Thị trường Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong năm 2022, hàng loạt “cá mập” chìm trong thua lỗ

Ngô Minh Ngọc   |  03/01/2023

Hầu hết các quỹ đầu tư lớn trên thị trường đều có hiệu suất âm, thậm chí có những cái tên lỗ đến trên 40% trong năm 2022. Thị trường chứng khoán đã khép lại một năm đầy sóng gió với VN-Index mất gần 33% và lọt top các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới. Nhiều cổ phiếu mất nửa thị giá, thậm chí “bốc hơi” 70-80% sau một năm. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các “cá mập” trên thị trường cũng đành ngậm ngùi lỗ nặng trong năm 2022. Với đặc thù mô phỏng theo rổ chỉ số nhất định, các quỹ ETF có phần khó xoay sở hơn trước những biến động không thuận lợi của thị trường chung. Hầu hết các ETF đều lỗ sâu hơn mức giảm của VN-Index, thậm chí bộ đôi VNM ETF, FTSE Vietnam ETF còn có hiệu suất âm 45-50% trong năm qua. Fubon ETF, SSIAM VNFinLead ETF, DCVFM VN30 ETF đều lỗ trên 30% từ đầu năm trong khi DCVFM VNDiamond ETF khả quan nhất cũng có hiệu suất âm gần 21%. Mặc dù hiệu suất đầu tư không mấy khả quan nhưng các quỹ ETF vẫn hút tiền rất mạnh và đóng góp lớn vào việc kéo khối ngoại trở lại TTCK Việt Nam. Trong năm qua, các quỹ ETF đã hút ròng hơn 1 tỷ USD với 2 “đầu tàu” là Fubon ETF và DCVFM VNDiamond ETF. Fubon ETF vẫn không ngừng gọi thêm vốn từ khu vực Đông Á để đầu tư vào Việt Nam trong khi DCVFM VNDiamond ETF hút tiền rất mạnh từ Thái Lan qua kênh DR.   Các quỹ chủ động dù có phần linh hoạt hơn nhưng cũng có hiệu suất khá tệ. JPMorgan VOF cùng bộ đôi VEIL và DCDS của Dragon Capital đều lỗ sâu hơn mức giảm của VN-Index và VN30-Index. Mặc dù chiến thắng 2 chỉ số chính nhưng VOF VinaCapital, KIM Vietnam Korea, Pyn Elite Fund và Lion Global Vietnam Fund cũng đều lỗ trên 25%. Quỹ ngoại đến từ Phần Lan Pyn Elite thậm chí còn ghi nhận hiệu suất tệ nhất kể từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2013. Ngoài DCDS có phân bổ tài sản vào trái phiếu và VOF VinaCapital đầu tư vào “private equity”, hầu hết các quỹ đầu tư trên đều thường xuyên trong trạng thái “full” cổ phiếu. Điều này khiến các “cá mập” không thể đi ngược xu hướng của thị trường dù vẫn miệt mài cơ cấu danh mục nhằm thích ứng với những biến động. Mặc dù hiệu suất đầu tư không mấy khả quan nhưng các quỹ ngoại vẫn đánh giá cao triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam. Minh chứng rõ ràng nhất là động thái mua ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong 2 tháng cuối năm. Giá trị mua ròng trên HoSE lũy kế cả năm 2022 đạt gần 27.000 tỷ đồng. Tính chung trên cả 3 sàn, con số này thậm chí còn lên đến 29.000 tỷ đồng. Theo ông Petri Deryng – người đứng đầu Pyn Elite Fund, diễn biến trồi sụt của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay là điều bất thường. Đặc biệt, trong quý 3, đồng VND mất giá, lãi suất tăng cộng thêm việc thị trường TPDN dường như “đóng băng” khiến kênh cổ phiếu chịu áp lực bán tháo. So sánh với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, không thị trường nào có mức giảm tương tự. Do đó, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại khi các vấn đề đang dần được khắc phục. Ông Petri Deryng cho rằng những ngày “giông bão” mà TTCK Việt Nam vừa trải qua sẽ mang lại triển vọng lợi nhuận tươi sáng trong năm tới. “Niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện, chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ đi theo lộ trình tăng trưởng của nền kinh tế và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp trong 12 tháng tới. Trong số các nước ASEAN, triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Việt Nam là mạnh mẽ nhất ” – sếp PYN Elite nhấn mạnh. Nguồn: Hà Linh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: Tâm lý thận trọng chi phối, thị trường khó biến động mạnh trong tuần đầu năm mới

Ngô Minh Ngọc   |  02/01/2023

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, khi tâm lý nghỉ Tết đang chi phối, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì sự thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường trong phiên và chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần Tâm lý nghỉ Tết chi phối, thị trường gặp áp lực điều chỉnh Ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco: Mặc dù tâm lý thị trường nhìn chung khá thận trọng do thị trường đang trong vùng trũng thông tin và kỳ nghỉ Tết tới gần làm gia tăng nhu cầu thanh khoản. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện khi chỉ số lui về ngưỡng hỗ trợ quan trọng 985-1.000 điểm. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các cơ hội bắt đáy tại vùng giá thấp. Quan sát diễn biến thị trường, lực cầu này có thể từ khối nhà đầu tư nước ngoài, khi họ vẫn tiếp tục mua ròng trong 4 phiên gần đây với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng do hiệu ứng giao dịch của các quỹ tại thời điểm cuối năm. Với việc xu hướng thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng và các thông tin hỗ trợ tương đối ít, không ngoại trừ khả năng chỉ số có thể sẽ có thêm 1-2 nhịp giảm điểm trong các tuần đầu năm 2023 để kiểm định lượng cung – cầu trước khi bước vào xu hướng mới. Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI): VN-Index chịu áp lực bán mạnh ngay trong phiên đầu tuần khiến chỉ số chung liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ mềm và lui sát về vùng điểm 980. Tuy lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số phục hồi và lấy lại mốc 1.000 điểm, song thanh khoản sụt giảm rõ rệt cho thấy tâm lý nghỉ Tết rõ nét hơn. Giao dịch khối ngoại dù có phần chững lại, song vẫn là điểm sáng giúp thị trường trụ vững tại ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Một điểm sáng là thông tin ước tính vĩ mô trong năm vừa qua với GDP năm 2022 tăng 8,02% do nền kinh tế hồi phục tăng trưởng trở lại sau dịch trên nền thấp của năm 2021. Dù vậy, thông tin này không có quá nhiều tác động tích cực đến TTCK, bởi nền kinh tế vĩ mô vẫn đang bị tác động bởi nhiều chính sách thắt chặt, cung tiền kiểm soát chặt chẽ, lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động phức tạp,… Về dự báo thị trường tuần sau nghỉ lễ, tôi cho rằng VN-Index sẽ cải thiện một chút về thanh khoản và điểm số, song khó có giao dịch đột biến vì tâm lý nghỉ Tết đã rất rõ nét. Thị trường sẽ giao dịch trong biên độ hẹp quanh mức 980 - 1.000 điểm. Nhiều gam màu xám trong KQKD quý 4 sắp công bố Ông Nguyễn Anh Khoa: Dự phóng về kết quả kinh doanh quý 4/2022, tôi nghiêng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường sẽ thiên nhiều về gam màu xám. Mặc dù vẫn sẽ có một số nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng so với cùng kỳ như hàng không – du lịch hay thực phẩm – đồ uống. Đối với nhóm ngân hàng , KQKD quý 4 sẽ có sự phân hoá khi những doanh nghiệp có chất lượng tài sản và năng lực tài chính tốt cùng quy mô lớn có thể vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng. Ngược lại các ngân hàng quy mô nhỏ hơn có thể gặp áp lực từ việc thu hẹp biên lãi thuần kết hợp với khả năng phải trích lập dự phòng khi rủi ro nợ xấu tăng lên. Đối với nhóm bất động sản , KQKD quý 4 sẽ chưa khởi sắc khi các hoạt động thi công dự án hay bán hàng đều tương đối trầm lắng, trong khi các chính sách ngành hiện mới dự thảo và vẫn cần thời gian để có thể được phê duyệt. Đối với nhóm thép , áp lực về chi phí tài chính so với quý 3 sẽ giảm bớt khi tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm trong quý 4. Đây là yếu tố có thể hỗ trợ phần nào kết quả lợi nhuận của nhóm này. Bàn về định giá thị trường, P/E hiện đang ở vùng thấp ngang đáy thời điểm Covid-19, song mức định giá thấp chủ yếu do mức P/E của ngành ngân hàng thấp hơn đáng kể trung bình ngành (khoảng 8 lần P/E so với mức gần 11 lần của VN-Index). Do đó, định giá của các nhóm ngành còn lại nhìn chung đang khá phù hợp với trung bình lịch sử. Trong bối cảnh KQKD quý 4 có thể phân hóa, nhiều nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, thép còn nhiều khó khăn, chuyên gia cho rằng định giá P/E của thị trường sẽ cao hơn so với hiện tại. Tuy vậy, mức định giá này không quá đắt mà là phù hợp với tình hình thực tế khi mặt bằng lãi suất, tỷ giá đang trong xu hướng lên và Việt Nam đã phải thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng diễn biến năm 2023 sẽ có sự hồi phục khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm như Cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành,... Tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt so với năm nay khi dự báo FED sẽ tăng lãi suất lên mức 5-5,25% trong năm 2023 và duy trì tới hết năm và Trung Quốc mở cửa trở lại kể từ đầu tháng 1/2023 sẽ tác động tích cực tới nhiều ngành nghề trọng điểm như xuất khẩu, hàng không – du lịch, khu công nghiệp,… Ông Đỗ Bảo Ngọc: Về bức tranh quý 4 sẽ phản ánh khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp. Thực tế những khó khăn đó đã bộc lộ từ cuối quý 3 khi nhiều doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại, các doanh nghiệp sản xuất cắt giảm sản lương đóng cửa nhà máy, các doanh nghiệp xuất khẩu thì thiếu hụt đơn hàng, cho công nhân nghỉ luân phiên. KQKD quý 4 sẽ có sự phân hoá rõ nét, những doanh nghiệp chịu biến động của nền kinh tế có thể lỗ khá nặng nề. Chúng ta sẽ nhìn thấy mức nền tăng trưởng lợi nhuận thấp trong quý 4 sắp tới. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Nhóm ngân hàng có KQKD khả quan nhất, song tỷ lệ nợ xấu có khả năng gia tăng hơn trong các quý tiếp theo. Ngành chứng khoán sẽ phân hoá, song mặt bằng chung là suy giảm lợi nhuận khi thanh khoản giảm mạnh. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống thì vẫn duy trì KQKD bền vững. Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu như thuỷ sản, thép, dệt may, bất động sản cũng có nhiều yếu tố khó khăn. Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng quan sát Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong ngắn hạn, đặc biệt trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường, tránh mua đuổi tại các nhịp chỉ số tăng giá. Đối với các nhà đầu tư nắm giữ lượng đòn bẩy lớn, nên tận dụng nhịp hồi phục của VN-Index để hạ tỷ trọng. Đối với nhà đầu tư nắm giữ trung-dài hạn và đang có sẵn tiền mặt có thể tích luỹ tại nhịp điều chỉnh của thị trường. Dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ có thể hướng về các cổ phiếu có câu chuyện trong năm 2023 như nhóm chủ đề đầu tư công (Xây dựng, vật liệu xây dựng); nhóm hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa như xuất khẩu (thuỷ sản, dệt may, cao su), khu công nghiệp, hàng không, cảng biển, thép; hay nhóm phòng thủ trong môi trường tỷ giá, lãi suất biến động như thực phẩm thiết yếu, điện, dược hay nhóm doanh nghiệp trả cổ tức trên thị giá cao. Ông Đỗ Bảo Ngọc: Định giá hiện đang ở mức rất thấp, phản ánh đáng kể lo ngại của thị trường trong quý 4. Nhà đầu tư dài hạn nên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt lớn để chờ đợi cơ hội giải ngân. Khi bức tranh kinh doanh quý 4 được công bố, những khó khăn cũng hiện ra rõ ràng, thị trường sẽ có khá nhiều cơ hội cho năm 2023. Tuy vậy, đối với giao dịch ngắn hạn, khi tâm lý nghỉ Tết đang chi phối nhà đầu tư tiếp tục duy trì sự thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường trong phiên và chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với danh mục cổ phiếu đã bắt đáy thành công trong những phiên trước đó. Nguồn: Hạ Anh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Không chỉ tăng lãi suất, một yếu tố then chốt quyết định xu hướng TTCK trong năm 2023

Ngô Minh Ngọc   |  31/12/2022

Nhìn về TTCK trong năm 2023, báo cáo Chứng khoán KBSV cho rằng sẽ có một yếu tố định hình xu hướng thị trường. Sau 2 năm tăng trưởng mạnh, TTCK Việt Nam giảm sâu trong năm 2022 dưới tác động của yếu tố tiêu cực trong và ngoài nước. Đối với các yếu tố ngoại biên, căng thẳng Nga – Ukraine; chính sách zero- Covid của Chính phủ Trung Quốc; các NHTW đẩy nhanh qua trình thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát tăng phi mã; rủi ro suy thoái kinh tế ở Mỹ và EU... là các yếu tố rủi ro chính. Trong khi đó, các yếu tố trong nước như rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp với các sự kiện như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát; quá trình thanh lọc sai phạm trên TTCK; áp lực tỷ giá và lạm phát dẫn đến trạng thái thắt chặt thanh khoản và mặt bằng lãi suất tăng cao; đầu tư công giải ngân chậm... cũng tác động mạnh đến TTCK. Nhìn về TTCK trong năm 2023, báo cáo Chứng khoán KBSV cho rằng sẽ có một số yếu tố chính định hình xu hướng thị trường như việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, chính sách tiền tệ của Fed và rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh những yếu tố trên, KBSV nhấn mạnh về tốc độ tăng cung tiền M2 ảnh hưởng lớn đến TTCK. Cung tiền M2 là yếu tố có tác động mạnh lên diễn biến thị trường, bởi các giai đoạn M2 tăng mạnh, đi kèm với mặt bằng lãi suất ở mức thấp thường tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền chảy vào TTCK giúp VN-Index tăng điểm và ngược lại. Đưa ra dẫn chứng cụ thể, các giai đoạn 2006 - 2007, 2009, 2016 -2017, 2020 – 2021, TTCK Việt Nam đều có xu hướng tăng trưởng mạnh đi kèm với cung tiền M2 tăng cao (lớn hơn 14%) nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố như chính sách tiền tệ mở rộng của SBV và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cao. Trong đó bao gồm cả chi đầu tư công của Chính phủ và vay mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, trong khi nguồn vốn nước ngoài chảy vào cũng dồi dào. Ngược lại, thị trường các giai đoạn 2011, 2018, và 2022 TTCK Việt Nam đều có xu hướng điều chỉnh đi kèm cùng tiền M2 tăng trưởng thấp (thấp hơn 12.5%) trước các yếu tố bất lợi bên trong và bên ngoài. Trên thực tế, tăng trưởng cung tiền M2 đạt mức thấp kỷ lục ước tính đạt 6% -7% trong năm 2022 là 1 trong những nguyên nhân quan trọng khiến TTCK Việt Nam lao dốc. Cung tiền sụt giảm đến từ 2 nguyên nhân là chính sách tiền tệ của SBV, khi tỷ giá và thị trường ngoại tệ bị chịu áp lực do cân đối cung cầu ngoại tệ và thị trường quốc tế có diễn biến bất lợi (Fed 5 lần nâng lãi suất điều hành để kìm cương đà tăng của lạm phát, và DXY Index tăng mạnh kể từ đầu năm) đã gây áp lực lên thị trường trong nước, buộc SBV phải bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường. Bên cạnh đó, chi tiêu giải ngân đầu tư công của chính phủ ở mức thấp, tiền của kho bạc nhà nước để tại SBV và hệ thống ngân hàng ước đạt hơn 900 nghìn tỷ VND chưa được đẩy vào lưu thông (cụ thể, ở SBV khoảng 600 nghìn tỷ VND và hệ thống ngân hàng 300 nghìn tỷ VND). Dự báo cho năm 2023, KBSV cho rằng tăng trưởng cung tiền sẽ chịu tác động trái chiều. Kỳ vọng tăng trưởng cung tiền trong năm 2023 sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022 do một số điều kiện khách quan thuận lợi như NHNN có khả năng mua vào USD, dự trữ ngoại hối gia tăng cải thiện tăng trưởng cung tiền hay đầu tư công được thúc đẩy. Tuy vậy, tăng trưởng cung tiền vẫn có khả năng chịu tác động tiêu cực khi nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp dự báo suy giảm do lãi suất cao, Trung Quốc mở cửa gây áp lực lên giá cả nhiều hàng hoá và rủi ro liên quan đến đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Với cơ sở trên, KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ đạt 13-14 % so với cùng kỳ, huy động tăng cao đạt 12% giúp cung tiền tăng trở lại 13% – một phần do nền thấp của năm 2022. Do đó, thanh khoản hệ thống theo đó cũng sẽ bớt căng thẳng hơn, tạo điều kiện nền lãi suất sẽ hạ nhiệt so với cuối quý 4/2022, dù vẫn duy trì ở mức cao. Với mối tương quan cao của M2 và P/E VN-Index như phân tích ở trên, việc M2 tăng trưởng trở lại là động lực quan trọng giúp P/E thị trường cân bằng trở lại và hướng về mốc trung tính, tương ứng với đó vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index cuối năm 2023 ở 1.240 điểm Nguồn: Hạ Anh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Chứng khoán Việt Nam 2022: Năm bản lề cho sự phát triển bền vững

Ngô Minh Ngọc   |  30/12/2022

Với mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững, cơ quan quản lý đã có một loạt các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách để hướng thị trường phát triển có chiều sâu và minh bạch hơn. Sau một năm tăng trưởng bùng nổ, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào năm 2022 đầy hứng khởi và chỉ số VN-Index mau chóng vượt 1.500 điểm, mức cao nhất trong lịch sử 22 năm hoạt động. Không chỉ tăng mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể, những phiên giao dịch “tỷ đô” thường xuyên diễn ra trong năm. Làn sóng nhà đầu tư mới vẫn là động lực chủ yếu thúc đẩy TTCK đi lên. Sau 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới tổng cộng 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số của cả 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021 cộng lại. Tính đến cuối tháng 11, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đã vượt hơn 6,74 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,7% dân số. Thị trường bùng nổ cả về quy mô và thanh khoản cũng làm nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết để tránh bong bóng đầu cơ. Với mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững, cơ quan quản lý đã có một loạt các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách để hướng thị trường phát triển có chiều sâu và minh bạch hơn. Trong bối cảnh thị trường liên tục tăng nóng cùng số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến, hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu hay doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít nhà đầu tư nghe theo tin đồn, “đội lái” đã chịu thua lỗ nặng nề khi cổ phiếu điều chỉnh sâu. Điều này khiến các cơ quan quản lý phải có những động thái quyết liệt để xử lý. Trên thị trường cổ phiếu, các vụ thao túng giá của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch HĐQT Louis Holding và hàng loạt lãnh đạo của Chứng khoán Trí Việt lần lượt bị phanh phui. Quyết tâm thanh lọc thị trường được thể hiện qua những án phạt nặng, chưa từng có tiền lệ trong quá khứ. Chưa dừng lại, hoạt động phát hành trái phiếu cũng được cơ quan quản lý chấn chỉnh mạnh tay điển hình như các vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay Công ty An Đông, đơn vị liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Dù ảnh hưởng trong ngắn hạn đến tâm lý nhà đầu tư là điều khó tránh khỏi nhưng không thể phủ nhận việc siết chặt kỷ cương trên TTCK là một liều vaccine cần thiết cho thị trường. Có thể sẽ có phản ứng phụ nhưng sau đó thị trường sẽ có thêm kháng thể để chống chọi với những biến động cũng như nâng cao chất lượng trong dài hạn. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Chúng ta đã tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng, có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan. Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm”. Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần FIDT đánh giá, việc nhà chức trách thể hiện quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch thị trường chứng khoán Việt Nam là yếu tố vô cùng tích cực. “Sau những vụ này, tâm lý về đánh bạc, đầu cơ, đội lái sẽ giảm bớt và dòng tiền sẽ trở lại những cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, quy mô lớn, minh bạch và đặc biệt là có lãnh đạo uy tín” – ông Tuấn nhấn mạnh. Có thể nói, những biện pháp chấn chỉnh, xử lý sai phạm năm qua là bước ngoặt trong việc xây dựng môi trường đầu tư trong sạch, an toàn và bảo vệ tốt cho các chủ thể tham gia, từ đó thúc đẩy sự lớn mạnh của thị trường trong những năm tiếp theo. Trong chiến lược phát triển thị trường vốn, Chính phủ luôn nhấn mạnh phải phát triển TTCK để huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, từng bước giảm sức ép cung cấp vốn của hệ thống ngân hàng. Nghị định 153/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm tạo khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tạo thêm kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Sau Nghị định 153, kênh TPDN đã phát triển mạnh. Tổng dư nợ TPDN đến cuối năm 2021 ước đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng. Tổng huy động qua kênh TPDN đạt gần 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường, Nghị định 153 cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Điều này dẫn đến sự ra đời của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ được chính thức ban hành vào ngày 16/9/2022. Về cơ bản, Nghị định 65 ra đời đã kịp thời tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Trong đó, quy định mới về mục đích phát hành trái phiếu được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Mặt khác, Nghị định 65 cũng phần nào giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Đây là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Tuy nhiên, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành cũng được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu. Đáng chú ý, Nghị định 65 cũng nâng cao tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này có thể sẽ thu hẹp đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp được trực tiếp tham gia thị trường trái phiếu. Dù vậy, quy định mới được đánh giá sẽ bảo vệ tốt hơn những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chưa có đủ kiến thức và nắm rõ thông tin cần thiết. Thay vì trực tiếp mua trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp với nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư có thể gián tiếp rót vốn qua các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Dương- Phó Vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng đây là một điểm rất mới, tăng trách nhiệm của nhà đầu tư hơn khi đưa ra quyết định đầu tư của mình, đó là khi mua trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đọc bản công bố thông tin và phải tự ký vào bản đó, xác nhận tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố; đồng thời, hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,... Theo FiinRatings, Nghị định 65 được kỳ vọng tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu trong bối cảnh kênh vốn tín dụng ngân hàng hiện không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Không thể phủ nhận những tác động tích cực trong dài hạn từ sự ra đời của Nghị định 65. Tuy nhiên, các quy định mới cũng tạo ra áp lực không nhỏ lên tất cả các thành phần tham gia thị trường trái phiếu trong ngắn hạn. Do đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 với một số nội dung đáng chú ý như lùi thời hạn thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với nhà phát hành thêm một năm và cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Những giải pháp kịp thời cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc giảm thiểu những “cú sốc” trong ngắn hạn nhưng vẫn đảm bảo định hướng phát triển bền vững, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu trong tương lai. Năm qua, thị trường cổ phiếu đã xuất hiện một bước ngoặt trong việc minh bạch hóa thông tin khi UBCKNN yêu cầu các Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện công bố giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán. Động thái khiến nhà đầu tư chứng khoán như “vui như mở cờ” khi lần đầu tiên dữ liệu này được công bố rộng rãi và miễn phí. Trên thực tế, tự doanh CTCK đóng vai trò như một nhà đầu tư trên thị trường. Việc mua hay bán của nhóm này được thị trường chú ý bởi phản ánh sự thay đổi kỳ vọng trong ngắn hạn, tác động lớn tới cung - cầu. Không ít nhà đầu tư muốn dựa trên dữ liệu tự doanh làm cơ sở để lựa chọn cổ phiếu đầu tư mua bán. Do đó, nếu không cung cấp thông tin giao dịch của khối tự doanh, nhà đầu tư sẽ thiếu đi một nguồn thông tin tham khảo. Việc công bố giao dịch quan trọng này đã thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc xóa bỏ sự bất đối xứng về mặt thông tin giữa nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư tổ chức. Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Thay vì lấy giá đóng cửa phiên ATC của thị trường cơ sở vào ngày đáo hạn phái sinh, giá trung bình trong 30 phút cuối cùng trước khi đóng cửa của thị trường cơ sở (gồm 15 phút khớp lệnh định kỳ và kết quả phiên ATC) sẽ được sử dụng. Thời gian qua, nỗi sợ mang tên ATC càng trở nên rõ nét hơn khi phiên khớp lệnh ATC của HoSE ngày càng bất ngờ. Rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 trước phiên giao dịch ATC giá đang tăng mạnh thì sau 14h30 phút, bất ngờ có một lệnh ATC khoảng vài trăm nghìn cổ phiếu được đẩy vào sàn ở bên đặt bán khiến tình thế đảo ngược. Trên thực tế, việc thị trường biến động mạnh vào ngày đáo hạn phái sinh không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xuất hiện ở rất nhiều thị trường khác. Chính sách lấy giá trung bình 30 phút cũng khá phổ biến, nhiều sàn Futures trên thế giới cũng áp dụng phương pháp tương tự. Việc lấy 30 phút, 15 phút, 10 phút, 5 phút hay 30 giây cuối tùy thuộc vào đặc thù riêng của từng sàn. Với phương pháp tính giá mới cập nhật, rủi ro giá thay đổi trong những giây cuối cùng như các phiên đáo hạn trước đây đã được giải quyết. Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc chi nhánh Tp.HCM - Chứng khoán DSC, việc điều chỉnh này là rất hợp lý, tạo sự công bằng cho các nhà đầu tư đồng thời hạn chế việc một số cổ phiếu vốn hóa lớn, ít thanh khoản làm lệch chỉ số bất ngờ cuối phiên ATC. Chưa dừng lại, VSD cũng đã điều chỉnh tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 từ mức 13% lên 17% kể từ ngày 15/12/2022. Quyết định này kết hợp cùng động thái tăng cường giám sát vấn đề tuân thủ tại các công ty chứng khoán góp phần giúp giảm bớt tính đầu cơ cũng như tác động của phái sinh lên thị trường cơ sở. Đây cũng là tiền đề để “nắn” thị trường phái sinh về đúng vai trò phòng vệ cho cơ sở, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn. Một trong những bước tiến giúp cải thiện thanh khoản thị trường năm qua là việc rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán. Quy chế mới được áp dụng từ cuối tháng 8 có một số nội dung thay đổi mới: Thời gian ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15h30-16h00 lên 11h00-11h30 ngày T+2 (trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h00). Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán như thông báo mới nhất được đa số nhà đầu tư hoàn nghênh khi có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây. Nhờ đó, nhà đầu tư đã có thể rút ngắn thời gian giao dịch, có khả năng ứng phó nhanh nhạy hơn với những biến động mạnh của cổ phiếu và thị trường. Bên cạnh việc góp phần cải thiện tỷ suất sinh lời cho nhà đầu tư, chu kỳ thanh toán mới, rút ngắn hơn cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực lên thanh khoản của thị trường khi thu gọn thời gian thanh toán lên nửa ngày, nhờ vậy vòng quay giao dịch của nhà đầu tư sẽ tăng lên. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán sẽ tăng thêm sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nếu tính toán một cách số học, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống 0,5 - 1 ngày có thể giúp tốc độ vòng quay vốn trên thị trường tăng lên khoảng gần 30% về lý thuyết. Tuy nhiên, thực tế cần thời gian trả lời khi các giải pháp mới được vận hành chính thức mới đo đếm được chính xác. Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cũng đồng thuận việc rút ngắn chu kỳ thanh toán có thể giúp thanh khoản của thị trường cải thiện, là động lực cho thanh khoản tốt hơn. Bên cạnh đó, đây cũng là bước tiến để Việt Nam hoàn chỉnh thêm tiêu chí xem xét nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Nguồn: Hà Ly & Hải An - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Thanh khoản HOSE xuống thấp nhất trong hơn 25 tháng, dòng tiền chứng khoán nghỉ Tết sớm?

Ngô Minh Ngọc   |  29/12/2022

Giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.850 tỷ đồng, giảm 9,1% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 25 tháng kể từ ngày 12/11/2020. Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên áp chót của năm 2022 với giao dịch đầy ảm đạm dù rung lắc vẫn diễn ra liên tục. Thanh khoản thị trường tụt áp với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.850 tỷ đồng, giảm 9,1% so với phiên trước và là mức thấp nhất trong vòng hơn 25 tháng kể từ ngày 12/11/2020. Tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ lễ kéo dài đang đến gần là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường. Lực cầu rất dè dặt bởi với những nhà đầu tư tranh thủ lướt sóng nếu mua phiên hôm nay cổ phiếu sẽ không kịp về tài khoản để bán trước Tết dương lịch. Mặt khác, áp lực chốt lời ngắn hạn không quá lớn do thanh khoản phiên bắt đáy trước đó cũng không cao.       Không chỉ phiên hôm nay, giao dịch ảm đạm đã diễn ra trong hơn một tuần trở lại đây khi thanh khoản HoSE đột ngột sụt giảm mạnh và thường xuyên duy trì dưới 10.000 tỷ đồng. Lý giải cho tình trạng thanh khoản mất hút các chuyên gia nhà đầu tư cá nhân cần chốt lời để có dòng tiền phục vụ cho dịp lễ Tết sắp tới. Các doanh nghiệp cuối năm cần dòng tiền để trả lương, thưởng hay chi phí hàng tồn kho để bán trong năm tiếp theo cũng như nhập các nguyên vật liệu đầu vào chuẩn bị sản xuất năm tới. Ngoài ra, các CTCK và Ngân hàng phải đưa tỷ lệ tiền về mức an toàn do đó khó có thể kỳ vọng dòng tiền dồi dào đổ vào thị trường thời điểm này. Thêm vào đó, thị trường cũng đang trong vùng “trống thông tin” gần đây, do vậy nhà đầu tư có sự nghỉ ngơi. Mùa báo cáo tài chính vẫn chưa bước vào cao điểm và mới chỉ có một số doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước công bố số liệu ước tính quý 4 và cả năm 2022. Tuy nhiên, luồng thông tin này khá rời rạc và chưa đủ để tạo ra hiệu ứng trên diện rộng. Dự báo về thanh khoản trong năm tới, Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng dòng tiền trên TTCK sẽ bớt căng thẳng hơn nhờ các vấn đề về tỷ giá và lạm phát đang tạm ổn định, NHNN bắt đầu có những động thái bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế. Điểm nghẽn khó khăn nhất hiện vẫn nằm ở vấn đề thanh khoản trung dài hạn, lãi suất và đáo hạn trái phiếu và sẽ cần nhiều thời gian hơn để khắc phục. Tuy nhiên, có lẽ thời điểm khó khăn nhất của dòng tiền đã qua.       Đồng quan điểm, ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh Chứng Khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định có nhiều yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong năm tới, điển hình như chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng đi kèm Nghị định được ban hành/ sửa đổi giúp “tháo gỡ” nút thắt cho thị trường Trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều quan điểm cho rằng NHNN sẽ quay trở lại mua ngoại tệ để cung ứng lượng tiền mặt ra lưu thông. Chiều ngược lại, VCBS lại tỏ ra thận trọng với dự báo thanh khoản thị trường do mặt bằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao. Theo đó, đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022. Điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên sự ổn định tỷ giá VND/USD, mục tiêu lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước. VCBS kỳ vọng thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Với đà giảm của giá cổ phiếu theo chỉ số VN-Index, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình sẽ đạt khoảng 12.000 – 1.400 tỷ đồng/phiên trên cả ba sàn. (Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường)
Xem thêm

Điểm lại những ‘sóng gió’ trên thị trường chứng khoán năm 2022

Ngô Minh Ngọc   |  28/12/2022

Trong bức tranh của nền kinh tế vĩ mô năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có nhiều gam màu trầm hơn những dấu ấn tích cực. VN-Index giảm 35% trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8% Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XVI, dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 6-6,5% đã định. Tuy nhiên, trái với đà phục hồi và tăng trưởng cao của nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi một dấu ấn buồn trong năm 2022 khi chỉ số VN-Index suy giảm rất mạnh từ mức 1.498 điểm khởi đầu năm rơi xuống ngưỡng 980 điểm cuối năm 2022. Tính chung cả năm, với mức giảm 35% của VN-Index, hầu hết các chủ thể tham gia TTCK phải chấp nhận thua lỗ. Thị trường chứng khoán năm 2022 trải qua nhiều thăng trầm Cú sốc tâm lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khiến thị trường này gia tăng rủi ro. Tổng dư nợ TPDN riêng lẻ đang lưu ký là 1,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP. Để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái hỗ trợ. Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng lùi thời hạn áp dụng 1 năm đối với các quy định: Xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm; bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu… Xử lý hình sự, xử phạt hành chính loạt sai phạm chứng khoán Năm 2022, hoạt động thanh tra, giám sát trên TTCK để lại nhiều dấu ấn trong xử lý vi phạm hành chính lẫn hình sự. 11 tháng năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 442 trường hợp, với tổng số tiền phạt 33,41 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp về tháo túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư.... Nhiều vụ việc thao túng trên thị trường chứng khoán bị xử lý trong năm qua Căn cứ trên kết quả giám sát, ngành chứng khoán đã chuyển cơ quan công an xử lý hình sự đối với nhóm cổ phiếu FLC, đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “nhóm Louis” và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần ASA cùng một số đơn vị khác. Làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng Năm qua, Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn bị cấm xuất cảnh; chủ tịch HĐQT một ngân hàng sắp bị bắt; ngân hàng S sắp vỡ nợ; công ty chứng khoán V. khó khăn thanh khoản do liên quan đến trái phiếu công ty X… Tin đồn xuất hiện tràn lan trên các hội, nhóm diễn đàn như năm 2022. Nhiều đối tượng lợi dụng tin đồn để lập nhóm, phím hàng mua bán khiến cho TTCK có giai đoạn liên tục đỏ lửa, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Trước thực trạng trên, Bộ Công an liên tục đưa ra khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận. Nhiều cá nhân đã bị xử lý vì tung tin đồn thất thiệt... Nhiều tin đồn thất thiệt gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư Giải chấp hàng loạt cổ phiếu cầm cố của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết Lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Hoạt động này đồng thời cho thấy doanh nghiệp niêm yết đã phải cầm cố lượng lớn cổ phiếu/danh mục đầu tư để vay tiền từ các TCKC hoặc làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn. Dòng cổ phiếu giải chấp điển hình là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán. TTCK phái sinh vượt qua mốc 1 triệu tài khoản sau 5 năm vận hành Thị trường phái sinh sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index chính thức vận hành ngày 10/8/2017. Riêng trong năm 2022, thị trường phái sinh ghi nhận nhiều kỷ lục, như có thêm 416,840 tài khoản đầu tư phái sinh được mở mới, nâng tổng số tài khoản phái sinh lên hơn 1,1 triệu tài khoản. Trong năm, kỷ lục thanh khoản được lập ngày 25/10/2022 với 647,457 hợp đồng. Điểm sáng vốn ngoại "chảy" vào TTCK Việt Nam Tính tới hết ngày 23/12, khối ngoại đã mua ròng gần 27.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,16 tỷ USD, giúp TTCK Việt Nam ghi nhận một điểm sáng hiếm hoi về thu hút vốn ngoại trong năm 2022 này. Theo nhiều dự báo, ETF vẫn là công cụ đầu tư hữu hiệu trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới. Áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn mục tiêu được nâng hạng Từ ngày 29/8/2022, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) - tổ chức được thành lập trên cơ sở Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - đã chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2. Số tài khoản chứng khoán đạt 6,8% dân số Việt Nam Thống kê trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng số tài khoản đầu tư mở mới đạt 2.487.665 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 2,4 triệu tài khoản. Tính đến cuối năm 2022, số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước chiếm tới 6,8% tổng dân số Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư mới đã phải trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh của giá cổ phiếu và số lượng tài khoản mới mở giảm nhanh trong 2 quý cuối năm 2022. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục khó khăn Tính đến ngày 15/12, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3.600 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự toán nộp vào ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 nghìn tỷ đồng. Số thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đến nay mới đạt 11% kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. (Nguồn: CLB Nhà báo chứng khoán).
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook