Thị trường hàng hóa

Thúc đẩy hợp tác thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc

Ngô Minh Ngọc   |  26/04/2024

Từ ngày 23-26/4/2024, đoàn công tác của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có chuyến thăm và làm việc với các Sở Giao dịch hàng hóa và đối tác lớn tại Trung Quốc. Đây là sự kiện bản lề trong quá trình hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa giữa hai quốc gia. Thúc đẩy hợp tác với thị trường Trung Quốc Trong chuyến đi này, đoàn công tác của MXV do ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc dẫn đầu đã đến thăm và có những buổi làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE), Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE) và Công ty Tài chính quốc tế Orient Futures. DCE và SHFE hiện là hai trong ba Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc, đồng thời nằm trong top 10 Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất toàn cầu. Trong khi đó, SGE luôn giữ vững vị thế là Sở Giao dịch Vàng vật chất lớn nhất thế giới trong những năm qua. MXV tới thăm và làm việc tại trụ sở của Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) Tại buổi làm việc, các đối tác đã cởi mở chia sẻ với MXV những kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ như phòng vệ giá, quản lý rủi ro, quản lý thành viên, bù trừ giao dịch để tổ chức, vận hành thị trường giao dịch hàng hóa một cách minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả. Bên cạnh đó, các nội dung hợp tác về đào tạo thị trường, đào tạo nguồn nhân lực cũng được thảo luận dựa trên kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường hàng chục năm tại Trung Quốc. Các đối tác đều khẳng định Việt Nam đang là thị trường giao dịch hàng hóa có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực. Với quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc đang được Chính phủ hai nước thúc đẩy một cách toàn diện, việc hợp tác với MXV sẽ là chiến lược trọng tâm của các Sở Giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc trong thời gian tới.  Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: “Theo kế hoạch, trong quý II/2024, MXV sẽ hoàn thành việc liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch tại Trung Quốc, tiến tới mục tiêu niêm yết chéo các sản phẩm giao dịch. Ngoài ra, việc liên thông với thị trường tỉ dân sẽ mở ra những cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, để tối ưu hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm giá và đầu tư”. Kinh nghiệm xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo  Theo kế hoạch trọng tâm trong năm 2024, MXV dự kiến sẽ triển khai các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, trong đó Sàn Giao dịch thịt heo tại TP.Hồ Chí Minh sẽ là thí điểm quan trọng.  Với vị thế là Sở Giao dịch hàng đầu tại thị trường sản xuất thịt heo lớn nhất trên thế giới, DCE đã có kinh nghiệm lâu đời trong việc niêm yết và tổ chức giao dịch thịt heo tại Trung Quốc. Theo báo cáo của DCE, trung bình năm 2023, mỗi ngày có khoảng 1,6 triệu tấn thịt heo được giao dịch qua Sở này. Xuyên suốt chuyến làm việc, MXV liên tục được trao đổi kinh nghiệm với DCE trong các vấn đề: chọn loại mặt hàng thịt heo giao dịch, giống heo, quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt, quy trình giao nhận thịt heo,... Quang cảnh buổi làm việc giữa MXV và DCE Cùng với đó, MXV cũng chia sẻ thêm về quy mô và các đặc trưng của thị trường thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Wang Weijun, Phó Tổng giám đốc DCE nhấn mạnh: “DCE luôn sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để MXV có thể vận hành thật tốt Sàn Giao dịch thịt heo. DCE cũng hy vọng hai Sở có thể kết nối giao dịch liên thông, niêm yết chéo sản phẩm sớm nhất trong thời gian tới”. Hệ thống công nghệ thông tin và giao nhận hàng vật chất hiện đại Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn công tác của MXV đã đến thăm Trung tâm dữ liệu của DCE. Trung tâm này có tổng diện tích lên tới 10.000 m2 với sức chứa hơn 1.200 tủ server cùng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại. Hệ thống của DCE có thể đáp ứng nhu cầu giao dịch liên tục của hàng triệu tài khoản mà không gặp bất kỳ sự cố nào.  Đoàn công tác của MXV đến thăm Trung tâm dữ liệu của DCE Cùng với đó, MXV đã cùng DCE đến thăm cảng Đại Liên. Cảng đóng vai trò là trung tâm trung chuyển container lớn thứ hai ở Trung Quốc với tổng diện tích cả vùng nước và đất liền là 346 km2, hệ thống đường ray chuyên dụng 160km, 300.000 m2 nhà kho cùng sân bãi container rộng 1,8 triệu m2. Cảng có 80 bến tàu chuyên dụng, có thể đón tàu với trọng tải lên tới 500.000 tấn, liên kết với hơn 300 cảng ở 160 quốc gia và các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đây là cảng giao nhận chính của DCE đối với các mặt hàng nông sản. Hoạt động giao nhận hàng vật chất của DCE đã diễn ra rất sôi động tại đây trong suốt những năm qua.  Thông qua chuyến thăm này, MXV có thể học hỏi, bám sát mục tiêu chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu giao dịch ngày càng cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, nghiệp vụ giao nhận hàng hóa sẽ được đẩy mạnh và mở rộng đối với các sản phẩm thế mạnh của nước ta như xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều; nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,… MXV sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp với DCE nói riêng, các đối tác tại Trung Quốc nói chung để để xây dựng kênh thương mại hàng hóa hiệu quả cho thị trường trong nước, đóng góp vào sự phát triển của ngành thương mại nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới.  Hường Nguyễn
Xem thêm

Kịch bản nào cho giá dầu trước sức nóng từ ‘chảo lửa’ Trung Đông?

Ngô Minh Ngọc   |  19/04/2024

  Căng thẳng tại Trung Đông leo thang ngay trong bối cảnh Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) “siết van bơm dầu”, làm gia tăng nỗi lo về nguồn cung gián đoạn. Điều này đang đẩy giá dầu đứng trước các kịch bản rất khó lường, kéo theo các tác động sâu rộng tới nền kinh tế thế giới và cả trong nước. Xung đột khu vực Trung Đông không ngơi nghỉ Kể từ khi cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel nổ ra trong ngày 7/10/2023, tình hình chính trị tại khu vực Trung Đông cho đến nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Căng thẳng một lần nữa bùng lên khi mới đây, trong đêm ngày 13/4, Iran đã tiến hành cuộc tấn công vào Israel, nhằm trả đũa đối với hành động quân sự của Tel Aviv đối với đại sứ quán Iran ở Syria. Sự tham gia trực tiếp của Tehran khiến thị trường lo ngại hoạt động xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của nước này sẽ bị ảnh hưởng. Diễn biến giá dầu WTI và Brent từ đầu năm Tuy nhiên, trái ngược với các lo ngại của thị trường, giá dầu mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với mức biến động không quá mạnh, thậm chí chịu áp lực khá rõ. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu WTI kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/4 với mức giảm 0,29% xuống 85,41 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,39% xuống 90,10 USD/thùng. Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Hành động của Iran đã được cảnh báo từ trước, cuộc tấn công không mang tính bất ngờ nên các tác động đã được phản ánh vào giá trước đó. Hơn nữa, sự kiềm chế của các bên liên quan cũng giúp hạ nhiệt thị trường”. Ngay sau khi căng thẳng nổ ra, Israel tạm thời không cho thấy dấu hiệu muốn đẩy xung đột leo thang hơn. Ở phía ngược lại, Iran cũng nhấn mạnh sẽ không tiến xa thêm nếu Israel không vượt qua “lằn ranh đỏ” một lần nữa. Ngoài ra, dòng chảy dầu thô từ Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu bị tác động. Tuy nhiên bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng nào từ một trong hai phía, kéo lan sự ảnh hưởng sang ngành công nghiệp dầu mỏ tại khu vực, đều có thể đẩy thị trường vào một cơn khủng hoảng mới. Các kịch bản khả dĩ cho giá dầu trong năm nay? Kể cả không nhắc đến rủi ro địa chính trị, thị trường dầu thô vốn đã rất nóng trước động thái “siết van bơm” của OPEC+. Theo báo cáo tháng 4 từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), thị trường sẽ thâm hụt 940.000 thùng/ngày trong quý hiện tại và giá dầu WTI duy trì mức đỉnh khoảng 85 USD/thùng trong giai đoạn quý II và quý III trước tác động trên. Hiển nhiên, không thể loại bỏ rủi ro địa chính trị ra khỏi thị trường khi đây là yếu tố tác động rất mạnh lên giá dầu. Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng xu hướng của giá dầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến căng thẳng tại Trung Đông với hai kịch bản có thể xảy ra. Mức thay đổi trong kho dự trữ dầu toàn cầu Trong kịch bản đầu tiên, căng thẳng giữa Iran và Israel dần hạ nhiệt, giá dầu sẽ quay trở lại tuân theo yếu tố cung cầu, với trọng tâm là chính sách sản lượng của OPEC+. Bước vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm mùa hè, giá dầu Brent vẫn có thể ổn định ở vùng trên 80 USD/thùng. Đối với kịch bản tiêu cực hơn, giá dầu có thể chạm ngưỡng ba con số nếu Israel đối đầu trực diện với Iran. Đương nhiên, các cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran sẽ không nằm ngoài tầm ngắm nếu Israel thực hiện các cuộc trả đũa. Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ không để đồng minh số 1 của mình tại Trung Đông đơn độc nếu căng thẳng leo thang. Ở phía ngược lại, Tehran coi eo biển Hormuz, huyết mạch đối với dòng chảy của khoảng 20 triệu thùng dầu thô mỗi ngày ra thế giới, là “quân át chủ bài” để đối đầu trực tiếp với Washington. Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đỏ vẫn bất ổn, việc cửa ngõ giao thương Hormuz gặp thách thức hay thậm chí bị đóng cửa thì “cơn ác mộng” thực sự sẽ xuất hiện trên thị trường dầu thế giới. Mặc dù kịch bản tiêu cực này khá khó có thể xảy ra vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế các nước tại chính khu vực. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu sẽ khó có thể chấp nhận giá dầu neo mức cao trong thời gian dài vì điều này có thể gây đứt gãy nhu cầu. Vậy nên OPEC+ có thể sẽ can thiệp giúp hạ nhiệt thị trường với hơn 5 triệu thùng/ngày công suất dự phòng hiện có.  Tuy nhiên, sự cảnh giác là điều không thừa, khi tình hình chính trị còn nhiều bất định. Hơn nữa, tâm lý của thị trường cũng có thể đẩy giá lên cao trong ngắn hạn nếu tình hình xấu đi, và nền kinh tế thế giới khi đó cũng sẽ khó tránh khỏi hệ luỵ.  Giá dầu, lạm phát và câu chuyện tỷ giá Giá dầu luôn gắn liền với tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Oxford Economics ước tính rằng giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng 0,29 điểm phần trăm vào năm 2024. Rủi ro giá dầu tăng vì thế sẽ là một trở ngại trong chặng cuối cuộc chiến chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương. Đặc biệt đối với Mỹ, kỳ vọng về thời điểm xoay trục chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bị đẩy lùi sau khi lạm phát tăng vượt dự báo trong tháng thứ 3 liên tiếp, với 60% đóng góp từ giá năng lượng tăng và giá nhà ở. Bank of America và Deutsche Bank thậm chí dự đoán sẽ chỉ có một lần cắt giảm lãi suất vào tháng 12 thay vì ba lần. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong kịch bản thứ hai, khi giá dầu thế giới chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Đồng USD cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ. Diễn biến tỷ giá USD/VND tại Việt Nam Việt Nam cũng sẽ chịu sức ép không nhỏ dưới tác động từ thị trường năng lượng và tài chính toàn cầu. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Dũng, tỷ giá của Việt Nam được dự báo sẽ neo ở mức cao trong ngắn hạn, dưới áp lực từ việc đồng USD tăng giá và thời điểm hạ lãi suất của Fed hiện đang bị đẩy lùi. Tuy nhiên, nhìn nhận tích cực thì với việc duy trì mức lãi suất thấp xuyên suốt trước đó, áp lực tỷ giá của Việt Nam có thể sẽ hạ nhiệt về giai đoạn nửa cuối năm, tiệm cận dần với thời điểm Fed nới lỏng chính sách. Ngoài ra, nguồn cung ngoại hối đến từ hoạt động xuất nhập khẩu, với con số 8,08 tỷ USD xuất siêu trong quý đầu năm, cũng sẽ là yếu tố giúp giảm bớt áp lực đối với Ngân hàng Nhà nước trong mục tiêu bình ổn tỷ giá. Quang Hiệp
Xem thêm

Sức nóng từ thị trường kim loại quý đẩy giá bạc lên ngôi

Ngô Minh Ngọc   |  12/04/2024

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp xoay trục chính sách cộng hưởng với xung đột địa chính trị leo thang, giá kim loại quý nổi lên như một điểm sáng trên thị trường hàng hóa trong giai đoạn gần đây. Giá vàng, bạc và bạch kim đồng loạt tăng mạnh. Trong khi giá vàng liên tục thiết lập các mức cao kỷ lục, giá bạc cũng tăng hơn 13% lên mức cao nhất trong một năm.  Biến động địa chính trị thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại quý Kim loại quý là kênh tài sản hấp dẫn trong thời kỳ rủi ro, đặc biệt là khi xung đột Nga – Ukraine dai dẳng và các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông luôn thường trực nguy cơ lan rộng, vai trò trú ẩn an toàn được phát huy càng giúp các mặt hàng này gia tăng giá trị. Từ năm 2022, các Ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới bất ngờ quan tâm hơn  việc tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối. Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều NHTW tiếp tục tăng cường dự trữ vàng, góp phần đẩy giá lên các mức cao kỷ lục. Với xu hướng tương tự, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran vào tuần trước, giá bạc cũng tỏa sáng trở lại với việc bứt phá hơn 12% lên mốc 27 USD/ounce, cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Điều này tiếp tục chứng minh sức hấp dẫn của kim loại quý, mặt hàng được coi như một “hầm trú ẩn an toàn”.  Diễn biến giá bạc COMEX từ năm 2022 đến nay Lịch sử đã cho thấy kim loại quý như vàng, bạc luôn hoạt động tốt mỗi khi tình hình thế giới có biến động. Nếu như vàng vẫn là kênh trú ẩn quen thuộc của thị trường xuyên suốt lịch sử, thì trong thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư đã có xu hướng tăng cường lựa chọn sản phẩm bạc nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư “tiềm năng” trong thời kỳ rủi ro tăng cao. Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, vào mùa hè năm 2020, giá bạc lần đầu tiên tăng vượt mốc 20 USD/ounce sau 4 năm, tương đương tăng 17% so với đầu năm 2020, giá vàng cũng tăng gần 30% từ 1.575 USD lên hơn 2.000 USD.  MXV nhận định, với việc xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, kết hợp với diễn biến khó đoán về các cuộc bầu cử trong năm nay, nhất là bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11, kim loại quý sẽ còn rất nhiều dư địa tăng giá. Áp lực lãi suất cao dần lắng xuống Áp lực vĩ mô hạ nhiệt cũng sẽ trở thành lực đẩy hỗ trợ cho giá kim loại quý. Bên cạnh vàng, kim loại bạc với vai trò trú ẩn và vai trò công nghiệp song hành cũng được dự báo sẽ là điểm sáng vượt trội trong năm 2024. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam nhận định: “Giá bạc, giống như vàng, có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Môi trường lãi suất cao hơn sẽ hạn chế nhu cầu về bạc và vàng, vì khi đó, các kim loại quý sẽ kém hấp dẫn hơn so với các khoản đầu tư thay thế như gửi tiết kiệm, nắm giữ trái phiếu chính phủ với lợi suất cao. Do đó, kịch bản FED chuẩn bị hạ lãi suất trong năm nay được coi là một trong những chất xúc tác chính hỗ trợ cho giá bạc, khi chi phí cơ hội của việc nắm giữ bắt đầu giảm bớt”. Nhưng trên thực tế, trong ngắn hạn, kim loại quý vẫn tiềm ẩn rủi ro cạnh tranh với lãi suất và đồng USD, do kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất dần bị lung lay. Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm phát Mỹ có dấu hiệu “nóng” trở lại.  Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ tăng 3,5% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 9/2023, do sự gia tăng của giá xăng và chi phí thuê nhà. Ngay sau khi dữ liệu được công bố, thị trường tài chính đã lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sang tháng 9, thay vì tháng 6 hoặc tháng 7 như dự báo trước đây.  Lãi suất của FED và lạm phát tại Mỹ Tuy FED có thể trì hoãn việc hạ lãi suất và thời điểm bắt đầu xoay trục chính sách vẫn còn là ẩn số, nhưng việc cắt giảm chi phí vay dự kiến vẫn sẽ bắt đầu từ năm nay. Hơn nữa, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan ra quyết sách của FED, đã ấn định ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 trong cuộc họp vào giữa tháng 3. Nhờ đó, giá bạc vẫn còn nhiều dư địa tăng do môi trường lãi suất thấp là môi trường đầu tư có lợi cho kim loại quý. Ứng dụng trong công nghiệp làm tăng sức nóng cho giá bạc “Nếu như vàng chỉ chiếm 10% nhu cầu ứng dụng trong công nghiệp, và tới 40% là đầu tư, thì ứng dụng của bạc ở lĩnh vực công nghiệp và đầu tư lần lượt là khoảng 60% và 24%. Tác động cộng hưởng từ cả yếu tố chính trị, vĩ mô và sản xuất có thể sẽ đưa kim loại trắng này trở thành điểm sáng vượt trội trong năm 2024, bên cạnh sản phẩm vàng truyền thống”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.  Giá bạc cũng dễ biến động hơn vàng do nhạy cảm hơn với sức khỏe của nền kinh tế. Nền kinh tế hoạt động tốt kéo theo sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất nhìn chung sẽ có lợi cho giá bạc. Hiện tại, bức tranh kinh tế toàn cầu đang dần vượt qua những khó khăn mà đại dịch COVID-19 để lại. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã chứng kiến sự mở rộng trong hoạt động sản xuất sau chuỗi nhiều tháng liên tiếp thu hẹp. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố vào đầu năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay thêm 0,2 điểm phần trăm lên 3,1%. Theo đó, nhu cầu bạc trong công nghiệp cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay.  Nhu cầu tiêu thụ bạc theo lĩnh vực Báo cáo mới nhất của Viện Bạc (Silver Institute) cho biết nhu cầu bạc toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 1,2 tỷ ounce vào năm 2024, đánh dấu mức cao thứ hai trong lịch sử. Trong đó, tiêu thụ bạc ở lĩnh vực công nghiệp được dự báo tăng 4% lên mức kỷ lục 690 triệu ounce, chiếm thị phần khoảng 60%.  Đáng chú ý, Viện Bạc cho rằng nhu cầu bùng nổ vào năm nay sẽ giúp giá bạc chinh phục được cột mốc 30 USD/ounce, mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Và nếu nhìn ở góc độ dài hạn, đà tăng sẽ còn tiếp diễn do ứng dụng quan trọng của kim loại này trong kỷ nguyên năng lượng sạch, đưa bạc trở thành sản phẩm tiềm năng trong danh mục đầu tư bền vững. Theo Khánh Hoà
Xem thêm

Giá kim loại nối đà tăng mạnh, nông sản phục hồi

Ngô Minh Ngọc   |  05/04/2024

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, với 25 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt tăng giá, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày hôm qua (3/4), đẩy chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng mạnh 1,14% lên 2.291 điểm, nối dài chuỗi tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp đồng thời thiết lập mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái.  Kim loại và nông sản là 2 nhóm dẫn dắt xu hướng thị trường trong ngày hôm qua. Tất cả các mặt hàng nông sản đóng cửa trong sắc xanh. Đồng thời, có đến 9 trên 10 mặt hàng kim loại chốt ngày tăng giá. Trong đó phần lớn các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng từ 2%. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định, đạt mức trên 7.000 tỷ đồng. Giá ngô hồi phục mạnh từ vùng đáy 1 tháng Giá lúa mì dẫn đầu đà tăng trong nhóm nông sản khi nhảy vọt gần 2% vào hôm qua. Theo MXV, lo ngại về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc tại khu vực biển Đen là yếu tố chính đã hỗ trợ cho giá mặt hàng này.    Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc từ niên vụ 23/24 đến ngày 3/4 của nước này đã giảm 2,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 35,4 triệu tấn. Tình hình chiến sự tại khu vực Biển Đen vẫn đang không ngừng leo thang là nguyên nhân chính khiến các lô hàng xuất khẩu bị trì hoãn. Trong bối cảnh lo ngại nguồn cung từ biển Đen vẫn chưa thể xoá bỏ, tình hình xuất khẩu khó khăn từ Ukraine đã góp phần hỗ trợ giá lúa mì giao dịch trên Sở Chicago. Trong khi đó, giá ngô quay trở lại đà tăng, đóng cửa hồi phục mạnh 1,23%. Sau khi rung lắc mạnh sau 2 báo cáo về tình hình nguồn cung của Mỹ vào cuối tuần trước, giá ngô đang được hỗ trợ bởi các thông tin xung quanh các nước sản xuất lớn khác.   Cụ thể, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã hạ dự báo lượng ngô xuất đi trong tháng 4 từ quốc gia Nam Mỹ này xuống còn 25.000 tấn, giảm mạnh từ mức 166.000 tấn được ghi nhận vào tháng 4/2023.  Trong khi đó, tại châu Âu, dự báo sản lượng ngô niên vụ 2024/25 sẽ giảm còn 61,9 triệu tấn từ mức 62,2 triệu tấn của niên vụ trước, theo hãng tin Refinitiv. Sau khi đối mặt với trận lũ lụt vào năm ngoái, tiến độ gieo trồng năm nay của vẫn đang bị cản trở và dẫn tới rủi ro cây trồng đối mặt với việc sinh trưởng ngoài khung thời gian lý tưởng.  Lo ngại về nguồn cung trong giai đoạn này sẽ giúp Mỹ củng cố vị thế xuất khẩu trên thị trường quốc tế khi đây là quốc gia có lượng tồn kho sẵn có dồi dào nhất. Điều này cũng đã đẩy giá ngô hồi phục trở lại từ mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.   Ngoài ra, theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng ethanol đã ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp, đạt mức trung bình là 1,073 triệu thùng/ngày. Khối lượng ngô trong tuần được sử dụng làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp này đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 đã phản ánh nhu cầu gia tăng tại Mỹ.  Giá đồng đạt đỉnh 14 tháng Kết thúc ngày giao dịch 3/4, ngoại từ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại đều tăng giá và lần lượt thiết lập các mức đỉnh mới. Đối với kim loại quý, vai trò trú ẩn an toàn được phát huy khi xung đột địa chính trị leo thang, bạc và bạch kim tiếp tục đón nhận lực mua mạnh mẽ trong phiên hôm qua.  Giá bạch kim tăng 1,31% lên 946,5 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 2 tuần. Đáng chú ý, sau khi chạm đỉnh 3 tháng trong phiên trước đó, giá bạc tiếp tục bứt phá lên mức cao nhất 11 tháng vào phiên hôm qua. Chốt phiên, giá bạc neo tại mức 27,06 USD/ounce nhờ tăng 4,39%.   Bên cạnh đó, việc đồng USD giảm mạnh càng giúp củng cố lực mua kim loại quý trong phiên. Theo số liệu Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) công bố hôm qua, chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 51,4 điểm trong tháng 3, từ mức 52,6 điểm trong tháng 2. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này sụt giảm kể từ khi hồi phục vào tháng 1, cho thấy hoạt động dịch vụ, lĩnh vực chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ, đang chậm lại. Đồng USD suy yếu ngay sau khi dữ liệu được công bố, kéo chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm 0,51% về 104,22 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 3. Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã trải qua một phiên giao dịch khởi sắc khi giá bật tăng lên mức đỉnh 14 tháng, sau khi tăng 3,03%.  MXV cho biết, giá đồng vẫn đang được hỗ trợ kép từ lo ngại về nguồn cung kết hợp với triển vọng tiêu thụ được củng cố. Dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã giúp thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu đối với kim loại công nghiệp này. Triển vọng lạc quan này đã khiến các nhà phân tích liên tục nâng dự báo giá đồng. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá đồng sẽ đạt mức cao kỷ lục 12.000 USD vào quý đầu tiên của năm tới và Citigroup dự đoán giá sẽ đạt mức đó vào đầu năm 2026.  Tuy nhiên, giá quặng sắt lại đi ngược chiều nhóm kim loại khi đây là mặt hàng duy nhất giảm giá trong phiên hôm qua. Giá quặng sắt đã đánh mất mốc 100 USD sau khi giảm 2,03% về 99,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023.   Giá nguyên liệu thô để sản xuất thép này đã gặp áp lực bán mạnh sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm soát sản lượng thép thô vào năm 2024. Điều này khiến một số nhà phân tích dự đoán sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ giảm hơn 10% so với cùng kỳ vào tháng 3, do các nhà máy trì hoãn sản xuất và việc thực hiện bảo trì trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn dự kiến.  Giá thép nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm Trên thị trường nội địa, sau gần 1 tháng đi ngang, các doanh nghiệp thép ngày 2/4 vừa qua đã điều chỉnh giảm giá đối với cả sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, đánh dấu lần giảm thứ hai liên tiếp kể từ tháng 3. Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc giảm xuống 14,04 triệu đồng/tấn, giảm từ mức giá 14,14 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm xuống 14,43 triệu đồng/tấn.  Mặc dù đang trong mùa tiêu thụ cao điểm, tuy nhiên nhu cầu thép chưa có tín hiệu cải thiện đáng kể đã khiến các doanh nghiệp thép trong nước phải điều chỉnh giảm giá. Bên cạnh đó, giá thép nước ta thường diễn biến đồng pha với giá thép Trung Quốc. Do vậy, trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô sản xuất thép là quặng sắt của Trung Quốc liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng góp phần gây áp lực lên giá thép nội địa. So với đầu tháng 1, hiện giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore đã đánh mất hơn 30% giá trị, giảm từ mức 143 USD/tấn xuống chỉ còn 99,5 USD/tấn.  Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Ngô Minh Ngọc   |  30/03/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới ngày hôm qua (27/3). Sắc đỏ chiếm ưu thế đã kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index giảm 0,24% xuống 2.217 điểm. Trong đó, toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng đều giảm giá, mạnh nhất là khí tự nhiên. Áp lực tiêu thụ cũng đè nặng lên giá kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm đáng kể, về mức thấp nhất trong hơn một tuần trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 5.000 tỷ đồng. Áp lực tồn kho Mỹ gia tăng kéo giá dầu giảm nhẹ Theo MXV, giá dầu thế giới biến động giằng co trong phiên giao dịch ngày 27/3, chốt phiên với mức giảm nhẹ chủ yếu do báo cáo tồn kho nhiên liệu tại Mỹ có xu hướng gia tăng. Giá dầu WTI kết phiên  giảm 0,33% xuống 81,35 USD/thùng. Dầu Brent giảm nhẹ 0,26% xuống 85,41 USD/thùng. Theo báo cáo trạng thái nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 22/3 ghi nhận mức tăng 3,16 triệu thùng. Tồn kho tại kho lưu trữ quan trọng Cushing, Oklahoma, địa điểm giao hàng dầu WTI kỳ hạn cũng tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước lên mức 33,5 triệu thùng. Điều này phản ánh nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn tương đối so với nhu cầu và từ đó gây áp lực cho giá dầu trong phiên. Trước đó, viện dầu khí Mỹ (API) công bố mức tồn kho dầu tăng mạnh 9,3 triệu thùng, đã kéo giá dầu giảm ngay từ phiên mở cửa. Dữ liệu của EIA công bố mức tăng chỉ bằng 1/3 dữ liệu từ API, nên giá dầu cũng không còn gặp nhiều sức ép so với phiên sáng. Dữ liệu EIA cũng cho thấy nhu cầu xăng tại Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống 8,7 triệu thùng/ngày, giảm từ 8,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Ngoài ra, hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đè nặng lên giá. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy những khó khăn bắt đầu xuất hiện, với việc OPEC đã vượt mục tiêu 190.000 thùng/ngày trong tháng 2. Mặc dù vậy, giá dầu đã đảo ngược mức giảm rõ rệt về cuối phiên sau thông tin về việc Chính quyền Mỹ đã trao hợp đồng mua 2,8 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược (SPR) của Chính phủ với giá hơn 81 USD/thùng, cao hơn 2 USD so với giá mua mục tiêu. Dầu dự kiến sẽ giao vào tháng 9. Thị trường kim loại diễn biến giằng co Khép lại ngày giao dịch 27/3, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc phục hồi 0,52% lên 24,75 USD/ounce chủ yếu nhờ lực mua kĩ thuật. Trái lại, giá bạch kim quay đầu giảm 1,19%, dừng chân tại 909,7 USD/ounce, do chịu sức ép bởi đồng USD tăng giá. Chốt phiên, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 104,37 điểm, tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong hơn một tháng trở lại đây. Đồng bạc xanh vẫn đang được củng cố nhờ bức tranh lạc quan của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, việc dòng tiền dịch chuyển mạnh mẽ sang thị trường chứng khoán với cả ba chỉ số chính đều phục hồi trong sắc xanh đã làm giảm dòng tiền nắm giữ kim loại quý, từ đó gây sức ép lên giá bạch kim. Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục trải qua một phiên giao dịch giằng co do thông tin cơ bản đang khá trái chiều. Chốt phiên, giá đồng neo tại mức 4 USD/pound sau khi giảm 0,21%.  Theo số liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng ngày 27/3, lợi nhuận công nghiệp trong hai tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài chuỗi tăng kể từ tháng 8 cho thấy nền kinh tế nước này khởi sắc hơn. Trước đó, dữ liệu cũng chỉ ra sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định tăng vượt dự kiến trong hai tháng đầu năm. Những dữ liệu tích cực này phần nào giúp củng cố sự lạc quan trên thị trường, vì thế giá đồng cũng được hưởng lợi.  Tuy nhiên, yếu tố này chỉ mang tính chất trấn an tâm lý thị trường và giá đồng vẫn đang phải chịu sức ép do tiêu thụ yếu. Bất chất việc các nhà sản xuất Trung Quốc hạn chế sản lượng, tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn liên tục tăng và hiện đã vượt 285.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2020. Điều này cho thấy nhu cầu vẫn còn trầm lắng và chưa cần thiết phải rút đồng từ các kho dự trữ.  Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt giảm phiên thứ hai liên tiếp với 2,78% về 100,45 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một tuần trở lại đây. Áp lực từ yếu tố tiêu thụ vẫn đang đè nặng lên giá quặng sắt. Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Mysteel cho biết trong một báo cáo, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày trong tháng 4 của Trung Quốc dự kiến ở mức 2,25 triệu đến 2,26 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 2,45 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Nhóm kim loại có thể sẽ tiếp tục đối diện với áp lực từ đồng USD

Ngô Minh Ngọc   |  23/03/2024

Đồng USD bất ngờ tăng vọt trong ngày giao dịch hôm qua, đã gây áp lực tới giá một số mặt hàng kim loại, trong đó bạc là mặt hàng phản ứng nhiều nhất. Động thái bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ đã tác động khá lớn tới diễn biến này. Cụ thể, kết thúc cuộc họp chính sách ngày 21/3, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) chính thức tuyên bố cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản xuống 1,50%, một động thái bất ngờ khiến SNB trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên xoay trục chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng. Điều này có thể góp phần tạo động lực cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng sẽ sớm xoay trục chính sách, hay thậm chí là FED. Đồng franc Thuỵ Sỹ đã trượt giá đáng kể sau quyết định này, với tỷ giá CHF/USD giảm hơn 1,2% xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2023. Chỉ số Dollar Index tăng khoảng 0,6%, và xu hướng tăng vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn trong phiên sáng nay. Điều này có thể sẽ thúc đẩy lực bán các mặt hàng như đồng, bạc và bạch kim. Đối với Mỹ, nền kinh tế đang phát triển và Fed thậm chí còn nâng dự báo tăng trưởng trpng tuần này, có nghĩa là cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất khi tăng trưởng vẫn mạnh hoặc trì hoãn cắt giảm nếu lạm phát tỏ ra cứng đầu. Những ở Châu Âu, dữ liệu tiếp tục vẽ nên bức tranh ảm đạm, nên nếu như ECB có động thái hạ lãi suất trước quyết định của FED. Đồng Euro giảm cũng sẽ khiến USD mạnh hơn, giá kim loại vẫn có nguy cơ tiếp tục đối diện với áp lực. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook