Thị trường Chứng khoán

Chấm dứt chuỗi 24 phiên xả hàng liên tiếp, khối ngoại bất ngờ chi gần 300 tỷ đồng mua cổ phiếu Việt Nam

Ngô Minh Ngọc   |  12/07/2024

Giao dịch khối ngoại lại trở thành điểm sáng khi "quay đầu" mua ròng với giá trị 275 tỷ trên toàn thị trường, tập trung 2 cổ phiếu ngân hàng. Sau khi tăng điểm tích cực vào phiên sáng, thị trường chứng khoán Việt Nam có phần hụt hơi trong phiên chiều. Áp lực chốt lời gia tăng khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh vào cuối phiên 11/7. Đóng cửa, VN-Index giảm 2,14 điểm về 1.283,8 điểm. Thanh khoản trên HoSE sụt giảm so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt hơn 18.500 tỷ đồng. Trái với diễn biến ảm đạm của thị trường chung, giao dịch khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi "quay đầu" mua ròng với giá trị 275 tỷ trên toàn thị trường, dứt chuỗi bán ròng 24 phiên liên tiếp trước đó. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng 69 tỷ đồng. Tại chiều mua, cổ phiếu HDB và STB là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị lần lượt 450 tỷ và 328 tỷ đồng. Theo sau, SAB được gom 169 tỷ đồng. Ngoài ra, SCS và PC1 cũng được mua 108 và 62 tỷ đồng. Ngược lại, FPT chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 3 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 397 tỷ đồng, TCB và VNM cũng bị "xả" 172 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại bán ròng gần 8 tỷ đồng Tại chiều mua, MBS được mua ròng mạnh nhất với giá trị 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CEO xếp tiếp theo trong sách mua ròng mạnh trên HNX với 6 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng chi vài tỷ đồng để gom ròng PVS, SHS, VGS Chiều ngược lại, PVI là mã chịu áp lực bán ròng của khối ngoại với giá trị gần 18 tỷ đồng; theo sau IDC, NTP, DTD bị bán từ vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng. Trên UPCOM, khối ngoại mua ròng 213 tỷ đồng Chiều mua, cổ phiếu ACV bất ngờ được khối ngoại mua mạnh tay 210 tỷ đồng. Theo sau, MCH cũng được mua ròng 19 tỷ đồng, GDA được mua ròng 2 tỷ đồng. Ngược chiều, QNS bị khối ngoại bán ròng 16 tỷ đồng. Ngoài ra khối ngoại cũng bán ròng tại PHP, VEA, VGG,... Ngọc Ly - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Chứng khoán chuẩn bị bước vào "sóng" tăng mới trong nửa cuối năm 2024

Ngô Minh Ngọc   |  06/07/2024

Theo ABS, mốc xác nhận nhịp tăng mới của thị trường khi giá đóng cửa tuần giao dịch tuần vượt Kháng cự 1 ở 1.315 điểm.   Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định các chỉ số kinh tế của Việt Nam cho tín hiệu rất tích cực với GDP quý 2 đạt gần 7%, một mức ấn tượng nếu so sánh với các nước cùng khu vực và với chính số liệu trong quá khứ. Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức mở rộng sản xuất cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Khu vực dịch vụ bứt phá mạnh với khi thu nhập của người dân được cải thiện và nhu cầu dịch vụ logistics tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nội thất từ chất liệu khác gỗ, nhựa – chất dẻo, phụ liệu dệt may, da, giày... Thị trường vàng cũng đã được NHNN bình ổn khi giá vàng miếng SJC đã "đứng yên" xuyên suốt cả tháng 6 qua và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ở mức này trong tháng 7. Đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế khi dòng tiền sẽ không còn chảy vào tích trữ vàng mà sẽ được lưu thông, đóng góp cho tăng trưởng chung. Thể chế được cải thiện với việc Luật BHXH sửa đổi được thông qua, các Luật Đất đai 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 và hai điều Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, tiếp tục giảm thuế VAT thêm 2% đến hết năm 2024, tiếp tục gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ đến hết năm 2024... qua đó hỗ trợ nền kinh tế và người dân.  Mặc dù tỷ giá vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với NHNN khi liên tục leo thang trong tháng 6, song TPS cho rằng trong tháng 7 tốc độ tăng giá của cặp tiền tệ này sẽ không còn nhanh hoặc thậm chí còn quay đầu giảm khi lãi suất điều hành và lãi suất thị trường tiền đồng đã và đang tăng trở lại, cán cân thương mại đã thặng dư trở lại gần 3 tỷ USD trong tháng 6, lượng vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, triển vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 9 năm nay rõ ràng hơn. Chứng khoán sẽ bước vào nhịp tăng giá mới nửa cuối năm Thị trường chứng khoán đang vận động với dòng tiền và khối lượng giao dịch có xu hướng yếu dần khi tiến đến ngưỡng cản 1.300 điểm. Khối ngoại liên tục bán ròng các tháng vừa qua với giá trị lớn, áp lực tỷ giá tăng cùng với sự điều tiết thu hẹp thanh khoản trên thị trường tiền tệ... là các yếu tố khiến thị trường chưa đạt được sự đồng thuận cho sự bứt phá mạnh mẽ. Nhìn về mặt định giá, sau nhịp điều chỉnh nửa cuối tháng 6, P/E của VN-Index đã giảm từ mức 14,3x cuối tháng 5 xuống 14,1x cuối tháng 5, vẫn thấp hơn ngưỡng +1 Std của chỉ số này trong 1 năm qua. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12,62x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16,72x) và VNSML (18,66x) Với việc sản xuất, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu... phục hồi tích cực, các yếu tố chính sách và luật pháp được thể chế hóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, TPS. kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, thanh khoản thị trường dần được cải thiện, khối ngoại giảm dần đà bán ròng... "Chúng tôi dự báo tháng 7 là thời điểm thị trường hấp thụ tốt yếu tố tiêu cực và tạo ra vùng đi ngang tích lũy với biên độ giá lớn từ 1.300 đến 1.180, chuẩn bị cho nhịp sóng tăng của nửa cuối năm 2024. Về trung hạn, chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng đối với VN-Index tăng trưởng lên vùng 1.350-1.370-1.395 điểm theo báo cáo đầu năm. Mốc xác nhận nhịp tăng mới của thị trường khi giá đóng cửa tuần giao dịch tuần vượt Kháng cự 1 ở 1.315 điểm", báo cáo ABS nêu rõ. Về chiến lược đầu tư, sau các nhịp điều chỉnh với biên độ giá quanh 60-100 điểm sẽ luôn có hồi phục kỹ thuật nhanh với những phiên tăng điểm nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn. Đối với nhà đầu tư ưa thích giao dịch nhanh, cần căn cứ vào mốc hỗ trợ - kháng cự của thị trường và biên độ tăng giảm đặc thù cổ phiếu. Với nhà đầu tư trung dài hạn, nhịp điều chỉnh tích lũy này của thị trường sẽ là cơ hội tham gia với những mã cổ phiếu tạo ra điểm mua trung hạn- dài hạn. Các nhóm ngành ưu tiên trong tháng 7 bao gồm: Bảo hiểm, Năng lượng, BĐS KCN, BĐS nhà ở, Phân bón, Dệt may, Hàng không, Ngân hàng... Các cổ phiếu cần có triển vọng KQKD tích cực, hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô, có mô hình tích lũy phù hợp về khối lượng và thời gian, còn dư địa tăng giá. Mai Chi - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Mốc điểm 1.300 của VN-Index có thực sự quan trọng với nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam?

Ngô Minh Ngọc   |  28/06/2024

Khi VN-Index vẫn đang chật vật quanh 1.300 điểm, nhiều cổ phiếu đã bứt phá mạnh, thiết lập các mức đỉnh mới, cao nhất từ trước đến nay. Thời gian gần đây, con số 1.300 điểm lại được nhà đầu tư, các chuyên gia chứng khoán nhắc đến nhiều như một mục tiêu nhất định phải đạt đến. Chưa đầy 2 tuần trước, VN-Index đã có lần đầu tiên chạm đến cột mốc này sau 2 năm thăng trầm. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ số quay đầu giảm chóng vánh và rơi về vùng 1.250 điểm trong sự thất vọng của nhiều chứng sỹ. Thực tế, ngoài việc "tròn số", mốc 1.300 điểm không mang nhiều ý nghĩa. Bởi, khi VN-Index vẫn đang chật vật trước ngưỡng này, nhiều cổ phiếu đã bứt phá mạnh, thiết lập các mức đỉnh mới, cao nhất từ trước đến nay. Các chứng sỹ có thể thoải mái lựa chọn để có được hiệu suất đầu tư khả quan thay vì chỉ "chăm chăm" nhìn vào VN-Index. Điển hình như các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong rổ VNDiamond như FPT, PNJ, GMD, REE, ACB, TCB đều đang ở gần vùng đỉnh lịch sử cùng mức tăng hàng chục % từ đầu năm, vượt trội hoàn toàn so với VN-Index. Hiệu suất cao của những "viên kim cương" này giúp chỉ số VNDiamond cũng đang ở trên vùng đỉnh, cao hơn cả thời kỷ VN-Index 1.500 điểm hồi tháng 4/2022. VNDiamond là chỉ số được Sở giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HoSE) công bố vào ngày 18/11/2019. Điểm khác biệt lớn nhất giữa VN Diamond và những chỉ số khác đó là hệ số FOL (Foreign Ownership Limit) - giới hạn tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài. Những cổ phiếu nào có hệ số FOL đạt tối thiểu 95% có khả năng được xem xét để đưa vào rổ VNDiamond.   Ngoài rổ VNDiamond, vẫn còn nhiều cổ phiếu niêm yết đơn lẻ như HVN, FRT, CTR, VTP, HAH, IDC,… đã tăng mạnh từ đầu năm và đang ở gần vùng đỉnh lịch sử. Không chỉ các cổ phiếu niêm yết, sàn giao dịch UPCoM cũng có nhiều đại diện ưu tú, tăng mạnh thời gian qua và đang trên vùng đỉnh cao nhất từ trước đến nay. UPCoM lâu nay vẫn ít được chú ý nhưng thực tế lại là nơi ẩn chứa rất nhiều cái tên "khủng". Trong khối DNNN, những cái tên như Cảng hàng không (ACV), VEAM Corp (VEA), Viettel Global (VGI), VIMC (MVN),… đều bứt phá mạnh thời gian qua. Trong khối doanh nghiệp tư nhân, Masan Consumer (MCH), FPT Telecom (FOX), Đường Quảng Ngãi (QNS),… cũng không kém cạnh. Điểm đặc biệt của sàn UPCoM là các đại diện sáng giá trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ viễn thông, công nghệ, cảng, vận tải biển, công nghiệp, hàng không,… Điều này khác biệt hoàn toàn so với trên HoSE khi ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm ngành chiếm tỷ trọng áp đảo dù nhiều doanh nghiệp địa ốc đã sa sút thời gian qua. Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sự phân hoá rõ rệt. Các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững vàng, tình hình kinh doanh chuyển biến khởi sắc cùng những câu chuyển riêng hấp dẫn sẽ tiếp tục đi lên trong khi các doanh nghiệp có bệ đỡ lỏng lẻo hơn hoặc lĩnh vực hoạt động gặp nhiều thách thức sẽ dần đánh mất vị thế. Sự phân hoá kéo dài khiến VN-Index dậm chân tại chỗ nhưng cơ hội đầu tư hấp dẫn vẫn luôn tồn tại. Có một thực tế rõ ràng là VN-Index trong suốt 24 năm lịch sử chủ yếu nằm dưới vùng 1.300 điểm nhưng vẫn có những cổ phiếu không ngừng vượt đỉnh cùng mức tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần tập trung nhiều hơn vào phân tích doanh nghiệp thay vì quá quan tâm chỉ số. Thêm nữa, việc đa dạng hoá khẩu vị, không chỉ bó hẹp trong những nhóm ngành quen thuộc như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán,… cũng sẽ giúp nhà đầu tư tránh được việc bỏ lỡ những cơ hội lớn. Một minh chứng điển hình là Pyn Elite Fund - quỹ ngoại có quy mô đến 780 triệu EUR (21.000 tỷ đồng). Mặc dù vẫn đặt niềm tin lớn vào nhóm ngân hàng nhưng quỹ cũng đang phân bổ lượng vốn lớn vào các ngành khác như hàng không (ACV, HVN), công nghệ (FPT, CMG), bán lẻ (PNJ), chăn nuôi (DBC). Điều này giúp quỹ cải thiện hiệu suất đáng kể trong thời gian qua dù thị trường không thật sự thuận lợi. Về cơ bản, với nhiều tiêu chí khắt khe, đa phần các quỹ đầu tư lớn sẽ khó giải ngân vào các cổ phiếu chưa niêm yết trên UPCoM hoặc các cổ phiếu cỡ vừa và nhỏ, dù biết có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với nhà đầu tư cá nhân, điều này rõ ràng không phải trở ngại. Mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở việc chọn cổ phiếu, doanh nghiệp và kỷ luật trong đầu tư. Hà Linh- An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index nếu vượt vùng 1.300 sẽ trở lại "sóng" tăng sớm, nhà đầu tư ưu tiên các nhóm ngành phục hồi theo chu kỳ kinh tế

Ngô Minh Ngọc   |  23/06/2024

Chuyên gia cho rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư theo ngành để đón dòng tiền xoay chuyển là một chiến lược nhà đầu tư có thể áp dụng. Việc lựa chọn cổ phiếu cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng khi sự phân hóa diễn ra ngày càng rõ nét. Thị trường chứng khoán tuần 17-21/6 ghi nhận diễn biến sideway quanh khu vực 1.270-1.290 điểm của VN-Index. Thị trường chỉ vận động trong biên độ hẹp với giá trị giao dịch thấp hơn khoảng 10% so với tuần trước. So với tuần trước, VN-Index tăng 2,11 điểm (+0.16%) lên 1.282,02 điểm. Điểm trừ đến từ dòng vốn ngoại khi khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 5.000 tỷ đồng xuyên suốt 5 phiên giao dịch vừa qua. Nhận định về thị trường tuần tới, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào các cơ hội tại nhóm ngành và doanh nghiệp kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt, đi liền với sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ phiếu cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng khi sự phân hóa diễn ra ngày càng rõ nét. Thị trường cần tích luỹ thêm, nhịp chỉnh là cơ hội mua vào Theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, VN-Index đã có tuần tăng nhẹ, tuy nhiên diễn biến tương đối thận trọng và phân hóa với việc thanh khoản thấp và khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, bối cảnh trong và ngoài nước vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ông Huy cho rằng thị trường vẫn cần tích lũy thêm 1-2 tuần trước khi chờ đợi những thông tin hỗ trợ mới từ số liệu kinh tế quý 2 và mùa KQKD mới. Hỗ trợ mạnh của thị trường là 1.240-1.250 điểm và thị trường vẫn có kịch bản kiểm định vùng hỗ trợ này trong trường hợp cầu suy yếu. Các nhịp điều chỉnh về vùng này là cơ hội mua. Trường hợp tích cực nếu VN-Index vượt qua vùng quanh 1.290 điểm sẽ có thể trở lại sóng tăng sớm hơn dự kiến. Đồng thời, vị chuyên gia chưa thấy khả năng thị trường tiêu cực giảm quá vùng 1.240-1.250 điểm. Bàn về động thái bán ròng miệt mài của khối ngoại, ông Huy cho rằng đà bán sẽ tiếp tục mạnh trong các phiên sắp tới do nguyên nhân chênh lệch lãi suất và sự phân bổ vốn trong phạm vi toàn cầu. Áp lực bán ròng của khối ngoại là đáng lo nhưng thực sự là điều thị trường cần chấp nhận do môi trường lãi suất thấp. Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Huy nhận định chiến lược phù hợp là nắm giữ tỷ trọng nhất định, chờ chỉnh sâu hơn hoặc đợi thị trường rõ kịch bản rồi hành động. Các nhóm ngành phục hồi theo chu kỳ kinh tế vẫn sẽ được ưu tiên. Liên quan tới bức tranh mùa KQKD quý 2, theo chuyên gia sẽ có những diễn biến tương tự với bức tranh quý đầu năm theo hướng tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng lợi nhuận đồng thuận với sự phục hồi của nền kinh tế. Các nhóm ngành nổi bật có thể kể đến là Công nghệ thông tin, Tài nguyên cơ bản, Vật liệu xây dựng, Du lịch và giải trí, Bán lẻ, Viễn Thông, Thực phẩm đồ uống,… vì số liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra tích cực. Trong khi đó đối với các doanh nghiệp BĐS hay Ngân hàng, ông Huy đánh giá sẽ còn nhiều khó khăn khi tình hình thị trường BĐS vẫn còn khá ảm đạm và phải chờ những cú hích từ các chính sách mới. Tăng trưởng KQKD quý I-2024. Nguồn: Fiiinpro, DSC.(“+” là những nhóm ngành dự kiến có thể duy trì được sự tăng trưởng KQKD trong quý II-2024). Lưu ý ở đây dùng nhóm ngành cấp 2, ở câu 2 sẽ chi tiết hơn các nhóm ngành cấp 3 trong các nhóm cấp 2 này. Thị trường tập trung vào bức tranh kết quả kinh doanh quý 2, nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư theo ngành Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco đánh giá đây là nhịp tái tích lũy của thị trường chung sau phiên giảm điểm mạnh ngày 14/6. Mặc dù sóng ngành vẫn liên tục xoay vòng để giữ dòng tiền trên thị trường, áp lực bán đang có dấu hiệu gia tăng mỗi khi VN-Index tiến tới vùng kháng cự 1.295-1.300 điểm. Thị trường chưa có động lực để bứt phá mạnh mẽ do đang ở vùng trũng thông tin khi mùa đại hội cổ đông đã qua đi và sự chú ý đang đổ dồn vào KQKD quý 2. Tuy nhiên, với quy mô thanh khoản ngày càng tăng của thị trường được hỗ trợ bởi dòng vốn nội, ông Khoa cho rằng xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn được bảo toàn, nhưng sẽ cần thêm thời gian để kiểm định lại lực cầu khi chỉ số đang tiến gần hơn tới vùng kháng cự 1.300 điểm. Theo ông Khoa, bất chấp động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số VN-Index vẫn tương đối tích cực với trợ lực chủ yếu đến từ dòng vốn nội. Bên cạnh đó, các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đang tiến gần hơn đến chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong thời gian tới. Ngoài ra, mùa công bố KQKD quý 2 đang tới gần, với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trên toàn thị trường, nhà đầu tư có thể ưu tiên tập trung vào triển vọng lợi nhuận của các nhóm ngành, từ đó sàng lọc các mã cổ phiếu tiềm năng còn dư địa tăng trưởng và định giá hấp dẫn để tìm kiếm các cơ hội đầu tư chất lượng. Liên quan tới câu chuyện nâng hạng thị trường, chuyên gia đến từ Agriseco cho rằng, kỳ vọng về câu chuyện nâng hạng sẽ trở nên rõ nét hơn trong khoảng thời gian cuối quý 3 – đầu quý 4 năm nay khi các nút thắt của thị trường Việt Nam dần có dấu hiệu được gỡ bỏ. Do vậy trong ngắn hạn, kết quả phân loại thị trường định kỳ có lẽ sẽ không làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Vị chuyên gia cho rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư theo ngành để đón dòng tiền xoay chuyển là một chiến lược nhà đầu tư có thể áp dụng. Việc lựa chọn cổ phiếu cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng khi sự phân hóa diễn ra ngày càng rõ nét. Các nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận tích cực so với cùng kỳ như Bán lẻ, Thép, Xuất khẩu, Xây dựng, Công nghệ thông tin – Viễn thông và Dầu khí được dự báo sẽ có khả năng thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu với định giá rẻ cũng là một sự lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư, có thể kể đến nhóm ngân hàng khi mặt bằng P/B ngành quay trở lại mức 1,5x – mức định giá tương đối thấp so với thị trường chung (1,8) và so với trung bình 5 năm gần đây của nhóm ngành này (1,8x). Bắc Kiên - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày khai mạc Euro 2024

Ngô Minh Ngọc   |  15/06/2024

Không chỉ Việt Nam, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đều biến động theo chiều hướng đi xuống. Ngược lại, các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,… lại chứng kiến sự khởi sắc. Đêm nay, UEFA Euro 2024 sẽ chính thức khởi tranh với sự góp mặt của 24 đội bóng hàng đầu Châu Âu. Người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đang háo hức chờ đợi tiếng còi khai cuộc ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất năm. Dù vậy, không ít chứng sỹ yêu bóng đá tại Việt Nam sẽ cảm thấy kém vui trong ngày hôm nay khi thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm mạnh.   Áp lực bán đè nặng trên diện rộng khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép… chìm trong sắc đỏ. Chỉ một vài điểm sáng trong nhóm viễn thông, công nghệ vẫn giữ được sắc xanh. VN-Index kết phiên 14/6 đánh rơi 21,6 điểm (-1,66%) xuống dưới 1.280 điểm. Giao dịch rất sôi động với thanh khoản khớp lệnh trên HoSE đạt gần 27.000 tỷ đồng. Biến động các chỉ số chứng khoán Việt Nam ngày 14/6 Mức giảm 1,66% đưa VN-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày 14/6. Không chỉ Việt Nam, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đều biến động theo chiều hướng đi xuống. Ngược lại, các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,… lại chứng kiến sự khởi sắc. Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày 14/6 Phiên giảm có phần bất ngờ diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vùng trũng thông tin sau mùa ĐHĐCĐ với nhiều kỳ vọng tăng trưởng cao so với thực tế. Theo SGI Capital, định giá chung không còn rẻ và nhóm doanh nghiệp phi tài chính đã vào vùng đắt. Thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ vay margin/vốn hóa cao kỷ lục. Các cân đối này đang cho thấy rủi ro tăng lên và mức độ hấp dẫn của thị trường giảm đi.   Bên cạnh đó, áp lực bán ròng không ngớt từ khối ngoại cũng tác động đến tâm lý thị trường. Từ đầu tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm lên hơn 42.500 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 5, chứng khoán Việt Nam đã hứng chịu lực bán ròng mạnh nhất từ trước đến nay với giá trị 15.600 tỷ đồng tính riêng trên HoSE. Theo SGI Capital, khối ngoại bán ròng triền miên có thể đến từ lo ngại rủi ro tỷ giá khi nền lãi suất VND hạ thấp so với thế giới, thoái vốn một số nhóm cổ phiếu có rủi ro cục bộ cao, và ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng chung khỏi nhóm các thị trường mới nổi… Quỹ đầu tư này nhận định xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc đảo chiều. Kể từ 1/2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 110.000 tỷ, phát hành cho cổ đông hiện hữu 160.000 tỷ và cổ đông nội bộ/cổ đông lớn đã bán 30.000 tỷ. Hơn 300.000 tỷ nguồn cung này được hấp thụ bởi nhà đầu tư nội thông qua một nửa là tiền nộp mới và một nửa là dư nợ margin tăng thêm. Hệ quả là mức margin/vốn hoá đã tăng lên mức kỷ lục 3,7% tính trên vốn hoá HoSE cuối quý 1/2024. Trong bối cảnh áp lực bán ròng khối ngoại tăng kỷ lục, các đợt phát hành tăng vốn mới đang tăng tốc và cổ đông nội bộ tăng bán gần đây, thị trường cần dòng tiền nộp mới gia tăng mạnh để duy trì xu hướng tích cực một cách bền vững. Nhưng thanh khoản trên thị trường lại đang giảm đi gần đây, dòng tiền nội đã không tăng lên đủ mạnh và tỷ lệ margin tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới. Nguồn: SGI Capital Về mặt điểm số, báo cáo mới đây của VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 trong tháng 6. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây. Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá mạnh hơn có thể khiến NHNN khó giữ được định hướng mặt bằng lãi suất hiện tại và gián tiếp tác động tiêu cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như điểm số của thị trường. Với kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý 2 khả quan sẽ lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ, đội ngũ phân tích cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận có thể phục hồi dần theo quý, hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường trong tháng 6. Hà Linh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều tài khoản chứng khoán như hiện nay

Ngô Minh Ngọc   |  08/06/2024

Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 5 lên đến gần 7,9 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,87 triệu tài khoản, tương đương gần 8% dân số Việt Nam. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 132.010 tài khoản trong tháng 5/2024, cao hơn 21.000 tài khoản so với mức tăng của tháng 3 trước đó. Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 5 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 131.839 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 171 tài khoản. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 645.000 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 5 lên đến gần 7,9 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,87 triệu tài khoản, tương đương gần 8% dân số. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng tài khoản chứng khoán tăng mạnh trong bối cảnh thị trường giao dịch khởi sắc. Chỉ số VN-Index tăng 4,32% trong tháng 5 qua đó trở lại gần vùng đỉnh 2 năm. Đà tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi dòng tiền nội trong khi khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng không ngớt tay. Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng hơn 15.600 tỷ đồng trên HoSE trong tháng 5, đặc biệt dồn dập vào nửa cuối tháng. Con số này vượt qua mức kỷ lục cũ ghi nhận hồi tháng 5/2021, qua đó trở thành tháng "xả" hàng mạnh nhất của dòng vốn ngoại trong suốt lịch sử 24 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối ngoại liên tục bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoại tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Cụ thể, số lượng tài khoản đã tăng 210 đơn vị trong tháng 5, thấp hơn so với mức tăng 242 tài khoản của tháng 4, trong đó cá nhân tăng 217 tài khoản, ngược lại tổ chức giảm 7 tài khoản. Tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 46.367. Hà Linh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook