Thị trường hàng hóa nối dài đà suy yếu

Đóng cửa hôm qua ngày 27/04, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, lực bán mạnh trên thị trường nông sản đã kéo chỉ số MXV- Index giảm 0,38% xuống 2.230 điểm.

Với ưu thế tính chất hai chiều của thị trường giao dịch T0, nhà đầu tư vẫn có thể có lời ngay cả khi giá giảm, dòng tiền đầu tư đến thị trường tiếp tục gia tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với ngày trước đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết.

Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/04, giá đậu tương ghi nhận phiên thứ 7 liên tiếp suy yếu và giảm về gần mức hỗ trợ tâm lý 1400. Tiếp nối đà giảm của hôm trước, giá đã tiếp tục chịu áp lực và duy trì đến cuối phiên. Sức ép từ diễn biến dầu đậu tương, sau khi triển vọng dầu thực vật nới lỏng hơn là yếu tố lý giải cho diễn biến giá.

Ngày hôm qua, Bộ Thương mại Indonesia cho biết sẽ hạ thấp ngưỡng bán hàng nội địa bắt buộc đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ xuống còn 300.000 tấn mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 5, cho phép nhiều lô hàng được rời khỏi nước này. Đây là chính sách nới lỏng, sau khi Indonesia thắt chặt xuất khẩu vào đầu năm nay do dự đoán nhu cầu cao hơn trong tháng lễ hội Ramadan linh thiêng của người hồi giáo. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ cho phép các công ty tiếp tục sử dụng giấy phép xuất khẩu với khối lượng khoảng 3 triệu tấn đã bị đình chỉ đầu năm nay. Một quan chức cấp cao Bộ Thương mại cho biết những giấy phép này sẽ được phép sử dụng trong từng giai đoạn trong 9 tháng tới. Việc Indonesia đẩy mạnh bán hàng sẽ nới lỏng nguồn cung dầu thực vật trong dài hạn. Đây là thông tin đã khiến giá dầu cọ và dầu đậu tương giảm mạnh trong ngày hôm qua, từ đó khiến đậu tương chịu áp lực bán.

Ở một diễn biến khác, nhịp giảm mạnh của ngô trong hơn 1 tuần trước đó tiếp tuc mở rộng khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ tâm lí 600. Triển vọng nhu cầu ngô Mỹ suy yếu cũng góp phần thúc đẩy lực bán mạnh đối với giá mặt hàng này.

Cùng với đó, giá lúa mì cũng ghi nhận mức giảm mạnh, tiếp nối đà suy yếu và tạo thành chuỗi 7 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Những đánh giá tích cực về nguồn cung vẫn đóng vai trò là yếu tố chính tạo sức ép lên giá mặt hàng này.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã tăng mạnh dự báo tồn kho lúa mì cuối niên vụ 22/23 của Liên minh châu Âu (EU), do xuất khẩu dự kiến giảm trong khi nhập khẩu tăng. Cụ thể, tồn kho lúa mì mềm cuối niên vụ hiện tại của EU được dự báo ở mức 19.6 triệu tấn, từ mức 18,1 triệu tấn trong báo cáo tháng 03. Điều này là kết quả của việc xuất khẩu lúa mì mềm niên vụ 22/23 dự kiến ở mức 31 triệu tấn (giảm 1 triệu tấn so với ước tính trước), trong khi dự báo nhập khẩu lúa mì là 8 triệu tấn (tăng 0,5 triệu tấn so với báo cáo tháng trước). Báo cáo tháng này của EC cũng nêu ra vấn đề nguồn cung dư thừa, khiến một số nước phía đông châu Âu kêu gọi hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Không chỉ có tồn kho nới lỏng, nhu cầu nhập khẩu lúa mì cũng góp phần củng cố lực bán mạnh trên thị trường trong phiên hôm qua. Cụ thể, báo cáo Export Sales (Xuất khẩu hàng tuần) của USDA cho thấy Mỹ chỉ bán được 155.733 tấn lúa mì trong tuần tước, giảm mạnh gần 40% so với báo cáo trước đó. Những thông tin trên đã gây sức ép  và khiến giá lúa mì giảm gần 2%.

Giá bông phục hồi, đường thô tiếp tục đạt đỉnh hơn 11 năm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/04, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp.

Giá Arabica suy yếu với mức giảm 1,77% trong phiên hôm qua khi thị trường tiếp tục kỳ vọng vào mùa vụ tích cực tại Brazil.  

Thị trường nói chung vẫn có những cái nhìn khá lạc quan về triển vọng sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2023/24 tại Brazil. Các đơn vị dự báo từ tư nhân đến chính phủ đều đưa ra mức sản lượng và xuất khẩu trong niên vụ mới cao hơn hẳn 2 năm trước khi thời tiết đã trở lại bình thường và ủng hộ cho sự phát triển của cây cà phê. Đồng thời, nông dân đẩy mạnh bán hàng vụ mới khi giai đoạn thu hoạch đến gần, cũng là nhân tố gây áp lực khiến giá giảm. 

Giá Robusta tiếp tục suy yếu với mức giảm nhẹ 8 USD so với mức tham chiếu, đây cũng là phiên mang sắc đỏ thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này. Những dấu hiệu tích cực cho thấy nguồn cung mở rộng đang gây sức ép lên giá ở thời điểm hiện tại.  

Thị trường kỳ vọng sản lượng Robusta niên vụ 2023/24 tại Brazil sẽ cao kỷ lục, giúp xua tan lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia châu Á. Cùng với đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE tăng lên mức 78,180 tấn, mức cao nhất nhất từ đầu tháng 12/2022 cũng tạo áp lực lên giá trong phiên hôm qua.  

Với việc Indonesia nới lỏng chính sách xuất khẩu của mình và giúp cải thiện nguồn cung dầu cọ toàn cầu, giá dầu cọ đã ghi nhận phiên suy yếu thứ 5 liên tục.  

Phe bán đã chiếm ưu thế áp đảo ngay sau khi mở cửa và đà giảm của giá được duy trì trong suốt thời gian giao dịch của phiên hôm qua. Điều đó khiến giá dầu cọ đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Bộ Thương mại Indonesia cho biết sẽ hạ thấp ngưỡng bán hàng nội địa bắt buộc đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ xuống còn 300.000 tấn mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 05, cho phép nhiều lô hàng được rời khỏi nước này.

Ở chiều ngược lại, đường thô gây chú ý khi tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất trong 11 năm rưỡi.  

Cụ thể, mặt hàng này ghi nhận mức tăng hơn 2% trong phiên hôm qua khi thị trường gia tăng lo ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung.  

Sản lượng đường trong nửa đầu tháng 4 tại khu vực Trung nam của Brazil ở mức 542.000 tấn, thấp hơn mức 572.000 tấn kỳ vọng của thị trường, theo tập đoàn công nghiệp UNICA. Điều này làm gia tăng những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi trước đó Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia sản xuất hàng đầu cũng dự báo sản lượng giảm trong niên vụ hiện tại; và là nhân tố hỗ trợ giá tăng mạnh.  

Cùng với đó, giá bông hồi phục khi tăng 2,60% so với mức tham chiếu nhờ nhu cầu đối với bông Mỹ tăng trở lại.  

Theo báo cáo Export Sales trong tuần kết thúc ngày 20/04, bán hàng ròng bông Mỹ tăng lên 194.900 kiện, cao hơn hẳn so với mức 62.100 kiện vào tuần trước và xuất khẩu tăng 38% lên mức 398.400 kiện. Đặc biệt, nhu cầu gia tăng chủ yếu từ các nước nhập khẩu chính như Trung Quốc và Việt Nam là dấu hiệu cho thấy tiêu thụ dần trở lại sau thời gian dài ảm đạm trước đó. Đây là yếu tố hỗ trợ giá bông tăng. 

Nhập khẩu bông sợi các loại tăng trong tháng 03

Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, quý I năm nay, cả nước đã nhập khẩu hơn 242 nghìn tấn bông các loại, với tổng kim ngạch 575,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu bông nước ta đã giảm đến 34,4% về lượng và 39,4% về trị giá.

Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 03, nhập khẩu bông đạt 95,5 nghìn tấn, tăng mạnh 24,6% so với tháng 02. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu chỉ tăng 19,5% nhờ giai đoạn giá bông điều chỉnh giảm trước đó, giúp giá bông thế giới và giá nhập khẩu về Việt Nam hạ nhiệt.

Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%/ năm kể từ ngày 15/3/2023. Cùng với động thái giảm lãi suất điều hành, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước ngày 16/3/2023 cũng giảm về mức 23.622 VND/ USD. Tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng ngày 16/3/2023 đã giảm nhẹ 0,02% so với những ngày trước đó, xuống 23.582 VND/USD. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành giảm cùng lúc tỷ giá ngoại tệ hạ nhiệt làm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, tăng khả năng huy động ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nói chung và doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may nói riêng.

Mặc dù có những tín hiệu tích cực về thị trường tiền tệ trong nước, đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn chưa có tín hiệu phục hồi khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam vẫn yếu, điều này cũng chưa thể thúc đẩy Việt Nam tăng nhập khẩu nhóm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, do đó, dự báo, nhập khẩu bông các loại, xơ nguyên liệu vào Việt Nam khó có thể tăng mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook