Thị trường Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam thường biến động ra sao sau những phiên VN-Index giảm trên 4%?

Ngô Minh Ngọc   |  19/04/2024

Từ khi biên độ HoSE trở lại mức +/-7% đầu năm 2013 đến nay, VN-Index đã có 24 lần giảm trên 4% trong một phiên, đa phần tập trung trong giai đoạn 2020-2022, sau khi Covid phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu. Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch đầu tuần (15/4) với áp lực bán dồn dập trên diện rộng. Sắc đỏ áp đảo trên hầu hết các nhóm cổ phiếu, thậm chí có đến gần 160 mã giảm kịch sàn. VN-Index mất gần 60 điểm (-4,7%) trở thành chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á ngày 15/4, đồng thời ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong vòng 23 tháng, kể từ ngày 12/5/2022. Trong quá khứ, chứng khoán Việt Nam từng trải qua nhiều phiên biến động mạnh với mức giảm của VN-Index thậm chí còn sâu hơn phiên 15/4 vừa qua. Từ khi biên độ HoSE trở lại mức +/-7% đầu năm 2013 đến nay, VN-Index đã có 24 lần giảm trên 4% trong một phiên, đa phần tập trung trong giai đoạn 2020-2022, sau khi Covid phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu. Những lần VN-Index giảm mạnh trên 4% kể từ năm 2013 đến nay Đáng chú ý, trong 23 lần giảm mạnh trước đó, chứng khoán Việt Nam có xác suất hồi phục sớm tương đối cao. Theo thống kê, VN-Index đã có 15/23 lần tăng điểm trở lại ngay sau phiên giảm hơn 4%, tương ứng xác suất 65%. Nếu xét theo khung thời gian dài hơn, VN-Index cũng có 14/23 lần tăng điểm vào tuần giao dịch (5 phiên) ngay sau phiên giảm mạnh. Giai đoạn từ 2020 đến giữ năm 2022, với dòng tiền từ làn sóng nhà đầu tư mới không ngừng đổ vào thị trường, VN-Index cho thấy khả năng gượng dậy khá nhanh sau mỗi cú trượt chân. Trong khoảng thời gian này, chỉ số thường bật tăng trở lại khá mạnh trong phiên liền sau và tuần giao dịch ngay sau phiên giảm sâu. Tình hình đã thay đổi trong nửa cuối năm 2022 khi những sóng gió ập đến với thị trường chứng khoán. VN-Index thậm chí còn giảm hơn 4% trong 2 phiên liên tiếp vào ngày 12-13/5/2022. Trong năm 2023 vừa qua, dù có nhiều biến động khó lường nhưng nhìn chung chứng khoán Việt Nam đều hồi phục khá nhanh sau những phiên giảm mạnh trên 4%. Cú "trượt chân" được dự báo từ trước? Nhìn chung, dữ liệu quá khứ chỉ mang tính chất tham khảo do bối cảnh từng thời kỳ khác nhau. Rất khó dự báo chính xác biến động của thị trường chứng khoán trong các phiên tới. Trên thực tế, việc thị trường điều chỉnh ở thời điểm này có lẽ không gây bất ngờ cho giới đầu tư, nhiều chuyên gia cũng đã dự báo trước về điều này. Bất ngờ có chăng là tốc độ giảm có phần hơi sốc. Trước khi rơi mất 60 điểm phiên vừa qua, VN-Index đã có thời gian khá dài neo quanh vùng đỉnh 19 tháng. Vì thế, áp lực chốt lời mạnh là khó tránh khỏi. Thêm nữa, những luồng thông tin tiêu cực như việc CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed có thể chậm lại; xung đột đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh, gây áp lực lạm phát tiềm ẩn; tỷ giá leo thang tạo ra sức ép trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng,… cũng tác động đến tâm lý thị trường. Trong một báo cáo gần đây, Dragon Capital cho rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nới lỏng, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ cân bằng hơn trong việc ổn định tỷ giá và lãi suất. Sau mức giảm mạnh 70-90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đội ngũ phân tích nhận định đây được coi như một đợt "điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất" để giảm bớt áp lực tỷ giá, đội ngũ phân tích dự báo. Đồng quan điểm, trong một báo cáo đầu tháng 4, SGI Capital cũng nhận định giai đoạn lãi suất và thanh khoản tốt nhất năm đã qua. "Một nhịp điều chỉnh và tích lũy là cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng và phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế", báo cáo của quỹ nhấn mạnh. SGI Capital chỉ ra nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán như tỷ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua; áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng; áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý 2 và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên. Thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn. Tương tự, Mirae Asset cho rằng dư địa của xu hướng tăng đã phần nào bị thu hẹp khi VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tương ứng với mức P/E bình quân của 10 năm gần nhất. CTCK này cũng đánh giá, thị trường chứng khoán đang có rủi ro tiềm ẩn, khi mà bất kỳ giai đoạn điều chỉnh nào trong nhóm ngân hàng có thể gây áp lực giảm điểm cho VN-Index trong tháng 4 do tỷ trọng vốn hóa đáng kể của ngành. Cũng có góc nhìn thận trọng, chuyên gia chứng khoán Lã Giang Trung đánh giá thị trường chứng khoán có khả năng cao sẽ điều chỉnh 12-15% từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo một cái đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ. Chuyên gia cho biết, thông thường, trong những đợt thị trường uptrend khoảng 5 - 6 tháng sẽ có điều chỉnh, về mặt thời gian thị trường hiện tại cũng vừa đủ. "Đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường. Trong giai đoạn uptrend, năm nào cũng có 2 lần điều chỉnh", ông Lã Giang Trung nhận định. Nguồn: Hà Linh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Thị trường 'nổi sóng' với cổ phiếu ngân hàng

Ngô Minh Ngọc   |  12/04/2024

Hôm nay (12/4), VN-Index bật tăng mạnh trong phiên chiều dưới sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Một số mã đạt mức giá trần như CTG, LPB.   Chứng khoán trong nước ghi nhận hồi phục ngay giờ mở cửa trong bối cảnh các thị trường lớn trong khu vực, trên thế giới giao dịch tích cực trở lại sau phiên lao đao do CPI tháng 3 của Mỹ tăng vượt dự báo. VN-Index duy trì trên tham chiếu, tuy nhiên biên độ tăng khá hẹp. Thị trường chỉ thực sự “nổi sóng” khi cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong phiên chiều. Nhóm dẫn dắt thị trường đa số là các mã nhà băng: CTG, TCB, MBB, VCB, ACB, LPB, VPB, BID… CTG có thời điểm đạt mức giá trần, dẫn đầu đà tăng với mức đóng góp gần 3 điểm, đồng thời giữ mức thanh khoản cao nhất toàn sàn 837 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh. LPB đóng cửa ở giá trần và ghi nhận 2 phiên tăng trần trong tuần này. Nhìn chung trên nhóm ngân hàng, sắc xanh bao phủ diện rộng, không cổ phiếu ngân hàng nào trên HoSE giảm giá. Sự trở lại đồng đều của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường tác động mạnh đến chỉ số. Tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn khi VN-Index tìm được động lực dẫn dắt. Hầu hết nhóm ngành ghi nhận sắc xanh áp đảo. Các nhóm thanh khoản cao, có sức ảnh hưởng như bất động sản, chứng khoán… cùng tăng giá. Nhóm chứng khoán giao dịch tích cực trong bối cảnh thị trường vừa đón thông tin Uỷ ban chứng khoán Nhà nước họp với FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường mới nổi. CTS, SHS, AGR, BSI, SBS, HCM, FTS… cùng tăng giá. Theo thông tin chia sẻ từ đoàn công tác của FTSE Russell, Morgan Stanley, các khách hàng lớn của hai tổ chức này đều có phản hồi tích cực, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, cũng như của cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhằm đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường Tại nhóm bất động sản, cổ phiếu nhỏ, vừa giữ mức tăng tốt hơn các mã lớn. QCG tiếp tục có phiên tăng trần. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,4 điểm (1,46%) lên 1.276,6 điểm. HNX-Index tăng 2,27 điểm (0,95%) lên 241,34 điểm. UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (0,19%) lên 91,09 điểm. Thanh khoản gia tăng với giá trị khớp lệnh HoSE hơn 16.600 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại trở thành điểm trừ với việc bán ròng 725 tỷ đồng, tập trung vào VHM, MSN, HSG, PDR… Theo Việt Linh - Tiền Phong
Xem thêm

Bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì bán 'chui' cổ phiếu

Ngô Minh Ngọc   |  06/04/2024

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp, trong đó mức phạt nặng nhất là hơn 530 triệu đồng cho CTCP Thiết bị xử lý nước Setfil vì bán “chui” cổ phiếu.   Cụ thể, CTCP Thiết bị xử lý nước Setfil đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu NDW (CTCP Cấp nước Nam Định), trong khi là bên có liên quan tới thành viên hội đồng quản trị NDW. Cụ thể, bà Kiều Hải Anh, giám đốc Setfil, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị. Cơ quan quản lý xác định, từ ngày 15/3 - 21/3/2023, Setfil đã bán hơn 1,3 triệu cổ phiếu NDW nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Doanh nghiệp khác vừa bị xử phạt là CTCP Cơ điện Dzĩ An, với số tiền 92,5 triệu đồng, do không công bố, công bố không đúng thời hạn một số báo cáo trong giai đoạn 2021-2023, như báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên, báo cáo tình hình quản trị công ty... CTCP GKM Holdings (GKM) bị phạt tổng cộng 205 triệu đồng vì nhiều lỗi vi phạm. Trong đó, 85 triệu đồng là tiền phạt cho hành vi thực hiện phân phối chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, công ty phân phối trái phiếu riêng lẻ mã GKMH2124001 quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu. Công ty bị phạt 65 triệu đồng vì công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn đối với trái phiếu riêng lẻ mã GKMH2124001. Cuối cùng, 55 triệu đồng là tiền phạt do GMK Holdings không đầy đủ về giao dịch giữa công ty với người nội bộ, cổ đông lớn tại báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp. Tổng công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (VOC) bị phạt tổng cộng 145 triệu đồng với 3 hành vi vi phạm . 65 triệu đồng là tiền phạt do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật với báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên và năm 2022, một số công văn, nghị quyết hội đồng quản trị trong năm 2022. Công ty cũng công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật, bị phạt 65 triệu đồng cho hành vi này. Cụ thể, công ty công bố thông tin không đầy đủ tại báo cáo tình hình quản trị năm 2021 về giao dịch bán 44,2 triệu cổ phiếu VOC (tương đương 36,3% vốn điều lệ) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - cổ đông lớn và là tổ chức có liên quan của người nội bộ Công ty. Bên cạnh đó, báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 không nêu rõ thành viên hội đồng quản trị không điều hành, không có thông tin đầy đủ về thành viên hội đồng quản trị. Cuối cùng, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) bị phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, công bố thông tin về việc hoàn tất 43 đợt mua lại trái phiếu trước hạn trái phiếu mã ABS.BOND.2020. Công ty còn công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu: Tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; báo cáo tài chính năm 2022; tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022; công bố thông tin về việc hoàn tất 24 đợt mua lại trái phiếu trước hạn trái phiếu mã ABSCH2123001. Theo Việt Linh - Tiền phong
Xem thêm

Kết thúc tuần giao dịch từ 18/03/2024 đến 22/03/2024: Tuần biến động mạnh mẽ của VNIndex , kỳ vọng một bước tiến mới cho tuần kế tiếp.

Ngô Minh Ngọc   |  25/03/2024

Kết thúc tuần giao dịch từ 18/03/2024 đến 22/03/2024: Tuần biến động mạnh mẽ của VNIndex , kỳ vọng một bước tiến mới cho tuần kế tiếp. Một tuần với một loạt những thông tin quan trọng đến từ thị trường thế giới nói chung cũng như thị trường Việt Nam nói riêng. Về thị trường thế giới, thông tin FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ) hoàn thành cuộc họp quan trọng với quyết sách giữ nguyên mức lãi suất hiện tại không đổi và kỳ vọng về lạm phát giảm về mốc 2% tác động tích cực lên các chỉ số trên thị trường thế giới. Về thị trường Việt Nam, thị trường bất động sản đang cho các tín hiệu ấm dần lên, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản cũng thể hiện tốt trong tuần giao dịch này. Ngoài ra việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút một khối lượng lớn tiền về (tương đương khoảng 100.000 tỷ) xuyên suốt tuần giao dịch chỉ có tác động nhẹ tới thị trường Việt Nam. Mặt khác, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng, Chứng khoán, Bán lẻ vẫn thể hiện rất tốt vị trí của mình trên thị trường với một loạt các phiên giao dịch tăng điểm tích cực. Cụ thể về diễn biến tuần giao dịch vừa qua như sau: Mở đầu tuần giao dịch, VNINdex chìm trong sắc đỏ khi để đánh mất thành quả chuỗi tăng điểm không ngừng sau khoảng thời gian vừa qua. Vnindex giảm hơn 20 điểm, có thể nói đây là phiên giảm điểm mạnh mẽ nhất trong khoảng 1 tháng trở lại đây của VNIndex, khối lượng tăng đột biến xuyên suốt cả phiên, kết phiên khối lượng giao dịch đạt gần 40.000 tỷ (VND). Hàng loạt các cổ phiếu tăng nóng trong thời gian vừa qua như DGC, DGW, CTD... ở trạng thái nằm sàn xuyên suốt phiên giao dịch.  Ngay sau đó, phiên giao dịch kế tiếp vẫn tiếp tục giảm điểm tuy nhiên mức độ giảm không nhiều, vẫn là một phiên diễn ra sự giằng co cung cầu trong suốt phiên. Tuy nhiên sắc xanh  nhanh chóng được lấy lại ngay ở phiên giao dịch ngày kế tiếp,  VNIndex tăng mạnh 17,62 điểm, các cổ phiếu nhóm VN30 dần lấy lại vị thế của mình trên thị trường, nâng đỡ thị trường. Nhóm ngành Ngân hàng đã quay trở lại, tăng điểm tốt trong phiên, điển hình phải kể đến các cổ phiếu như TCB (Techcombank), MBB (Mbbank)... đặc biệt VIB đạt trạng thái trần trong phiên giao dịch với khối lượng thanh khoản lớn. Thị trường nối tiếp đà tăng điểm xuyên suốt đến hết tuần giao dịch. Kết tuần giao dịch, VNINdex đóng cửa tại 1281.20 điểm – vượt qua mức kháng cự mạnh 1280 tạo nên chuyển biến tích cực cho thị trường. Thị trường tăng điểm đồng thời khối lượng giao dịch tăng cho thấy diễn biến tâm lý của nhà đầu tư tích cực hơn với thị trường và kỳ vọng VNINdex sẽ sớm đạt mốc 1300 điểm trong ngắn hạn. Theo mây Ichimoku, giá hiện tại nằm trên đường Tenkan và Kijun, Chikou Span nằm trên đường giá đang có xu hướng đi lên. MACD cắt Signal phân kỳ âm tuy nhiên đang có xu hướng đi lên, Histogram chuyển từ màu đỏ đậm sang màu đỏ nhạt. RSI đang ở mốc điểm 65.44 điểm hiện đang cho xu hướng đi lên. Xét về chỉ báo Bollinger Band, trong phiên giao dịch cuối tuần đã có lúc vượt qua Band trên của dải Bollinger, tuy nhiên lực bán mạnh kéo giá vào trong band và kết phiên tuần bằng một cây nến Doji xanh thể hiện sự biến động giằng co cung cầu trong phiên. Nguồn ảnh: FireAnt Xét về ngắn hạn, thị trường đã vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1280 điểm thị trường vẫn vận động tích cực và VN-Index đang trong nhịp tăng ngắn hạn nhưng dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường khi tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1300 điểm. Có thể xảy ra những phiên rung lắc trước khi VNIndex tiến tới một đợt uptrend mới. Nhìn chung nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng khi mua mới cổ phiếu trong thời điểm này, quản trị tốt tài sản của mình, tránh mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian vừa qua. Ngoài ra,  Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên rung lắc điều chỉnh trong tuần tới (25 - 29/03) để cơ cấu lại danh mục theo hướng ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt lợi nhuận mục tiêu hoặc đã chạm nhưng chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự, đồng thời tầm soát với các cổ phiếu chưa bật mạnh so với nền giá gần nhất. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới bao gồm Chứng khoán, Ngân hàng, Bất động sản. Ngoài ra về trung hạn có thể quan tâm hơn đến nhóm ngành Thép, Đầu tư công. Chu Thuý Huệ tổng hợp và biên soạn - Phòng Chứng khoán Công ty Cổ phần Thương mại Cao Bắc
Xem thêm

Một phiên tăng bằng gửi tiết kiệm cả năm sẽ là câu chuyện giúp chứng khoán tiếp tục hấp dẫn dòng tiền trong giai đoạn tới

Ngô Minh Ngọc   |  23/03/2024

Vị chuyên gia cho rằng dựa trên nền tảng vĩ mô khởi sắc, thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ ghi nhận những diễn biến tích cực trong năm 2024. Định giá chứng khoán vẫn hợp lý Tại hội thảo chứng khoán "Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và triển vọng của thị trường" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trường phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng dựa trên nền tảng vĩ mô khởi sắc,  thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ ghi nhận những diễn biến tích cực trong năm 2024.  Theo thống kê về diễn biến thị trường chứng khoán và biến động của các cổ phiếu và các nhóm ngành trong năm 2023, mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đã có 206 mã cổ phiếu vượt đỉnh so với năm 2022 theo quy mô vốn hóa, VN-Index cũng đã tạo đáy vững chắc vào tháng 11/2022 tại mức 912 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn đã chảy mạnh vào TTCK năm 2023 là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho đà bứt phá cho thị trường năm nay. Lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp đã bắt đầu tạo đáy vào quý 4/2022 và quý 1/2023 và điều này giúp nhiều nhóm ngành đi lên. Do đó, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.  Định giá VN-Index đang về khoảng 14,3-14,5 lần, đây là mức định giá nằm ở nửa dưới của đường trung bình của VN- Index trong 20 năm trở lại đây. Thông thường, nếu định giá nằm ở nửa dưới thì là vùng định giá còn hợp lý và còn biên tăng lên vùng nửa trên. Khi đang biến động sát đường bình quân, thì một nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ làm cho định giá thị trường "mềm" hơn. Khả năng VN-Index chiết khấu 8% trước khi đi lên "Nhìn trong bức tranh lớn theo năm, chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chính là cơ hội. Đơn cử như nhịp điều chỉnh phiên 18/3, tôi cho rằng VN-Index sẽ đi theo xu hướng tích luỹ trong uptrend dài nhiều hơn nhịp phân phối. Với tăng từ đầu năm đến nay là 200 điểm, tương đương 12%, mức điều điều chỉnh tích luỹ 8% là hợp lý cho VN-Index", chuyên gia VFS nhận định. Với kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng, nền kinh tế cải thiện, ông Hoàng đưa ra 2 kịch bản cho thị trường. Với kịch bản trung tính, VN-Index có thể đạt tới vùng 1.317 - 1.366 với điều kiện P/E ở vùng 13,5 – 14 và tăng trưởng EPS đạt 10%. Với kịch bản tích cực, VN-Index sẽ đạt tới vùng 1.391 – 1.441 với điều kiện P/E ở vùng 14 – 14,5 và tăng trưởng EPS đạt 12%. Chuyên gia cho rằng có 3 động lực giúp TTCK đi lên:  (1) Chứng khoán vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng tiền đầu tư trong năm 2024 trong khi các kênh đầu tư khác vẫn ảm đạm. "Một phiên tăng của cổ phiếu bằng gửi tiết kiệm cả năm sẽ là câu chuyện giúp TTCK tiếp tục hấp dẫn dòng tiền trong giai đoạn tới", ông Hoàng cho biết. (2) Động lực từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và KQKD của doanh nghiệp. Trong các sóng tăng, giai đoạn đầu lãi suất duy trì thấp thường các chỉ số sẽ đi lên mạnh mẽ.  (3) Hoạt động kinh doanh cốt lõi và lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp cải thiện và tăng trưởng trở lại. Dựa trên những tiêu chí về tăng trưởng lợi nhuận, định giá hợp lý, mức độ thu hút của dòng tiền và các câu chuyện vĩ mô hỗ trợ, ông Nguyễn Minh Hoàng đánh giá Ngân hàng, Bất Động Sản và Bán lẻ sẽ là 3 nhóm ngành triển vọng cho năm 2024. Hạ Anh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

NHNN tiếp tục hút tiền sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?

Ngô Minh Ngọc   |  16/03/2024

Động thái hút tiền của NHNN có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới. Sau 4 tháng tạm dừng, ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ chào bán tín phiếu trở lại và hút gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực và đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử. Vậy động thái này có tác động ra sao đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng?   Phát hành tín phiếu ghìm áp lực tỷ giá Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT, nhận định dòng tiền đầu cơ vào 2 thị trường "shadow" là crypto và vàng giai đoạn này là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tỷ giá (áp lực mạnh nhất là trên các sàn crypto và chợ đen). Thời gian qua, cả crypto và vàng đều chạm đỉnh cao mọi thời đại khiến xu hướng đầu cơ theo đà mạnh dần. Măc dù không có số liệu cụ thể về dòng tiền đầu cơ trên 2 thị trường này không có, nhưng ông Tuấn cho rằng có cơ sở suy đoán rằng quy mô đầu cơ của Việt Nam trên crypto và vàng (đặc biệt là crypto) lớn đáng kể và có thể tạo ra các biến động mạnh trên thị trường tài chính. Hiện tại, áp lực tỷ giá từ thị trường tự do là rất lớn. Tỷ giá tự do chạm 25.700, trong khi tỷ giá P2P trên crypto cũng trên 25.800. Theo chuyên gia, áp lực tỷ giá lần này là khá đặc biệt, vì Việt Nam đang có nhiều yếu tố làm suy yếu tỷ giá (bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng , lãi suất rẻ kỷ lục, cung VND dư thừa, kinh tế thực yếu - tài chính đầu cơ được ưu tiên, tỷ lệ tham gia crypto cao). Hành động của NHNN cho thấy họ quan ngại về điều này, cũng đến thời điểm NHNN bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng can thiệp, dù hiệu quả chưa rõ ràng . Mục đích của NHNN là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn (kỳ vọng tỷ giá ngân hàng của VN ngưỡng 24.800 – 25.000 (giống USDJPY ngưỡng 150 - 152), với biên động dao động an toàn < 3%/năm). 2 kịch bản hút tiền của NHNN Dự báo về động thái tiếp theo của NHNN, chuyên gia FIDT đưa ra hai kịch bản: Kịch bản 1, NHNN hút bill nhẹ, dự đoán khoảng 120.000 – 150.000 tỷ, duy trì khoảng hơn 1 tuần với tốc độ 15.000/phiên như hiện tại. Kịch bản này xảy ra nếu xu hướng crypto và gold có dấu hiệu giảm nhiệt. Kịch bản 2, nếu xu hướng crypto và gold vào xu hướng tăng trung hạn, liên tục tạo đỉnh mới, động lượng tăng giá cao, khiến tỷ giá tự do phá đỉnh 26. 000 hoặc cao hơn nữa, ông Tuấn cho rằng NHNN hút bill mạnh. Khối lượng phát hành tín phiếu dự báo khoảng 180.000 – 200.000 tỷ là cao trong đợt này. Những số liệu dự đoán dựa trên hành động hút bill quý 3/2023 của SBV cũng như dựa trên thanh khoản dư thừa hệ thống ngân hàng hiện tại (khoảng trên 230.000 tỷ). Tác động đến thanh khoản thị trường chứng khoán Về bối cảnh kinh tế hiện tại, chuyên gia FIDT cho rằng bức tranh kinh tế tổng thể đang tốt hơn nhiều so với kỳ vọng đa số quý trước. Động thái này của NHNN có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới. "Lượng thanh khoản TTCK giai đoạn gần đây duy trì mức trên 23.000 tỷ/phiên nhờ vào 1 phần lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy trong nền kinh tế. Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của TTCK sẽ giảm phần nào đó, do các giảm rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu", ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết. Dù vậy, ông kỳ vọng việc phát hành tín phiếu của NHNN kỳ vọng ko gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý 2 , trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, nên nhìn rủi ro tăng đầu cơ của crypto và vàng là rủi ro cục bộ cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhà quản lý đang nhận ra rủi ro. Sau giai đoạn này, có thể chờ đợi vào xu hướng mới tốt hơn của thị trường. "Nhờ sự linh hoạt và xoay chiều nhanh về chính sách mà nội tại kinh tế Việt Nam đã vượt qua mùa khó tốt và tạo nền tảng kì vọng cho VN-Index trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng tác động của việc hút bill kì này cũng mang tính ngắn hạn và bối cảnh có tích cực hơn giai đoạn tháng 11/2023", Chủ tịch FIDT nhận định. Hạ Anh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook