Thị trường Chứng khoán

Vinhomes khép lại thương vụ lịch sử: 247 triệu cổ phiếu về tay, 11.000 tỷ tung ra thị trường

Ngô Minh Ngọc   |  22/11/2024

Sau khi mua lại, số cổ phiếu này sẽ bị hủy, góp phần giảm lượng cổ phiếu trên thị trường, tăng giá trị cổ phiếu.   Ngày 21/11, Vinhomes (VHM) đã chính thức khép lại chiến dịch mua cổ phiếu quỹ “vô tiền khoáng hậu”. Trong ngày cuối cùng, số lượng cổ phiếu về tay Vinhomes tăng đột biến lên 35,7 triệu đơn vị. Phần lớn số cổ phiếu này được mua qua kênh khớp lệnh, còn lại gần 9 triệu cổ phiếu gom qua kênh thoả thuận từ khối ngoại. Sau 22 phiên giao dịch (từ 23/10 đến 21/11), Vinhomes đã mua tổng cộng gần 247 triệu cổ phiếu quỹ, giá trị giao dịch ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu quỹ Vinhomes mua được chiếm 66,75% tổng khối lượng đăng ký. Như vậy, Vinhomes đã chính thức không mua đủ số cổ phiếu đăng ký, khối lượng còn lại khoảng 123 triệu đơn vị. Dù vậy, đây vẫn là thương vụ mua cổ phiếu quỹ có quy mô lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam. Đáng chú ý, số lượng cổ phiếu quỹ Vinhomes vừa mua chiếm đến 5,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty . Con số này là điều mà ngay cả những “gã khổng lồ” như Apple, Samsung cũng khó có thể thực hiện được. Samsung mới đây đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ trị giá khoảng 10.000 tỷ won (~ 7,2 tỷ USD), tương đương khoảng 2,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành (ước tính theo vốn hoá hiện tại). Trong giai đoạn đầu, Samsung sẽ mua lại khoảng 3.000 tỷ won cổ phiếu bắt đầu từ ngày 18/11/2024 đến tháng 02/2025, tất cả đều sẽ bị hủy niêm yết. HĐQT sẽ cân nhắc cách tốt nhất để triển khai mua lại số 7.000 tỷ won cổ phiếu còn lại. Trước đó vào đầu tháng 5, Apple đã thông báo thông báo sẽ chi tối đa 110 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ, đánh dấu đợt mua lại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo dữ liệu từ Birinyi Associates, thương vụ này sẽ phá kỷ lục do chính nhà sản xuất iPhone đang nắm giữ. Apple chưa chốt thời gian thực hiện thương vụ này. Ước tính theo vốn hoá hiện tại, số cổ phiếu quỹ Apple dự kiến mua sẽ chiếm khoảng 3,2% tổng lượng cổ phiếu lưu hành . Trở lại với Vinhomes, theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ khi kết thúc giao dịch, công ty sẽ phải huỷ số cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời giảm vốn điều lệ tương ứng. Như vậy, sau giao dịch, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm từ 43.544 tỷ đồng xuống còn hơn 41.000 tỷ đồng, vẫn lớn nhất trong nhóm bất động sản trên sàn chứng khoán Việt Nam. Về mục đích mua lại cổ phiếu quỹ, Vinhomes cho rằng thị giá VHM ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty. Việc mua lại cổ phiếu để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông. Công ty khẳng định rằng kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng lượng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động, nhờ vào doanh thu từ việc bán một số dự án. Trên thị trường, VHM đang có nhịp hồi mạnh trong những ngày cuối thời gian đăng ký giao dịch sau khi đã rơi sâu từ đỉnh một năm. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 43.300 đồng/cp, cao hơn gần 26% so với đáy lịch sử hồi đầu tháng 8. Vốn hóa thị trường đạt xấp xỉ 189.000 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh quý 3/2024, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần đạt 33.323 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.980 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 69.910 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 20.600 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 3/2024, Vinhomes ghi nhận quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt đạt 524.684 tỷ đồng và 215.966 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 18,3% so với thời điểm cuối năm 2023 Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có giá trị 22.055 tỷ đồng (~1 tỷ USD). Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Khối ngoại bán ròng nghìn tỷ, VN-Index tiếp tục lao dốc

Ngô Minh Ngọc   |  15/11/2024

Khối ngoại bán ròng “miệt mài” gần 1.320 tỷ đồng, trong khi đó dòng tiền trong nước yếu ớt, phiên giao dịch hôm nay (15/11) VN-Index tiếp tục giảm sâu.   Sau 1 giờ mở cửa, chứng khoán giao dịch giằng co dưới giá tham chiếu, thị trường nới rộng biên độ giảm khi lực bán gia tăng, trong khi dòng tiền mất hút, lực cầu yếu ớt chỉ xuất hiện ở một số cổ phiếu blue-chips. VN-Index nhanh chóng lùi về dưới mốc 1.220 điểm với hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch trong sắc đỏ. Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm, nhóm công nghệ, vận tải cũng đồng loạt quay đầu khi chịu áp lực bán chốt lời sau những phiên ngược dòng trước đó. Phiên giao dịch chiều mở cửa, một số cổ phiếu riêng lẻ và nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp tăng giúp chỉ số chung bớt tiêu cực. Mặc dù vậy, VN-Index vẫn đóng cửa ở mốc thấp. Về độ rộng thị trường, trừ nhóm viễn thông và bảo hiểm, 17/19 nhóm ngành còn lại đều nghiêng về phía tiêu cực. VTP, KBC và VRE là 3 cổ phiếu đóng góp tích cực nhất trong phiên hôm nay. Ở chiều ngược lại, BID, FPT và VNM là 3 mã “kéo chân” chỉ số chung nhiều nhất. Thanh khoản phiên tiếp tục tăng so với hôm qua, giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt gần 20.360 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 1.320 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây là phiên bán ròng thứ 26 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, tập trung bán VHM, FPT, SSI. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay , VN-Index giảm 13,32 điểm (-1,08%), với 305 mã giảm, 75 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 750,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 18.649 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 82,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.448,5 tỷ đồng. HNX-Index giảm 2,29 điểm (-1,02%), xuống 221,53 điểm, với 47 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,1 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và xấp xỉ về giá trị so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 273 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 0,54 điểm, xuống 91,33 điểm với 130 mã tăng và 205 mã giảm. Theo Duy Lê - Tiền Phong
Xem thêm

Tiền vào chứng khoán mất hút, giá trị khớp lệnh trên HoSE xuống thấp nhất 1,5 năm, điều gì đang diễn ra?

Ngô Minh Ngọc   |  08/11/2024

Giá trị khớp lệnh tương ứng đạt hơn 8.100 tỷ đồng, giảm 40% so với phiên liền trước và là mức thấp nhất trong vòng gần 1,5 năm qua kể từ đầu tháng 5/2023. Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch 5/11 giằng co với khối lượng khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt vỏn vẹn 384 triệu đơn vị. Giá trị khớp lệnh tương ứng đạt hơn 8.100 tỷ đồng, giảm 40% so với phiên liền trước và là mức thấp nhất trong vòng gần 1,5 năm qua kể từ đầu tháng 5/2023. Thực tế, thanh khoản khớp lệnh đã có xu hướng sụt giảm trong tháng nhiều tháng qua. Giá trị giao dịch bình quân trong quý 3 đã giảm 15% so với quý trước về mức 14.500 tỷ đồng/phiên. Diễn biến trồi sụt của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường liên tục ghi nhận diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Việc chỉ số chật vật và liên tục hụt hơi trước ngưỡng điểm 1.300 điểm phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên chán chường. Thêm vào đó, việc thị trường vận động theo trạng thái "cưa chân bàn" khi hồi phục đôi chút sau đó giảm sâu hơn khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi tài khoản bị bào mòn từng ngày. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư một phần do lo ngại các biến động khó lường từ thế giới, đặc biệt là kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp công bố và cuộc họp của Fed diễn ra vào ngày 6-7/11. Những biến động này có thể tạo ra những xu hướng mới trên thị trường tài chính toàn cầu và nhà đầu tư có xu hướng “đóng băng” giao dịch để chờ đợi những diễn biến mới nhất. Bên cạnh đó, việc các nhóm cổ phiếu phân hoá kéo dài và thiếu nhóm ngành dẫn sóng cũng khiến dòng tiền chán nản và hướng đến những kênh đầu tư có mức tăng trưởng mạnh như vàng, bất động sản, bitcoin. Ngay cả những kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm cũng tăng ấn tượng. Thống kê từ NHNN cho biết lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có, đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024, tăng thêm 305.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.   Mặt khác, mức định giá kém phần hấp dẫn cũng khiến dòng tiền không mặn mà nhập cuộc. Theo đó, P/E của thị trường hiện nay đang neo quanh 14 lần - đây không phải là mức rẻ mà chỉ là mức trung bình của VN-Index trong 10 – 15 năm qua. Theo ông Lã Giang Trung , CEO Passion Investment, định giá thị trường dù không thấp, cũng không quá cao, song xét về các nhóm cổ phiếu lại đang ở trạng thái phân cực về định giá. Nếu bỏ tiền vào nhóm định giá rất cao thì không hợp lý, bỏ tiền vào nhóm định giá thấp lại lăn tăn vì quá khó. "Tôi nghĩ rằng thị trường đang ở giai đoạn rất khó để lựa chọn, nhưng với quan điểm đầu tư an toàn thì định giá rẻ vẫn là ưu tiên" , ông Lã Giang Trung cho hay. Trong khi bối cảnh vĩ mô chưa quá khởi sắc, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. HCM, Chứng khoán DSC nhận định thị trường đang thiếu đi lực đỡ và bước vào giai đoạn trống thông tin. Do đó, đà tăng chưa thể sớm xác nhận và thị trường sẽ đi ngang thậm chí có những nhịp rung lắc. Về bối cảnh thế giới, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh và chỉ số đồng Dollar (DXY) cũng tương tự. Đặc biệt là những tiềm ẩn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ vào ngày 5/11 và cuộc họp của Fed vào ngày 6-7/11 với khả năng sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất. Theo đó, thị trường tài chính thế giới sẽ có những biến động mạnh (theo cả chiều tích cực và tiêu cực). Trong nước, thị trường tháng 11 đang trong trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, những câu chuyện kỳ vọng như nâng hạng thị trường cũng dần dịch chuyển kỳ vọng trong năm sau, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng. Trong bối cảnh đó, việc số lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng 11 và tháng 12 có thể gây những lo ngại. Khả năng cao sẽ không có những hiệu ứng dây chuyền như hồi năm 2022 nhưng tác động đến thanh khoản thị trường là ít nhiều không thể phủ nhận. Thông tư 02 cũng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024, khi đó ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc hạch toán những khoản nợ xấu trong năm 2025. Chuyên gia đến từ DSC nhìn nhận thị trường đang thiếu cơ hội ngắn hạn và giao dịch chán nản, khó dự đoán. Mặc dù thị trường có thể dễ hồi phục trong trạng thái chán nản, nhưng cũng vẫn còn dư địa để "rơi". Mai Chi - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: Nhiều yếu tố khó dự báo, nhà đầu tư cần chuẩn bị trong kịch bản Index "rơi"

Ngô Minh Ngọc   |  02/11/2024

Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không bi quan, nhưng cũng cần tỉnh táo và kiên nhẫn trong ngắn hạn. Nếu giao dịch ngắn hạn, NĐT vẫn có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu, tuy nhiên ở mức độ vừa phải và tận dụng giai đoạn hiện tại để cơ cấu danh mục hiện tại hơn là kỳ vọng quá nhiều. Thị trường diễn biến giằng co trong tuần qua trước việc cơ cấu của quỹ ETF Diamond và áp lực bán ròng của khối ngoại tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Lực bán có xu hướng hạ nhiệt dần qua các phiên, đồng thời lực cầu bắt đáy có sự tham gia chủ động hơn giúp VN-Index tìm lại điểm cân bằng. VN-Index kết tuần tăng 2,17 điểm (+0,17%) so với tuần trước lên 1.254,89 điểm. Giao dịch khối ngoại ghi nhận bán ròng 7.890 tỷ đồng trên toàn thị trường với tâm điểm giao dịch thoả thuận hơn 5.000 tỷ tại mã VIB. Đa số các chuyên gia đồng thuận thị trường đang thiếu đi lực đỡ và bước vào giai đoạn trống thông tin. Do đó đà tăng chưa thể sớm xác nhận và thị trường sẽ đi ngang thậm chí có những nhịp rung lắc. Nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng. Thị trường có thể phục hồi nhưng cũng còn dư địa để "rơi" Theo quan điểm ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành CN TP. Hồ Chí Minh – CTCK DSC, Chủ tịch CTCP 1IB , bối cảnh thế giới có những biến động mạnh tương đối tiêu cực. Đối với thị trường Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh và đồng Dollar (DXY) cũng tương tự. VIX – chỉ số đo lường sự sợ hãi cũng ở mức rất cao, giá vàng neo cao và biến động mạnh. Ông Huy cho rằng không thể phủ nhận thị trường tài chính thế giới có những rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn này và tuần tới sẽ là tuần với nhiều sự kiện quan trọng. Quan trọng nhất là cuộc bầu cử ở Mỹ vào ngày 5/11 và cuộc họp của FED vào ngày 6-7/11 với khả năng sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất. Theo đó, thị trường tài chính thế giới sẽ có những biến động mạnh (theo cả chiều tích cực và tiêu cực). Trong nước, thị trường hiện tại và có thể cả trong phần còn lại của tháng 11 đang trong trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ sau mùa KQKD quý 3, những câu chuyện kỳ vọng như nâng hạng thị trường cũng dần dịch chuyển kỳ vọng trong năm sau, trong khi đó khối ngoại tiếp tục bán ròng. Trong bối cảnh đó, việc số lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng 11 và tháng 12 có thể gây những lo ngại. Khả năng cao sẽ không có những hiệu ứng dây chuyền như hồi năm 2022 nhưng tác động đến thanh khoản thị trường là ít nhiều không thể phủ nhận. Thông tư 02 cũng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024, khi đó ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc hạch toán những khoản nợ xấu trong năm 2025. Theo ông Huy, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 3 đã suy giảm so với quý 2 liền trước; nếu thêm một quý suy giảm nữa, rủi ro sẽ là không nhỏ cho nhóm này, khi nhóm này đi ngược thị trường, tăng giá trong vài tháng trở lại đây. Bàn về xu hướng thị trường trong tuần mới, chuyên gia đến từ DSC tỏ ra tương đối thận trọng trong bối cảnh thị trường thiếu lực đỡ. Các phiên hồi kỹ thuật sẽ diễn ra nhưng để xác lập đà tăng mạnh trong ngắn hạn là tương đối khó. Đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố liên thị trường bất ổn, DXY có một đoạn tăng giá nhanh lên vùng hiện tại, nếu DXY vượt 105, một nhịp bán ròng mạnh nữa của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn. "Có nhiều thời điểm, chúng ta cần thừa nhận thị trường thiếu cơ hội ngắn hạn và giao dịch chán nản, khó dự đoán. Thị trường có thể dễ hồi phục trong trạng thái chán nản và thanh khoản thấp hiện tại, nhưng cũng vẫn còn dư địa để rơi", ông Huy đánh giá. Kịch bản kỳ vọng nhất lúc này là thị trường đi ngang, tích lũy được thêm ở vùng 1.240-1.270 điểm với những phiên hồi xuất hiện xen kẽ. Để thị trường trở lại ngay xu hướng tăng là tương đối khó do thị trường có nhiều yếu tố khó đoán nên nhà đầu tư cần cởi mở ngay cả trong những kịch bản xấu hơn. Nếu tích lũy quanh vùng này, thị trường sẽ dễ thở hơn trong giai đoạn nửa sau tháng 11. Hiện tại các cổ phiếu lớn (VN30) có dư địa giảm nhiều hơn so với phần còn lại. Ông Huy khuyến nghị nhà đầu tư không bi quan, nhưng cũng cần tỉnh táo và kiên nhẫn trong ngắn hạn. Nếu giao dịch ngắn hạn, NĐT vẫn có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu, tuy nhiên ở mức độ vừa phải và tận dụng giai đoạn hiện tại để cơ cấu danh mục hiện tại hơn là kỳ vọng quá nhiều. Đối với kịch bản thị trường điều chỉnh sâu, các nhóm ngành ưu tiên có thể kể tới như Đầu tư công (Thép, Vật liệu xây dựng,…) hay Bất động sản Khu công nghiệp. Về dài hạn, nền kinh tế vẫn được kỳ vọng phục hồi lạc quan, do đó có thể xem xét đầu tư dài hạn các ngành hưởng lợi như Tài chính, Tiêu dùng, Bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất... Vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect cho rằng thị trường vẫn ghi nhận một số tín hiệu tích cực với bức tranh kết quả kinh doanh quý 3/2024 của thị trường cải thiện tích cực với doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ vượt trội so với mức tăng trưởng của 2 quý đầu năm (số liệu chốt đến ngày 1/11/2024 với 1.058 doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý 3/2024, chiếm 97,5% vốn hóa toàn thị trường). Bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng hơn sẽ phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời, áp lực tỷ giá được kỳ vọng có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý 4 khi Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực. Do đó, vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index. Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ). Theo ông Hinh, thực tế, trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả. Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Margin cao kỷ lục nhưng thanh khoản thị trường mất hút: Dòng tiền chứng khoán có đang "dựa hơi" quá mức vào đòn bẩy?

Ngô Minh Ngọc   |  25/10/2024

Margin toàn thị trường lên đỉnh nhưng không đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản phần nào cho thấy mức độ rủi ro của thị trường chứng khoán đang gia tăng. Diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua khá ảm đạm. Giá trị giao dịch bình quân trong quý 3 rơi xuống dưới mức 14.600 tỷ đồng/phiên, giảm 25% so với con số trong quý 2 liền trước. Trái ngược với tình trạng teo tóp của dòng tiền, dư nợ cho vay ngày càng phình to. Tại thời điểm 30/9/2024, dư nợ cho vay tại các CTCK ước tính lên đến 232.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ so với cuối quý trước và lập kỷ lục mới. Trong đó, dư nợ margin vào khoảng 223.000 tỷ đồng, cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Cần phải lưu ý, đây là dư nợ chưa bao gồm cho vay 3 bên và nếu tính thêm từ nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn. Diễn biến trái chiều đẩy tỷ lệ Dư nợ cho vay/Thanh khoản bình quân mỗi phiên tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 4 năm (từ quý 1/2020). Điều này phần nào phản ánh tình trạng nhà đầu tư đã gia tăng đáng kể việc vay nợ margin. Thực tế, sử dụng đòn bẩy (margin) là một trong những công cụ đắc lực giúp nhà đầu tư gia tăng nhanh quy mô tài khoản của mình nếu sử dụng hợp lý, thúc đẩy giao dịch trở nên sôi động hơn và tạo động lực cho đà đi lên về điểm số của thị trường chung. Tuy nhiên, vốn vay margin lên đỉnh nhưng không đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản phần nào cho thấy mức độ rủi ro của thị trường chứng khoán gia tăng. Chỉ một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ có thể dễ dàng kéo theo hiện tượng "call margin", bán chéo giữa các cổ phiếu, từ đó gây áp lực ngược trở lại khiến thị trường giảm sâu hơn và gây tình trạng “cháy” tài khoản. Bên cạnh đó, dư nợ margin trên thị trường chứng khoán từ lâu còn được xem là kênh thay thế một phần cho kênh ngân hàng. Đây được gọi là xu hướng “ngân hàng hoá” CTCK hay ở một góc độ nào đó có thể coi là “shadow banking” trong bối cảnh việc tiếp cận vốn vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn hơn. Dư nợ cho vay tại CTCK khi ấy được sử dụng nhằm phục vụ các cổ đông lớn vay vốn thông qua việc thế chấp cổ phiếu thay vì chỉ là công cụ đòn bẩy cho nhà đầu tư chứng khoán. Dẫn tới đà tăng dư nợ cho vay tại nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm một phần, còn lại sẽ đến từ các tổ chức và "tay to" trên thị trường. Một phần dòng vốn này không hoàn toàn chảy vào thị trường mà được sử dụng cho các mục đích khác, từ đó có thể là nguyên nhân khiến thanh khoản không diễn biến đồng pha với dư nợ margin. Mặt khác, tỷ lệ Dư nợ cho vay/Vốn hóa thị trường cũng đang neo ở vùng đỉnh. Tỷ lệ đạt 4,13% vào cuối quý 3, giảm nhẹ so với con số kỷ lục quý 2 liền trước nhờ có sự cải thiện của vốn hóa. Dù vậy, con số này vẫn khá cao trong bối cảnh VN-Index loanh quanh dưới ngưỡng điểm cũ 1.300 sau nhiều nỗ lực vượt cản không thành. Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn vào việc sử dụng margin dù chỉ số chính còn cách xa đỉnh. Thời gian tới, không loại trừ khả năng dư nợ margin còn có thể tiếp tục lên những đỉnh cao mới khi mà các CTCK vẫn còn nhiều dư địa để cho vay thêm. Tỷ lệ dư nợ cho vay Margin/VCSH vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh, cũng như mức an toàn theo quy định và hàng loạt kế hoạch tăng vốn đang được triển khai. Ước tính còn đến 277.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới. Cần lưu ý con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/VCSH toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất. Hơn nữa, nhà đầu tư có thể vay thêm margin bao nhiêu còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo (bao gồm tiền và cổ phiếu) tương ứng. Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Chứng khoán đủ điều kiện để bước vào sóng tăng trung hạn, lộ diện làn sóng cổ phiếu sẽ là tâm điểm hút tiền trong những tháng tới

Ngô Minh Ngọc   |  19/10/2024

BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC ước tính tăng trưởng lợi nhuận Q3/2024 dự kiến sẽ phục hồi mạnh. Dựa trên báo cáo tài chính quý 2 và quý 3, BSC nhận thấy kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dự kiến sẽ ghi nhận mức phục hồi đáng kể so với cùng kỳ 2023, ước mức tăng khoảng từ 16-20% YoY dựa trên một số yếu tố chính. Thứ nhất, mức nền thấp của một số ngành Q3/2023 như Ngân hàng, Bán lẻ, Hoá Chất, Tiện ích, Vật liệu xây dựng, Tài Nguyên cơ bản. Thứ hai, doanh thu tiếp tục cải thiện nhờ lượng đơn hàng phục hồi (PMI T8 duy trì ở mức 58,4 điểm), và biên lợi nhuận dự kiến phục hồi nhờ vào giá nguyên vật liệu đầu vào giảm đi kèm với sức mua dần phục hồi. Thứ ba, chi phí lãi vay sẽ ở mức thấp hơn cùng kỳ, điều này đã được phản ánh trong Q2/2024. Cuối cùng là chi phí lỗ tỷ giá và chi phí tài chính khác ghi nhận mức tăng đột biến trong Q2/2024, tuy nhiên luỹ kế đến ngày 30/9/2024, tỷ giá chỉ ghi nhận mức 1,31% YTD so với mức 4,31% tại ngày 30/6/2024. Do đó, kỳ vọng các doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ tỷ giá lớn trong Q2/2024 sẽ được ghi nhận lại mức lãi tỷ giá trong Q3/2024. BSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận 2025F và định giá ở mức hợp lý sẽ là yếu tố cốt lõi để lựa chọn cổ phiếu. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường đạt >15% YoY nhờ sản lượng, biên lợi nhuận phục hồi, lãi tỷ giá và chi phí lãi vay được tiết giảm so với cùng kỳ. Nền kinh tế bắt đầu phục hồi, tăng trưởng tín dụng tích cực dự kiến đạt 14-15% năm 2025 đi kèm với mức nền lợi nhuận Q3/2023 thấp ở một số ngành như Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản, Hoá chất, Tiện ích, Bán lẻ, Xây dựng và Vật liệu. Theo đó, tăng trưởng EPS năm 2025 dự kiến đạt ~20% là động lực thúc đẩy sự đi lên của VN-Index Mức chênh lệch E/P 2025 và lãi suất tiết kiệm sẽ được nới rộng tạo dư địa tăng VN-Index. So sánh tỷ suất sinh lời của thị trường và lãi suất gửi tiết kiệm là công cụ chỉ báo uy tín, BSC nhận thấy điều kiện cần để hình thành xu hướng tăng trung và dài hạn thị trường đến từ (1) Tỷ suất sinh lời của thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác , và điều kiện đủ là (2) EPS duy trì tốc độ tăng nhằm đảm bảo tỷ suất sinh lời kỳ vọng tiếp tục duy trì mức hấp dẫn, tương tự đã xảy ra thời điểm 2015-2016, 2020-2021. Đội ngũ phân tích nhận thấy giai đoạn 2023-2025 sẽ khá tương đồng với giai đoạn 2015-2016, ngoài ra tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2025 sẽ chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thay vì có sự đóng góp của các chi phí tài chính (môi trường lãi suất cho vay giảm) và thanh lý các tài sản khác. Nhóm cổ phiếu lớn dự báo có hiệu suất vượt trội trong nửa đầu năm 2025 Thu hẹp chênh lệch định giá giữa nhóm Bluechip và nhóm Mid-Small cap. Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì hiệu suất vượt trội hơn nhóm Mid-small cap cho đến khi tăng trưởng lợi nhuận nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bắt kịp trong năm 2025. Khuyến nghị ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn 1H2025 và 2H2025 là cơ hội cho các cổ phiếu vừa và nhỏ Định giá phản ánh sự tăng trưởng trong 2024 – Nhìn sang năm 2025 để tìm cơ hội – P/E được chú trọng hơn và P/B sẽ là chặn dưới khi thị trường biến động mạnh. Bên cạnh đó, BSC cho rằng “gió đảo chiều” ở xu hướng dòng tiền khối ngoại và kỳ vọng nâng hạng thị trường 2025. Các ngân hàng TW bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy yếu … Dẫn đến sự đảo ngược dần dòng vốn sang các khu vực thị trường mới nổi có định giá và câu chuyện hấp dẫn cũng như giảm áp lực rủi ro tỷ giá với các nước EM. Ưu tiên các cổ phiếu có vốn hoá lớn cho câu chuyện trên như HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VND, DGC Mai Chi - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook