Thị trường Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Chu kỳ thị trường chứng khoán trước dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thường tích cực

Ngô Minh Ngọc   |  09/01/2023

Ông Đạt chỉ ra khi thống kê lợi suất của chỉ số VN-Index 20 phiên giao dịch trước Tết, trong 21 năm có tới 15 lần chỉ số tăng điểm. VN-Index mở đầu năm 2023 với diễn biến tương đối tích cực, 3/4 phiên đầu tiên tăng điểm tốt. Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 44,35 điểm (4,4%) lên 1.051,44 điểm. Thanh khoản cũng có dấu hiệu cải thiện so với giai đoạn cuối năm trước, giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn trong tuần qua đạt khoảng 11.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại cũng mua ròng xuyên suốt tuần đầu năm 2023, giá trị vượt mức 1.700 tỷ đồng trên toàn sàn. Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào, chúng tôi đã có trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch 9-13/1. Chu kỳ thị trường chứng khoán trước dịp Tết Nguyên Đán thường tích cực Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC, với vận động tích cực, thị trường chứng khoán đang ghi nhận xu hướng lạc quan. Dù xuất hiện tín hiệu bán đảo chiều cùng thanh khoản cao trong phiên cuối tuần, song điểm số neo vẫn neo trên nền giá vùng 1.050 điểm. Giám đốc DSC nhận định áp lực rung lắc là không đáng kể, xu hướng hồi phục ngắn hạn được giữ vững, trong đó nhóm Ngân hàng đang để thể hiện bộ mặt dẫn dắt chỉ số chung, đúng với kỳ vọng trong tuần trước. Trong giai đoạn hiện tại, kỳ nghỉ Tết Âm lịch đã tới gần. Nhắc đến Tết Nguyên Đán, nhà đầu tư thường có tâm lý lo ngại cho thị trường Chứng khoán. Một phần bởi tâm lý nghỉ lễ thường khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền trong tài khoản để phục vụ cho các hoạt động “sắm Tết”. Mặt khác do TTCK Việt Nam nghỉ lễ dài (5 ngày làm việc), nhà đầu tư khó phòng tránh rủi ro từ thị trường quốc tế hay dịch bệnh. Song, ông Đạt chỉ ra khi thống kê lợi suất của chỉ số VN-Index 20 phiên giao dịch trước Tết, trong 21 năm có 15 lần chỉ số tăng điểm và 6 lần giảm điểm. Nếu tăng, lợi suất trung bình là 4,3%. Nếu giảm, lợi suất trung bình là -3,8%. Ấn tượng hơn, với 5 ngày sát Tết, hiệu suất trung bình luôn luôn ở mức dương. Do đó, ông Đạt vẫn giữ khuyến nghị chu kỳ TTCK trước dịp Tết Nguyên Đán là tích cực. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp nên duy trì chiến lược đang áp dụng và giữ những cổ phiếu kỳ vọng còn dư địa tăng. Với mùa BCTC, Ngân hàng vẫn là ngành được kỳ vọng có kết quả khả quan nhất cho nửa đầu năm 2023. Trong cả năm 2022, tăng trưởng tín dụng ước đạt 14,5% trong khi tăng trưởng huy động đến ngày 27/12 chỉ đạt 6%. Ông Đạt cho rằng NHNN sẽ tiếp tục duy trì thận trọng room tín dụng 2023 ở mức 14% và thấp hơn. Các NHTM tiếp tục nhuận kỳ vọng cải thiện thu nhập nhờ room tín dụng, ưu đãi về nguồn vốn rẻ từ Bảo Hiểm Việt Nam và mạng lưới. Thị trường được tiếp thêm thanh khoản sẽ hỗ trợ giảm rủi ro nợ xấu, áp lực trích lập, vô hình chung hỗ trợ việc cho vay, cải thiện thu nhập toàn ngành. Về dòng vốn ngoại mua ròng hàng chục nghìn tỷ đồng thời gian qua, Giám đốc DSC cho rằng chu kỳ bán hoảng loạn trên diện rộng đã và đang mở ra cơ hội giao dịch ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn có tiềm năng lợi nhuận tăng trưởng tốt và mức định giá rẻ. Đây là cơ sở để giữ chân dòng tiền trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, đặc biệt là thu hút thêm dòng tiền từ nước ngoài. Trong báo cáo triển vọng đầu tư 2023, nhiều tổ chức lớn đánh giá cao cơ hội mua cổ phiếu ở các thị trường đang phát triển, bao gồm Bank of America, JP Morgan, Fidelity, Morgan Stanley,… Nhà đầu tư có thể lần theo dấu dòng tiền ngoại Theo góc nhìn của ông Lê Tự Quốc Hưng, Chuyên viên thị trường Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường có thể duy trì sự tích cực là nhờ được lan tỏa từ những tín hiệu tốt từ chủ trương thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, tín hiệu rõ ràng trong việc mở cửa của Trung Quốc và chính sách tiền tệ của các ngân hàng Trung Ương trên thế giới. Tuy nhiên, thanh khoản trong những phiên cận kề kì nghỉ lễ Tết Nguyên Đán thường rất thấp so với điều kiện bình thường, do đó ông Hưng không kì vọng rằng VN-Index sẽ tăng quá mạnh như trong tuần vừa qua. Bên cạnh đó, thị trường sẽ thường thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong những ngày cận kề kì nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, dẫn đến tình hình giao dịch sẽ không sôi động. Trong kịch bản này, nhà đầu tư có thể tận dụng những khoản thời gian thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh để mua cổ phiếu, và có thể dành một phần danh mục cho việc lướt sóng những cổ phiếu có sẵn trong danh mục. Hiện tại, so với các quốc gia thuộc nhóm thị trường mới nổi và cận biên, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam nhìn chung vẫn khá tích cực. Do vậy, ông Hưng cho rằng chừng nào VN-Index vẫn nằm trong vùng định giá hấp dẫn (P/E thấp) thì thị trường có thể kì vọng dòng tiền khối ngoại sẽ tiếp tục tìm đến. Ngoài ra nếu áp lực tăng lãi suất của FED tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới cũng là một động lực để dòng vốn có thể chảy vào thị trường tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu tại các thị trường cận biên, mới nổi trong đó có Việt Nam. Các cổ phiếu trong các rổ chỉ số mà các quỹ ngoại tham chiếu đa phần là những cổ phiếu có chất lượng nhất định về nền tảng cơ bản. Do vậy, thay vì phải tự sàng lọc cổ phiếu chất lượng trong hơn 700 cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu phù hợp tiêu chí đầu tư của mình trong danh mục cổ phiếu ở các rổ chỉ số này. Ba nhóm ngành sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng vĩ mô trong năm 2023 Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDIRECT, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm dương lịch 2023 với việc điểm số bật tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện so với tuần giáp Tết. Xu hướng thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực đầu năm như Trung Quốc thông báo chính thức mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 8/1/2023, các dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 chính thức được khởi công cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công năm nay và Dự thảo nghị định 65 sửa đổi cập nhật mới nhất đã được bộ Tài chính trình lên bộ Tư pháp. Trên nền tảng vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định và định giá về mức hấp dẫn, khối ngoại tiếp tục duy trì tuần mua ròng kể từ đầu tháng 11 năm 2022 đến hiện tại. Sau tuần giao dịch tích cực, chỉ số VN-Index đang hướng tới vùng kháng cự mạnh vùng quanh 1.070 điểm. Mặc dù đã có một vài tín hiệu vĩ mô tích cực như tỷ giá hạ nhiệt, đà tăng lãi suất đã chậm lại rõ nét và Trung Quốc mở của trở lại sớm hơn dự kiến, song trong bối cảnh Tết nguyên đán đang cận kề, chuyên gia đến từ VNDIRECT cho rằng khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự cải thiện đột biến. Thông thường, trước tuần nghỉ lễ dài, nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ trọng margin để tiết giảm chi phí lãi vay. Do đó, khó có thể kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ đột biến trong những tuần sát Tết. Theo đó, đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiến vào những vùng cản mạnh quanh 1.070 điểm và canh mua lại khi thị trường điều chỉnh. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chờ đợi sự bứt phá của các chỉ số chứng khoán khi dòng tiền cải thiện sau kỳ nghỉ lễ. Về nhóm ngành, nhà đầu tư nên hướng tới những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những xu hướng vĩ mô lớn trong năm 2023 như Trung Quốc mở của trở lại ( cổ phiếu hàng không, du lịch, xuất khẩu thủy sản, cao xu, xi măng); đẩy mạnh đầu tư công (cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) hay phát triển hạ tầng năng lượng (điện, khí đốt). Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

HoSE công bố 65 mã chứng khoán bị cắt margin trong quý 1/2023

Ngô Minh Ngọc   |  07/01/2023

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã công bố danh sách 65 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 1/2023, tăng thêm 3 mã so với số lượng trong danh sách công bố hồi đầu quý 4/2022. Phần lớn danh sách là các cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như: CIG, DLG, DXV, HNG, HOT, HU1, HU3, ITA, MCG, OGC, PIT, PMG, PTL, QBS, RDP, SCD, SGT, SII, SJD, SMA, TCR, TDH, TNI, TTF, UDC, VFG, VOS,... Xuất hiện trong danh sách tiếp tục là nhóm cổ phiếu hệ sinh thái FLC như FLC, GAB, HAI, AMD. Về nguyên nhân bị cắt margin quý 1/2023, cổ phiếu GAB mới đây đã bị HoSE chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 5/1/2023; FLC và HAI đang thuộc diện đình chỉ giao dịch, chưa rõ thời gian trở lại sàn; còn AMD thuộc diện hạn chế giao dịch do chậm công bố BCTC bán niên 2022. Tương tự như cổ phiếu AMD, mã chứng khoán ngành bất động sản khu công nghiệp LHG - Long Hậu tiếp tục bị HoSE cắt margin trong quý 1/2023 này do chậm công bố BCTC bán niên 2022. Ngoài ra, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, AST của Taseco vẫn bị cắt margin do đang trong diện kiểm soát của HoSE. HAG của Hoàng Anh Gia Lai dù đã chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ tháng 10/2022, song tiếp tục bị cắt margin trong quý này. Đồng thời, một vài cổ phiếu tăng "nóng" trong giai đoạn 2020-2021 cũng thuộc diện bị cắt margin trong quý 1 như TGG của nhóm Louis; mã JVC, NVT của nhóm "DNP-Tasco"... Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến việc cắt margin còn là việc doanh nghiệp có lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ/LNST trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm như AGM, ASP, BCE, HAS, HID, KHP, LEC, MHC, POM, PSH, PTC, PVD, SBV, SJF, VDS và VIP. Hoặc Công ty nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm thuế như SCS, TDW. Bên cạnh đó, danh sách 65 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ còn một số mã có thời gian niêm yết dưới 6 tháng nên chưa thể tham gia giao dịch margin như ACG, hay chứng chỉ quỹ FUCTVGF4 của Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 4, FUEDCMID của Quỹ ETF DCVFMVNMIDCAP, FUEKIVFS của quỹ ETF Kim Grouth VNFINSECLECT, NO1 của Tập đoàn 911. Hơn nữa, 4 mã chứng chỉ quỹ FUCTVGF3 của Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 3; FUCVREIT của Quỹ Đầu tư BĐS Techcom Việt Nam, FUEIP100 của Quỹ ETF IPAAM VN100 và FUEKIV30 của Quỹ ETF KIM Growth VN30 cũng không được phép giao dịch ký quỹ trên HoSE trong quý 1, do quỹ đầu tư đại chúng có tối thiểu một tháng có giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp. Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính-margin) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 65 mã cổ phiếu bị xếp vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ này. Nguồn: Dương Ngọc - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Chứng khoán – ngành nào sẽ bứt phá trong năm nay?

Ngô Minh Ngọc   |  06/01/2023

Giới phân tích và đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có những nhóm ngành bứt phá tốt hơn so với thị trường chung trong năm 2023 này, dựa trên những câu chuyện riêng và mức độ ảnh hưởng khác nhau từ bối cảnh và triển vọng kinh tế trong năm nay, dù được nhiều tổ chức dự báo sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn và thách thức. Những câu chuyện Chỉ số VN-Index khép lại năm 2022 đầy thất vọng ở mức 1.007 điểm, ghi nhận mức sụt giảm gần 33% so với đầu năm và là một trong hai thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong năm vừa qua. Bên cạnh những ảnh hưởng do chính sách thắt chặt tiền tệ trở lại theo xu hướng chung, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã chịu tác động nặng nề từ việc xử lý hàng loạt sai phạm từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho đến thao túng chứng khoán. Đặc biệt, với chuỗi phục hồi bắt đầu từ nửa cuối quí 4 và chỉ kéo dài đến đầu tháng 12, thị trường đang cho thấy mức độ dễ bị tổn thương như thế nào. Dù vẫn có khá nhiều dự báo lạc quan cho năm 2023, nhưng rõ ràng với dòng tiền rẻ không còn, lãi suất vẫn chịu áp lực tăng trước rủi ro lạm phát, xu hướng thị trường trong giai đoạn tới là không thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, giới phân tích và đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có những sự phân hóa và những nhóm ngành bứt phá tốt hơn so với thị trường chung trong năm 2023 này, dựa trên những câu chuyện riêng và mức độ ảnh hưởng khác nhau từ bối cảnh và triển vọng kinh tế trong năm nay, dù được nhiều tổ chức dự báo sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn và thách thức. Câu chuyện đầu tiên là với môi trường lãi suất tiếp tục đi lên và duy trì ở mức cao, nếu như các ngành thâm dụng vốn như xây dựng, bất động sản sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề, thì ngược lại, những ngành có dòng tiền mặt dồi dào và có lượng tiền gửi ngân hàng thường duy trì ở mức cao sẽ được hưởng lợi, như ngành bảo hiểm. Ngoài ra, với phí bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng cùng dư địa của thị trường bảo hiểm còn khá lớn, tiềm năng của ngành này vẫn khá hấp dẫn trong tương lai. Câu chuyện thứ hai là với nguy cơ lạm phát cao và rủi ro suy thoái kinh tế, những ngành mang tính phòng thủ và có khả năng tăng giá cho người tiêu dùng mà không ảnh hưởng quá tiêu cực lên khả năng tiêu thụ sản phẩm, cũng có thể được nhà đầu tư lựa chọn. Tại Việt Nam, định hướng lạm phát 2023 đã được điều chỉnh tăng lên mức 4,5% so với mức 4% trong năm 2022, cho thấy áp lực kiểm soát lạm phát trong năm 2023 rất lớn. Song song đó, dù tăng trưởng GDP năm 2022 tới hơn 8%, nhưng nền kinh tế đang bắt đầu có những dấu hiệu chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 12 công bố mới đây chỉ đạt 46,4 điểm từ mức 47,4 điểm của tháng 11. Chỉ số này đã lần thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm. Trước bối cảnh kinh tế này, những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, dược phẩm hay các ngành tiện ích như điện, nước, y tế được kỳ vọng sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn như các ngành tăng trưởng nóng khác. Thậm chí, những ngành này còn có thể thu hút dòng tiền trú ẩn của các nhà đầu tư muốn sự ổn định trong một nền kinh tế có thể chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Ngoài ra, ngành lương thực, thực phẩm, chăn nuôi cũng có thể hưởng lợi từ chính sách mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc Và sự hưởng lợi Sau giai đoạn chống dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc trong những tuần cuối năm 2022 đã thay đổi chính sách về kiểm soát dịch Covid-19, hướng tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo dự báo của Goldman Sachs (NYSE:GS), dự kiến nền kinh tế số 2 thế giới sẽ mở cửa từ đầu quí 2-2023, sau mùa cao điểm đi lại vào Tết Nguyên đán. Theo đó, những ngành nào trước đây bị ảnh hưởng bởi chính sách chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc thì trong năm 2023 có thể hưởng lợi để phục hồi trở lại cũng như kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn. Ngoài các ngành lương thực, thực phẩm có mặt hàng xuất khẩu chủ lực qua Trung Quốc như đã nói, phải kể đến ngành du lịch vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt hơn hai năm qua do dịch Covid-19. Năm 2022 này tuy có phục hồi phần nào nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, do Trung Quốc lại đóng cửa chặt hơn để phòng, chống Covid-19. Thống kê cho thấy trong suốt giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc chiếm trung bình gần 30% tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam hàng năm, đặc biệt trong hai năm đầu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 2020 và 2021, tỷ lệ này vẫn lên đến 34% và hơn 43%. Tương tự, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2023, khi nhiều đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc được nối trở lại, cũng như thêm nhiều đường bay mới được mở ra với nhiều nước khác. Ngoài ra, do đặc thù vay nợ lớn bằng đô la Mỹ, nên khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đang có xu hướng ổn định trở lại cũng giúp các doanh nghiệp trong nhóm này giảm bớt rủi ro tỷ giá. Ngành thủy sản cũng sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa trở lại, khi số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn 2016-2021, thị trường Trung Quốc chiếm trung bình 12,6% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, nhóm ngành cá tra và tôm là những sản phẩm chủ lực xuất khẩu rất lớn vào thị trường này. Ngoài ra những ngành này cũng có thể tiếp tục phục hồi khi nhu cầu sau thời gian dài bị kìm nén có thể tăng mạnh trở lại, cũng như hưởng lợi theo sự phục hồi của ngành du lịch và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã liên tục ký kết thời gian qua. Trong khi ngành xây dựng dân dụng bị ảnh hưởng theo những khó khăn của ngành bất động sản, ngược lại ngành xây dựng hạ tầng và một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng như đá, xi măng, thép,… có thể chứng kiến sự hồi phục sớm hơn nhờ câu chuyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Rõ ràng khi chính sách thắt chặt tiền tệ buộc phải được thực thi để chống lạm phát, động lực tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào chính sách tài khóa, mà cụ thể là việc đẩy mạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Cuối cùng, nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2023 nhờ hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số, khi không chỉ diễn ra ở khu vực tư nhân mà ngay cả khu vực công cũng đang tích cực phát động và thực thi chuyển đổi số. Đặc biệt những gì diễn ra trong hơn hai năm đại dịch vừa qua càng cho thấy nhu cầu chuyển đổi số, số hóa hoạt động, giao dịch trực tuyến hay làm việc từ xa càng ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, việc tăng cường đầu tư cho công nghệ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Triều Dương (VietStock)
Xem thêm

Thị trường chứng khoán Châu Á tăng điểm khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Ngô Minh Ngọc   |  06/01/2023

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng vào thứ Sáu khi các thị trường đặt cược vào sự thúc đẩy kinh tế từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới trong tuần này, mặc dù mức tăng bị hạn chế do sự thận trọng về việc công bố dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Hoa Kỳ sau đó trong ngày. Các chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 và Shanghai Composite của Trung Quốc lần lượt tăng khoảng 0,4% và 0,2% khi nước này chuẩn bị mở cửa biên giới sau ba năm phong tỏa do COVID-19. Hai chỉ số này cũng tăng hơn 2% trong tuần. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm 0,4%, nhưng là chỉ số hoạt động tốt nhất ở châu Á trong tuần này với mức tăng hơn 6%, sau khi Trung Quốc cho biết họ sẽ mở lại biên giới với trung tâm tài chính châu Á bắt đầu từ ngày 8 tháng 1. Mặc dù việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, nhưng quốc gia này vẫn đang phải vật lộn với sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19, điều mà các nhà phân tích cho rằng có thể trì hoãn việc mở cửa trở lại trên diện rộng hơn và vẫn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Nhưng khái niệm này hầu như không ngăn cản được các nhà đầu tư đổ xô vào chứng khoán Trung Quốc, vốn đã ghi nhận mức tăng vượt bậc vào cuối năm 2022 trong bối cảnh nhà đầu tư tìm các tài sản giảm giá. Các thị trường chứng khoán tiếp xúc nhiều với Trung Quốc cũng tăng điểm vào thứ Sáu. Chỉ số Taiwan Weighted tăng 0,7%, trong khi chỉ số ASX 200 index của Australia tăng 0,7%. KOSPI của Hàn Quốc đã tăng 0,7%, với Samsung Electronics (KS:005930), công ty lớn nhất của quốc gia, tăng hơn 1% ngay cả sau khi công ty này báo hiệu rằng lợi nhuận quý IV giảm khoảng 69%. Công ty, cùng với hầu hết các nhà sản xuất chip lớn khác, đang phải vật lộn để đối phó với sự suy thoái nghiêm trọng trong ngành công nghiệp điện tử khi tăng trưởng kinh tế suy yếu làm cạn kiệt nhu cầu trên toàn cầu. Các thị trường châu Á rộng lớn hơn biến động khi sự chú ý chuyển sang dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sắp tới của Hoa Kỳ, dữ liệu này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của quốc gia này. Mặc dù dữ liệu dự kiến cho thấy thị trường việc làm trong tháng 12 hạ nhiệt nhẹ so với tháng trước, nhưng con số này đã gây bất ngờ khi tăng trong 8 tháng qua. Sức mạnh việc làm mang lại cho Cục Dự trữ Liên bang nhiều dư địa hơn trong cuộc chiến chống lại lạm phát, điều này có khả năng giữ lãi suất của Hoa Kỳ cao hơn trong thời gian dài hơn, gây áp lực lên các thị trường châu Á. Các chỉ số Nifty 50 và BSE Sensex 30 của Ấn Độ giảm khoảng 0,4% do các quỹ nước ngoài tiếp tục chốt lãi mạnh, trong khi cổ phiếu Philippines dẫn đầu thua lỗ tại Đông Nam Á với mức giảm 0,9%. Nguồn: Investing.com
Xem thêm

Mua và nắm giữ cổ phiếu khi định giá thị trường dưới 11 lần có thể mang lại hiệu suất cao hơn gửi tiết kiệm

Ngô Minh Ngọc   |  05/01/2023

VDSC không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023. Thay vào đó là những đợt sóng nhỏ, mà trong đó, những nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt cho nhà đầu tư. Sau một năm 2022 đầy thăng trầm, nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được dự báo vẫn đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Điều này xuất phát từ lộ trình tăng lãi suất của FED, kinh tế thế giới suy thoái, và khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý 2/2023. Phòng thủ trước những bất định về vĩ mô năm 2023 Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường chứng khoán đã phản ánh với những triển vọng tiêu cực nhất trong năm 2022 như Trung Quốc đóng cửa, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, tốc độ tăng gấp lãi suất của FED, khủng hoảng thanh khoản hệ thống gây ra bởi các sự kiện trong nước. Dù vậy, VDSC đánh giá những khó khăn đón chờ trong năm 2023 cũng là những thử thách cần thận trọng quan sát. Quan trọng hơn, bởi tác động cộng hưởng của các sự kiện diễn ra trong năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp dự báo sẽ giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng của năm 2022. Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng các khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và hàng hóa Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất và nhập khẩu toàn cầu, lộ trình tăng lãi suất của FED chấm dứt giúp chính sách tiền tệ có thêm không gian hoạt động. Trong nước, đầu tư công mặc dù còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để có thể đạt kế hoạch đặt ra, tốc độ giải ngân nhanh hơn cũng sẽ tạo tính lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, kỳ vọng chính sách tài khoá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nhờ gói hỗ trợ lãi suất 2% với khoảng 40 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ ngân tích cực trong năm 2023 khi lãi suất đang tăng cao; duy trì chính sách giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, và giữ chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Với việc nâng mức lạm phát mục tiêu năm 2023 lên 4,5%, VDSC cho rằng đảm bảo sự ổn định thanh khoản của hệ thống và kiểm soát đà tăng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ năm 2023 Với cơ sở trên , VDSC không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023. Thay vào đó là những đợt sóng nhỏ, mà trong đó, những nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt cho nhà đầu tư. Để có thể tối ưu được các cơ hội như trên, VDSC khuyến nghị chiến lược phòng thủ ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ nhưng thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm. VDSC thống kê cho thấy, định giá P/E của thị trường chỉ giảm về mức 9.x – 11.x lần trong những giai đoạn vĩ mô đối diện thử thách và việc mua và nắm giữ cổ phiếu khi P/E thị trường ở mức 9.x – 11.x sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm nếu nắm giữ khoản đầu tư trong hai năm. Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam. Nguồn: Phương Linh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

3 năm gần nhất chứng khoán Việt Nam đều không có "hiệu ứng tháng Giêng", 2023 liệu có khác?

Ngô Minh Ngọc   |  04/01/2023

Thông tin tích cực cho nhà đầu tư, tổng cộng có 12/22 lần trong tháng 1 chỉ số VN-Index tăng điểm so với đầu tháng. Hiệu ứng tháng Giêng là thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực chứng khoán, nói về sự tăng trưởng của cổ phiếu trong tháng đầu tiên của năm. Tuy nhiên hiệu ứng này đều đã không được ghi nhận trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt ba năm 2020-2022. Chỉ số VN-Index đều ghi nhận mức giảm từ 1,3% đến 4,3% trong ba tháng 1 gần nhất. Rộng ra, thống kê trong 22 năm đã qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 1 VN-Index có hiệu suất "tệ" nhất ghi nhận vào năm 2002 với đà giảm gần 12% so với đầu tháng; tháng 1/2008 cũng ghi nhận mức giảm gần 9%. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung vẫn còn khá nhiều thách thức sau đà giảm gần 33% của năm 2022 đã qua, nhịp tăng của VN-Index trong tháng 1/2023 vẫn là một dấu hỏi lớn. Dù vậy, thông tin tích cực cho nhà đầu tư, tổng cộng có tới 12 lần trong tháng 1 chỉ số VN-Index tăng điểm so với đầu tháng, cao hơn so với 10 tháng giảm. Đà tăng cũng áp đảo, giá trị bứt phá mạnh nhất diễn ra vào tháng 1/2007 khi chỉ số sàn HoSE tăng hơn 38,5%, năm 2013 cũng ghi nhận mức tăng xấp xỉ 16% hay trở ngược về quá khứ với mức tăng hơn 28% của tháng 1/2004. Yếu tố khác có thể kỳ vọng là định giá P/E của VN-Index hiện đạt xấp xỉ 10,5 lần, tiệm cận mức thấp nhất trong 10 năm (10,3 lần) vào ngày 5/11/2012. Mức định giá này cũng gần về định giá mà VN-Index đã từng ghi nhận trong làn sóng Covid thứ nhất vào ngày 31/3/2020. So với mức định giá trung bình 10 năm khoảng 16 lần và mức trung vị 10 năm 16,23 lần, mức định giá theo P/E hiện tại của VN-Index thấp hơn đáng kể. Theo FIDT, khi so sánh với các chỉ số quốc tế và khu vực, P/E của Vn-Index đang ở mức thấp nhất so với các thị trường khu vực và quốc tế. Dù P/B của VN-Index thấp hơn trung bình các thị trường và cao hơn khối ASEAN-5 và Trung Quốc, nhưng khi xét đến yếu tố ROE (thước đo quan trọng cho mức P/B hợp lý) thì định giá thị trường Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn các thị trường khu vực và quốc tế nhờ có mức định giá hấp dẫn. Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt cũng khuyến nghị việc mua và nắm giữ cổ phiếu khi P/E thị trường ở mức 9.x – 11.x sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm nếu nắm giữ khoản đầu tư trong hai năm. Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam. Ngoài ra, thống kê trong hơn 22 năm giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam, hiệu suất trung bình của VN-Index trong vòng một tháng đạt mức cao nhất là vào tháng 12 và tháng 1 hàng năm. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2000 tới hiện tại, hiệu suất trung bình của VN-Index trong tháng 12 đạt 3,45%, cao nhất cả năm; xếp tiếp theo là tháng 1 liền sau đó với mức hiệu suất trung bình cũng lên tới 2,82%. Như vậy, dù chưa kịp gom cổ phiếu trong tháng cuối năm ngoái, hiện tại nếu mua cổ phiếu vào tháng 1 và bán ra trong tháng 2 thì nhà đầu tư vẫn có thể đạt hiệu suất trung bình tương đối ấn tượng. Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC, một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không để tâm lý nghỉ Tết ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch, họ tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch và nắm giữ các cổ phiếu còn dư địa tăng giá. Nguồn: Phương Linh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook