Giảm 5 ngày liên tiếp kéo chỉ số MXV-Index xuống mức thấp nhất hai tuần

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua. Có 25 trên tổng số 31 mặt hàng đóng cửa giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,78% xuống 2.287 điểm. Như vậy, sau chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp, chỉ số hàng hoá này đã xuống mức thấp nhất 2 tuần trở lại đây.

Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư gia tăng mạnh mẽ trong ngày hôm qua, thể hiện ở mức tăng vọt 50% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt trên 5.400 tỷ đồng, cao nhất trong gần 1 tháng.

Giá đậu tương rơi xuống đáy của một tháng

Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 lao dốc trong phiên hôm qua, với mức giảm lên tới 1,99% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng. Theo MXV, doanh số bán hàng tiêu cực trong tuần vừa rồi, kết hợp với triển vọng xuất khẩu kém khả quan trong ngắn hạn của Mỹ là những yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá đậu tương. 

Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán được 434.065 tấn đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần kết thúc ngày 14/09, giảm 38,3% so với một tuần trước đó, đồng thời nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường đối với số liệu này là 550.000 - 1.200.000 tấn. Điều đó phản ánh việc Mỹ vẫn chưa thể lấy lại vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế mặc dù đang ở trong giai đoạn thu hoạch được đẩy mạnh. Ngược lại, nguồn cung dồi dào từ Brazil vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Số liệu trên đã gây sức ép mạnh lên giá đậu tương trong hôm qua.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 đã khép lại ngày giao dịch 21/9 với mức giảm hơn 1,4% sau hai ngày hồi phục mạnh trước đó. MXV cho biết, xuất khẩu ngô Mỹ trong tuần này vẫn không có sự cải thiện khiến thị trường giảm kỳ vọng về nhu cầu, đặc biệt là trong giai đoạn nguồn cung vừa được thu hoạch đang gia tăng  

Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) của USDA cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 14/9, bán hàng ngô niên vụ 2023/24 của Mỹ tiếp tục giảm mạnh gần 25% so với tuần trước đó xuống mức 566.857 tấn. Con số này gần sát với mức thấp nhất của khoảng dự đoán. Mặc dù đây mới chỉ là giai đoạn đầu của niên vụ mới nhưng những số liệu bán hàng tiêu cực trong báo cáo của 2 tuần gần đây đang gây ra lo ngại về tình hình xuất khẩu cũng như nhu cầu đối với ngô Mỹ. Điều này đã gây ép mạnh đến giá ngô CBOT trong phiên vừa rồi.  

Ngoài ra, việc thị trường liên tục đón nhận thông tin tích cực về nguồn cung nhờ mùa vụ tại các khu vực sản xuất chính đều đang dần ổn định đã củng cố đà giảm của giá. Cụ thể, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) mới đây đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2023/24 thêm 1 triệu tấn lên mức 1,22 tỷ tấn, do triển vọng mùa vụ cải thiện tại Ukraine.  

Trên thị trường nội địa, cập nhật đến hôm qua 21/9, giá ngô Mỹ chào bán tại cảng Cái Lân dao động trong khoảng 6.750 – 6.600 đồng/kg đối với kỳ hạn giao 3 tháng cuối năm. Với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá chào bán dao động quanh mức 6.700 – 6.900 đồng/kg. Trong khi đó, khô đậu tương Mỹ ở khoảng 13.350 – 13.500 đồng/kg đối với kỳ hạn giao cuối năm nay. Giá chào bán thấp hơn ở kỳ hạn giao 3 tháng đầu năm sau, ở mức 12.700 – 12.750 đồng/kg.

Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại 

Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại trong ngày giao dịch 21/9. Trong nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,88% xuống mức 924,6 USD/ounce. Theo sau là giá bạc với mức giảm 0,63%, đóng cửa tại mức 23,68 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,52% xuống 1.919,57 USD/ounce. 

Nhóm kim loại quý tiếp tục phải chịu sức ép do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi. 

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu vẫn còn một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, các nhà đầu tư đã đặt cược 45% FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm, theo CME FedWatch.  

Trước lo ngại FED duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, đồng USD tiếp tục mạnh lên với chỉ số Dollar Index tăng 0,2% lên 105,36 điểm, vượt qua mức cao nhất trong 6 tháng. Hơn nữa, đồng USD càng mạnh hơn khi đồng bảng Anh và đồng france Thụy Sĩ đồng loạt suy yếu ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ tạm dừng tăng lãi suất. 

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng mạnh với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản lên 4,49%, duy trì ở mức cao nhất trong 16 năm. 

Do đó, đà tăng mạnh của đồng USD đã gây áp lực bán lên bạc và bạch kim do chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, trong khi lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi. 

Với nhóm kim loại cơ bản, sau phiên phục hồi trước đó, giá đồng COMEX lại quay đầu giảm 2,12% xuống mức 3,69 USD/pound, mức thấp nhất trong hơn 1 tháng. Trong khi đó, giá quặng sắt giảm 3,58%, đóng cửa tại mức 117,48 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn hai tuần. 

Dưới áp lực vĩ mô, giá các mặt hàng kim loại cơ bản cũng phải sức ép khi mà giới đầu tư lo ngại FED duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ hạn chế đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời, gián tiếp gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ nhóm kim loại công nghiệp, đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất. 

Bên cạnh đó, báo báo triển vọng hàng tuần mới nhất của Mysteel cho biết, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục có xu hướng đi xuống. Đây vẫn đang là một trong những lực cản lớn đối với tiêu thụ kim loại cơ bản, đặc biệt là đồng hay sắt thép. 

Hơn nữa, đối với thị trường đồng, tồn kho đồng tăng mạnh càng làm hạn chế sức mua đồng trong phiên hôm qua. Tồn kho trên Sở Giao dịch London vốn đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 7 hiện đã tăng lên 162.900 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook