Giá hàng hóa nguyên liệu trở lại đà khởi sắc

 

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục đóng cửa ngày giao dịch hôm qua với diễn biến giá phân hoá. Lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày đảo chiều tăng trở lại, với mức tăng 0,08% lên 2.283 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 3.250 tỷ đồng.

Giá quặng sắt phục hồi

Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá thị trường kim loại khi đóng cửa ngày 30/8. Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng tăng 0,26% lên 1.942,24 USD/ounce, trong khi giá bạc kỳ hạn tháng 9 giảm 0,22% xuống 24,73 USD/ounce, giá bạch kim kỳ hạn tháng 10 giảm 0,28% xuống 983,3 USD/ounce. MXV cho biết, cả giá bạc và bạch kim đều giảm do áp lực chốt lời kỳ hạn.  

Tuy vậy, giá bạc và bạch kim kỳ hạn mới đều nhận được mức tăng tốt khi một loạt số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ củng cố quan điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tạm dừng tăng lãi suất. 

Theo MXV, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm tốc trong quý II, lạm phát và thị trường lao động đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Theo công cụ FedWatch của CME Group, tỷ lệ đặt cược vào việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên gần 91%, từ mức 88,5% trước khi có dữ liệu, trong khi đặt cược về việc tạm dừng vào tháng 11 đã tăng lên gần 59% từ mức 52% một ngày trước đó. 

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX kỳ hạn tháng 9 giảm 0,25%, một phần do áp lực chốt lời kỳ hạn. Hơn nữa, sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đặc biệt là lĩnh vực bất động sản vẫn đang là lực cản lớn đối với đà tăng của giá đồng. 

Điểm sáng thuộc về thị trường quặng sắt, giá sắt phục hồi 2,01% lên 114,43 USD/tấn. Sắt thép vốn là những mặt hàng đặc biệt nhạy cảm với các kích thích của Chính phủ Trung Quốc, do đó, với triển vọng Trung Quốc sắp ban hành một loạt chính sách mới, giá quặng sắt đã được hỗ trợ. 

Cụ thể, các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đang chuẩn bị cắt giảm lãi suất đối với các khoản thế chấp và tiền gửi hiện có, theo Bloomberg. Bên cạnh đó, Quảng Châu trở thành thành phố lớn đầu tiên của Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các hạn chế thế chấp. Điều này làm gia tăng triển vọng các thành phố khác sẽ nới lỏng các chính sách nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang bị khủng hoảng.

Trên thị trường nội địa, tính đến hôm nay 31/8, giá thép trong nước đã được điều chỉnh giảm 17 lần liên tiếp từ đầu năm, hiện đã xuống dưới mức 15 triệu đồng/tấn và tạo một nền giá mới. 

Bài toán tiêu thụ vẫn đang là sức ép chính kéo giá sắt thép trong nước giảm sâu, đặc biệt là mùa tiêu thụ thấp điểm quý III vẫn chưa kết thúc. Các cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, sức mua giảm rất mạnh đến 60%-70%, thậm chí có cửa hàng giảm đến 90%. Những nhà máy thép có quy mô lớn cũng phải điều chỉnh giảm sản lượng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Áp lực vẫn tiềm ẩn, song MXV cho biết nhu cầu được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào giai đoạn quý IV khi một số dự báo từ các doanh nghiệp cho rằng nguồn cung bất động sản sẽ hồi phục nhẹ, qua đó thúc đẩy tiêu thụ thép. 

Ngoài ra, trong Công điện số 749 mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Giai đoạn cuối năm cũng thường là thời điểm nhiều dự án gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Các công trình xây dựng, dự án cầu đường, hệ thống nhà ở xã hội được thúc đẩy, sẽ tháo gỡ một vài khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Giá cà phê tăng mạnh trước lo ngại nguồn cung

Số liệu từ MXV cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 30/8, sắc xanh bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá dầu cọ dẫn dắt xu hướng thị trường với mức tăng 2% vào hôm qua trong bối cảnh thời tiết nắng nóng đe dọa nguồn cung và nhu cầu cao tại Ấn Độ.  

Tháng 8 khô hạn bất thường đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng hạt lấy dầu tại châu Á, đồng thời dự báo lượng mưa thấp hơn trong tháng 9 đang đe dọa gián đoạn nguồn cung dầu thực vật toàn cầu. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết triển vọng nhu cầu cao hơn tại Ấn Độ trong mùa lễ hội cũng là yếu tố hỗ trợ giá.

Trong khi đó, giá hai mặt hàng đường nối tiếp xu hướng trái chiều sang phiên thứ 2 liên tiếp. Kết phiên, giá đường 11 giảm nhẹ 0,43%, dù trước đó giá đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Trái lại, giá đường trắng vẫn tăng 0,7%, lên mức cao nhất trong 12 năm. Thị trường vẫn chưa dứt khỏi lo ngại sản lượng đường có thể giảm tại các quốc gia sản xuất lớn, đặc biệt là khả năng cấm xuất khẩu đường từ Ấn Độ.  

Giới chuyên gia lo ngại, hiện tượng El Nino khiến lượng mưa ở mức thấp so với tiêu chuẩn tại các nước sản xuất đường hàng đầu thế giới như Thái Lan và Ấn Độ sẽ khiến sản lượng đường sụt giảm trong niên vụ 2023/24. Đặc biệt, nguồn cung đường yếu đi tại Ấn Độ càng làm gia tăng khả năng quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24 vào tháng 10 tới. Điều này khả năng cao khiến cán cân thương mại đường rơi vào thâm hụt trầm trọng.  

Trên thị trường cà phê, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục có được sự khởi sắc với mức tăng lần lượt 1,47% của Arabica và 1,92% của Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi tồn kho ở mức thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.  

Theo báo cáo hàng ngày từ Sở ICE, tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn đang lưu trữ trong các kho của đơn vị tính đến hết ngày 29/8 ở mức 500.931 bao loại 60kg, giảm 11.502 bao so với phiên trước đó. Như vậy, lượng cà phê tồn kho hiện tại đã giảm về mức thấp nhất trong hơn 9 tháng.  

Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE vẫn chưa có tín hiệu ngừng đà giảm, dù đã chạm mức 33.840 tấn, mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận từ năm 2016.  

Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ được điều chỉnh tăng mạnh đến 800 đồng/kg, đưa giá thu mua lên mức 65.800 – 66.600 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê đã tăng liên tục trong 7 ngày qua. So với đầu tuần trước đó, giá cà phê trong nước đã tăng tới 2.200 đồng/kg.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook