Thanh khoản HOSE xuống thấp nhất trong hơn 25 tháng, dòng tiền chứng khoán nghỉ Tết sớm?

Thanh khoản HoSE xuống thấp nhất trong hơn 25 tháng, dòng tiền chứng khoán nghỉ Tết sớm?

Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.850 tỷ đồng, giảm 9,1% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 25 tháng kể từ ngày 12/11/2020.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên áp chót của năm 2022 với giao dịch đầy ảm đạm dù rung lắc vẫn diễn ra liên tục. Thanh khoản thị trường tụt áp với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.850 tỷ đồng, giảm 9,1% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 25 tháng kể từ ngày 12/11/2020.

Tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài đang đến gần là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Lực cầu rất dè dặt bởi với những nhà đầu tư tranh thủ lướt sóng nếu mua phiên hôm nay cổ phiếu sẽ không kịp về tài khoản để bán trước Tết dương lịch. Mặt khác, áp lực chốt lời ngắn hạn không quá lớn do thanh khoản phiên bắt đáy trước đó cũng không cao.

 

Thanh khoản HoSE xuống thấp nhất trong hơn 25 tháng, dòng tiền chứng khoán nghỉ Tết sớm? - Ảnh 1.

 

 

Không chỉ phiên hôm nay, giao dịch ảm đạm đã diễn ra trong hơn một tuần trở lại đây khi thanh khoản HoSE đột ngột sụt giảm mạnh và thường xuyên duy trì dưới 10.000 tỷ đồng. Lý giải cho tình trạng thanh khoản mất hút các chuyên gia nhà đầu tư cá nhân cần chốt lời để có dòng tiền phục vụ cho dịp lễ Tết sắp tới.

Các doanh nghiệp cuối năm cần dòng tiền để trả lương, thưởng hay chi phí hàng tồn kho để bán trong năm tiếp theo cũng như nhập các nguyên vật liệu đầu vào chuẩn bị sản xuất năm tới. Ngoài ra, các CTCK và Ngân hàng phải đưa tỷ lệ tiền về mức an toàn do đó khó có thể kỳ vọng dòng tiền dồi dào đổ vào thị trường thời điểm này.

Thêm vào đó, thị trường cũng đang trong vùng “trống thông tin” gần đây, do vậy nhà đầu tư có sự nghỉ ngơi. Mùa báo cáo tài chính vẫn chưa bước vào cao điểm và mới chỉ có một số doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước công bố số liệu ước tính quý 4 và cả năm 2022. Tuy nhiên, luồng thông tin này khá rời rạc và chưa đủ để tạo ra hiệu ứng trên diện rộng.

Dự báo về thanh khoản trong năm tới, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng dòng tiền trên TTCK sẽ bớt căng thẳng hơn nhờ các vấn đề về tỷ giá và lạm phát đang tạm ổn định, NHNN bắt đầu có những động thái bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế. Điểm nghẽn khó khăn nhất hiện vẫn nằm ở vấn đề thanh khoản trung dài hạn, lãi suất và đáo hạn trái phiếu và sẽ cần nhiều thời gian hơn để khắc phục. Tuy nhiên, có lẽ thời điểm khó khăn nhất của dòng tiền đã qua.

 

Thanh khoản HoSE xuống thấp nhất trong hơn 25 tháng, dòng tiền chứng khoán nghỉ Tết sớm? - Ảnh 2.

 

 

Đồng quan điểm, ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định có nhiều yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong năm tới, điển hình như chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng đi kèm Nghị định được ban hành/ sửa đổi giúp “tháo gỡ” nút thắt cho thị trường Trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều quan điểm cho rằng NHNN sẽ quay trở lại mua ngoại tệ để cung ứng lượng tiền mặt ra lưu thông.

Chiều ngược lại, VCBS lại tỏ ra thận trọng với dự báo thanh khoản thị trường do mặt bằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao. Theo đó, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên sự ổn định tỷ giá VND/USD, mục tiêu lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước.

VCBS kỳ vọng thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn.

(Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường)

Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook