Khi nào chứng khoán Việt Nam tăng tốc?

Ông Petri Deryng, nhà quản lý Pyn Elite Fund nhận định, tốc độ phục hồi trong tương lai được quyết định bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản thị trường, lãi suất và sự giảm dần tác động của các nguồn yếu tố gây bất ổn.

VN-Index tạo đáy giữa tháng 11 năm ngoái sau khi rơi xuống dưới mốc 900 điểm. Chỉ số hồi phục lên mức 1.100 tỷ đồng vào đầu năm 2023 trước khi dao động giằng co trong khoảng 1.000 – 1.100 điểm phần lớn thời gian sau đó.

“ Tốc độ phục hồi trong tương lai được quyết định bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản thị trường, lãi suất và sự giảm dần tác động của các nguồn yếu tố gây bất ổn” – ông Petri Deryng, nhà quản lý Pyn Elite Fund nhận định.

Khi nào chứng khoán Việt Nam tăng tốc? - Ảnh 1.

Tỷ lệ P/S (giá/doanh thu) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 1,2 – con số khiêm tốn với sự tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết. Tổng doanh thu tăng cũng đồng nghĩa với việc P/S trở nên hấp dẫn hơn nếu giá cổ phiếu không tăng tương ứng.

Kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lãi suất sẽ giảm xuống. Pyn Elite Fund nhấn mạnh “Rất khó để thấy tỷ lệ P/S giảm xuống dưới 1,0 nếu không có khủng hoảng . Khi lãi suất giảm, tỷ lệ P/S có thể dễ dàng đạt tới 2,0”.

Các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam đã giảm đáng kể việc sử dụng các khoản vay ký quỹ (margin) trên tài khoản giao dịch trong 12 tháng qua và dư nợ margin hiện rất thấp. Theo quy định, các công ty chứng khoán có thể cho vay margin với quy mô gấp đôi vốn chủ sở hữu của công ty. Theo Pyn Elite Fund, tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán một năm về trước là 124% nhưng đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ 58% trong những tháng qua.

Khi nào chứng khoán Việt Nam tăng tốc? - Ảnh 2.

Các công ty chứng khoán liên tục đưa ra các gói margin nhưng dường như khách hàng đang chờ đợi tín hiệu về thời điểm an toàn để quay trở lại thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất và các biến cố liên quan đến các định chế tài chính lớn trên thế giới như Credit Suisse đã khiến các nhà đầu tư trong nước phải lo lắng. “Khi tâm lý trên thị trường được cải thiện, các khoản margin sẽ lại được triển khai để mua cổ phiếu” – ông Petri Deryng nhận định.

Nút thắt lãi suất

Pyn Elite Fund cho rằng lãi suất là yếu tố tác động lớn đến tâm lý thị trường. Lãi suất neo mức cao khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp khi chi phí lãi vay gia tăng áp lực trong bối cảnh sức mua giảm sút nghiêm trọng trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản do chi phí vốn làm dự án cao hơn, quyết định mua nhà bị hoãn lại do người mua muốn gửi tiền tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Trong khi hoạt động sản xuất chậm lại do xuất khẩu yếu.

Theo Pyn Elite Fund, lo ngại của giới đầu tư về lãi suất chính là nút thắt tháo gỡ cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt.

Hơn hai tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 9,4% xuống 7,8% phần trăm. Quỹ ngoại này kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục với lãi suất tiền gửi trở lại mức bình thường hơn ở mức khoảng 5–6% vào quý 3 tới.

Khi nào chứng khoán Việt Nam tăng tốc? - Ảnh 3.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định hơn sau các biến cố trong năm ngoái cũng đã góp phần giảm áp lực lên lãi suất. Theo ông Petri Deryng, lượng trái phiếu quá hạn vẫn ở mức khá thấp, với giá trị khoảng 4 tỷ USD.

“Theo quan điểm của chúng tôi, tất cả các bên hiện đã nhận thức rõ về các điều kiện thị trường. Đó là lý do tại sao chúng tôi không mong đợi những bất ngờ lớn trên thị trường trái phiếu trong tương lai. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đưa thị trườn g hoạt động tích cực trở lại, và một số đợt phát hành mới được ghi nhận vào tháng 3” – Nhà quản lý Pyn Elite Fund nhận định.

Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường

Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook