Ngô Minh Ngọc | 07/01/2023
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), lực bán thêm một ngày áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Đóng cửa hôm qua ngày 05/01, chỉ số MXV- Index tiếp tục giảm 0,57% xuống 2.327 điểm, nối dài đà giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.600 tỷ đồng.
Mặc dù sắc đỏ không còn bao phủ hoàn toàn trên bảng giá hàng hoá như 2 phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên lực bán vẫn lấn át khiến chỉ số MXV- Index riêng của cả 4 nhóm mặt hàng đồng loạt giảm. Nhóm Kim loại có mức giảm mạnh nhất với sự suy yếu của bạc, bạch kim và kim loại cơ bản trên Sở LME. Cùng với đó, mức lao dốc gần 11% của giá khí tự nhiên cũng kéo chỉ số đo lường sự biến động của các mặt hàng trong nhóm năng lượng giảm gần 0,6%.
Giá dầu đóng cửa trong sắc xanh sau 2 ngày lao dốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01, giá dầu phục hồi trong sắc xanh sau khi lao dốc mạnh mẽ trong 2 phiên giao dịch đầu năm 2023, với những biến động tăng giảm liên tục trong phiên trước hàng loạt các thông tin cơ bản và báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,14% lên mức 73,67 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,09% lên 78,69 USD/thùng.
Đà tăng xuất hiện ngay từ phiên mở cửa, một phần do yếu tố kỹ thuật, phần khác do báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cũng cho thấy tồn kho nhiên liệu chưng cất trong tuần kết thúc ngày 30/12 giảm mạnh hơn so với dự báo. Tuy nhiên, lực mua thực sự được đẩy mạnh trong phiên chiều, trước thông tin biên giới giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông sẽ dần mở cửa trở lại từ Chủ nhật, mở đường cho việc khôi phục các mối quan hệ kinh tế và xã hội đã bị gián đoạn trong 3 năm vừa qua do ảnh hưởng bởi Covid-19. Nỗ lực mở cửa thể hiện quyết tâm khôi phục kinh tế của Trung Quốc mang lại tín hiệu tích cực hơn cho nhu cầu tiêu thụ dầu trong dài hạn, đã hỗ trợ giá dầu bật tăng 1,5 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng đảo chiều giảm và đánh mất 2,5 USD ngay sau đó trước các thông tin phản ánh bức tranh tiêu thụ vẫn đang khá yếu. Saudi Arabia đã giảm giá dầu cho thị trường chính là châu Á và châu Âu, báo hiệu rằng nhu cầu vẫn chậm chạp khi các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, và Trung Quốc vẫn đang chưa có dấu hiệu chạm tới đỉnh dịch. Cụ thể, tập đoàn quốc doanh Saudi Aramco đã giảm giá tất cả các loại dầu thô sẽ được vận chuyển đến châu Á vào tháng Hai. Trong đó, giá bán chính thức (OSP) đối với dầu Arab Light hàng đầu của công ty đã được hạ xuống 1,80 USD/thùng so với dầu Brent, thấp hơn 1,45 USD/thùng so với giá tháng 01/2023 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Mặc dù vậy, hỗ trợ vùng 72,5 USD/thùng đã ngăn giá dầu giảm sâu hơn, trong khi báo cáo của EIA và một số gián đoạn từ nguồn cung cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá phục hồi trở lại trong phiên tối. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/12 tăng 1,6 triệu thùng, ít hơn con số 3,3 triệu mà API đưa ra trước đó. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm nhẹ, và tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 1,4 triệu thùng khi cơn bão mùa đông tại Mỹ khiến cho nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Mỹ đã tăng 1,33 triệu thùng trong tuần trước, và đều cao hơn mức trung bình 4 tuần, giữ cho hàng tồn kho trong tầm kiểm soát. Các nhà giao dịch coi dữ liệu này là dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu vẫn tồn tại đối với các sản phẩm của Mỹ, kéo giá dầu tăng ngay sau báo cáo.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho giá là tuyên bố từ nhà điều hành đường ống hàng đầu của Mỹ, Colonial Pipeline, cho biết dây chuyền số 3 của họ đã bị đóng cửa để bảo trì đột xuất, dự kiến khởi động lại dây chuyền sản phẩm vào ngày 7 tháng 1. Được biết tuyến 3, với công suất 885.000 thùng/ngày, vận chuyển xăng và sản phẩm chưng cất đến trung tâm của Colonial ở Linden, New Jersey.
Theo MXV, một số thông tin hỗ trợ giá ít nhiều đã xuất hiện, tuy nhiên xét về tổng thể, giá dầu vẫn gặp nhiều lực cản về triển vọng tiêu thụ. Báo cáo EIA cũng cho thấy các sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã giảm mạnh 4,6 triệu thùng trong tuần trước xuống hơn 18 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 năm và cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động lọc dầu của Mỹ cũng suy yếu trở lại trong tuần qua, với nhu cầu đầu vào giảm 2,3 triệu so với tuần trước đó. Nhiều khả năng, giá dầu vẫn sẽ còn đối diện với áp lực.
Bất chấp lo ngại nguồn cung suy yếu, giá Robusta quay đầu giảm mạnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01, sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Robusta quay đầu giảm sâu sau 2 phiên tăng mạnh trước đó.
Bất chấp việc nguồn cung cà phê đang đứng trước nguy cơ suy yếu do mưa ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch và sản xuất tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới và hiện là nguồn cung Robusta hàng đầu do các quốc gia sản xuất chính khác chưa bước vào giai đoạn thu hoạch, giá Robusta bất ngờ quay đầu giảm mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua.
Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp với mức giảm 0,46% khi tồn kho đạt chuẩn tiếp tục ở mức cao. Tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US hôm qua tăng 7.388 bao loại 60kg, đưa tổng lượng tồn kho hiện tại lên mức cao nhất trong hơn 05 tháng qua. Thêm vào đó, các chuyên gia dự kiến lượng tồn kho sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới và gây sức ép lên giá khi còn khoảng 230.000 bao đang chờ được phân loại. Tuy vậy, đà tăng của mặt hàng này trong phiên hôm qua cũng phần nào bị hạn chế do sản lượng tại Colombia chạm mức thấp nhất trong 09 năm và đồng Real mạnh lên làm hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil.
Đà giảm của đường được tiếp nối sang phiên thứ 4 liên tiếp với mức giảm hơn 1%. Những triển vọng tích cực về nguồn cung đường tại Brazil khi chính phủ mới gia hạn lệnh miễn thuế đối với xăng và ethanol, cùng với nguồn cung tích cực trong 03 tháng cuối năm tại Ấn Độ tiếp tục gây áp lực khiến suy yếu. Thêm vào đó, giá dầu vẫn giảm trong phiên hôm qua đã kéo theo giá đường suy yếu.
Giá dầu cọ tiếp tục suy yếu phiên thứ 2 liên tiếp và đóng cửa với mức giảm lên tới gần 2%. Hoạt động xuất khẩu của Malaysia những ngày đầu năm mới có dấu hiệu chững lại đã gây sức ép lớn lên giá. Theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 5 ngày đầu tháng 01 của Malaysia chỉ đạt 71.000 tấn, giảm 68,2% so với cùng kỳ tháng trước. Tuy vậy, đà giảm của giá đã phần nào được kìm hãm bởi số liệu dự đoán tồn kho cuối tháng 12 của Malaysia. Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, con số này có thể giảm 5,3% so với tháng trước xuống còn 2,17 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng do tốc độ sản xuất chậm lại bởi ảnh hưởng của thời tiết.
Ở chiều ngược lại, giá bông bật tăng mạnh gần 3% nhờ những chuyển biến tích cực tại Trung Quốc. Thị trường tiếp tục kỳ vọng Trung Quốc sẽ vượt qua đại dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế sẽ trở lại bình thường và nhu cầu đối với bông sẽ được hồi phục nhanh chóng sau đó. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu dùng và nhập khẩu bông lớn nhất thế giới, nhu cầu tại quốc gia này được cải thiện sẽ kích thích lực mua trên toàn thị trường, từ đó thúc đẩy giá bông khởi sắc.
Giá cà phê trong nước giảm mạnh 700 đồng/kg
Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt giảm mạnh 700 đồng/kg sau 2 ngày tăng mạnh trước đó. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua trong khoảng giá 39.000 – 39.7000 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê nội địa đang ở vùng giá tương đối thấp, thấp hơn khoảng hơn 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2022.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 12 vừa qua, cả nước đã xuất khẩu 69,9 nghìn tấn cà phê, trị giá 156,9 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm, nước ta xuất khẩu tổng cộng 1,6 triệu tấn, tương đương kim ngạch 3,78 tỷ USD.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm