnh khi mở cửa, tuy nhiên, giá lúa mì đã quay đầu suy yếu trước triển vọng tích cực về nguồn cung tại Mỹ.  Trong ngày thứ hai của chuyến khảo sát ba ngày hàng năm tới Kansas, bang sản xuất lúa mì vụ đông hàng đầu của Mỹ, các nhà nghiên cứu đã ước tính năng suất lúa mì đông đỏ cứng (HRW) tại khu vực Tây Nam có sự vượt trội so với năm ngoái và cao hơn so với mức trung bình 5 năm của Hội đồng Chất lượng Lúa mì Mỹ ước tính. Nguồn cung được kỳ vọng có sự gia tăng, đã tạo sức ép cho giá lúa mì trong phiên. Trên thị trường nội địa, giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu đến các cảng của nước ta đều quay đầu giảm theo xu hướng thế giới, với mức giảm khoảng 50.000 đồng/tấn. Hiện tại, giá ngô tháng 6 cập cảng Cái Lân và Vũng Tàu dao động trong khoảng 6.700 – 6.900 VNĐ/kg. Áp lực vĩ mô giải toả, kim loại quý vững sắc xanh Khác với thị trường nông sản, diễn biến tăng giá có phần chiếm ưu thế trên thị trường kim loại . Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim nối dài đà tăng khi kỳ vọng hạ lãi suất đang được củng cố. Chốt ngày, giá bạc tăng 0,49% lên 29,8 USD/ounce, duy trì ở mức đỉnh cao nhất 11 năm và đánh dấu phiên tăng giá thứ ba liên tiếp. Giá bạch kim cũng kéo dài đà tăng sang phiên thứ sáu liên tiếp, đóng cửa tại mức 1.071,3 USD/ounce nhờ tăng 0,11%. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 11/5, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã tăng lên 222.000 đơn, cao hơn 3.000 đơn so với dự báo, cho thấy thị trường lao động Mỹ đang chịu áp lực. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp và sản lượng sản xuất của Mỹ cũng giảm mạnh trong tháng 4. Loạt dữ liệu này tiếp tục phản ánh bức tranh bi quan hơn của nền kinh tế Mỹ, đồng thời, càng củng cố cho kịch bản hạ lãi suất. Theo CME FedWatch, những người tham gia thị trường đang định giá khoảng 68% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9, cao hơn so với khoảng 50% của tuần trước. Áp lực lãi suất suy yếu tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường và kéo dòng tiền chảy mạnh vào nhóm kim loại quý. Đối với kim loại cơ bản, giá đồng LME tăng mạnh hơn 2% do bức tranh vĩ mô cải thiện và rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn tiềm ẩn, trong khi triển vọng tiêu thụ ngày càng trở lên lạc quan. Macquarie cho biết nhu cầu đồng từ lĩnh vực trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tăng thêm khoảng 200.000 tấn mỗi năm vào năm 2030.  Cùng chung xu hướng, giá quặng sắt phục hồi 2,49% lên 116,47 USD/tấn do kỳ vọng tiêu thụ cải thiện trong khi tồn kho thép giảm tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc. Công ty Freight Investor Services cho biết giai đoạn từ nửa cuối tháng 4 đến cuối tháng 5 là giai đoạn Trung Quốc tiêu thụ nhiều sắt thép nhất trong năm, hỗ trợ cho giá sắt thép tăng trong giai đoạn này. Ngoài ra, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel, tổng lượng tồn kho của 5 sản phẩm thép chính tại Trung Quốc đã giảm xuống 18,13 triệu tấn tính đến tuần kết thúc ngày 16/5, giảm gần 4% so với tuần trước đó và là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hóa nguyên liệu vững đà hồi phục

Ngô Minh Ngọc   |  11/05/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua, hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng 0,55% lên 2.300 điểm, nối dài đà hồi phục sang ngày thứ 3 liên tiếp; đồng thời đạt mức cao nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng 1,4%, đạt trên 5.000 tỷ đồng. Giá ca cao tăng vọt, cà phê Robusta tiếp tục lao dốc  Kết thúc ngày 7/5, giá ca cao tăng vọt 13,47%, dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường. MXV đánh giá, yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn hỗ trợ xu hướng giá bất chấp đợt giảm mạnh gần đây. Thời tiết khô hạn tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao hàng đầu thế giới tiếp tục làm sâu sắc thêm lo ngại về nguồn cung. Nông dân nước này cho biết, kích thước hạt ca cao vụ giữa mùa đang khá nhỏ do tình trạng thiếu mưa.   Tính từ đầu vụ 2023-2024 (tháng 10/2023) đến ngày 5/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,379 triệu tấn, giảm mạnh 29,1% so với cùng kỳ vụ trước.  Ủy ban Ca cao Ghana đang đàm phán với các thương nhân ca cao để hoãn giao ít nhất 150.000 đến 250.000 tấn ca cao cho đến mùa vụ tới do thiếu hụt nguồn cung.  Đi ngược xu hướng chung, giá Robusta lao dốc 4,6%, là mặt hàng duy nhất trong nhóm nguyên liệu công nghiệp đóng cửa giảm giá, đồng thời cũng là mặt hàng ghi nhận mức giảm lớn nhất toàn thị trường trong ngày hôm qua. Giá gặp áp lực chủ yếu do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư quốc tế, trước một số tín hiệu tích cực hơn về triển vọng mùa vụ của nước ta. Mưa tại vùng sản xuất chính của Việt Nam giúp hạ nền nhiệt chung và giải tỏa áp lực thiếu nước tại các vườn cà phê đang trong giai đoạn phát triển cho vụ mùa 2024-2025.   Điều kiện thời tiết thuận lợi hơn tại vùng sản xuất chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ thu hoạch cà phê, tạo động lực giúp nông dân đẩy mạnh bán hàng và duy trì lượng xuất khẩu kỷ lục thời gian qua.   Mặc dù vậy, một số lo ngại về nguồn cung vẫn tiềm ẩn khi mùa vụ tại một số quốc gia sản xuất khác không quá tích cực. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Ấn Độ, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 5 thế giới, đạt khoảng 6 triệu bao loại 60kg, giảm nhẹ 1,5% so với vụ trước.   Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua 7/5, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ duy trì ổn định quanh mức 99.000 – 100.000 đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 tuần, giá thu mua cà phê trong nước đã lao dốc đến 35.000 đồng/kg. Kim loại cơ bản tăng giá nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện Kết thúc ngày giao dịch 7/5, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại, tuy nhiên phần lớn các mặt hàng đều ghi nhận mức biến động quanh biên độ hẹp. Đối với kim loại quý, giá bạc quay đầu giảm nhẹ 0,25% sau phát biểu mang thông điệp cứng rắn của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).  Cụ thể, Chủ tịch FED bang Minneapolis Neel Kashkari, đồng thời là thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cho biết FED sẽ cần giữ lãi suất ổn định trong thời gian dài, do lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của FED có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với quyết định khó khăn trong những tháng tới. Ông cho rằng lạm phát tại Mỹ có thể duy trì ở mức khoảng 3%.  Ở chiều ngược lại, giá bạch kim bật tăng 2,44% lên 988,4 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn ba tuần trở lại đây. Giá bạch kim vẫn đang được hưởng lợi do rủi ro nguồn cung gián đoạn. Hiện các công ty khai thác bạch kim lớn liên tục cắt giảm nhân sự để tái cơ cấu hoạt động, làm đình trệ hoạt động khai thác. Hơn nữa, vào hôm qua, ngân hàng Commerzbank đưa ra dự báo giá bạch kim sẽ tăng lên 1.100 USD/ounce vào cuối năm nay. Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX quay đầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp do bức tranh nguồn cung cải thiện.   Theo hãng tin Reuters đưa tin hôm qua, công ty khai thác hàng đầu Freeport-McMoRan đã thành công trong việc đàm phán với Indonesia để gia hạn giấy phép xuất khẩu đồng. Họ dự kiến sẽ xuất khẩu 900.000 tấn tinh quặng đồng từ mỏ Grasberg vào tháng 6 tới.  Ngoài ra, theo trang Mining.com, Panama hôm Chủ nhật đã bầu Jose Raul Mulino làm tổng thống mới. Các nhà phân tích coi kết quả bầu cử này là tín hiệu tích cực đối với mỏ Cobre Panama, mỏ đồng vốn bị cho đóng cửa từ cuối năm ngoái, do Mulino tỏ ra khá ôn hòa trong vấn đề khai thác, trái ngược với lập trường cứng rắn chống lại việc khai thác mỏ của các ứng cử viên khác.  Ở chiều ngược lại, các kim loại công nghiệp khác như nhôm, niken duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng tiêu thụ sẽ cải thiện tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu. Cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc tuần trước cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chủ động, bao gồm cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hoá nguyên liệu biến động trái chiều

Ngô Minh Ngọc   |  03/05/2024

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 2/5. Lực bán có phần nhỉnh hơn, đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,23% xuống 2.249,51 điểm, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Lực mua bất ngờ áp đảo trên nhóm nông sản sau những ngày liên tục đi ngang, với 5 trong tổng số 7 mặt hàng tăng giá. Trong đó, giá khô đậu tương ghi nhận mức tăng trên 4%, là một trong các nguyên liệu tăng giá mạnh nhất thị trường trong ngày hôm qua.  Trái lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục gặp sức ép, với sự lao dốc của giá cà phê, cacao và bông. Cùng chung xu hướng, nhóm kim loại cũng ghi nhận nhiều mặt hàng giảm giá trước kỳ vọng phục hồi từ phía nguồn cung. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10% lên hơn 5.000 tỷ đồng, với dòng tiền được phân bổ nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại. Giá đậu tương chạm mức cao nhất 3 tuần Giá đậu tương hợp đồng tháng 7 tăng vọt hơn 2% trong phiên hôm qua và chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 11/2023. Lực mua được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh mùa vụ tại Brazil tiếp tục bị đe dọa bởi yếu tố thời tiết.  Công ty Hỗ trợ kỹ thuật và Khuyến nông Nông thôn Emater cho biết, các trận mưa lớn đã diễn ra tại bang Rio Grande do Sul, khu vực sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil. Tính tới ngày 25/04, còn khoảng 34% diện tích đậu tương tại bang chưa được thu hoạch, và những trận mưa kéo dài đã gây ra lũ lụt tại các vùng gieo trồng trọng điểm.  Ban đầu, sản lượng đậu tương năm nay ở Rio Grande do Sul được kỳ vọng sẽ đạt kỷ lục 22,25 triệu tấn, và giúp bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng ở các bang Mato Grosso và Parana do hạn hán. Các yếu tố bất lợi về thời tiết đã làm giảm bớt kỳ vọng tích cực này, kéo giá đậu tương tăng mạnh. Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới gần 5%. Bên cạnh mối đe dọa về thời tiết đối với mùa vụ tại Brazil, những tin đồn trên thị trường về việc công nhân ở Argentina có thể nối lại các cuộc đình công để phản đối chính phủ cũng đã hỗ trợ giá khô đậu bật tăng. Trái lại với xu hướng quốc tế, giá chào bán khô đậu giao tháng 6 cập cảng Cái Lân ghi nhận đà giảm so với tuần trước, với mức giảm khoảng 200 đồng/kg, hiện đang được giao ở khoảng 11.850 đồng/kg. Giá cập cảng Vũng Tàu cùng kỳ hạn được chào bán thấp hơn ở khoảng 11.700 đồng/kg. Áp lực nguồn cung giải toả, giá kim loại cơ bản suy yếu Khác với diễn biến tăng giá áp đảo trên thị trường nông sản thế giới, nhóm kim loại ghi nhận biến động có phần trái chiều, với lực bán có phần nhỉnh hơn.  Giá đồng COMEX nối dài đà giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Sau khi thiết lập mức đỉnh 2 năm, giá đồng đang suy yếu trở lại khi rủi ro nguồn cung vốn đang dần được xoa dịu. Cụ thể, nhằm hạ nhiệt đà tăng mạnh mẽ của giá đồng, các nhà sản xuất của Trung Quốc đang lên kế hoạch xuất khẩu tới 100.000 tấn đồng tinh chế, mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Cùng chung xu hướng giảm, giá nhôm LME và niken LME cũng để mất hơn 1% giá trị do yếu tố nguồn cung cải thiện. Đối với nhôm, tồn kho các trong kho LME hiện đã tăng lên 88.625 tấn, làm giảm bớt lo ngại nguồn cung gián đoạn sau khi Mỹ và Anh ban hành lệnh cấm nhôm của Nga vào tháng trước, từ đó gây áp lực cho giá. Đối với niken, theo thông báo của Chính phủ Zimbabwe, một trong những nước khai thác niken lớn trên thế giới, mỏ niken Trojan của nước này đã quay trở lại sản xuất  sau 7 tháng ngừng hoạt động. Mỏ hiện có công suất sản xuất 5.500 tấn niken cô đặc hàng năm, có thể củng cố thêm cho nguồn cung, gây áp lực lên giá niken vốn đang chịu sức ép bởi tình trạng dư cung. Đối với kim loại quý, áp lực vĩ mô suy yếu tiếp tục hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp. Chốt ngày, giá bạc tăng nhẹ 0,3% lên 26,82 USD/ounce. Giá bạch kim neo tại mức 962,6 USD/ounce, sau khi tăng 0,81%. Trong bản công bố kết quả cuộc họp lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), mặc dù tỏ ra lo ngại về lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn giữ nguyên mục tiêu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này giúp xoa dịu nỗi lo về nguy cơ FED không hạ lãi suất hoặc thậm chí tăng lãi suất như thị trường dự báo trước đó. Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm trong phiên, hỗ trợ giá kim loại quý duy trì đà tăng. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook