Thị trường Chứng khoán

NHNN tiếp tục hút tiền sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?

Ngô Minh Ngọc   |  16/03/2024

Động thái hút tiền của NHNN có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới. Sau 4 tháng tạm dừng, ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ chào bán tín phiếu trở lại và hút gần 15.000 tỷ đồng khỏi hệ thống. Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực và đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử. Vậy động thái này có tác động ra sao đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng?   Phát hành tín phiếu ghìm áp lực tỷ giá Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP FIDT, nhận định dòng tiền đầu cơ vào 2 thị trường "shadow" là crypto và vàng giai đoạn này là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tỷ giá (áp lực mạnh nhất là trên các sàn crypto và chợ đen). Thời gian qua, cả crypto và vàng đều chạm đỉnh cao mọi thời đại khiến xu hướng đầu cơ theo đà mạnh dần. Măc dù không có số liệu cụ thể về dòng tiền đầu cơ trên 2 thị trường này không có, nhưng ông Tuấn cho rằng có cơ sở suy đoán rằng quy mô đầu cơ của Việt Nam trên crypto và vàng (đặc biệt là crypto) lớn đáng kể và có thể tạo ra các biến động mạnh trên thị trường tài chính. Hiện tại, áp lực tỷ giá từ thị trường tự do là rất lớn. Tỷ giá tự do chạm 25.700, trong khi tỷ giá P2P trên crypto cũng trên 25.800. Theo chuyên gia, áp lực tỷ giá lần này là khá đặc biệt, vì Việt Nam đang có nhiều yếu tố làm suy yếu tỷ giá (bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng , lãi suất rẻ kỷ lục, cung VND dư thừa, kinh tế thực yếu - tài chính đầu cơ được ưu tiên, tỷ lệ tham gia crypto cao). Hành động của NHNN cho thấy họ quan ngại về điều này, cũng đến thời điểm NHNN bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng can thiệp, dù hiệu quả chưa rõ ràng . Mục đích của NHNN là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn (kỳ vọng tỷ giá ngân hàng của VN ngưỡng 24.800 – 25.000 (giống USDJPY ngưỡng 150 - 152), với biên động dao động an toàn < 3%/năm). 2 kịch bản hút tiền của NHNN Dự báo về động thái tiếp theo của NHNN, chuyên gia FIDT đưa ra hai kịch bản: Kịch bản 1, NHNN hút bill nhẹ, dự đoán khoảng 120.000 – 150.000 tỷ, duy trì khoảng hơn 1 tuần với tốc độ 15.000/phiên như hiện tại. Kịch bản này xảy ra nếu xu hướng crypto và gold có dấu hiệu giảm nhiệt. Kịch bản 2, nếu xu hướng crypto và gold vào xu hướng tăng trung hạn, liên tục tạo đỉnh mới, động lượng tăng giá cao, khiến tỷ giá tự do phá đỉnh 26. 000 hoặc cao hơn nữa, ông Tuấn cho rằng NHNN hút bill mạnh. Khối lượng phát hành tín phiếu dự báo khoảng 180.000 – 200.000 tỷ là cao trong đợt này. Những số liệu dự đoán dựa trên hành động hút bill quý 3/2023 của SBV cũng như dựa trên thanh khoản dư thừa hệ thống ngân hàng hiện tại (khoảng trên 230.000 tỷ). Tác động đến thanh khoản thị trường chứng khoán Về bối cảnh kinh tế hiện tại, chuyên gia FIDT cho rằng bức tranh kinh tế tổng thể đang tốt hơn nhiều so với kỳ vọng đa số quý trước. Động thái này của NHNN có thể gây thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút diễn ra liên tục sắp tới. "Lượng thanh khoản TTCK giai đoạn gần đây duy trì mức trên 23.000 tỷ/phiên nhờ vào 1 phần lượng thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính và lãi suất rẻ kỷ lục chảy trong nền kinh tế. Với việc thắt chặt lượng vốn dư thừa trên liên ngân hàng, có thể quan ngại lượng cầu mua của TTCK sẽ giảm phần nào đó, do các giảm rủi ro về thanh khoản ngắn hạn và tâm lý nhà đầu", ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết. Dù vậy, ông kỳ vọng việc phát hành tín phiếu của NHNN kỳ vọng ko gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi - cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý 2 , trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, nên nhìn rủi ro tăng đầu cơ của crypto và vàng là rủi ro cục bộ cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhà quản lý đang nhận ra rủi ro. Sau giai đoạn này, có thể chờ đợi vào xu hướng mới tốt hơn của thị trường. "Nhờ sự linh hoạt và xoay chiều nhanh về chính sách mà nội tại kinh tế Việt Nam đã vượt qua mùa khó tốt và tạo nền tảng kì vọng cho VN-Index trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng tác động của việc hút bill kì này cũng mang tính ngắn hạn và bối cảnh có tích cực hơn giai đoạn tháng 11/2023", Chủ tịch FIDT nhận định. Hạ Anh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Chủ tịch UBCKNN làm việc với Thống đốc Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc

Ngô Minh Ngọc   |  09/03/2024

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBCKNN đánh giá cao sự hỗ trợ của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc nói chung và FSS nói riêng; đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giám sát thị trường và tăng cường chia sẻ thông tin giữa thị trường vốn của hai nước. Trong khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc của Đoàn công tác Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chiều ngày 7/3/2024, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã có buổi làm việc với ông Lee Bok-hyun, Thống đốc Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS). Cùng tham dự buổi làm việc, về phía UBCKNN có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Sở GDCK Việt Nam, Sở GDCK Tp. HCM, Sở GDCK Hà Nội.   Toàn cảnh buổi làm việc Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương trân trọng cảm ơn Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc và Văn phòng đại diện FSS tại Việt Nam đã nhiệt tình hỗ trợ Bộ Tài chính, UBCKNN tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tại Seoul để kết nối nhà đầu tư Hàn Quốc với thị trường vốn của Việt Nam. Hội nghị đã tổ chức thành công, thu hút hơn 200 đại biểu từ các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự. Chủ tịch UBCKNN cho biết hiện nay, Hàn Quốc là một trong 03 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp lớn nhất vào Việt Nam và khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam. Chủ tịch UBCKNN (thứ tư, từ phải sang) và Thống đốc Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc Lee Bok-hyun (thứ năm, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm Chủ tịch UBCKNN cho biết thị trường vốn của Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển vượt bậc, khi năm 2001 chỉ có 03 cổ phiếu niêm yết thì đến nay thị trường đã có 1.600 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 02 sở GDCK. Mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán đã đạt 270 tỷ USD, đạt 63% GDP; số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK ngày càng đông với khoảng 7,4 triệu tài khoản nhà đầu tư, chiếm 7,2% dân số. Hiện nay, tổ chức xếp hạng FTSE Russell đang theo dõi xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Về sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên TTCK Việt Nam, Chủ tịch UBCKNN cũng vui mừng chia sẻ với Thống đốc tình hình hoạt động kinh doanh của 03 công ty quản lý quỹ và 08 công ty chứng khoán đến từ Hàn Quốc đang cung cấp các dịch vụ về chứng khoán cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2023, có 2 công ty chứng khoán nằm trong thị phần môi giới top 10 trong 82 công ty chứng khoán đang hoạt động bình thường trên TTCK Việt Nam. Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBCKNN đánh giá cao sự hỗ trợ của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc nói chung và FSS nói riêng; đồng thời, bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm giám sát thị trường và tăng cường chia sẻ thông tin giữa thị trường vốn của hai nước. Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương trao quà lưu niệm đến Thống đốc Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lee Bok-hyun, Thống đốc FSS cho biết hiện có nhiều quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và nhà đầu tư quan tâm, mong muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc cũng rất khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng đầu tư ra nước ngoài và FSS rất hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các thị trường lân cận và Việt Nam. Đặc biệt, ông Lee Bok-hyun khẳng định FSS và Chính phủ Hàn Quốc mong muốn thị trường vốn Hàn Quốc cũng như Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để ngày càng phát triển ổn định. FSS sẵn sàng phối hợp với UBCKNN Việt Nam thực hiện các hoạt động hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Cũng tại buổi làm việc, hai bên cùng trao đổi, cung cấp nhiều thông tin, kinh nghiệm về quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chứng khoán và vận hành thị trường chứng khoán. Theo Hà Linh - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

VNIndex Phiên giao dịch ngày 05/03/2024: Thị trường tăng điểm tuy nhiên vẫn cần thận trọng?

Ngô Minh Ngọc   |  05/03/2024

Kết phiên giao dịch ngày 05/03/2024, VNIndex tăng 8,57 điểm tương đương tăng 0,68%, đóng cửa tại mức 1269,98 điểm, VN30 và UPCOM cũng đồng thuận tăng điểm, duy nhỉ có HNX giảm nhẹ vào cuối phiên. Tâm lý vô cùng thận trọng diễn ra trong phiên giao dịch ngày hôm nay ngay từ khi thị trường mở cửa. Nối tiếp đà tăng của những phiên giao dịch trước đó VNIndex mở cửa trong sắc xanh tuy nhiên, ngau sau đó đảo chiều giảm về dưới mức tham chiếu chỉ sau phiên ATO. Thị trường tăng giảm xung quanh vùng tham chiếu xuyên suốt phiên sáng. Vào thời điểm thị trường giảm điểm, khối lượng giao dịch giảm, các nhà đầu tư khá dè dặt trong việc quyết định tham gia vào thị trường hay chốt lời đứng ngoài quan sát thị trường. Cung cầu giằng co xuyên suốt phiên sáng, nhóm ngành ngân hàng tăng tốt trong thời gian qua cũng chìm trong sắc đỏ, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản sau phiên tăng tốt thì nay đảo chiều giảm điểm ngay trong phiên sáng, nhóm ngành dịch vụ tài chính cũng không mang lại dấu hiệu tích cực. Tất cả sự nỗ lực trong phiên sáng đến từ các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bán lẻ  (MWG, DGW, MSN) và nhóm ngành phân bón sản xuất nông nghiệp (DPM, DCM). Kết thúc phiên sáng bằng 1 cây nến đỏ doji cho thấy sự lưỡng lự giữa bên mua và bên bán trong phiên. Nguồn ảnh: FireAnt Sang đến phiên chiều, thị trường tiếp tục giảm điểm về vùng tiệm cận hỗ trợ cứng 1250 nhưng ngay sau đó bật tăng trở lại, khối lượng tăng dần đến cuối phiên, thị trường tăng điểm trở lại. Nhóm ngành chứng khoán lội ngược dòng sau phiên sáng, làm rất tốt vai trò của mình khi CTS (Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam) nhanh chóng  đạt mức giá trần. “Anh cả nhóm ngành bán lẻ” MASAN (MSN) cũng đạt mức giá trần đến hết phiên giao dịch. Có thể thấy sự thận trọng đang bao trùm lên cả thị trường. Các tín hiệu kỹ thuật đều đang đồng thuận cho dấu hiệu tích cực, giá vẫn đang đi sát theo dải trên của BOLLINGER BAND, BAND đang có xu hướng mở rộng ra, đường MACD và SIGNAL đều cho xu hướng đi lên, histogram chuyển sang màu xanh đậm, RSI tiến đến gần mốc 80 vẫn đang cho xu hướng đi lên. RSI đang ở trạng thái quá mua trong khoảng thời gian gần đây, do đó các nhà đầu tư nên thận trọng, quản trị tốt danh mục đầu tư và tài sản của mình vì có thể sẽ diễn ra một vài phiên điều chỉnh giảm trong một xu hướng tăng vào thời gian tới đặc biệt thị trường đang tiến gần đến mức kháng cự mới 1280 điểm, do đó cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư hay chốt lời khi đã đạt đến mức lợi nhuận kỳ vọng nhất định. Hiện tại danh mục đầu tư khuyến nghị của Phòng Chứng khoán Công ty Cổ phần Thương mại Cao Bắc (CBH) vẫn đang đạt được mức kỳ vọng lợi nhuận rất tích cực. Dưới đây là bảng khuyến nghị cổ phiếu của CBH: Nguồn: Phòng Chứng khoán Công ty Cổ phần Thương mại Cao Bắc
Xem thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong 2025

Ngô Minh Ngọc   |  01/03/2024

"Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 sáng ngày 28/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự vui mừng khi sau 25 năm xây dựng và phát triển TTCK, một hội nghị liên quan tới chứng khoán được tổ chức với sự tham gia và quan tâm rất lớn của hàng trăm đại biểu.   Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột. Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu. Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng bày tỏ: "Chúng ta cùng nhau xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam còn non trẻ. Qua 25 năm, thị trường có nhiều thăng trầm, đột phá và đang tiếp tục phát triển theo tinh thần tiến kịp, đi cùng, tăng tốc, nên không thể không có những khó khăn, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong". Theo Thủ tướng, trong hai năm vừa qua, các chủ thể đã cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn. Nhờ đó, nếu năm 2022 là năm thăng trầm của thị trường thì năm 2023 đã khắc phục nhiều khó khăn, cải thiện tình hình, tập trung làm những việc phải làm và có tiến bộ hơn; năm 2024 phải tăng tốc và năm 2025 phải bứt phá. Điều này cần cùng phát huy trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, các nhà phát hành và của các chủ thể liên quan. Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng trước hết phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của TTCK Việt Nam. Theo đó, TTCK là một cấu phần quan trọng của thị trường tài chính (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) nói riêng và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta nói chung. Khi phát triển đến trình độ cao, TTCK có vai trò là "hàn thử biểu" của nền kinh tế.  TTCK cũng là một kênh đầu tư linh hoạt, hấp dẫn của các tổ chức và cá nhân đầu tư; đồng thời là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. "Tóm lại, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh. Mai Chi - An ninh Tiền tệ
Xem thêm

Thói quen “xả hàng” sau Tết của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngô Minh Ngọc   |  23/02/2024

Trong 5 năm trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng bán ròng mạnh tay giai đoạn sau Tết Nguyên đán (tháng 2-3 dương lịch).   Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có một phiên điều chỉnh dưới áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Tính riêng trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng gần 940 tỷ đồng trong phiên 22/2, mạnh nhất kể từ đầu năm 2024. Giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu tháng 2 lên đến gần 2.000 tỷ đồng. Trước đó, khối ngoại đã mua ròng nhẹ gần 180 tỷ đồng trong tháng đầu năm. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã có 4 năm liên tiếp bán ròng trong tháng 2 và nhiều khả năng sẽ còn tiếp nối trong năm nay khi động thái xả hàng của khối ngoại đang có dấu hiệu gia tăng gần đây. Nhìn chung, trong 5 năm từ 2020, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng mạnh tay giai đoạn sau Tết Nguyên đán (tháng 2-3 dương lịch). Động thái xả hàng sau Tết của khối ngoại một phần nào đó mang tính chốt lời khi thị trường thường khởi sắc với hiệu ứng tháng Giêng. Thực tế, VN-Index cũng đã tăng gần 10% từ đầu năm 2024. Vì thế, áp lực chốt lời của khối ngoại cũng là điều dễ hiểu sau khi đã mua ròng giai đoạn trước Tết thường rơi vào tháng 1 dương lịch. Đà bán ròng của khối ngoại đầu năm nay có sự "góp sức" của dòng vốn rút ra khỏi các quỹ ETFs. Riêng trong tháng đầu năm, các ETFs đã rút ròng khoảng 1.100 tỷ đồng với tâm điểm là 2 quỹ nội DCVFM VNDiamond ETF và SSIAM VNFinLead ETF. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong tháng 2 nhưng áp lực đã vơi đi đáng kể. Thay vào đó, các quỹ chủ động lại đẩy mạnh bán ròng. Nhìn lại dữ liệu quá khứ, sau giai đoạn bán ròng tháng 2-3, khối ngoại thường có thói quen mua ròng khá mạnh trong quý 2 (ngoại trừ năm ngoái với chuỗi 9 tháng bán ròng liên tiếp). Tuy nhiên, giai đoạn "dễ thở" cũng không kéo dài lâu khi nửa cuối năm thường chứng kiến động thái xả hàng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây. Năm 2024, giới phân tích đang kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều hoặc ít nhất là giảm áp lực bán ròng so với năm trước. Trong báo cáo chiến lược mới công bố, SSI Research cho rằng xu hướng của dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025. Mặc dù dòng vốn ngoại có thể chưa hồi phục ngay lập tức nhưng ít nhất áp lực bán ròng có thể sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước. Trong khi đó, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC cho rằng dòng vốn nước ngoài dự báo vẫn bán ròng trên thị trường niêm yết vì câu chuyện chênh lệch lãi suất. Năm 2024, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND vẫn tiếp tục diễn ra và NHNN sẽ tiếp tục giữ vững lãi suất thấp hiện nay. "Cũng có thể lãi suất đồng USD vẫn cao, và không loại trừ khả năng "sẽ lên cao nữa thay vì giảm như mọi người nghĩ" do lạm phát vẫn đang là vấn đề lớn – còn quá sớm để nói việc giảm được lạm phát" – CEO Chứng khoán HSC chia sẻ. Tuy nhiên, ông Giang cũng đánh giá lòng tin vào thị trường chứng khoán đã tốt hơn và động thái bán ròng nếu có cũng sẽ nhẹ hơn. Về dài hạn, câu chuyện nâng hạng thị trường lên mới nổi được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thu hút dòng vốn ngoại đến với chứng khoán Việt Nam. Với mức vốn hóa free float của thị trường Việt Nam vào khoảng 35 tý USD, ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE EM vào khoảng 0,7-1% và FTSE Global là 0,1%. Điều này có thể giúp chứng khoán Việt Nam ngay lập tức thu hút được khoảng 1,7-2,5 tỷ USD khi quyết định nâng hạng của FTSE Russel có hiệu lực.   Nguồn: Hà Linh - Đời sống Pháp luật
Xem thêm

Lý do lãi vay margin 'rẻ'

Ngô Minh Ngọc   |  17/02/2024

Mặt bằng lãi suất về mức thấp, lãi cho vay ký quý (margin) tại các công ty chứng khoán đang có xu hướng giảm. Thậm chí, một số công ty áp dụng lãi suất 0% trong giai đoạn nhất định.   Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động tiết kiệm của thị trường xuống “đáy”. Có ngân hàng huy động vốn kỳ hạn 12 tháng với lãi suất dưới 5%/năm. Ở đầu ra, lãi suất cho vay, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh. Trong bối cảnh này, dù có độ trễ, nhưng các công ty chứng khoán cũng bắt đầu giảm lãi suất margin . Chứng khoán Techcombank (TCBS) đang áp dụng một loạt chính sách ưu đãi với nhà đầu tư mới, gồm: Miễn phí chọn số tài khoản chứng khoán đẹp, miễn phí giao dịch cổ phiếu. Lãi suất vay ký quỹ 7,9%/năm với dư nợ ký quỹ trong 180 ngày kể từ ngày giải ngân đầu tiên Chứng khoán Shinhan Việt Nam áp dụng lãi vay margin 8,8%/năm Lãi suất ưu đãi margin được áp dụng trong 6 tháng kể từ sau 1 ngày (T+1) dư nợ margin đạt từ 200 triệu đồng trong thời gian chương trình. Chương trình kéo dài đến 30/4 hoặc khi hết hạn mức. Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) áp dụng chính sách miễn lãi margin cho khách hàng trong 30 ngày với mức vay tối đa 100 triệu đồng. Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng áp dụng lãi suất 0% cho 1000 khách hàng mở mới tài khoản ký quỹ và đăng ký đầu tiên. Trước đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đang có lãi suất margin ưu đãi 8%/năm, áp dụng trong 6 tháng với hạn mức vay không giới hạn... Lãi suất vay margin tại các công ty chứng khoán đang có xu hướng giảm. Tín hiệu giảm lãi margin cũng xuất hiện ở nhiều công ty chứng khoán khác như DNSE, Rồng Việt (VDSC), Vietcap. Công ty trong hệ sinh thái ngân hàng như MBS cũng điều chỉnh giảm lãi suất khoản vay margin thông thường của khách hàng cá nhân. SSI hoàn lãi margin 20% trên lãi thực thu hàng tháng, tối đa 5 triệu đồng/tháng và 50 triệu đồng/năm. Mùa báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa qua cho thấy dữ liệu đáng lưu ý của các công ty chứng khoán. Dư nợ cho vay margin tiếp tục xu hướng tăng, bất chấp chứng khoán trong nước sụt giảm vào các tháng cuối năm, thanh khoản thấp. Thống kê của một chuyên trang tài chính từ báo cáo tài chính quý IV cho thấy dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý IV ước tính khoảng 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý IV. Trong đó, dư nợ margin ước vào khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ trong ba tháng cuối năm. TCBS dẫn đầu với số dư cho vay margin tăng gần 3.800 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái, đưa tổng dư nợ cho vay margin 16.260 tỷ đồng. Trong vòng 1 năm, số dư cho vay này của TCBS đã tăng tới 80%. Đáng chú ý, xu hướng tăng mạnh này diễn ra sau khi TCBS được ngân hàng mẹ Techcombank tăng vốn vào quý II/2023. Chứng khoán SSI đứng thứ 2, với dư nợ cho vay margin 14.670 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Quý IV, SSI lùi xuống vị trí thứ 2, sau khi bị đối thủ TCBS vượt mặt. Chứng khoán Mirae Asset, HSC, VPS... lần lượt theo sau. Theo Việt Linh - Tiền phong
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook