Thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực trong tuần giao dịch cuối năm 2022

Ngô Minh Ngọc   |  03/01/2023

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa tuần giao dịch cuối cùng trong năm 2022 với lực mua chiếm ưu thế. Đà tăng mạnh của một số mặt hàng quan trọng đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index  tăng 0,51%, chốt năm 2022 ở mốc 2.445 , cao hơn 107 điểm so với ngày đầu tiên của năm. Mặc dù giá trị giao dịch ngày cuối năm có sự sụt giảm, đạt hơn 2.600 tỷ đồng; tuy nhiên, tính trung bình trong năm 2022, dòng tiền đầu tư đến thị trường đã đạt mức gần 4.700 tỷ đồng mỗi ngày. Điều này cho thấy thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới đã khẳng định vị thế và trở thành một trong những thị trường đầu tư không thể thiếu đối với nhà đầu tư Việt Nam; ngay trong bối cảnh hàng loạt các biến số kinh tế và địa chính trị liên tục tác động mạnh mẽ đến xu hướng giá. Dầu thô tăng tuần thứ ba liên tiếp Thị trường dầu thô kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 trong sắc xanh. Giá dầu thô WTI tăng 0,88% lên 80,26 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,67% lên mức 85,91 USD/thùng.   Năm 2022 là một giai đoạn đáng nhớ của thị trường dầu thô với điểm nhấn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, khiến tình trạng mất cân bằng cung -  cầu trở thành chất xúc tác chính cho thị trường trong phần lớn thời gian của năm. Giá dầu thô WTI có mức tăng theo năm là gần 6% còn giá dầu thô Brent cao hơn so với một năm trước gần 9%.   Xét riêng trong tuần giao dịch trước, mức độ rủi ro của thị trường dầu gia tăng bởi thanh khoản giảm mạnh khi các nước phương Tây bước vào kỳ nghỉ năm mới. Giá tăng trong phiên đầu tuần do lo ngại về đợt bão tuyết kỷ lục gây đóng băng và làm gián đoạn các hoạt động sản xuất nhiên liệu.  Tuy nhiên, sau đó diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 một lần nữa gây sức ép và làm cho giá dầu không còn giữ được đà tăng. Nguy cơ lây nhiễm khi Trung Quốc mở cửa đã khiến nhiều quốc gia thận trọng và áp đặt nhiều hạn chế đi lại với người Trung Quốc.   Cuối tuần trước, Trung Quốc cũng công bố chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất đều giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Tin tức này cho thấy sự suy yếu nghiêm trọng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, và có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu khó phục hồi mạnh như kỳ vọng, ngay cả khi nền kinh tế mở cửa từ ngày 8/1 sắp tới.  Một yếu tố khác cũng làm gia tăng sức bán trên thị trường dầu là việc báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA)cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng 0.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/2. Giá dầu thô Brent được hỗ trợ nhiều hơn so với giá dầu thô WTI trong bối cảnh, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm lọc dầu cho các quốc gia tham gia áp dụng mức giá trần.   Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều hồi phục khi các nhà đầu tư bớt lo ngại và phản ứng tích cực hơn với thông tin tiêu thụ từ báo cáo của EIA. Tổng các sản phẩm nhiên liệu được cung cấp cũng tăng lên 2,8 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 4 tuần.   Về phía nguồn cung của Mỹ, số lượng giàn khoan dầu khí trong tuần vừa qua giữ nguyên ở mức 779 giàn, và vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Mức tăng nhỏ giọt phản ánh sự khó khăn nhất định trong năng lực gia tăng nguồn cung của Mỹ.   Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 thúc đẩy giá dầu cọ thô tăng mạnh Kết thúc tuần giao dịch 26/12 – 31/12, sắc đỏ hoàn toàn áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Nổi bật là đà tăng mạnh gần 9% của dầu cọ thô.   Trái với xu hướng giá giảm của hầu hết các mặt hàng trong nhóm, dầu cọ trong tuần qua có sự bật tăng mạnh với 342 MYR, đưa giá về trên 4.100 MYR. Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống sự lây lan của Covid-19, giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật nói chung và dầu cọ nói riêng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, thông tin Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới sẽ hạn chế lượng dầu cọ mà các công ty có thể xuất khẩu xuống còn 6 lần khối lượng đã bán trong nước, thay vì 8 lần như hiện tại cũng góp phần khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trong tuần qua.   Ở chiều ngược lại, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự suy yếu. Tỷ giá USD/Brazil Real tăng hơn 2% đã thúc đẩy việc bán hàng của nông dân Brazil, góp phần khiến lực mua gia tăng và gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung cà phê trong niên vụ tới tại Brazil khi mưa lớn cục bộ xuất hiện tại Minas Gerais đã hạn chế đà giảm, đóng cửa giá Arabica giảm gần 3%.   Robusta ghi nhận mức giảm mạnh hơn với 4,05% trong tuần qua do lực bán giá tăng. Hai mặt hàng đường cũng có tuần giảm mạnh với mức giảm quanh mốc 4% do nguồn cung tích cực tại Brazil. Theo dữ liệu được công bố bởi Ban Thư ký Ngoại thương (SECEX), tổng lượng đường xuất khẩu tính đến tuần thứ 4 của tháng 12 đạt gần 2 triệu tấn, vượt tổng lượng đường xuất khẩu trong tháng 12/2021. Cùng với đó, Cơ quan Cung ứng mùa vụ Brazil (CONAB) dự đoán sản lượng mía đường trong niên vụ 2022/23 của Brazil đạt 598,3 triệu tấn, kéo theo tổng lượng đường dự kiến đạt 36,4 triệu tấn, tăng 4,1% so với niên vụ 2021/22, đồng thời cao hơn mức dự đoán 33,89 triệu trong báo cáo trước đó của cơ quan này. Điều này đã góp phần đẩy giá giảm sâu.   Những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế cùng như tình trạng Covid diễn biến phức tạp tại Trung Quốc tiếp tục gây sức ép khiến giá bông giảm hơn 2% trong tuần qua. Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán lượng bông nhập khẩu trong niên vụ 2022/23 của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 1,4 triệu tấn so với mức 1,7 triệu tấn trong báo cáo cung – cầu đầu tháng 12.   Xuất khẩu cà phê nước ta tăng mạnh mẽ trong năm 2022 Trên thị trường nội địa, theo thống kê, nông dân Việt Nam đã thu hoạch được khoảng 85% diện tích niên vụ hiện tại, kết hợp với nhu cầu đẩy hàng tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán đã thúc đẩy lực bán gia tăng trên thị trường và gây sức ép lên giá. Bên cạnh đó, ước tính số liệu xuất khẩu trong năm 2022 của Việt Nam đạt 1,72 triệu tấn, tăng mạnh so với năm trước cũng góp phần tạo áp lực khiến giá đi xuống trong tuần qua.   Ghi nhận trong ngày cuối cùng của năm 2022, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 38.600 – 39.300 đồng/kg, giảm tương đối mạnh 500 đồng/kg so với ngày trước đó. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Thị trường hàng hoá khép lại tuần cuối năm 2022 với sắc xanh áp đảo

Ngô Minh Ngọc   |  02/01/2023

Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022, các mặt hàng giao dịch liên thông quốc tế tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) ghi nhận diễn biến tương đối trái chiều. Tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã giúp cho chỉ số MXV-Index tiếp nối đà tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 0,51% lên 2.445,58 điểm, khép lại một năm với hàng loạt biến số kinh tế và địa chính trị tác động mạnh tới giá nhiều mặt hàng quan trọng. Nông sản là nhóm dắt dẫn xu hướng tăng chính trong tuần qua, với 5 trong tổng số 7 nguyên liệu đóng cửa trong sắc xanh. Một số lo ngại về nguồn cung, trong khi kỳ vọng tiêu thụ tích cực hơn, đặc biệt là trên thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ đáng kể cho giá các mặt hàng trong nhóm. Ở một diễn biến khác, trên thị trường kim loại, ngoại trừ nhôm LME thì toàn bộ các mặt hàng còn lại đều ghi nhận mức tăng tương đối tích cực. Trong những ngày giao dịch cuối năm, tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khiến thanh khoản của thị trường khá mỏng, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt mức gần 2.500 tỷ đồng mỗi phiên. Nhóm đậu tương diễn biến trái chiều Dẫn đầu đà tăng trên thị trường nông sản trong tuần qua là khô đậu tương với mức tăng mạnh 4,3% lên 519,18 USD/tấn, theo sau là đậu tương cũng bật tăng đến 2,66%. Kỳ vọng về nhu cầu cải thiện cùng với việc mùa vụ ở Nam Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi là nguyên nhân chính dẫn tới lực mua chiếm ưu thế hơn đối với thị trường đậu tương trong tuần qua. Theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu, bán hàng đậu tương trong tuần vừa rồi của Mỹ vẫn duy trì ổn định ở mức 705.813 tấn. Con số này cũng nằm trong khoảng dự đoán và nhìn chung không phải là yếu tố tác động quá rõ ràng lên giá. Tuy nhiên, đây sẽ là số liệu quan trọng và là mốc so sánh cho những tuần tiếp theo. Với bối cảnh Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch Covid thì niềm tin của thị trường về nền kinh tế hay ngành chăn nuôi của nước này hồi phục trở lại cũng là dấu hiệu tích  cực cho thấy triển vọng nhu cầu cải thiện. Trái lại, dầu đậu tương đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm 0,9% xuống 1.412 USD/tấn. Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết giá dầu cọ thô dự kiến sẽ ổn định quanh mức 3.800 MYR/tấn trong năm 2023. Dự báo trên được đưa ra sau khi MPOB cho rằng thời tiết sẽ có sự cải thiện trong năm tới giúp sản lượng dầu cọ của Malaysia cao hơn, cùng với đó là nguồn cung các loại dầu thực vật khác sẽ cao hơn. Thông tin này đã tạo áp lực lớn lên giá mặt hàng này. Lúa mì cũng là mặt hàng đón nhận lực mua tích cực trong tuần trước một vài lo ngại về vụ mùa tại Argentina có thể khiến nguồn cung thu hẹp và hỗ trợ cho giá. Theo Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), sản lượng lúa mì niên vụ 2022/23 của Argentina có thể bị cắt giảm trở lại trong những tuần tới do năng suất thấp hơn dự kiến. Sương giá muộn và hạn hán lịch sử đã khiến BAGE cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì của Argentina xuống còn 12,4 triệu tấn, từ mức 20,5 triệu tấn đầu niên vụ Gần như toàn bộ nhóm kim loại đón nhận lực mua tích cực Đối với nhóm kim loại, ngoại trừ đà suy yếu của nhôm LME thì tất cả các mặt hàng còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh trong tuần qua. Nhóm kim loại quý chứng kiến mức tăng 1,47% lên 1824,40 USD/ounce của giá vàng. Chung xu hướng, giá bạc và bạch kim lần lượt kết thúc tuần với mức tăng 0,5% lên 24 USD/ounce và 4,28% lên 1073,7 USD/ounce. Sự suy yếu của thị trường chứng khoán cùng với đồng USD đã mang lại nhiều sự hỗ trợ cho các mặt hàng kim loại quý. Vàng vốn là kim loại có vai trò trú ẩn tốt nhất nên giá vẫn duy trì ổn định trên 1.800 USD. Trong khi đó, thị trường bạch kim đang ở trong giai đoạn thăng hoa, và kết thúc mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 2008. Theo Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới dự báo, thị trường bạch kim sẽ thâm hụt vào năm 2023 khi nhu cầu tăng 19% còn nguồn cung chỉ tăng 2%. Bất chấp những rủi ro về suy thoái, nhu cầu công nghiệp đối với bạch kim sẽ tăng 10% so với năm 2022, vượt mức trung bình 10 năm, và điều này đã hỗ trợ mạnh cho giá. Đối với nhóm kim loại cơ bản, quặng sắt dẫn đầu đà tăng với mức tăng gần 6% lên mức 117,5 USD/tấn, trong khi giá đồng trải qua một tuần biến động khá khó đoán, kết thúc với mức tăng rất nhỏ, chỉ 0,04% lên 3,81 USD/pound. Các tin tức liên quan tới Trung Quốc đều có ảnh hưởng tới cả hai mặt hàng kim loại này, tuy nhiên thị trường đang kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng hơn ở thị trường quặng sắt, đã giúp cho giá mặt hàng này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8, đánh dấu mức tăng 50% so với mức đáy 78 USD vào tháng 11. Cuối tuần, Trung Quốc công bố chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) tháng 12, với chỉ số PMI sản xuất tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp về 47 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Điều này phản ánh sự suy yếu nghiêm trọng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, bất chấp các biện pháp nới lỏng hạn chế chống dịch. Đây là tin tức rất tiêu cực và có thể khiến cho giá của các mặt hàng kim loại cơ bản đồng loạt giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023 sắp tới. Thị trường hàng hoá sẽ dần sôi động hơn sau kỳ nghỉ Lễ năm mới Theo MXV, thị trường hàng hoá trong giai đoạn sắp tới nhiều khả năng sẽ thiết lập các xu hướng mới rõ ràng hơn khi bước vào giai đoạn đầu tư mới. Dòng tiền đầu tư có sự cải thiện rõ rệt sẽ làm tăng tính thanh khoản cho thị trường. Trong tuần này, tâm điểm của nhiều mặt hàng nhiều khả năng vẫn tập trung vào những động thái mới nhất của Trung Quốc trong việc mở cửa trở lại, với kỳ vọng điều này có thể giúp cho bức tranh tiêu thụ khởi sắc và hỗ trợ cho giá nhiều nguyên liệu, đặc biệt là trong nhóm năng lượng hay kim loại. Tuy nhiên, trước khi đỉnh dịch Covid-19 tại quốc gia này qua đi, đà phục hồi vẫn sẽ tương đối chậm. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ đón chờ các tín hiệu vĩ mô, đặc biệt là dữ liệu bảng lương phi nông tháng 12 tại Mỹ nhằm đánh giá bức tranh lao động tại quốc gia này. Trong trường hợp tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hay số người có việc ngoài ngành nông nghiệp ít hơn dự báo có thể sẽ là tín hiệu khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chậm lại, và nhiều mặt hàng sẽ duy trì tín hiệu tích cực. Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Triển vọng cung – cầu thay đổi, giá cà phê sẽ diễn biến ra sao trong những tháng đầu năm 2023

Ngô Minh Ngọc   |  31/12/2022

  Trong 1 tháng trở lại đây, giá cà phê trên cả 2 Sở ICE đều ghi nhận sự đảo chiều sau những thay đổi về triển vọng cung – cầu. Trong năm 2023 tới, với những diễn biến phức tạp về tình hình kinh tế - chính trị trên toàn cầu và tác động từ những thay đổi trong cung – cầu, giá cà phê sẽ nối tiếp đà khởi sắc hiện tại hay trở lại đà giảm trước đó? Giá đảo chiều sau những thay đổi về nguồn cung tại các nước cung ứng chính Sau đà giảm mạnh từ đầu tháng 10, giá 2 mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc trong 1 tháng trở lại đây. Với Robusta, giá tăng liên tục trong vòng hơn 1 tháng kể từ khi chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm vào hồi giữa tháng 11 vừa qua. Nguồn cung thay đổi kết hợp với biến động tỷ giá khiến quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới hạn chế việc đẩy nguồn cung ra thị trường. Theo đó, sản lượng cà phê trong vụ thu hoạch hiện tại của Việt Nam được các chuyên gia dự đoán sẽ giảm 10-15% so mùa vụ trước. Nguyên nhân cho sự suy yếu này đến từ những cơn mưa kéo dài trong thời gian thu hoạch chính, khiến tiến độ bị trì hoãn và hoạt động phơi sấy không diễn ra đúng kế hoạch. Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND bất ngờ giảm mạnh từ cuối tháng 11 theo đà giảm của Dollar Index, khiến nhu cầu đẩy hàng ra thị trường của nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh do thu về ít nội tệ hơn so với thời điểm trước đó. Về phía Arabica, mặt hàng này cũng có sự điều chỉnh so với giai đoạn giảm mạnh vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, đà tăng của Arabica còn nhiều biến động do những tác động trái chiều từ yếu tố cung – cầu. Theo đó, giá Arabica chủ yếu được thúc đẩy từ việc triển vọng về nguồn cung trong năm 2023 tại Brazil, quốc gia xuất khẩu Arabica lớn nhất thế giới đã bớt tích cực hơn so với giai đoạn đầu mùa vụ. Bắt đầu với dự đoán sản lượng rơi vào mức 68,8 triệu bao của ngân hàng Rabobank và giảm dần về mức 50-56 triệu bao của hãng tư vấn Hedgepoint do tác động từ những cơn mưa đá vào cuối tháng 09 tại Minas Gerais. Tuy vậy, việc Cục Dự trữ Liên Bang (FED) khẳng định vẫn tiếp tục đà tăng lãi suất trong thời gian tới, khiến lo ngại về suy thoái kinh tế giá tăng, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ tiêu dùng Arabica sang Robusta do giá thành rẻ hơn. Điều này đã kéo nhu cầu đối với mặt hàng trên suy yếu, khiến xu hướng chung của giá là tăng nhưng vẫn còn nhiều biến động. Yếu tố cung – cầu tiếp tục chuyển dịch theo hướng hỗ trợ giá cà phê Mùa vụ cà phê hiện tại của Brazil đang trong giai đoạn sinh trưởng và phải đến tháng 07/2023 mới chính thức bước vào thời kỳ thu hoạch. Do vậy những dự đoán về nguồn cung trong năm tới của Brazil vẫn còn nhiều bất cập, sản lượng và chất lượng thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết trong thời gian tới. Tuy vậy, 2023 là năm mất mùa trong chu kỳ 2 năm được mùa một lần của cây cà phê tại Brazil, cùng với những tác động từ sự kiện thời tiết tiêu cực như sương giá trong năm 2021 và mưa đá hồi tháng 09 năm nay, sản lượng cà phê tại Brazil khó có thể tích cực như những gì giới phân tích nhận định ban đầu. Trái với những dự đoán về nguồn cung suy giảm trong năm tới, thị trường có cái nhìn tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2023, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế. Theo đó, các chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế có thể khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho loại hàng hóa không thiếu yếu như cà phê nhưng không đồng nghĩa với việc họ sẽ loại bỏ hoàn toàn mặt hàng này ra khỏi giỏ hàng tiêu dùng. Thay vào đó, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch từ việc sử dụng cà phê có giá thành cao như Arabica sang loại cà phê có giá thành phải chăng hơn như Robusta. Điều này vừa giúp họ có thể tiếp tục sử dụng cà phê vừa giảm bớt gánh nặng chi tiêu.  Trong báo cáo mới nhất về cà phê, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) vẫn giữ nguyên dự đoán tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,3 triệu bao, tăng 3,3 triệu bao so với niên vụ 2020/21. Đồng thời tổ chức này cũng kỳ vọng cung – cầu cà phê trên toàn cầu sẽ thâm hụt 3,1 triệu bao. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid cũng đưa đến những triển vọng tích cực hơn về nhu cầu tiêu thụ của quốc gia tỷ dân, phần nào bù đắp sự suy yếu do lo ngại suy thoái tại những thị trường tiêu thụ hàng đầu như EU và Mỹ. Như vậy, sự chuyển dịch của yếu tố cung – cầu đang dần bổ trợ cho xu hướng giá khởi sắc của cà phê. Đà tăng được nối tiếp trong những tháng đầu năm 2023 khi nguồn cung tiếp tục kém khả quan Sau năm 2022 với thương mại đạt mức kỷ lục khi lượng xuất khẩu đạt khoảng 1,7 triệu bao với tổng kim ngạch hiện tại gần 4 tỷ USD, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục là quốc gia độc chiếm thị trường Robusta khi các quốc gia cung ứng chính khác như Brazil và Indonesia chưa bước vào vụ thu hoạch. Việc nguồn cung giảm và nhu cầu đẩy hàng chậm của nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục là nhân tố kéo giá Robusta tăng trong thời gian tới. Dưới những tác động trái chiều giữa yếu tố cung – cầu với thiên hướng lo ngại nguồn cung suy yếu, giá Arabica khả năng cao sẽ nối tiếp xu hướng giá “trung tính – tăng” trong khoảng thời gian đầu năm 2023. Cụ thể, việc nguồn cung toàn cầu có thể ở mức thấp do hiệu ứng năm mất mùa tại Brazil và việc mưa nhiều làm giảm sản lượng tại Colombia, kết hợp với những lo ngại nhu cầu suy yếu do người tiêu dùng cắt giảm và chuyển hướng tiêu dùng cũng sẽ gây ra nhiều diễn biến giằng co đối với giá mặt hàng này. Như vậy, với những chuyển đổi của yếu cung – cầu, giá 2 mặt hàng cà phê khả năng cao sẽ nối tiếp xu hướng giá khởi sắc, ít nhất là trong 03 tháng đầu năm 2023.  Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu tiếp tục gặp áp lực, kim loại quý khởi sắc

Ngô Minh Ngọc   |  30/12/2022

  Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua 29/12, thị trường hàng hoá ghi nhận những biến động mang tính trái chiều. Tuy nhiên, lực bán có phần chiếm ưu thế hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tiếp nối đà giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp, với mức giảm 0,33% xuống 2.430 điểm. Trong khi phần lớn các mặt hàng trong nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và đặc biệt là nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc đỏ, thì nguyên liệu kim loại cho thấy xu hướng trái ngược khi ghi nhận các mức tăng đáng chú ý. Đồng Dollar Mỹ suy yếu là nhân tố thúc đẩy lực mua, đặc biệt là nhóm kim loại quý. Đây cũng là nhóm duy nhất đón nhận dòng tiền đầu tư tăng lên đáng kể, với mức tăng hơn 32% trong ngày hôm qua. Chung xu hướng với các thị trường tài chính, tính thanh khoản trong những ngày cuối năm trên thị trường hàng hoá cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở tương đối ổn định, đạt mức gần 3.000 tỷ đồng. Sức ép từ cả hai phía cung cầu đè nặng lên giá dầu thô Kết thúc phiên 29/12, giá dầu thô WTI giảm 0,71% về 78,40 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 0,63% về 83,46 USD/thùng. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), triển vọng tiêu thụ, vốn đang cải thiện gần đây nhờ kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đang bị lu mờ đi rất nhiều trước nguy cơ xuất hiện một đợt bùng phát dịch trên diện rộng. Chính phủ Trung Quốc đang dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, nhưng việc số ca nhiễm gia tăng tại đây, khiến nhiều quốc gia áp dụng các quy định đi lại chặt chẽ hơn đối với du khách Trung Quốc. Sức bán áp đảo thị trường dầu ngay từ khi mở cửa, và giá dầu còn giảm mạnh hơn trong phiên tối vì báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung được cải thiện. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ dầu mỏ chiến lược) tăng 0,7 triệu thùng so với tuần trước lên mức 419 triệu thùng. Mặc dù mức dự trữ vẫn thấp hơn 6% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này, nhưng so với mức giảm mạnh 5.9 triệu thùng của tuần kết thúc ngày 16/12, tin tức này vẫn gây sức ép rất lớn tới giá dầu. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất lần lượt giảm 3,1 triệu thùng và tăng 0,3 triệu thùng vào tuần trước. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo phản ánh khối lượng tiêu thụ thực tế, tăng mạnh lên 22,8 triệu thùng, cao hơn mức trung bình của bốn tuần là 20,8 triệu thùng. Các tin tức này cũng mang lại một lực hỗ trợ nhỏ với giá dầu, tuy nhiên không đủ để đảo ngược đà giảm do việc tiêu thụ dầu thường có xu hướng tăng vào tuần nghỉ lễ Giáng sinh. Có thể thấy, báo cáo của EIA cũng tiềm ẩn nhiều thông tin tích cực cho thị trường dầu, tuy nhiên để chắc chắn hơn về bức tranh tiêu thụ, các nhà đầu tư cần phải quan sát số liệu thêm một vài tuần nữa. Lo ngại về nguồn cung hiện cũng giảm bớt khi mà TC Energy cho biết đường ống dẫn dầu Keystone, đã hoạt động bình thường trở lại, sau khi sự cố tràn dầu đã được khắc phục. Kim loại quý được hưởng lợi từ đà suy yếu của đồng Dollar Trên thị trường kim loại, nhóm kim loại quý đồng loạt đón nhận lực mua tích cực. Giá vàng tăng 0,6% lên mức 1814,89 USD/ounce. Bạc tăng 1,72% lên mức 24,25 USD/ounce. Bạch kim chốt phiên với mức tăng mạnh nhất trong nhóm kim loại, tăng 3,24% lên 1049,7 USD/ounce. Vào tối qua, Bộ Lao động Mỹ đã công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua với mức tăng 9.000 đơn so với tuần trước, đạt mức 225.000 và là tuần tăng thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy bức tranh thị trường lao động tại Mỹ mặc dù vẫn chưa tiêu cực, nhưng cũng đã gặp một số áp lực nhất định khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy lãi suất lên cao. Đồng Dollar Mỹ suy yếu trở lại sau 2 phiên tăng liên tiếp đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim trong phiên. Bên cạnh đó, lo ngại về suy thoái kinh tế cũng thúc đẩy vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý. Hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các công ty khu vực đồng Euro chậm lại trong tháng 11. Cho vay đối với các doanh nghiệp ở 19 quốc gia thuộc khu vực này đã tăng 8,4% trong tháng 11 sau khi đạt mức 8,9% một tháng trước đó, trong khi tăng trưởng tín dụng hộ gia đình chậm lại từ 4,2% xuống 4,1%. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận một phiên biến động mạnh khi lực mua được thúc đẩy trong nửa ngày đầu phiên, nhưng giá nhanh chóng quay đầu trước rủi ro dịch bệnh tại Trung Quốc. Kết thúc phiên, giá đồng COMEX giảm 0,48% xuống 3,82 USD/pound. Bên cạnh đó, về phía nguồn cung, những gián đoạn xung quanh mỏ đồng Cobre Panama giữa chính phủ Panama và công ty khai thác First Quantum của Canada đang có dấu hiệu tích cực hơn khi cả hai bên đồng ý đàm phán, từ đó góp phần gây áp lực lên giá đồng. Đây là mỏ đồng có thể sản xuất tới 300.000 tấn một năm, tương đương khoảng 1,5% sản lượng đồng trên toàn thế giới. Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt tăng 1,74% bất chấp tình hình dịch bệnh tiêu cực tại Trung Quốc. Tồn kho quặng sắt tại các nhà máy thép đang thấp, trong khi nhu cầu sản xuất trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng cao đã hỗ trợ cho giá quặng sắt trong phiên. Giá thép trong nước biến động không đồng nhất Với sự phục hồi của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thép trong nước cũng đang ghi nhận những biến động đáng chú ý sau gần 2 tháng đi ngang. Đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp thép trong nước đã rục rịch điều chỉnh giá, song các đợt tăng/giảm không đồng nhất. Trong vòng vài tuần qua, nhiều thương hiệu đã điều chỉnh giá vài lần. Đáng chú ý, thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 lên mức 14,74 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 lên mức 15,02 triệu đồng/tấn kể từ cuối tuần qua sau khi liên tục giữ giá. Tuy nhiên, một số thương hiệu khác như thép Việt Ý hay thép Pomina lại ghi nhận mức giá có sự điều chỉnh giảm nhẹ. Theo MXV, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong đầu năm tới bởi thông thường, đây sẽ là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng và hàng loạt các dự án gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Nhu cầu thép trong năm 2023 có thể tăng mạnh hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho thép của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn cao. Tuy nhiên, với hi vọng về việc Trung Quốc mở cửa trở lại, và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường mới trên thế giới, ngành thép sẽ có nhiều cơ hội phục hồi. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá khí tự nhiên lao dốc, cà phê Arabica bật tăng 4%

Ngô Minh Ngọc   |  29/12/2022

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch hôm qua 28/12, mặc dù lực mua chiếm ưu thế trên bảng giá 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại; tuy nhiên, mức giảm rất mạnh của các mặt hàng Năng lượng đã kéo chỉ số hàng hoá MXV- Index quay đầu giảm gần 0,5% xuống 2.438 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng có sự suy yếu, đạt mức 3.400 tỷ đồng. Giá khí tự nhiên lao dốc gần 8,5% xuống còn 4,69 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 năm nay; thời điểm trước khi xung đột quanh khu vực Biển Đen diễn ra. Ở chiều ngược lại, hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn tháng 03 trên Sở NewYork bất ngờ dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường với mức tăng gần 4% lên 3.826 USD/tấn; mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây. Dầu thô gặp sức ép, Khí tự nhiên lao dốc 8% Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12, giá dầu suy yếu từ mức cao nhất trong vòng 3 tuần trước một số rủi ro từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, bất chấp nguồn cung không chắc chắn. Giá dầu WTI giảm 0,72% xuống 78,96 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức 83,99 USD/thùng sau khi giảm 0,81%.  Sức ép bán trên thị trường dầu thô chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian của phiên ngày hôm qua. Các nhà đầu tư đang cho thấy tâm lý khá thận trọng đối với triển vọng năm 2023 trước sự nới lỏng của Trung Quốc có thể làm gia tăng tình trạng lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Nhiều quốc gia hiện tại đang thiết lập kế hoạch kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh bởi lo ngại sự lây lan dịch bệnh. Phía Mỹ trong ngày hôm qua đã chính thức đưa ra thông báo khách du lịch Trung Quốc cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Điều đó vẫn sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông vận tải và gây áp lực tới giá dầu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang trải qua sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh vẫn gây ra gián đoạn trong hoạt động tiêu dùng và kinh doanh sản xuất, đang là nhân tố chính tạo sức ép tới giá. Các chiến lược gia tại JPMorgan dự báo "đỉnh dịch bệnh có thể xảy ra" trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới.  Bên cạnh đó, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng gây ra lo ngại sức tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ có thể làm gia tăng áp lực lạm phát đối với các nền kinh tế lớn như Mỹ. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng Dollar tiếp tục tăng trong phiên hôm qua cũng đã gây ra sức ép bán trên thị trường dầu bởi chi phí nắm giữ vật chất đắt đỏ hơn.  Ngoài ra, Nhật Bản dự kiến sẽ nhập khẩu lô hàng dầu thô đầu tiên từ Nga sau hơn nửa năm, khi chính phủ thúc đẩy các nhà nhập khẩu năng lượng dự trữ nhiên liệu trong nỗ lực tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai. Nhật Bản đã giảm đáng kể nhập khẩu dầu từ Nga, đặc biệt là từ dự án dầu khí Sakhalin-1 kể từ khi xung đột bắt đầu, khi các nhà máy lọc dầu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Việc quay lại nhập khẩu dầu từ Nga có thể hạn chế rủi ro về dòng chảy dầu trên thị trường và hạn chế đà tăng của giá.   Giá dầu chỉ nhận được lực mua nhiều hơn vào cuối phiên do lo ngại nguồn cung dầu thô trên thế giới vẫn đối diện với nhiều rủi ro sau khi Tổng thống Nga ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và nhiên liệu cho quốc gia áp đặt trần giá. Các hạn chế này sẽ bắt đầu vào ngày 1/2 và kỳ nghỉ đông của Nga sẽ kéo dài đến ngày 9/1, do đó Chính phủ sẽ có một vài tuần để xem xét các bước trả đũa tiếp theo.   Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu giảm trong khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu tăng trong tuần kết thúc ngày 23/12. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 1,3 triệu thùng, thấp hơn một chút so với con số dự đoán giảm 1,5 triệu thùng. Nhưng tồn kho xăng tăng phù hợp với dự báo, và đặc biệt tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 390.000 thùng, trái ngược với dự đoán giảm 2,1 triệu thùng, phản ánh nhu cầu khá yếu có thể sẽ tiếp tục gây áp lực tới giá dầu trong phiên sáng.  Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí lao dốc 8,46% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay. Theo Bloomberg, xuất khẩu khí tự nhiên của gã khổng lồ Nga, Gazprom sang các thị trường nước ngoài quan trọng đã giảm gần một nửa vào năm 2022, đạt mức thấp nhất kể từ ít nhất là đầu thế kỷ, khi dòng chảy đến châu Âu bị cắt giảm sau căng thẳng tại Biển Đen. Cụ thể, tập đoàn đã xuất khẩu 100,9 tỷ mét khối nhiên liệu đến các quốc gia chính trong năm nay, giảm 46% so với năm 2021. Điều này cũng phản ánh nhu cầu khí đốt suy yếu và kéo giá khí tự nhiên giảm mạnh trong phiên.  Hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý là sự bật tăng của Arabica với mức tăng gần 7 cents do những lo ngại về nguồn cung.   Thời tiết diễn biến theo xu hướng tác động tiêu cực đến mùa vụ cà phê trong niên vụ tới đã kéo giá Arabica tăng mạnh gần 4%. Theo dự báo, khu vực này sẽ ghi nhận lượng mưa cao hơn bình thường khoảng 60-120mm. Điều này làm gia tăng khả năng ngập úng tại vùng trồng cà phê chính khi mới tuần trước khu vực này đã đón nhận lượng mưa lên tới 150mm. Lượng nước tồn đọng quá lớn trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cây cà phê, nhiều khả năng có thể khiến sản lượng và chất lượng suy giảm. Bên cạnh đó, đồng Real hồi phục cũng góp phần hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá.   Ở chiều ngược lại, Robusta có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ với mức giảm mạnh gần 3%. Tỷ giá USD/VND kết hợp với nhu cầu đẩy mạnh hàng ra thị trường trước dịp Tết Nguyên đán của nông dân Việt Nam, khiến lực bán tăng mạnh trên thị trường và gây sức ép lên giá.   Sau phiên giảm mạnh hơn 3% trước đó, giá đường 11 trong phiên hôm qua đã có sự điều chỉnh với mức 0.79%. Một mặt gặp sức ép từ việc nguồn cung mở rộng tại Brazil sau số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 và dự báo sản lượng tăng mạnh trong niên vụ 2022/23 của Conab.  Mặt khác, mưa lớn ảnh hưởng đến sản lượng mía đường của Thái Lan và Ấn Độ đã hỗ trợ giúp giá mặt hàng này giằng co trong phiên hôm qua.  Cùng chung xu hướng suy yếu với các mặt hàng trong nhóm, giá bông phiên hôm qua ghi nhận mức giảm hơn 1%. Nguyên nhân cho suy yếu này một phần đến từ việc giá dầu giảm khiến Polyester, chất thay thế chính của bông rẻ hơn và kéo theo giá mặt hàng này đi xuống. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn đôi phần lo ngại về triển vọng tiêu thụ bông trong thời gian tới tại Trung Quốc khi Zero Covid đã được nới lỏng nhưng số ca mắc mới vẫn tăng mạnh và số liệu mua hàng chưa có sự bật tăng đáng kể. Điều này cũng góp phần khiến giá bông suy yếu trong phiên hôm qua.  Sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây vào đầu phiên giao dịch hôm qua, giá dầu cọ đã bất ngờ quay đầu suy yếu và xóa đi hoàn toàn mức tăng trước đó. Một mặt, lực mua được thúc đẩy bởi thông tin Trung Quốc sẽ ngừng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với hành khách di chuyển nội địa, động thái được kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật tại quốc gia này trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Mặc khác, sức ép từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư đã khiến giá dầu cọ giảm mạnh.  Tồn kho cà phê nước ta được nhận định đang ở mức thấp Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ có sự suy yếu nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê được thu mua trong khoảng giá từ 40.000 - 40.700 đồng/kg. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 của nước ta đạt hơn 69,9 nghìn tấn, tăng mạnh 26,5% so với mức 55,4 nghìn tấn của nửa đầu tháng 11. Với gần 70 nghìn tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam đã thu về hơn 156,9 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu kỷ lục 4 tỷ USD trong năm nay. Theo MXV, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của nước ta.  Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Thị trường hàng hóa khởi sắc sau ngày nghỉ lễ Giáng sinh

Ngô Minh Ngọc   |  28/12/2022

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá hàng hoá nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối giằng co trong ngày hôm qua (27/12) sau ngày nghỉ lễ Giáng sinh. Mặc dù sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index đóng cửa tăng 0,77% lên 2.450 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ở mức trên 2.400 tỷ đồng. Nguồn cung năng lượng ở Châu Âu đáng lo ngại hơn so với Mỹ, giá dầu Brent tăng mạnh hơn WTI Giá dầu ít thay đổi trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, phản ánh phần nào tâm lý lưỡng lự của các nhà đầu tư trước một loạt các tin tức cơ bản về cung cầu. Kết thúc phiên 27/12, giá dầu WTI chỉ giảm nhẹ 0,04% về 79,53 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent tăng nhẹ 0,21% lên 84,68 USD/thùng.   Sức mua xuất hiện ngay từ phiên sáng và đã có lúc đưa giá lên mức cao nhất trong vòng ba tuần khi các nhà máy lọc dầu ở Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của cơn bão tuyết mùa đông lịch sử.   Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc, tiếp tục có những nới lỏng đối với các hạn chế chống dịch Covid – 19. Cụ thể, du khách đến đây sẽ không còn phải tiến hành cách ly 5 ngày như trước, mà chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Động thái này làm tươi sáng bức tranh tiêu thụ đối với xăng và nhiên liệu bay.   Tuy nhiên, càng về cuối phiên, sức ép bán xuất hiện nhiều hơn khi các nhà đầu tư bắt đầu thận trọng đánh giá mức độ ảnh hưởng của các tin tức kể trên. Các nhà máy lọc đầu tại Texas, đã bắt đầu khôi phục hoạt động và tăng cường sản xuất sau khi sự cố đóng băng buộc họ phải tạm dừng vào tuần trước.  Mỹ cũng đã từng trải qua các sự cố tương tự vào giai đoạn tháng 2 năm 2021, khi mà mùa đông lạnh giá cũng gây ra những gián đoạn về nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng, sự cố lần này nhẹ hơn rất nhiều và sản lượng dầu sẽ được phục hồi nhanh chóng. Lo ngại giảm bớt cũng khiến cho đà tăng của giá dầu bị chững lại.  Trong phiên hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký một sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm lọc dầu cho các quốc gia tham gia thực hiện mức giá trần. Việc hạn chế xuất khẩu của Nga có thể sẽ bắt đầu từ ngày 1/2 và kéo dài trong vòng 5 tháng.  Lo ngại về việc Nga có thể cắt giảm sản lượng hỗ trợ cho giá dầu Brent nhiều hơn so với giá dầu WTI. Dù vậy, tin tức này chưa cải thiện đáng kể sức mua, bởi các nước châu Âu đã có sự chuẩn bị và đối sách cho vấn đề này. Chính phủ Đức tự tin rằng một nhà máy lọc dầu chủ chốt là PCK Schwedt, nơi cung cấp nhiên liệu cho Berlin và các vùng phía đông của đất nước đã sẽ có thể sản xuất mà không cần dầu của Nga kể từ tháng 1 năm sau.  Giá khí tự nhiên cũng tăng 2,77% khi mà nhu cầu tiêu thụ để sưởi ấm vẫn cao, còn nguồn cung vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng vì tình hình đóng băng tại các đường ống dẫn.   Thị trường nông sản sôi động sau ngày nghỉ lễ Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, giá ngô đã bật tăng gần 1%. Trong bối cảnh các thông tin nghiêng về hướng hỗ trợ, lực mua đã hoàn toàn áp đảo thị trường trong ngày hôm qua. Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết, hiện có 99 tàu vận tải đang chờ được kiểm tra an ninh tại eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, một số tàu đã phải chờ hơn một tháng. Phía Ukraine tố cáo đây là hành động cố ý của phái đoàn Nga khi nước này giảm số lượng thanh tra xuống còn 3 người, sau đó bắt đầu kéo dài thời gian các cuộc kiểm tra an ninh bằng việc kiểm tra các thông số không được quy định như lượng nhiên liệu. Điều này đang khiến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine chậm chạp hơn trong thời gian gần đây. Ngoài ra, trong báo cáo mới đây, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán đơn hàng 177.500 tấn ngô cho Nhật Bản. Đây cũng là yếu tố đã hỗ trợ giá ngô duy trì đà tăng trong phiên vừa rồi. Khác với ngô, lúa mì đóng cửa phiên ngày hôm qua với mức biến động nhỏ. Dù cũng bật tăng khi bắt đầu trở lại giao dịch, tuy nhiên, giá đã phải chịu sức ép từ vùng kháng cự 780 cents. Những thông tin trái chiều về nguồn cung là nguyên nhân khiến giá biến động giằng co. Tại Mỹ, cơn bão tuyết khủng khiếp vẫn đang khiến nông dân lo ngại rằng vụ mùa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Bloomberg, cơn bão lần này đã mang đến gió và nhiệt độ thấp đến mức nguy hiểm, đe dọa đến cây trồng và máy móc. Mặc dù lúa mì là loại cây trồng có khả năng chống chịu khá tốt, tuy nhiên, nhiệt độ đột ngột giảm mạnh khi không có đủ lớp tuyết bao phủ có thể khiến cây bị chết hoàn toàn. Điều này là nguyên nhân lý giải cho đà tăng từ khi mở cửa của lúa mì. Ở hướng ngược lại, lo ngại về nguồn cung đã phần nào giảm bớt khi Nga đẩy mạnh bán hàng trong tháng này. Công ty tư vấn SovEcon trích dẫn dữ liệu thu thập từ các cảng biển cho thấy, khoảng 1,1 triệu tấn ngũ cốc Nga đã được xuất khẩu trong tuần vừa rồi, tăng từ mức 840.000 tấn trong tuần trước nữa. Cơ quan này vừa tăng dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga trong tháng 12 lên 4,1 triệu tấn, từ 3,9 triệu tấn trong tuần trước. Con số này cũng cao hơn khối lượng xuất khẩu trung bình của Nga trong giai đoạn này là 3,2 triệu tấn. Đây là yếu tố khiến giá chịu sức ép và quay đầu sụt giảm trở lại. Dầu đậu tương tiếp tục là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trong phiên hôm qua. Tồn kho dầu cọ ở Malaysia và Indonesia đều được dự báo sẽ sụt giảm trong đầu năm 2023 là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với nhóm dầu thực vật. Ngược lại, áp lực trái chiều cùng với nhu cầu thức ăn chăn nuôi suy yếu của Trung Quốc đã khiến giá khô đậu giảm nhẹ. Giá thức ăn chăn nuôi sẽ bước vào chu kỳ tăng mới? Trên thị trường nội địa, giá nông sản được chào bán tại cảng Cái Lân chưa có thêm biến động kể từ ngày nghỉ lễ cuối tuần trước. Theo đó, khô đậu tương dao động trong khoảng 14.700 đồng/kg cho kỳ hạn giao các tháng đầu năm sau. Trong khi đó, giá ngô Mỹ cũng giữ ở mức 8.500 đồng/kg. Theo MXV, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều đang có dấu hiệu bước vào một xu hướng tăng mới. Giai đoạn quý I hàng năm thường là thời điểm giá nông sản thế giới được hỗ trợ mạnh do lo ngại về yếu tố thời tiết ảnh hưởng tới nguồn cung. Do đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước nên chuẩn bị kế hoạch mua hàng để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhập khẩu và phòng ngừa rủi ro tăng giá trước khi bước vào năm 2023. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook