Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 21/12, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,31% xuống 2.144 điểm. Tuy nhiên, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt hơn 5.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá dầu thế giới đã kết thúc chuỗi tăng ba ngày liên tiếp sau khi Angola quyết định rời OPEC. Ở chiều ngược lại, giá mặt hàng cà phê quay đầu đi lên, trong đó, giá Robusta tăng đáng kể hơn 3% so với ngày hôm trước.
Giá dầu đứt chuỗi tăng ba phiên khi Angola quyết định rời OPEC
Hôm qua, giá dầu thế giới kết thúc chuỗi tăng ba phiên liên tiếp. Thông tin đáng chú ý là quyết định rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) của nhà sản xuất Châu Phi Angola sau những bất đồng về mức cắt giảm sản lượng trong cuộc họp nhóm vào cuối tháng 11. Điều này đặt ra nghi ngờ về việc nhóm nỗ lực hỗ trợ giá bằng cách hạn chế nguồn cung toàn cầu.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,44% xuống 73,89 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa với mức giá 79,39 USD/thùng, thấp hơn 9,39% so với phiên trước.
Hãng thông tấn địa phương ANGOP đưa tin hôm thứ Năm, dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ, cho biết Angola sẽ rời OPEC+. Tuyên bố rời đi của Angola diễn ra sau phản đối quyết định cắt giảm hạn ngạch sản xuất của OPEC+ cho năm 2024. Bất đồng quan điểm đã khiến cuộc họp chính sách tháng 11 và thỏa thuận hạn chế sản lượng mới của nhóm bị trì hoãn vài ngày.
Tháng trước, OPEC+ đã hạ mục tiêu sản lượng dầu của Angola xuống 1,11 triệu thùng/ngày. Sự ra đi của Angola sẽ khiến OPEC chỉ còn 12 thành viên và sản lượng dầu thô đạt khoảng 27 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 27% trong tổng sản lượng 102 triệu thùng/ngày của thị trường dầu thế giới. Năm 2010, sản lượng của khối chiếm 34%.
Ngay sau thông tin trên, giá dầu đã giảm mạnh hơn 1 USD. Thị phần thu hẹp của OPEC+ khiến cho việc kiểm soát giá dầu phần nào bị hạn chế. Tuy nhiên, Angola không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn trong nhóm, đồng thời cũng đang vận hành gần hết công suất khai thác, nên tác động sẽ không lớn. Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng làm đà giảm của giá dầu bị thu hẹp vào cuối phiên.
Sức ép cho thị trường dầu còn do nguồn cung gia tăng mạnh mẽ của Mỹ. Trước đó, sản lượng dầu của Mỹ đã thiết lập mức đỉnh mới khi tăng 200.000 thùng/ngày lên 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Nhóm nghiên cứu HFI mới đây cũng đã đưa ra dự báo sản lượng dầu của quốc gia này trong năm 2024, với ước tính đạt 13,5 - 13,6 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm, tăng khoảng 200.000 - 300.000 thùng/ngày so với hiện tại. Trong khi đó, sản lượng năm 2025 dự kiến đạt 13,7 triệu thùng.
Giá cà phê tăng trở lại trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Khép lại phiên giao dịch 21/12, giá cà phê quay đầu tăng trở lại lần lượt là 1,57% với Arabica và 3,28% với Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh tồn kho ở mức thấp và nông dân Brazil có xu hướng hạn chế bán cà phê đã hỗ trợ giá tăng trở lại.
Trong báo cáo về thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê thế giới niên vụ hiện tại chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm về mức thấp nhất trong 12 năm. Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU kết phiên 20/12 chỉ còn 33.910 tấn, giảm dần về mức thấp lịch sử 33.660 tấn vào cuối tháng 8.
Hơn nữa, chỉ số Dollar Index giảm 0,55% trong phiên hôm qua đã kéo theo tỷ giá USD/BRL mất đi 0,65%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (22/11), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt hồi phục 1.600 – 1.700 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 69.000 - 69.700 đồng/kg.
Ở diễn biến khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 giảm thêm 3,25% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch hiện tại về mức thấp nhất trong gần 9 tháng, kể từ cuối tháng 3. Thị trường tiếp tục neo theo những kỳ vọng tích cực về nguồn cung đường tại các quốc gia sản xuất lớn.
Nắng nóng dần dịu lại và lượng mưa dự báo tăng tại Brazil, trong đó có vùng sản xuất đường chính tại miền Trung Nam. Điều này giúp giảm bớt lo ngại nắng nóng sẽ ảnh hưởng lên sản lượng niên vụ hiện tại. Đây cũng là lý do khiến giới quan sát quay lại kỳ vọng sản lượng đường đạt mức kỷ lục trong niên vụ hiện tại của Brazil.
Hơn nữa, Ấn Độ quyết định sẽ ưu tiên mía ép cho sản xuất đường trong vụ 2023/24 để tăng nguồn cung trong nước kết hợp cùng sản lượng đường kỷ lục tại Brazil sẽ góp phần giảm bớt thâm hụt cán cân cung – cầu đường trên toàn cầu.
Giá bông giảm nhẹ 0,10% nhưng diễn biến trong phiên khá biến động. Đồng USD yếu đi, kết hợp cùng doanh số bán hàng bông Mỹ tăng trở lại đã phần nào hạn chế mức giảm ban đầu của giá.
Giá dầu cọ thô giảm gần 1% khi nhu cầu đi xuống. Nhà khảo sát Intertek testing Services biết xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 12 ước giảm 8% so với cùng kỳ tháng trước.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Miễn phí giao hàng toàn quốc
Tiếp tục mua hàng