Thị trường hàng hóa

Đồng USD còn nhiều dư địa tăng có thể khiến giá kim loại gặp sức ép

Ngô Minh Ngọc   |  03/02/2024

Lực bán áp đảo thị trường kim loại quý ngay từ khi mở cửa do tâm lý thất vọng của thị trường sau quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhiều khả năng giá bạc và giá bạch kim sẽ giảm trong cả phiên khi mà dư địa tăng của đồng USD vẫn còn nhiều. Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, FED đã giữ nguyên lãi suất đúng như kỳ vọng của thị trường. Đáng quan tâm hơn, Chủ tịch FED Jerome Powell đã bác bỏ khả năng hạ lãi suất vào tháng 3. FED cho biết họ sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến khi lạm phát giảm về mức 2% một cách bền vững. Điều này đã dập tắt niềm tin của rất nhiều nhà đầu tư, những người đã đặt kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất ngay trong mùa xuân. Quan điểm cứng rắn này của giới chức FED đã khiến cho đồng USD nhanh chóng tăng trở lại, gián tiếp gây sức ép lên giá bạc, bạch kim. Hơn nữa, đồng USD có thể tiếp tục tăng cao nếu số liệu kinh tế công bố tối nay của Mỹ tích cực. Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) sẽ công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ vào tối nay. Khảo sát chính thức của ISM sẽ mang tính xác nhận lại báo cáo của S&P Global được công bố trong tuần trước. Theo kết quả khảo sát của S&P Global, hoạt động kinh tế Mỹ cải thiện rõ rệt trong tháng 1/2024 khi lĩnh vực sản xuất mở rộng lần đầu tiên sau 9 tháng, trong khi lĩnh vực dịch vụ tiếp tục mở rộng. Do vậy, nếu kết quả khảo sát của ISM cũng tích cực như báo cáo của S&P Global, kịch bản Mỹ “hạ cánh mềm” ngày càng được củng cố. Theo đó, đà tăng giá của đồng USD sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Trên thị trường đồng, đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố gây sức ép lên giá đồng trong phiên giao dịch sáng nay. Hơn nữa, dự kiến giá sẽ tiếp tục giảm do tiêu thụ còn yếu. Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, nhu cầu đồng có thể sụt giảm trong hai tuần tới khi nước này bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 9 đến 16/2, khiến hoạt động sản xuất và xây dựng bị gián đoạn. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu có thể điều chỉnh giảm do áp lực bán chốt lời cuối tuần

Ngô Minh Ngọc   |  27/01/2024

Áp lực bán bắt đầu gia tăng mạnh mẽ trên thị trường dầu trong phiên sáng trước hành động chốt lời của nhà đầu tư sau chuỗi tăng nóng hai phiên liên tiếp. Ngoài ra, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Iran kiềm chế các cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, một động thái giúp giảm bớt lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung. Trong khi đó, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới Saudi Aramco vẫn đang tiếp tục gửi các chuyến hàng chở dầu thô và nhiên liệu qua phía nam Biển Đỏ, bất chấp tình trạng hỗn loạn trong khu vực. Tâm điểm của thị trường hôm nay là báo cáo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong tháng 12/2023 của Mỹ. Việc kinh tế Mỹ duy trì mạnh mẽ bất chấp môi trường lãi suất cao đang làm dấy lên mối lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng trở lại, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách của FED. Thị trường lao động Mỹ duy trì mạnh mẽ trong tháng 12/2023, với bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tăng cao hơn nhiều so với dự báo, trong khi tăng trưởng tiền lương theo giờ cũng cao hơn so với dự kiến và mức tăng trưởng của tháng trước. Ngoài ra, doanh số bán lẻ tích cực, thước đo niềm tin tiêu dùng của Conference Board và Đại học Michigan cũng đều tích cực.  Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất thế chấp giảm trong tháng 12/2023, thị trường nhà ở của Mỹ cũng đang dần phục hồi. Freddie Mac cho biết mức lãi suất trung bình cho một khoản vay cố định có thời hạn 30 năm đã giảm từ 7,22% vào cuối tháng 11/2023 xuống 6,61% vào cuối tháng 12/2023. Giới phân tích đang dự đoán rằng PCE tháng 12/2023 của Mỹ sẽ tăng 0,2% so với tháng trước, sau mức giảm 0,1% vào tháng 11/2023. Trong khi đó, PCE lõi, loại bỏ biến động giá năng lượng và thực phẩm, dự kiến tăng 0,2% so với tháng trước, cao hơn 0,1% điểm phần trăm so với mức tăng trưởng của tháng 11/2023. Nếu dữ liệu cao hơn dự báo, điều này sẽ thúc đẩy đà tăng của đồng USD và gây áp lực lên giá dầu. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Lực mua mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Ngô Minh Ngọc   |  14/01/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (11/1), lực mua chiếm ưu thế và giá hàng hoá nguyên liệu diễn biến tương đối phân hoá. Sắc xanh của hàng loạt mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đã đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,4% lên 2.105 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức trên 5.300 tỷ đồng. Giá của 7 trên 8 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp đều tăng Theo MXV, từ mức thấp nhất trong một tháng, giá Arabica đã tăng 1,6% trong ngày giao dịch hôm qua (11/1). Trong khi đó, giá Robusta lại giảm nhẹ 0,41% sau 5 phiên tăng liên tiếp trước. Dù tỷ giá USD/BRL tăng trong thời điểm cà phê giao dịch nhưng tâm lý lo ngại nông dân hạn chế bán hàng đã đẩy giá Arabica đi lên.  Chỉ số Dollar Index tăng mạnh ngay sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 của Mỹ tăng 3,4%, cao hơn dự đoán 3,2% của thị trường cũng như mức 3,1% của tháng 11. Điều này góp phần đẩy tỷ giá USD/BRL tăng. Tỷ giá tăng nhưng nông dân vẫn còn tâm lý giữ hàng để chờ giá lên, khiến lực mua vẫn chiếm ưu thế và đẩy giá cao hơn.  Cước phí vận chuyển cà phê tăng do ảnh hưởng từ căng thẳng Biển Đỏ đã góp phần giữ giá Robusta không bị giảm quá mạnh trong phiên hôm qua.  Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam xuất khẩu cà phê tháng 12 tăng mạnh 74% so với tháng trước và cao hơn 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu này tích cực hơn so với ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê đưa ra vào cuối tháng trước. Ở một diễn biến khác trên bảng giá nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp, sau hai phiên giảm liên tiếp, giá đường 11 tăng 1,63% so với tham chiếu. Lo ngại về nguồn cung sắp tới đã hạn chế tác động từ số liệu sản lượng tích cực tại Brazil. Tập đoàn công nghiệp Unica cho biết sản lượng đường nửa cuối tháng 12 của vùng Trung Nam Brazil đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy kéo dài mùa nghiền trong bối cảnh thời tiết khô hạn đã thúc đẩy sản lượng tăng. Tuy vậy, Unica cho biết thêm hiện tại lượng mía không đủ cho sản xuất. Đây là tín hiệu đáng lo với nguồn cung thời gian tới.  Biến động khu vực Biển Đỏ làm giá dầu nóng trở lại Giá dầu biến động mạnh trong ngày giao dịch hôm qua trước hàng loạt thông tin quan trọng, từ yếu tố địa chính trị cho tới tâm điểm dữ liệu lạm phát Mỹ. Kết thúc phiên, giá lấy lại động lực tăng do biến động quanh khu vực Biển Đỏ lấn át cả yếu tố kinh tế vĩ mô và thúc đẩy lực mua trên thị trường.  Cụ thể, dầu WTI tăng 0,91% lên mức 72,02 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,79% lên 77,41 USD/thùng. Hải quân Iran hôm thứ Năm đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, nơi từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng lớn giữa Tehran và Washington. Vụ bắt giữ càng làm gia tăng căng thẳng trên các tuyến đường thủy ở Trung Đông, là nguyên nhân chính cho đà tăng của giá dầu trong phiên. Con tàu bị bắt giữ được biết đến với cái tên Suez Rajan, đã từng vướng vào một vụ tranh chấp kéo dài một năm và khiến Bộ Tư pháp Mỹ thu giữ 1 triệu thùng dầu thô Iran trên đó. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ trong tuần này. Tháng 12/2023, thương mại toàn cầu giảm 1,3% so với tháng trước do các cuộc xung đột liên tục diễn ra.  Cũng đóng góp vào đà tăng của giá dầu, dữ liệu từ S&P Global cho biết thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) Azerbaijan đã sản xuất 480.000 thùng dầu mỗi ngày vào tháng cuối 2023, thấp hơn 204.000 thùng/ngày so với hạn ngạch theo thoả thuận vào tháng 12.  Mặc dù được hỗ trợ bởi các rủi ro địa chính trị, nhưng giá dầu cũng chịu sức ép đáng kể sau khi Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tăng trở lại trong tháng 12. Điều này đã thu hẹp mức tăng của dầu thô vào cuối phiên. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,2% theo dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức 3,1% của tháng 11/2023. Con số này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa thể vội vàng cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường. Đồng USD tăng giá, đã gây áp lực cho dầu thô định giá bởi đồng bạc xanh. Tuy nhiên, trước các lo ngại về tình hình nguồn cung, giá dầu vẫn được hỗ trợ trở lại. Ngoài ra, Wood Mackenzie cho biết trong một báo cáo rằng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục lập kỷ lục trong năm nay, với mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu dự kiến ở mức gần 2 triệu thùng/ngày so với năm 2023. Tổng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt trung bình 103,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu tăng mạnh, sắc đỏ áp đảo bảng giá nông sản

Ngô Minh Ngọc   |  08/01/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng (5/1) tuần đầu năm mới, lực bán áp đảo trên thị trường hàng hoá. Giá của 22 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới đồng loạt suy yếu, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,42% xuống 2.118 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt hơn 4.300 tỷ đồng/ngày, giảm 26% so với tuần trước đó, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước. Giá dầu tăng mạnh trở lại trong tuần đầu năm mới Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024 (2 - 7/1), giá dầu tăng mạnh trở lại trước dấu hiệu gián đoạn nguồn cung cấp. Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ diễn biến phức tạp, cũng đẩy nhanh lực mua trên thị trường. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 3,01% lên mức 73,81 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên tại mức giá 78,76 USD/thùng, giảm 2,23% so với tuần trước đó. Biểu tình ở Libya buộc các nhà khai thác dầu phải giảm tối đa, thậm chí ngưng hoạt động tại mỏ Sharara. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Trước đó, bất ổn địa chính trị đã cản trở sự phát triển của ngành dầu mỏ Libya. Theo dữ liệu của Argus, xuất khẩu dầu của Libya đạt trung bình dưới 990.000 thùng/ngày vào năm 2023, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với năm 2022, nhưng thấp hơn khoảng 80.000 thùng/ngày so với mức cao nhất sau nội chiến vào năm 2021. Trong khi đó, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng góp phần đẩy giá dầu tăng cao. Hãng tàu khổng lồ Maersk cuối tuần trước cho biết sẽ chuyển tuyến toàn bộ khỏi Biển Đỏ trong tương lai gần, đồng thời cảnh báo khách hàng sẽ có gián đoạn trong vận chuyển hàng.  Ở diễn biến khác, thương mại dầu mỏ Trung Quốc và Iran đã bị đình trệ do Tehran từ chối xuất khẩu và yêu cầu giá cao hơn, thắt chặt nguồn cung giá rẻ cho nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Bank of America trong một báo cáo cho biết giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong năm 2024 bởi rủi ro địa chính trị và chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+. Ngân hàng này kỳ vọng phạm vi giao dịch dầu Brent sẽ dao động 70 - 90 USD/thùng được giữ vững khi OPEC+ can thiệp từ quý I/2024. Nguồn tin từ Reuters cho biết nhóm sẽ tổ chức họp vào ngày 1/2. Thông tin này cũng giúp tâm lý mua được đẩy mạnh, bởi OPEC+ hoàn toàn có thể can thiệp thêm vào thị trường thông qua việc điều chỉnh giảm hạn ngạch.  Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 4/2024. Trong năm 2023, Mỹ đã bổ sung tổng cộng khoảng 11 triệu thùng dầu vào SPR, với khoảng 4 triệu thùng sẽ được các công ty dầu mỏ hoàn trả trong tháng 2/2024. Giá đậu tương giảm sâu Phe bán tiếp tục áp đảo trên thị trường đậu tương trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024. Quay trở sau kỳ nghỉ lễ Dương lịch, giá đậu tương duy trì đà giảm từ khi mở cửa cho tới những phiên kế tiếp. Sự chú ý của thị trường tập trung đến khu vực Nam Mỹ vì thời tiết tại Brazil và Argentina đều có dấu hiệu tích cực. Điều này khiến giá đậu tương giảm tới tuần thứ 8 trong 9 tuần gần nhất.   Trung tâm Nghiên cứu Hàng hóa Refinitiv cho biết tuần này, mưa lớn sẽ tiếp tục ở phía Bắc, miền Trung và miền Đông Brazil, trong khi phía Nam và Đông Nam sẽ khô ráo. Nhiệt độ dự báo sẽ khá thuận lợi ở phía Bắc trong khi nắng nóng sẽ xảy ra trên một phần khu vực phía Nam và phía Đông. Nếu các dự báo này chính xác, mưa sẽ cải thiện đáng kể độ ẩm đất tại các khu vực chịu khô hạn, phục hồi thiệt hại của cây trồng về năng suất.   Tại Argentina, thời tiết nhìn chung tương đối khả quan. Mưa trên diện rộng thời gian gần đây cũng giúp độ ẩm đất được cải thiện trên khắp vùng đồng bằng Pampas, hỗ trợ cho cây trồng phát triển. Độ ẩm đất hiện nay đang dao động ở gần hoặc trên mức cao nhất trong 6 năm ở hầu hết các vùng sản xuất chính, ngoại trừ một số tỉnh miền Tây như La Pampa và San Luis. Điều này là nguyên nhân chính khiến Refinitiv nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Argentina lên mức 49,2 triệu tấn, tăng 2% so với ước tính trước.   Về phía nhu cầu, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương niên vụ 2023/24 của nước này trong tuần kết thúc ngày 28/12 chỉ đạt 200.000 tấn. Con số này đã tạo ra sự bất ngờ khi các nhà phân tích đều kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ nằm trong khoảng từ 500.000 tấn đến 1,3 triệu tấn. Doanh số bán hàng thấp trong giai đoạn cao điểm cho thấy đậu tương Mỹ đang kém cạnh tranh trên thị trường, tạo áp lực lên giá.  Giá khô đậu tương đã suy yếu hơn 4% vào tuần qua và là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Với triển vọng thời tiết tích cực, sản lượng đậu tương tại Argentina dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Điều này sẽ giúp các nhà máy có thể đẩy mạnh hoạt động ép dầu trở lại sau giai đoạn khan hiếm nguồn nguyên liệu.   Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 5/1, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam đi ngang. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 13.150 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá khô đậu tương dao động quanh mức 13.050 - 13.150 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Áp lực đóng vị thế cuối năm có thể kéo giá dầu tiếp tục giảm

Ngô Minh Ngọc   |  31/12/2023

Xu hướng tăng ngắn hạn của giá dầu trước đó chủ yếu là do căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ làm gián đoạn khả năng vận chuyển dầu thô của các đơn vị tàu biển. Hiện tại, căng thẳng đang dần hạ nhiệt, nên giá dầu có thể cũng sẽ gặp áp lực trở lại. Cùng với đó, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ chốt lời cuối năm, đồng thời hạn chế mở vị thế mới. Tâm lý này sẽ làm gia tăng lực bán trong phiên cuối tuần. Ngay trong báo cáo nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/12, khá bất ngờ với báo cáo tăng 1,8 triệu thùng của API. Tuy nhiên, thị trường không có phản ứng đáng kể. Nguyên nhân một phần là do tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng của Mỹ ở Cushing, Oklahoma, địa điểm phân phối dầu thô tiêu chuẩn, tiếp tục tăng lên mức 34 triệu thùng, từ mức 32,5 triệu thùng trong tuần trước. Đây vốn là nơi cung cấp cơ chế phân phối thực tế cho hợp đồng tương lai NYMEX WTI, đầu mối quan trọng cho thị trường dầu thô toàn cầu, với hơn 30 đường ống xuất nhập khẩu và 16 kho cảng chính. Lo ngại về bài toán nhu cầu yếu vẫn là nguyên nhân chủ đạo tạo sức ép lên giá. Các tổ chức quốc tế đánh giá không mấy khả quan về bối cảnh tăng trưởng toàn cầu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2024. Nỗ lực của OPEC+ trong năm qua dường như cũng không mấy hiệu quả. Điểm đáng chú ý nhất có thể nâng giá dầu là diễn biến xung quanh các yếu tố địa chính trị, và tác động có thể mạnh tay hơn từ OPEC+. Do đó, khi các yếu tố này lắng xuống thì dầu thô khá khó có động lực tăng giá. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu giảm, giá cà phê quay đầu tăng

Ngô Minh Ngọc   |  23/12/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 21/12, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,31% xuống 2.144 điểm. Tuy nhiên, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt hơn 5.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá dầu thế giới đã kết thúc chuỗi tăng ba ngày liên tiếp sau khi Angola quyết định rời OPEC. Ở chiều ngược lại, giá mặt hàng cà phê quay đầu đi lên, trong đó, giá Robusta tăng đáng kể hơn 3% so với ngày hôm trước. Giá dầu đứt chuỗi tăng ba phiên khi Angola quyết định rời OPEC Hôm qua, giá dầu thế giới kết thúc chuỗi tăng ba phiên liên tiếp. Thông tin đáng chú ý là quyết định rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của nhà sản xuất Châu Phi Angola sau những bất đồng về mức cắt giảm sản lượng trong cuộc họp nhóm vào cuối tháng 11. Điều này đặt ra nghi ngờ về việc nhóm nỗ lực hỗ trợ giá bằng cách hạn chế nguồn cung toàn cầu. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,44% xuống 73,89 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 79,39 USD/thùng, thấp hơn 9,39% so với phiên trước. Hãng thông tấn địa phương ANGOP đưa tin hôm thứ Năm, dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ, cho biết Angola sẽ rời OPEC+. Tuyên bố rời đi của Angola diễn ra sau phản đối quyết định cắt giảm hạn ngạch sản xuất của OPEC+ cho năm 2024. Bất đồng quan điểm đã khiến cuộc họp chính sách tháng 11 và thỏa thuận hạn chế sản lượng mới của nhóm bị trì hoãn vài ngày. Tháng trước, OPEC+ đã hạ mục tiêu sản lượng dầu của Angola xuống 1,11 triệu thùng/ngày. Sự ra đi của Angola sẽ khiến OPEC chỉ còn 12 thành viên và sản lượng dầu thô đạt khoảng 27 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 27% trong tổng sản lượng 102 triệu thùng/ngày của thị trường dầu thế giới. Năm 2010, sản lượng của khối chiếm 34%. Ngay sau thông tin trên, giá dầu đã giảm mạnh hơn 1 USD. Thị phần thu hẹp của OPEC+ khiến cho việc kiểm soát giá dầu phần nào bị hạn chế. Tuy nhiên, Angola không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn trong nhóm, đồng thời cũng đang vận hành gần hết công suất khai thác, nên tác động sẽ không lớn. Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng làm đà giảm của giá dầu bị thu hẹp vào cuối phiên. Sức ép cho thị trường dầu còn do nguồn cung gia tăng mạnh mẽ của Mỹ. Trước đó, sản lượng dầu của Mỹ đã thiết lập mức đỉnh mới khi tăng 200.000 thùng/ngày lên 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Nhóm nghiên cứu HFI mới đây cũng đã đưa ra dự báo sản lượng dầu của quốc gia này trong năm 2024, với ước tính đạt 13,5 - 13,6 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm, tăng khoảng 200.000 - 300.000 thùng/ngày so với hiện tại. Trong khi đó, sản lượng năm 2025 dự kiến đạt 13,7 triệu thùng. Giá cà phê tăng trở lại trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung Khép lại phiên giao dịch 21/12, giá cà phê quay đầu tăng trở lại lần lượt là 1,57% với Arabica và 3,28% với Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh tồn kho ở mức thấp và nông dân Brazil có xu hướng hạn chế bán cà phê đã hỗ trợ giá tăng trở lại.  Trong báo cáo về thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê thế giới niên vụ hiện tại chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm. Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU kết phiên 20/12 chỉ còn 33.910 tấn, giảm dần về mức thấp lịch sử 33.660 tấn vào cuối tháng 8.  Hơn nữa, chỉ số Dollar Index giảm 0,55% trong phiên hôm qua đã kéo theo tỷ giá USD/BRL mất đi 0,65%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.  Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/11), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt hồi phục 1.600 – 1.700 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 69.000 - 69.700 đồng/kg. Ở diễn biến khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 giảm thêm 3,25% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch hiện tại về mức thấp nhất trong gần 9 tháng, kể từ cuối tháng 3. Thị trường tiếp tục neo theo những kỳ vọng tích cực về nguồn cung đường tại các quốc gia sản xuất lớn.  Nắng nóng dần dịu lại và lượng mưa dự báo tăng tại Brazil, trong đó có vùng sản xuất đường chính tại miền Trung Nam. Điều này giúp giảm bớt lo ngại nắng nóng sẽ ảnh hưởng lên sản lượng niên vụ hiện tại. Đây cũng là lý do khiến giới quan sát quay lại kỳ vọng sản lượng đường đạt mức kỷ lục trong niên vụ hiện tại của Brazil.  Hơn nữa, Ấn Độ quyết định sẽ ưu tiên mía ép cho sản xuất đường trong vụ 2023/24 để tăng nguồn cung trong nước kết hợp cùng sản lượng đường kỷ lục tại Brazil sẽ góp phần giảm bớt thâm hụt cán cân cung – cầu đường trên toàn cầu.  Giá bông giảm nhẹ 0,10% nhưng diễn biến trong phiên khá biến động. Đồng USD yếu đi, kết hợp cùng doanh số bán hàng bông Mỹ tăng trở lại đã phần nào hạn chế mức giảm ban đầu của giá.  Giá dầu cọ thô giảm gần 1% khi nhu cầu đi xuống. Nhà khảo sát Intertek testing Services biết xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 12 ước giảm 8% so với cùng kỳ tháng trước. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook