Thị trường Chứng khoán

Chuyên gia: Chứng khoán sẽ bứt phá mạnh từ sau quý 2, một nhóm cổ phiếu kỳ vọng sớm hồi phục từ đáy

Ngô Minh Ngọc   |  18/02/2025

Theo chuyên gia, giai đoạn thị trường tích cực nhất có thể là sau quý 2 khi yếu tố nâng hạng kích hoạt chỉ số vượt ngưỡng 1.300 điểm một cách mạnh mẽ hơn. Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định thị trường giai đoạn hiện tại rất đặc biệt khi những cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán chỉ mang tính chất giữ nhịp giúp phục hồi một cách ổn định. Dòng tiền tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó "con sóng" cổ phiếu hàng hoá đang trở thành tâm điểm trên thị trường. Câu chuyện ông Donald Trump đánh thuế vào một số quốc gia như Trung Quốc, Mexico và Canada đang ảnh hưởng đến luồng hàng hóa trên toàn cầu. Đáp lại, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu một số hàng hóa, trong đó có đất hiếm. Khi vấn đề thuế quan ngày càng nóng, câu chuyện về cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa thế giới càng hấp dẫn. Thực tế, giá cả hàng hóa toàn cầu đã tăng trở lại và đây là yếu tố tích cực giúp nhóm cổ phiếu phân bón, cao su và khoáng sản tăng trưởng rất tốt trong thời gian gần đây. Đặc biệt, đã rất lâu thị trường mới chứng kiến những cổ phiếu khoáng sản quay trở lại nền giá cao từ 200.000 – 300.000 đồng/cp. Theo dự báo của ông Sơn, trong giai đoạn đầu năm, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục đà tăng và có những nhịp bật lên 1.300 điểm, chẳng hạn 1.310 điểm hoặc hơn một chút. Tuy nhiên ngay sau đó VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại. Bởi, hiện dù có rất nhiều thông tin tích cực, nhiều nhóm ngành tăng trưởng tốt nhưng thanh khoản vẫn chưa thể đảm bảo giữ vững nhịp tăng mạnh.   Về yếu tố thông tin, nhà đầu tư cần chờ thêm những tin tức về tăng trưởng tín dụng hay kịch bản về nâng hạng. Do đó, giai đoạn tích cực nhất có thể là sau quý 2, từ tháng 7 đến tháng 9, yếu tố nâng hạng sẽ kích hoạt và giúp chỉ số vượt qua ngưỡng 1.300 điểm một cách mạnh mẽ hơn. Nhìn rộng hơn trong 2025, chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán có nhiều điểm sáng tích cực. Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng 8%. Ở những năm GDP tăng trưởng cao thì sẽ có các chính sách đồng hành như đẩy mạnh đầu tư công, tăng trưởng tín dụng. Đây là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền, thanh khoản cũng như các ngành nghề phục hồi. Ngoài câu chuyện tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chúng ta còn đón một số yếu tố tích cực như câu chuyện nâng hạng. “Dự kiến vào tháng 3, FTSE Russell sẽ đưa ra báo cáo cập nhật về Việt Nam. Bản thân tôi kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng vào tháng 9. Do vậy, câu chuyện một chú rắn “vươn mình và tăng trưởng rất mạnh mẽ” phù hợp với kịch bản mà chúng tôi đưa ra trong hội thảo tổ chức hồi tháng 12 vừa rồi”, ông Sơn cho biết. Nhóm cổ phiếu kỳ vọng hồi phục từ đáy Với kỳ vọng năm 2025 là một năm kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, chuyên gia VPBankS cho rằng những lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt bất động sản sẽ có cơ hội tăng giá, phục hồi rất tốt. Nếu tín dụng tăng từ 16 – 18% thì nhóm ngân hàng sẽ có dư địa rất tốt để tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, nhóm ngành đầu tư công sẽ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công ngay từ đầu năm. Nhiều cổ phiếu đầu tư công trên sàn niêm yết cũng đã phản ánh tích cực trước tin tức này. Đối với nhóm BĐS, chuyên gia cho rằng hiện nhiều cổ phiếu đang ở vùng đáy trong hai năm. Nếu tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh, khó khăn được tháo gỡ thì cổ phiếu nhóm này sẽ sớm có đà phục hồi trong năm 2025. Mai Chi - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

CTCK dự báo một nhóm ngành có lợi nhuận tăng vọt trong quý 1/2025

Ngô Minh Ngọc   |  14/02/2025

Trong nửa cuối quý 1/2025, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2025 và câu chuyện lợi nhuận quý đầu năm của DNNY được kỳ vọng sẽ là màu sắc tích cực của thị trường. Tăng trưởng lợi nhuận quý 1 dự báo giảm tốc về còn 7% Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tăng trưởng lợi nhuận trong quý 4/2024 đạt 34,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong nửa cuối quý 1/2025, các thông tin về kế hoạch kinh doanh 2025 và câu chuyện lợi nhuận quý đầu năm của DNNY được kỳ vọng sẽ là màu sắc tích cực của thị trường. Mức tăng trưởng trong quý 1/2025 dự báo có sự giảm tốc về còn 7% khi mất đi hiệu ứng nền thấp của cùng kỳ năm trước. Nhóm phi tài chính giảm nhẹ do biên lợi nhuận bình thường hóa, trong khi đó nhóm dịch vụ tài chính bị ảnh hưởng bởi vòng quay tài sản khi thanh khoản thị trường duy trì mức thấp so với cùng kỳ. Dẫn dắt cho mức tăng trưởng trong quý đầu năm dự báo đến từ nhóm bất động sản (46% svck) và ngân hàng (10% svck). Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán quý đầu năm 2025 sẽ xoay quanh một số câu chuyện chính, trong đó có Chính sách của ông Trump trong 100 ngày đầu tiên nhận chức. Trong khi Canada, Mexico, Trung Quốc là những cái tên đầu tiên đã được đưa vào mục tiêu áp thuế thì Việt Nam chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong việc áp dụng chính sách thuế quan. VDSC cho rằng nguyên do là các vấn đề về Việt Nam chỉ nằm gói gọn trong việc “thâm hụt thương mại” mà không ảnh hưởng đến an ninh hay vị thế siêu cường số một của nước Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam với đường lối chính sách đối ngoại trung lập sẽ có thể hưởng lợi trong giai đoạn đầu của chính sách thuế quan 2.0. Mặt khác, những nỗ lực cải cách thị trường kỳ vọng sẽ đạt kết quả mong đợi. Theo đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ được đánh giá đủ điều kiện nâng hạng theo FTSE trong kỳ đánh giá tháng 3/2025. Đồng thời những thông tin về việc vận hành hệ thống giao dịch mới (KRX) sẽ tạo thêm điểm nhấn tích cực trong 3 tháng tới. Ngược chiều, yếu tố nhà đầu tư cần quan sát là rủi ro căng thẳng leo thang trong thương chiến Mỹ -Trung lần hai. Phản hồi của Trung Quốc đối với kế hoạch áp thuế của ông Trump rất khác với cách phản ứng của Mexico hay Canada và đang cho thấy quốc gia này đã có sự chuẩn bị. Do vậy, nếu các cuộc thương lượng sắp tới giữa hai bên không đạt kết quả và dẫn đến căng thẳng leo thang sẽ là rủi ro lớn đối với thị trường toàn cầu khi các kỳ vọng về lạm phát, tăng trưởng cũng như chính sách tiền tệ trên thế giới sẽ lệch về kịch bản tiêu cực. Thị trường toàn cầu có thể chứng kiến một đợt biến động mạnh như những gì đã diễn ra vào năm 2018 khi Thuế quan được sử dụng, và gián tiếp ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Vùng điểm dưới 1.250 vẫn phù hợp để tích luỹ cổ phiếu Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh quý 4/2024 ấn tượng, định giá TTCK Việt Nam vẫn đang hấp dẫn với P/E trailing của VN-Index giảm về 12,4x (phân vị thứ 26% trong lịch sử giao dịch 5 năm của VN-Index). Kết hợp với triển vọng kinh doanh quý 1/2025 vẫn giữ được sự tích cực, rủi ro giảm giá được đánh giá ở mức thấp so với triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Do vậy, mặc dù trạng thái giằng co thận trọng vẫn đang hiện diện, VDSC tin rằng vùng điểm dưới ngưỡng 1.250 vẫn đang là vùng thích hợp cho việc tích lũy cổ phiếu. Cho cả năm 2025, VDSC duy trì quan điểm rằng vùng định giá P/E hợp lý của VN-Index là 13,3x – 14,4x lần, tương ứng vùng điểm hợp lý của VN-Index là 1.339-1.446 điểm, khi chưa có yếu tố làm thay đổi kỳ vọng về các kịch bản lãi suất trong năm nay. Lạm phát và tỷ giá là hai vấn đề lớn cần quan sát. Về ý tưởng đầu tư, đội ngũ phân tích đề xuất danh mục với tỷ trọng cân bằng như đã đề ra trong báo cáo chiến lược năm có sự kết hợp giữa cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để có thể tận dụng được cơ hội từ (1) Nỗ lực cải cách môi trường chính sách của Chính phủ, mở ra cơ hội nâng hạng cho TTCK Việt Nam, (2) Đầu tư công tăng tốc trong khi đầu tư tư nhân phục hồi, và (3) Tiêu dùng cải thiện khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi và tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện tái cân bằng danh mục định kỳ hằng tháng và thay thế mới khi có cơ hội đầu tư tốt hơn hoặc cổ phiếu đạt kỳ vọng về giá. Mai Chi - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Chưa bao giờ room margin tại các công ty chứng khoán còn nhiều như hiện nay

Ngô Minh Ngọc   |  07/02/2025

Ước tính, các công ty chứng khoán còn đến 290.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay margin trong thời gian tới. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính vào khoảng 245.000 tỷ đồng (~10 tỷ USD), tăng 13.000 tỷ so với cuối quý 3 trước đó và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 240.000 tỷ đồng, tăng 17.000 tỷ so với cuối quý 3 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam . Tại cùng thời điểm cuối quý 4/2024, tổng vốn chủ sở hữu nhóm CTCK vào khoảng 265.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ so với cuối quý 3 trước đó. Tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày 31/12 nhích nhẹ lên mức 91%, cao nhất trong vòng 9 quý. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với giai đoạn VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm hồi cuối 2021 đến đầu 2022. Theo quy định, CTCK không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày cuối năm 2024, các công ty chứng khoán ước tính còn đến 290.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới . Chưa bao giờ room margin còn nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/VCSH toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất. Bên cạnh đó, một số CTCK còn rơi vào tình trạng còn room nhưng hết nguồn do phân bổ vào các kênh khác như trái phiếu, giấy tờ có giá,… Hơn nữa, nhà đầu tư có thể vay thêm margin bao nhiêu còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo (bao gồm tiền và cổ phiếu) tương ứng. Nếu xét trên từng CTCK, có thể thấy mặt bằng tỷ lệ Margin/VCSH không cao, chủ yếu quanh mức 1 thập chí thấp hơn. 6 CTCK có VCSH lớn nhất ngành đều có tỷ lệ này dưới 1 lần, tức là còn rất nhiều room có thể cho vay dù dư nợ margin lập kỷ lục. Đây là kết quả của hoạt động tăng vốn thời gian qua bên cạnh khoản lợi nhuận giữ lại. Mặt khác, một số cái tên như HSC, Mirae Asset, KIS có tỷ lệ này lên đến trên 150%. Trong đó, HSC là CTCK có tỷ lệ này cao nhất thị trường lên đến 190%. Đầu tháng 12 năm ngoái, Đại hội đồng cổ đông bất thường của HSC đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ lên trên 10.800 tỷ đồng. Giữa làn sóng tăng vốn ồ ạt của các CTCK nội, nhóm CTCK ngoại lại có phần “im hơi, lặng tiếng”. Cuộc đua tăng vốn chắc chắn sẽ là xu hướng tất yếu đối với ngành chứng khoán. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu đòn bẩy của nhà đầu tư trong nước, các CTCK sẽ phải không ngừng nâng cao năng lực về vốn để đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ 2/11/2024. Cụ thể, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền. CTCK thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhóm nhà đầu tư này để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu theo thỏa thuận giữa 2 bên. Đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tăng vốn sẽ gia tăng năng lực tài chính và củng cố khả năng cạnh tranh cho các CTCK. Với nguồn vốn mới, CTCK có thể mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ, nâng hạn mức cấp NPF cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, đồng thời tham gia nhiều hơn vào hoạt động thu xếp vốn trong các thương vụ ngân hàng đầu tư. Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Vì sao VN-Index bất ngờ tăng bốc 17 điểm trước kỳ nghỉ Tết?

Ngô Minh Ngọc   |  30/01/2025

Chuyên gia cho rằng đây là phiên quan trọng cho thấy sự trở lại của dòng tiền. Sau hai phiên sụt giảm dưới ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, lực cầu bất ngờ xuất hiện giúp VN-Index tăng vọt. VN-Index đóng cửa phiên 23/1 bật tăng hơn 17 điểm (tương đương 1,38%) lên mốc 1.259,63 điểm. Điểm sáng là thanh khoản khớp lệnh HOSE dù vẫn neo ở mức thấp nhưng cũng tăng gần 30% so với phiên trước lên gần 12.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ đầu tháng 1. Mức tăng gần 1,4% đã đưa VN-Index trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á phiên 23/1.  Nhìn chung, phiên đảo chiều giải toả phần nào tâm lý chán nản của nhà đầu tư sau chuỗi ngày thị trường sideway nhàm chán.   Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá thị trường chứng khoán hai phiên trước đó diễn biến trầm lắng với thanh khoản thấp do áp lực bán rút tiền trước kỳ nghỉ Tết và tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước những tác động của chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, thông tin ông Donald Trump không áp thuế cao như kỳ vọng giúp lo ngại phần nào được giải toả. Cụ thể, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đã ký các sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ Canada và Mexico, áp 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốcthay vì 60% như dự báo và đặc biệt chính sách áp thuế Việt Nam vẫn chưa được nhắc đến. Điều này khiến nhà đầu tư bớt lo ngại chính sách của ông Trump sẽ gây lạm phát cao ở Mỹ dẫn đến Fed chậm giảm lãi suất. Thêm vào đó, CPI Mỹ trở lại xu hướng giảm, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh, chỉ số USD Index (DXY) giảm khá nhanh giúp tỷ giá trong nước và lãi suất liên ngân hàng cũng phần nào hạ nhiệt. Xét về yếu tố trong nước, nhóm ngân hàng tăng mạnh dẫn dắt VN-Index bứt phá. Kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trên nền lợi nhuận cao là yếu tố giúp nhóm cổ phiếu “vua” hút dòng tiền ngắn hạn và lan toả đến các nhóm cổ phiếu khác. Vốn hóa ngành ngân hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 25 – 30% tổng vốn hóa HOSE. Ngân hàng hội tụ đầy đủ các yếu tố về thanh khoản, vốn hóa, nhận được sự quan tâm của định chế tài chính, NĐT nước ngoài cũng như tính chu kỳ, định giá hợp lý. Một điểm sáng khác là thanh khoản thị trường cũng cải thiện 30% so với phiên trước đó, tính riêng thanh khoản nhóm VN30 tăng 60%. Chuyên gia cho rằng đây là phiên quan trọng cho thấy sự trở lại của dòng tiền. Bởi thực tế thị trường đã có những chuyển biến tích cực hơn khi tỷ giá hạ nhiệt, khối ngoại giảm bán ròng, lãi suất liên ngân hàng cân bằng, lãi suất huy động không còn “nóng” và dòng tiền nội cũng tích cực hơn. Thêm vào đó, định giá thị trường cũng đã về mức hấp dẫn để đầu tư trung và dài hạn sau chuỗi ngày sụt giảm. “Với những yếu tố tích cực trên, tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có “sóng” sau Tết Nguyên Đán. Về mặt thống kê, thị trường có xác xuất cao tăng điểm với tỷ lệ 70%. Dòng tiền sẽ cải thiện rõ rệt hơn khi không còn chịu áp lực từ nghỉ lễ kéo dài mà đón nhận những kỳ vọng mới”, ông Đỗ Bảo Ngọc dự báo. Trong ngắn hạn, những chuyển biến tích cực về bối cảnh thế giới, tỷ giá hạ nhiệt sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư sau Tết. Về dài hạn, câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là chủ đề rất quan trọng trong năm 2025. Với việc Thông tư 68 được triển khai, Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), điều chỉnh room ngoại, triển khai KRX sẽ là những bước đi quan trọng để Việt Nam đáp ứng các điều kiện nâng hạng thị trường của MSCI. Đối với FTSE, phần lớn các điều kiện nâng hạng đã hoàn thành và tháng 9/2025 rất có thể là thời điểm FTSE chính thức nâng hạng TTCK Việt Nam. Điều này sẽ giúp thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng về điểm số và thanh khoản cho thị trường trong thời gian tới Mai Chi - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Chuyên gia chỉ tên nhóm cổ phiếu sẽ "dẫn sóng" thị trường sau kỷ nghỉ Tết

Ngô Minh Ngọc   |  24/01/2025

Theo chuyên gia, VN-Index sau Tết Âm lịch sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn. Chia sẻ tại Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng diễn biến thị trường ngay sau Tết Âm lịch thường khởi sắc. Tâm lý nhà đầu tư sau Tết tương đối tích cực bởi sau tháng 2 KQKD của doanh nghiệp niêm yết được công bố đầy đủ và mùa ĐHĐCĐ bắt đầu với nhiều thông tin hỗ trợ sẽ tạo động lực tốt cho thanh khoản thị trường. Theo chuyên gia, VN-Index sau Tết Âm lịch sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất, …. Với nhóm ngân hàng, chuyên gia cho rằng đây sẽ là ngành dẫn dắt thị trường đi lên sau Tết. VPBankS dự phóng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng vẫn duy trì như đầu năm, ở mức khoảng 15% cho năm 2024 và hơn 17% cho năm 2025. Bên cạnh đó, P/B ngành ngân hàng đang dao động khoảng 1,5 lần, tương đối hấp dẫn và hợp lý. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ROE hai con số trong năm 2024 thì mức định giá P/B sẽ phản ánh KQKD đó. “Vốn hóa ngành ngân hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 25 – 30% tổng vốn hóa HOSE. Sự tích cực của ngành ngân hàng sẽ được lan tỏa sang những nhóm ngành khác. Ngân hàng hội tụ đầy đủ các yếu tố về thanh khoản, vốn hóa, nhận được sự quan tâm của định chế tài chính, NĐT nước ngoài cũng như tính chu kỳ, định giá hợp lý. Đặc biệt, nếu quan sát có thể thấy dòng tiền đang tìm đến động lực là kết quả kinh doanh quý IV. Trong đó, chúng tôi cũng theo dõi và thống kê rằng ngân hàng và chứng khoán là những ngành có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ”, ông Dương nhận định. Về ngành thép, chuyên gia đánh giá xu hướng sẽ tích cực trong năm 2024 và 2025. Về cơ cấu lợi nhuận, giá đầu vào bao gồm quặng, than cốc… đang có sự điều chỉnh giảm tương đối sâu so với năm 2023. Giá sản phẩm đầu ra cũng giảm, nhưng không sâu như giá đầu vào, giúp cải thiện biên lợi nhuận ngành thép nói chung. Với kỳ vọng trong năm 2025 về chính sách thuế, bảo hộ thương mại của Việt Nam đối với thép Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ tạo nên kỳ vọng tích cực cho ngành thép. Mặt khác, nhu cầu sử dụng thép trong nước sẽ có sự phục hồi đáng kể trở lại trong năm 2025, dựa trên nền thấp của 2023 – 2024 và sự phục hồi của thị trường BĐS cũng như việc đầu tư công được đẩy mạnh. Ngành xây dựng cũng đang có biến động tích cực, đặc biệt ROE, ROA đang có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái Tuy nhiên, với ngành này, NĐT cần chọn lọc cổ phiếu, bởi sự phục hồi hoạt động kinh doanh vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, phụ thuộc nhiều vào các khoản hoàn nhập, thu nhập khác. Đối với BĐS dân cư, chuyên gia kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp so với cùng kỳ năm ngoái, phần kỳ vọng tăng trưởng mạnh sẽ được đặt vào năm 2025 và những năm tiếp theo. Với những ngành nhỏ hơn, NĐT có thể cân nhắc thêm một số cổ phiếu đầu ngành như thực phẩm đồ uống, hàng cá nhân và gia dụng, bán lẻ …. Lợi nhuận 2024 của những ngành này sẽ tăng trưởng bằng lần so với 2023 bởi lợi nhuận năm 2023 âm hoặc có nền rất thấp. Tuy nhiên, triển vọng năm tiếp theo ở mức độ vừa phải, với du lịch giải trí và bán lẻ biểu hiện cho xu hướng này. Du lịch giải trí và bán lẻ được nhận định đang có mức P/E, P/B tương đối cao. Tuy nhiên, khi lợi nhuận nhóm ngành này tăng trở lại, định giá sẽ ở mức hợp lý và phù hợp với thị trường chung. Mai Chi - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Chuyện gì đang xảy ra với cổ phiếu nhóm chứng khoán?

Ngô Minh Ngọc   |  17/01/2025

Một loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán bất ngờ tăng mạnh phiên 16/1, đặc biệt VND còn tăng kịch trần "trắng bên bán". Thị trường chứng khoán phiên 16/1 bất ngờ chứng kiến cổ phiếu của các công ty chứng khoán đồng loạt bốc đầu. VNDirect (mã VND) là cái tên gây ấn tượng nhất khi tăng kịch trần ngay đầu phiên trong tình trạng “trắng bên bán”, dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Các cổ phiếu SSI, Vietcap (VCI), HSC (HCM), MBS, SHS, CTS,… cũng đều tăng mạnh. Trước phiên hôm nay, cổ phiếu nhóm chứng khoán gần như lặng sóng trong thời gian khá dài. Một số cổ phiếu vẫn neo giá gần đỉnh lịch sử như HCM, MBS, FTS,… có xu hướng “sidewaydown”. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu điều chỉnh khá sâu, thậm chí thủng đáy dài hạn như trường hợp của VND. Thị trường chứng khoán lặng sóng cùng thanh khoản mất hút là một phần nguyên nhân khiến các cổ phiếu nhóm chứng khoán thiếu chất xúc tác. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đã liên tục giảm nhiều tháng qua. Thậm chí, thanh khoản khớp lệnh từ đầu năm 2025 chỉ còn 9.500 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong vòng 2 năm. Dòng tiền yếu, thị trường không thể tạo ra được con sóng nào thực sự rõ ràng trong gần một năm qua. VN-Index chủ yếu đi tàu lượn trong biên độ 1.200-1.300 điểm. Thanh khoản thấp và hiệu suất thị trường kém ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của mảng môi giới và đầu tư tại các công ty chứng khoán. Tình hình được dự báo sẽ cải thiện thời gian tới. Theo báo cáo chiến lược 2025 mới công bố, VNDirect dự báo thanh khoản thị trường cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện từ nửa cuối năm 2025. Công ty chứng khoán này dự báo giá trị giao dịch bình quân cho cả năm 2025 sẽ đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. VNDirect dự báo dư nợ cho vay ký quỹ được kỳ vọng sẽ tăng lên 254.000 tỷ đồng (+13% svck) trong năm 2025 nhờ tâm lý nhà đầu tư cải thiện trong bối cảnh thanh khoản gia tăng và hiệu suất đầu tư cải thiện. Danh mục đầu tư ước tính sẽ tăng lên 251.000 tỷ đồng (+20% svck) và lợi suất đầu tư sẽ đạt khoảng 11% vào cuối năm 2025. Theo VNDirect, (1) hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ vận hành trong nửa đầu năm 2025, (2) VN-Index được kỳ vọng dao động quanh đỉnh cũ 1.400-1.450 điểm, (3) thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025, và (4) lợi nhuận toàn thị trường được dự báo tăng trưởng 18%. VNDirect kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE xếp hạng là thị trường mới nổi vào năm 2025 và MSCI vào năm 2027. Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ chảy vào cổ phiếu Việt Nam. Yêu cầu ký quỹ trước là một trong những nút thắt chính ngăn cản Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thông tư 68/2024/TT-BTC được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các điều kiện cần thiết cho việc nâng hạng này. Tuy nhiên, VNDirect đánh giá triển vọng tích cực dài hạn của thị trường và lợi nhuận doanh nghiệp đã được phản ánh vào định giá cổ phiếu. Ngành chứng khoán đang giao dịch ở mức +0,42 độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm của P/B ngành, trong khi ROE vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm của toàn ngành.   VNDirect cho rằng, điều này cho thấy các yếu tố tích cực liên quan đến nâng hạng thị trường và hệ thống KRX phần lớn đã được phản ánh vào định giá hiện tại. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến định giá các công ty trong ngành trong năm 2025. VNDirect gợi ý cơ hội đầu tư vào (1) các cổ phiếu đang gặp khó khăn và (2) các cổ phiếu có hiệu suất vượt trội, phù hợp với kỳ vọng nâng hạng thị trường sắp tới. Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook