Ngô Minh Ngọc | 09/04/2023
Theo BSC, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công bên cạnh động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trên thị trường.
Trong báo cáo chiến lược tháng 4 mới cập nhật, về vĩ mô quốc tế, Chứng khoán BSC đánh giá cấu phần dịch vụ tại Mỹ và châu Âu đang ghi nhận đà hồi phục tốt trong khi cấu phần sản xuất vẫn có sự thu hẹp. Với Trung Quốc, hoạt động sản xuất kinh doanh tại quốc gia này tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ chính sách nới lỏng và các gói hỗ trợ nền kinh tế liên tục được đưa ra.
Trong nước, tăng trưởng GDP quý 1/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, con số thấp hơn so với mức tăng trưởng của quý 1 các năm về trước. Sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ tác động bên ngoài khi các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, ASEAN,… đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát. Điều này khiến cho cầu hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, ảnh hưởng tới mảng công nghiệp chế biến, chế tạo.
Chỉ số PMI cũng đang cho thấy tín hiệu suy yếu của tình trạng xuất nhập khẩu. Với tình trạng tăng trưởng các nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu, BSC hạ dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay ở cả 2 kịch bản (1) Tiêu cực: xuất khẩu có thể giảm -2,2%; nhập khẩu giảm 2,4% và (2) Tích cực: xuất khẩu có thể tăng 3,9% và nhập khẩu có thể tăng 2,9%.
Trong khi đó, sự suy giảm trong hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2023 ngày càng rõ nét hơn. Môi trường kinh doanh của Việt Nam bị ảnh hưởng cả bởi yếu tố trong nước (giá cả đầu vào vẫn cao,…) cũng như yếu tố quốc tế (cầu tiêu dùng giảm, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam giảm,…). Tuy nhiên, sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN, kỳ vọng vĩ mô sẽ có tiến triển trong quý 2.
Công tác giải ngân vốn NSNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục. Giải ngân FDI trong năm 2023 cũng thể hiện sự đi xuống ngay từ tháng 1. Lũy kế 3 tháng đầu năm, vốn FDI cấp mới giảm do cùng kỳ có sự gia tăng đột biến từ dự án LEGO.
BSC duy trì dự báo CPI cuối năm 2023 ở mức 3,1% trong kịch bản tích cực và 4,5% trong kịch bản kém tích cực hơn. Tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể giao động trong mức 23.900 – 24.400 đồng.
Về thị trường chứng khoán, BSC xây dựng 2 kịch bản cho thị trường.
Tại kịch bản tích cực với khả năng xảy ra cao hơn, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư công bên cạnh động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trên thị trường. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô từng bước khởi sắc sau quý 1 không được như kỳ vọng. Khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng trên thị trường bên cạnh hoạt động sôi nổi trở lại của các ETF. Mặt khác, một số thông tin hỗ trợ khi mùa ĐHĐCĐ diễn ra bên cạnh bối cảnh thế giới không có các diễn biến quá tiêu cực sẽ tạo động lực để VN-Index quay trở lại kiểm định và tạo nền giá quanh 1.110 điểm. P/E thị trường dự báo vận động trong vùng 12,1-12,3 lần và thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,6-0,7 tỷ USD/phiên.
Có xác suất xảy ra thấp hơn , BSC cho rằng VN-Index có thể quay trở lại ngưỡng nền tích cũ quanh 1.050 điểm sau nhịp tăng điểm của nửa đầu tháng 4 trong bối cảnh vuộc khủng hoảng trong hệ thống Ngân hàng ở khu vực châu Âu và Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục diễn ra tạo hiệu ứng tiêu cực trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là căng thẳng giữa Nga Ukraine có thể tiềm ẩn nhiều tác động bất ngờ. Khối ngoại và một số quỹ có thể quay lại trạng thái rút ròng bên cạnh tâm lý chốt lời diễn ra mạnh.
Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm