Thúc đẩy hợp tác thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc

Từ ngày 23-26/4/2024, đoàn công tác của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có chuyến thăm và làm việc với các Sở Giao dịch hàng hóa và đối tác lớn tại Trung Quốc. Đây là sự kiện bản lề trong quá trình hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa giữa hai quốc gia.

Thúc đẩy hợp tác với thị trường Trung Quốc

Trong chuyến đi này, đoàn công tác của MXV do ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc dẫn đầu đã đến thăm và có những buổi làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE), Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE) và Công ty Tài chính quốc tế Orient Futures.

DCE và SHFE hiện là hai trong ba Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc, đồng thời nằm trong top 10 Sở Giao dịch hàng hóa lớn nhất toàn cầu. Trong khi đó, SGE luôn giữ vững vị thế là Sở Giao dịch Vàng vật chất lớn nhất thế giới trong những năm qua.

MXV tới thăm và làm việc tại trụ sở của Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE)

Tại buổi làm việc, các đối tác đã cởi mở chia sẻ với MXV những kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ như phòng vệ giá, quản lý rủi ro, quản lý thành viên, bù trừ giao dịch để tổ chức, vận hành thị trường giao dịch hàng hóa một cách minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả. Bên cạnh đó, các nội dung hợp tác về đào tạo thị trường, đào tạo nguồn nhân lực cũng được thảo luận dựa trên kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường hàng chục năm tại Trung Quốc.

Các đối tác đều khẳng định Việt Nam đang là thị trường giao dịch hàng hóa có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực. Với quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc đang được Chính phủ hai nước thúc đẩy một cách toàn diện, việc hợp tác với MXV sẽ là chiến lược trọng tâm của các Sở Giao dịch hàng hóa tại Trung Quốc trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: “Theo kế hoạch, trong quý II/2024, MXV sẽ hoàn thành việc liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch tại Trung Quốc, tiến tới mục tiêu niêm yết chéo các sản phẩm giao dịch. Ngoài ra, việc liên thông với thị trường tỉ dân sẽ mở ra những cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, để tối ưu hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm giá và đầu tư”.

Kinh nghiệm xây dựng Sàn Giao dịch thịt heo 

Theo kế hoạch trọng tâm trong năm 2024, MXV dự kiến sẽ triển khai các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt đối với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, trong đó Sàn Giao dịch thịt heo tại TP.Hồ Chí Minh sẽ là thí điểm quan trọng. 

Với vị thế là Sở Giao dịch hàng đầu tại thị trường sản xuất thịt heo lớn nhất trên thế giới, DCE đã có kinh nghiệm lâu đời trong việc niêm yết và tổ chức giao dịch thịt heo tại Trung Quốc. Theo báo cáo của DCE, trung bình năm 2023, mỗi ngày có khoảng 1,6 triệu tấn thịt heo được giao dịch qua Sở này. Xuyên suốt chuyến làm việc, MXV liên tục được trao đổi kinh nghiệm với DCE trong các vấn đề: chọn loại mặt hàng thịt heo giao dịch, giống heo, quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt, quy trình giao nhận thịt heo,...

Quang cảnh buổi làm việc giữa MXV và DCE

Cùng với đó, MXV cũng chia sẻ thêm về quy mô và các đặc trưng của thị trường thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Wang Weijun, Phó Tổng giám đốc DCE nhấn mạnh: “DCE luôn sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để MXV có thể vận hành thật tốt Sàn Giao dịch thịt heo. DCE cũng hy vọng hai Sở có thể kết nối giao dịch liên thông, niêm yết chéo sản phẩm sớm nhất trong thời gian tới”.

Hệ thống công nghệ thông tin và giao nhận hàng vật chất hiện đại

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn công tác của MXV đã đến thăm Trung tâm dữ liệu của DCE. Trung tâm này có tổng diện tích lên tới 10.000 m2 với sức chứa hơn 1.200 tủ server cùng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại. Hệ thống của DCE có thể đáp ứng nhu cầu giao dịch liên tục của hàng triệu tài khoản mà không gặp bất kỳ sự cố nào. 

Đoàn công tác của MXV đến thăm Trung tâm dữ liệu của DCE

Cùng với đó, MXV đã cùng DCE đến thăm cảng Đại Liên. Cảng đóng vai trò là trung tâm trung chuyển container lớn thứ hai ở Trung Quốc với tổng diện tích cả vùng nước và đất liền là 346 km2, hệ thống đường ray chuyên dụng 160km, 300.000 m2 nhà kho cùng sân bãi container rộng 1,8 triệu m2. Cảng có 80 bến tàu chuyên dụng, có thể đón tàu với trọng tải lên tới 500.000 tấn, liên kết với hơn 300 cảng ở 160 quốc gia và các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đây là cảng giao nhận chính của DCE đối với các mặt hàng nông sản. Hoạt động giao nhận hàng vật chất của DCE đã diễn ra rất sôi động tại đây trong suốt những năm qua. 

Thông qua chuyến thăm này, MXV có thể học hỏi, bám sát mục tiêu chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu giao dịch ngày càng cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, nghiệp vụ giao nhận hàng hóa sẽ được đẩy mạnh và mở rộng đối với các sản phẩm thế mạnh của nước ta như xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều; nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi,… MXV sẽ tiếp tục làm việc và phối hợp với DCE nói riêng, các đối tác tại Trung Quốc nói chung để để xây dựng kênh thương mại hàng hóa hiệu quả cho thị trường trong nước, đóng góp vào sự phát triển của ngành thương mại nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới. 

Hường Nguyễn

Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook