Thị trường Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá về mức hấp dẫn

Ngô Minh Ngọc   |  24/09/2023

Theo chuyên gia VNDirect,mùa báo cáo KQKD quý 3/2023 đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới. VN-Index liên tục rung lắc mạnh trong tuần qua với sự thận trọng của nhà đầu tư. Tuy có được phiên phục hồi nhưng thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng mạnh, đặc biệt vào phiên cuối tuần đã khiến chỉ số chung giảm điểm mạnh, đánh mất mốc 1.200 điểm. Tổng cộng, VN-Index giảm hơn 34 điểm, đóng cửa tại 1.193 điểm, tương đương giảm 2,8% so với tuần trước. Nhận định về kịch bản tuần giao dịch mới, các chuyên gia lạc quan cho rằng nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về mức hấp dẫn và VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại. VN-Index sẽ sớm ổn định trở lại, đón đầu mùa báo cáo quý 3 tại một số nhóm cổ phiếu triển vọng (Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT) Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần qua sau diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm kém tích cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN. Thực tế, ông Hinh cho rằng bước đi này của NHNN không phải là một bước đi nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó. " NHNN cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, do đó thị trường có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN ", chuyên gia VNDirect nhận định. Đồng thời, mùa báo cáo KQKD quý 3/2023 đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng KQKD chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng). Ngưỡng hỗ trợ 1.150 – 1.180 điểm được kỳ vọng là vùng cân bằng cung cầu (Ông Tô Quốc Bảo - Trưởng nhóm chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán Dầu khí PSI) Bàn về nguyên nhân của phiên giảm sâu cuối tuần, ông Bảo chỉ ra rằng sau pha giảm điểm mạnh vào giữa tháng 8/2023, thị trường đã có sự hồi phục mạnh và nhanh. Chính sự đảo chiều tăng gấp gáp khiến nền giá trở nên lỏng lẻo trong khi phần dư địa tăng bị thu hẹp khá nhanh. Bởi vậy, khi chỉ số chạm đến vùng đỉnh gần nhất và không thể vượt qua, việc xuất hiện áp lực điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Liên quan tới phiên họp FED ngày 21/9, quan điểm "diều hâu" trong chính sách tiền tệ của Mỹ đã được thể hiện một cách rõ ràng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ dự kiến số lần giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ ít hơn so với kế hoạch trước đó. Việc điều hành chính sách tiền tệ "ngược chiều" FED của NHNN Việt Nam đã khiến cho tỷ giá chịu áp lực. Ông Bảo dự báo tình trạng trên kéo dài có thể sẽ khiến dòng vốn ngoại chảy khỏi Việt Nam. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng thời gian gần đây hết sức dồi dào, lãi suất liên ngân hàng qua đêm chỉ khoảng 0,15%. Vì vậy, ông Bảo cho rằng, việc NHNN rút khỏi hệ thống 10.000 tỷ đồng là động thái để thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD qua đó ổn định tỷ giá sau khi VND đã mất giá nhanh hơn đáng kể từ cuối tháng 8 tới nay. Đây là động tác kỹ thuật để ổn định tỷ giá trong ngắn hạn hơn là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của NHNN. Tỷ giá USD/VND tăng vọt, lên cao nhất 10 tháng Đối với chứng khoán Việt Nam, vị chuyên gia PSI nhận định thị trường xuất hiện “gap down” lớn từ đầu phiên 22/9 khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, chỉ số VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ MA50, qua đó xác nhận xu hướng tích lũy trung hạn đã bị vi phạm. " Hiện nay, ngưỡng hỗ trợ 1.150 – 1.180 điểm được kỳ vọng là vùng cân bằng cung cầu của chỉ số. Thị trường trong giai đoạn tiếp theo có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm hoặc Sideway đi ngang, đồng nghĩa là cơ hội đầu tư trong giai đoạn tới sẽ khó khăn hơn những tháng đầu năm ", chuyên gia PSI dự báo xu hướng. Về chiến lược, ông Tô Quốc Bảo cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên tránh hoảng loạn, giữ tỷ trọng danh mục phòng thủ, không vội vàng tham gia bắt đáy hay sử dụng Margin và chờ tín hiệu xu hướng mới được xác nhận. Nếu vùng hỗ trợ được giữ vững và lực cầu xuất hiện trở lại thì sẽ là cơ hội tốt để giải ngân mua cổ phiếu với mức chiết khấu tốt. Nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về mức hấp dẫn (Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC) Theo quan sát của chuyên gia DSC, làn sóng tăng giá kéo dài từ tháng 5 của thị trường Việt Nam có phần không nhỏ xuất phát từ niềm tin chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì trong dài hạn. Tuy nhiên, niềm tin này đang dần lung lay từ những biến động tỷ giá gần đây, với tỷ giá USD vượt qua cột mốc 24.000 và liên tục tăng từng ngày. Mặt bằng lãi suất thấp thị trường Việt Nam đang áp dụng không chỉ gây hiện tượng trượt giá của VNĐ, xét về tương quan, đang khiến cho những cơ hội đầu tư với lãi suất cố định ở các thị trường đang phát triển như Mỹ trở nên hấp dẫn hơn. Đánh giá về nền kinh tế phía bên kia bán cầu, ông Đạt chia sẻ còn nhiều yếu tố khiến lạm phát tại Mỹ chưa thể quay về mức mục tiêu 2% mà FED đưa ra: giá dầu vượt đỉnh 9 tháng, biến động địa chính trị, thị trường việc làm đang khỏe hơn so với dự báo của kỳ họp FOMC tháng 6/2023. Dự kiến, các yếu tố này sẽ còn tiếp tục đeo bám dai dẳng tới hết năm 2024, đi kèm là mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức cao. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ có mức chiết khấu điều chỉnh tương ứng với rủi ro này. Đối với chứng khoán Việt Nam, nhiều nhóm ngành trên thị trường đã có khoảng thời gian tăng nóng và bớt hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư tổ chức. Từ đây, xảy ra hiện tượng khối NĐT lớn trong và nước ngoài liên tục bán ròng, còn NĐT cá nhân vẫn giữ tâm lý hưng phấn và nắm giữ cổ phiếu nhiều hơn. Ông Đạt nhìn nhận rằng cơ cấu sở hữu của NĐT cá nhân lớn, với xu hướng sử dụng đòn bẩy cao cùng tâm lý giao dịch mua-bán linh hoạt, là nguồn cơn của những biến động mạnh gần đây. " Song chỉ là những biến động có tính chất ngắn hạn, nhà đầu tư nên tỉnh táo và đánh giá nhịp điều chỉnh dưới góc nhìn tìm kiếm cơ hội hơn là sợ rủi ro ", chuyên gia từ DSC nêu rõ. Những phiên thị trường giảm mạnh đi kèm thanh khoản cao đột biến đều cho thấy sự thay đổi cơ cấu sở hữu của NĐT, trong đó dòng tiền dài hạn tìm cách thoát khỏi thị trường và nhường chỗ cho dòng tiền ngắn hạn. Trước mắt hiện tượng này có thể kéo theo những nhịp hồi phục kỹ thuật, tuy nhiên nếu chỉ số tiếp tục biến động mạnh trong thời gian dài thì có thể xác nhận khu vực phân phối. Về hành động, nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản, hoặc tối thiểu duy trì tỷ lệ đòn bẩy thấp trong tài khoản, với mục đích để tỉnh táo nhìn nhận cơ hội trong những nhịp điều chỉnh sâu hơn có thể xảy ra. Vị chuyên gia từ DSC giữ góc nhìn lạc quan với triển vọng đầu tư của thị trường Việt Nam trong nửa cuối 2023 và trong 2024: "Những nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về giá hấp dẫn hơn , từ đó NĐT sẽ chấp nhận mạnh tay giải ngân kể cả trong trường hợp rủi ro gia tăng ". Nguồn: Ngọc Ly - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Sao chép lệnh của các cao thủ chứng khoán: Có thực sự "dễ ăn" như lời đồn?

Ngô Minh Ngọc   |  15/09/2023

Công cụ Sao chép giao dịch (tạm gọi là Copy Trade) giúp nhà đầu tư có thể mua bán theo những nhà đầu tư giỏi, có kinh nghiệm, tỷ suất sinh lời cao, nhưng không có một đảm bảo nào rằng sẽ không thua lỗ cho người sao chép. Sau hơn 23 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hoàn thiện và cung cấp những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của lượng lớn nhà đầu tư. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ vào đầu tư cổ phiếu đã mở ra nhiều phương thức giao dịch dễ dàng và thuận tiện hơn. Trong số đó, công cụ sao chép giao dịch (tạm gọi là Copy Trade) tuy đã có từ lâu trên thế giới nhưng một vài năm trở lại đây mới bắt đầu được ứng dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, Copy Trade là công cụ giúp nhà đầu tư sao chép lại y nguyên giao dịch của một tài khoản người khác mà không quan tâm nhiều tới hành động như thế nào. Mỗi khi tài khoản mẫu đặt lệnh mua/bán chứng khoán thành công thì gần như ngay lập tức tài khoản nhà đầu tư sẽ thực hiện giao dịch tương tự theo một tỷ lệ nhất định. Những tài khoản mẫu thông thường sẽ được giới thiệu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ cao hoặc sở hữu lịch sử đầu tư với nhiều thương vụ "thắng lớn". Bởi lẽ, mục đích của Copy Trade là để nhà đầu tư có cùng vị trí với người mà họ đang sao chép và thực hiện đầu tư theo quyết định đầu tư của người khác. Điều này sẽ giúp những nhà đầu tư có vốn, không am hiểu sâu về chứng khoán có thể mua bán theo những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm trên thị trường để có thể đạt hiệu quả đầu tư cao hơn. Nếu tài khoản mẫu lỗ hay lãi thì tài khoản của nhà đầu tư cũng sẽ lỗ hoặc lãi tương đương. Tại Việt Nam, một số công ty chứng khoán đã cung cấp sản phẩm Copy Trade, hợp thức hoá thành một sản phẩm dịch vụ chứng khoán trong vài năm trở lại đây. Đi kèm, các công ty chứng khoán này cũng sẽ liệt kê toàn bộ danh sách các tài khoản mẫu đã được sàng lọc về hiệu quả đầu tư, cấp độ rủi ro, tổng tài sản, số lượng người sao chép,... cho nhà đầu tư lựa chọn. Một tài khoản mẫu giỏi có thể được hàng nghìn nhà đầu tư sao chép lệnh với tỷ trọng và giá y hệt ngay lập tức mà không cần tới người nhập lệnh và quản lý. Liệu có dễ "ăn" khi sao chép lệnh của các cao thủ chứng trường? Lợi ích của công cụ Copy Trade giúp nhà đầu tư có thể mua bán như những “cao thủ chứng khoán”, có kinh nghiệm và tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, công cụ này mới trở nên thịnh hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa lâu, chỉ trong khoảng một năm trở lại đây. Đây là mốc thời gian chưa thực sự thuyết phục vì không quá dài, đồng thời trùng với giai đoạn hồi phục của thị trường khi các cổ phiếu tăng mạnh từ đáy và xác suất kiếm tiền thành công trên thị trường lúc này là khá cao. Nhưng nếu thị trường không còn thuận lợi, sẽ không có một đảm bảo nào về việc không thua lỗ cho nhà đầu tư, kể cả tài khoản mẫu lẫn những người sao chép giao dịch. Ngoài ra, những mức hiệu suất sinh lời “khủng” mà nhà đầu tư thấy đều là thành tích đã xảy ra trong quá khứ và không có điều gì đảm bảo sẽ tái hiện trong tương lai . Khi giá cổ phiếu đã tăng quá mạnh tất yếu sẽ gặp áp lực điều chỉnh, gây ra rủi ro lớn cho người gia nhập sau cùng. Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường, sau khi quan sát một số tài khoản mẫu có hiệu suất đầu tư rất tốt, họ đã tham gia lựa chọn sao chép. Tuy vậy, trải nghiệm với lần đầu tham gia hình thức Copy Trade không thực sự dễ chịu khi tài khoản mẫu mua vào "đúng đỉnh" và sau đó đã ngậm ngùi cắt lỗ vì "đu đỉnh". Không những vậy, phần lớn tài khoản mẫu của hình thức Copy Trade có tần suất giao dịch tương đối lớn, đồng nghĩa nhà đầu tư cần trả đồng thời nhiều khoản như phí giao dịch mua, bán cổ phiếu; thuế,…Việc nhà đầu tư giao dịch liên tục sẽ khiến mất một phần không nhỏ chi phí, ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả đầu tư, điều mà mọi người thường "tặc lưỡi" cho qua mỗi khi thị trường Uptrend. Thêm nữa, nhà đầu tư chắc chắn sẽ phải mất thêm khoản phí sử dụng sản phẩm Copy Trade. Như vậy, với việc “đốt tiền” vào nhiều khoản phí, nếu mức sinh lời quá thấp thì thậm chí nhà đầu tư sẽ vẫn ghi nhận tổng tài sản bị hao hụt. Bản thân các tài khoản mẫu đều là nhà đầu tư trên thị trường, điểm khác biệt là có xác suất thành công cao hơn số đông. Việc mua bán kéo theo đám đông sao chép có thể ảnh hưởng lớn đến cung cầu của cổ phiếu được mua/bán đó, do đó có thể bị các đội lái, tạo lập thị trường theo dõi. Hậu quả có thể khiến chính tài khoản mẫu và những nhà đầu tư sao chép trở thành nạn nhân trong những phong trào hô hào, làm giá cổ phiếu. Nhận định về dịch vụ Copy Trade đang gây sốt hiện nay, ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund cho rằng nhà đầu tư khi quyết định sao chép tài khoản đồng nghĩa việc đầu tư sẽ phụ thuộc 100% vào tài khoản sao chép, kể cả lãi hay lỗ. Nếu xui xẻo, nhà đầu tư thua lỗ mất tiền thì các tài khoản sao chép cũng rất dễ dàng “đổ lỗi” cho việc thị trường là thứ khó đoán hay những lý do tương tự. Vị chuyên gia này cho rằng việc đầu tư theo một tài khoản khác có yếu tố rủi ro quá cao, đặc biệt là rủi ro làm giá cổ phiếu. “Một tài khoản có thể được hàng trăm tài khoản khác sao chép lệnh, một lệnh mua vào tỷ trọng lớn từ tài khoản mẫu sẽ ngay lập tức có hàng trăm lệnh theo sau với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Khối lượng giao dịch lớn và cùng lúc sẽ dễ dàng đẩy giá cổ phiếu lên nhanh. Tuy nhiên, nếu không may mắn thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể bị “đánh úp” bởi các tay to trên thị trường”, ông Vicente Nguyen cảnh báo. Ngoài yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan cũng được lưu ý kỹ khi độ uy tín của những tài khoản mẫu không thể được chứng thực 100%. Do đó, việc giao dịch theo tài khoản mẫu sẽ có xác suất chiến thắng cao hơn nhưng không phải lúc nào cũng lãi vì thị trường luôn tồn tại những yếu tố rủi ro phát sinh. Thực tế, trong hành trình đầu tư, hiệu suất sinh lời trong ngắn hạn đôi khi sẽ không quan trọng bằng chiến lược xây dựng danh mục. Mức hiệu suất tốt trong vòng 1-2 năm không thể đảm bảo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có chiến lược hợp lý và xây dựng danh mục hướng tới tăng trưởng dài hạn thì mức sinh lời có thể lớn và bền vững hơn rất nhiều so với việc thường xuyên trading ngắn hạn. Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Góc nhìn CTCK: Rung lắc còn tiếp diễn khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ, cơ hội gia tăng tỷ trọng tại một số nhóm cổ phiếu

Ngô Minh Ngọc   |  08/09/2023

Agriseco Research cho rằng, nhịp điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên giải ngân một số nhóm có kỳ vọng KQKD khả quan cuối năm. Thị trường chứng khoản tỏ ra khá hưng phấn trong phiên sáng 7/9 nhưng lại quay đầu giảm điểm trước áp lực bán xuất hiện tại khu vực đỉnh cũ. Độ rộng thị trường nghiêng về phía bên bán khi có 223 mã tăng và 268 mã giảm điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 890 tỷ đồng trên HSX, chủ yếu rút khỏi nhóm cổ phiếu trụ. Dự báo thị trường trong phiên giao dịch tới, các CTCK đa phần đều đánh giá cao khả năng thị trường sẽ tiếp tục tích lũy, giằng co trước khi tiếp tục tiến lên những ngưỡng kháng cự tiếp theo. Xu hướng tăng vẫn được bảo lưu (Chứng khoán KBSV) Sau nhịp tăng mở gap đầu phiên, VN-Index dần suy yếu và đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm về cuối phiên. Lực bán chủ động áp đảo phe mua về cuối phiên đã khiến cho chỉ số quay đầu giảm điểm. Mặc dù vậy, xu hướng tăng ngắn hạn của chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục được bảo lưu với vùng đích kỳ vọng tiếp theo đặt tại xung quanh vùng cản 1260 (+-5). NĐT được khuyến nghị tránh mua đuổi, chỉ gia tăng 1 phần tỷ trọng trading trong các nhịp điều chỉnh về hỗ trợ của cổ phiếu. Tích lũy, tăng giảm đen xen trong ngắn hạn (Chứng khoán VCBS) Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo mẫu hình nến tương tự Bullish counterattack cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư và áp lực bán liên tục xuất hiện tại vùng đỉnh cũ. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đang hình thành đỉnh đầu tiên báo hiệu thị trường có thể sẽ xuất hiện điều chỉnh, rung lắc trong các phiên tới. Tuy nhiên, ở khung đồ thị ngày, chỉ báo ADX đang dần suy yếu cùng với việc RSI mới chỉ hình thành 1 đỉnh sau nhịp giảm điểm cho thấy VN-Index sẽ có xu hướng tích lũy, giao dịch sideway với các phiên tăng giảm đan xen trong ngắn hạn. (Chứng khoán BSC) Trong ngắn hạn, thị trường có thể trải qua những phiên tích lũy quanh ngưỡng 1.245 trước khi tiếp tục tiến lên những ngưỡng kháng cự tiếp theo. Rung lắc có thể xảy ra khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ (Chứng khoán Agriseco) Agriseco Research nhận định, thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trước khi hình thành xu hướng mới. Rung lắc có thể xảy ra khi VN-Index tiệm cận vùng đỉnh cũ. Các nhịp điều chỉnh xảy ra là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên giải ngân một số nhóm ngành có kỳ vọng KQKD khả quan cuối năm như nhóm chứng khoán, thép và nhiệt điện. Agriseco lưu ý nhà đầu tư hạn chế mua đuổi trong các phiên tăng mạnh để giảm thiểu rủi ro khi thị trường tiềm ẩn khả năng điều chỉnh. Nhịp điều chỉnh sẽ nhanh chóng kết thúc (Chứng khoán Yuanta) Thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ 1.240 – 1.245 điểm. Đồng thời, nhịp điều chỉnh này là cần thiết khi chỉ số VN-Index đã có chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp và nhiều cổ phiếu đang ở giai đoạn “test” đỉnh cũ. Điểm tích cực là rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia tại các nhịp điều chỉnh. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại. Nguồn: Năm Dòng Kẻ - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Chủ tịch UBCKNN: Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi trước 2025, hai vấn đề trọng yếu đang được khẩn trương tháo gỡ

Ngô Minh Ngọc   |  01/09/2023

Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngày 29/8/2023, tại Hồng Kông (Trung Quốc), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam – hướng tới vị thế thị trường mới nổi”. Hội nghị được phối hợp tổ chức cùng Hiệp Hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) với sự hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm bàn thảo những giải pháp, hướng tới nâng hạng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Toàn cảnh phiên thảo luận chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư quốc tế tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCKNN, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông. Cùng với đó, Hội nghị còn sự tham dự của đại diện các tổ chức đầu tư lớn, quỹ đầu tư, công ty quản lý tài sản, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, và đại diện của hai tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế FTSE Russell và MSCI. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Do đó, "Hội nghị lần này là cơ hội quý báu để trao đổi thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức đầu tư; đồng thời, cũng là một trong những diễn đàn quan trọng để trao đổi các tổ chức xếp hạng quốc tế về các giải pháp mang tính thực tiễn cao, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường như đã đề ra” – Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh. Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo UBCKNN đã khẳng định, trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam. Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như: tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường minh bạch hơn… “Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới hỗ trợ cho nâng hạng cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo TTCK tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng” – đại diện UBCKNN nêu. “Những nỗ lực về cả sửa đổi pháp lý cũng như các giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thị trường vốn của Việt Nam” – Lãnh đạo UBCKNN nói thêm. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Đồng thời, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề. Theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tại Hội nghị lần này, đây tiếp tục là 2 vấn đề đặc biệt được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ; và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết. Riêng đối vấn đề prefunding, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, thì giải pháp triển khai hệ thống CCP trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nếu không khắc phục được vấn đề prefunding thì câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu. Thông tin tại Hội nghị, đại diện UBCKNN cho biết thêm, trong khi chờ CCP, hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch. Còn về lâu dài, CCP phải được triển khai, trong đó các ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ bên cạnh các công ty chứng khoán, tuy nhiên điều này cần sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước. Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lyndon Chao - đại diện Hiệp hội các Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) đánh giá, Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Theo Viện Nghiên cứu McKinsey, gần 70% người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn lạc quan về tương lai. Các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục tăng cường đầu tư vào châu Á và Việt Nam là điểm đến đầu tư nổi bật trong tương lai ở châu Á, khi nỗ lực cải cách thị trường của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhà quản lý quỹ toàn cầu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn. Trao đổi tại Hội nghị, các nhà đầu tư bày tỏ sự đánh giá cao và thực sự mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại TTCK Việt Nam. Các vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm và đặt ra đối với Việt Nam đó là cần tiếp tục thúc đẩy một thị trường vốn minh bạch, lành mạnh và tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề nâng hạng, các giải pháp phát triển TTCK Việt Nam trong thời gian tới… đã đặt ra và được đại diện lãnh đạo UBCKNN, VSDC, HOSE trả lời cụ thể. Tiếp sau Hội nghị, Đoàn công tác của UBCKNN đã có các cuộc họp song phương với các tổ chức xếp hạng thị trường để cập nhật một số thông tin về các giải pháp cũng như cam kết của Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN trong các nỗ lưc thúc đẩy nâng hạng thị trường Việt Nam thời gian qua, cũng như chia sẻ một số định hướng chính sách trong thời gian sắp tới./. Thời gian quan, UBCKNN đã chủ động, tích cực có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan, bộ ngành, tổ chức liên quan để trao đổi, xác định rõ các tiêu chí, các nhóm vấn đề vướng mắc cần giải quyết, đề xuất giải pháp để giải quyết từng nhóm vấn đề một cách toàn diện, dài hạn, hướng tới cải thiện đánh giá đối với TTCK mang tính bền vững. UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi với các tổ chức xếp hạng thị trường (MSCI, FTSE Russell), các thành viên thị trường, các bộ ngành có liên quan, đồng thời tham vấn từ Ngân hàng Thế giới, kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

“Ăn chắc, mặc bền” với cổ tức: Trường phái đầu tư không bao giờ lỗi thời, ngay cả “cá mập” cũng không thể bỏ qua

Ngô Minh Ngọc   |  26/08/2023

Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %. Đa phần là các doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm. Mua cổ phiếu “ăn” cổ tức (tiền mặt) là chiến lược đầu tư không hiếm trên sàn chứng khoán nhưng đôi khi lại bị “lu mờ” bởi những con sóng đầu cơ dồn dập. Với những người ưa thích lướt sóng, vài đồng cổ tức chỉ là “cơm thêm”, có thì tốt mà không có cũng chẳng sao. Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít nhà đầu tư theo trường phái “ăn chắc, mặc bền”, nắm giữ dài hạn hưởng cổ tức. Khá may mắn, thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %. Những “con gà đẻ cổ tức” trải khắp trên cả 3 sàn với quy mô đa dạng từ bluechips cho đến midcap, penny. Dấu * là kế hoạch cổ tức cho năm 2022 nhưng chưa thực hiện chi trả Nhà đầu tư có thể thoải mái lựa chọn mà không ngại vấn đề thanh khoản. Từ các cá nhân - nòng cốt của thị trường có vốn khiêm tốn đến những "tay to" vốn khủng đều có thể đi tiền. Từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ, vốn cỡ nào cũng có cổ phiếu phù hợp để đầu tư. Danh sách chọn lựa bao gồm rất nhiều cái tên quen thuộc như Vianmilk (VNM), Sabeco (SAB), Nhựa Bình Minh (BMP), PV Gas (GAS), VEAM Corp (VEA), Dược phẩm Trung ương 3 (DP3), Mía đường Sơn La (SLS),… với truyền thống chi trả cổ tức hàng chục % mỗi năm. Ngay cả “tân binh” là Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT) thậm chí cũng chơi lớn khi chia cổ tức đến 306,55% cho năm 2022. Đa phần tỷ lệ cổ tức năm ngoái/thị giá của nhóm này đều khá hấp dẫn, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, thậm chí còn lên đến 2 chữ số. Đây là tỷ suất sinh lời đáng mơ ước trong bối cảnh thị trường biến động không thuận lợi. Việc điều chỉnh giá khi lăn chốt cổ tức có thể là rào cản trong ngắn hạn nhưng không thể phủ nhận giá trị mà việc đầu tư dài hạn mang lại khi nắm giữ những cổ phiếu này. Như trường hợp của cổ phiếu CPH, thị giá sau nhiều lần điều chỉnh đã giảm xuống chỉ còn 300 đồng và không thể bị điều chỉnh thêm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nắm giữ được hưởng “free” cổ tức mỗi năm. Tuy nhiên, cổ phiếu này đáng tiếc lại gần như không có thanh khoản do các cổ đông đa phần muốn nắm giữ lâu dài hưởng cổ tức thay vì “trading” ăn chênh lệch giá. Về cơ bản, cổ tức cao đều đặn phần nào cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp. Chính sách cổ tức được duy trì đều đặn trên nền tảng doanh nghiệp “ăn nên, làm ra”. Lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy cổ phiếu trên thị trường đi lên. Vì thế, nhà đầu tư dài hạn có thể “ung dung” hưởng lãi kép nhờ nắm giữ những cổ phiếu “sòn sòn” cổ tức cao hàng năm. Có thể dễ dàng nhận thấy, nhóm có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm đa phần nằm trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp này thường xuyên duy trì lợi nhuận ổn định, một số trường hợp tăng trưởng đều tạo tiền đề cho chính sách cổ tức phóng khoáng. Thêm nữa, khá nhiều trong số này là doanh nghiệp có vốn Nhà nước và việc chia cổ tức cao là điều gần như bắt buộc. Theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, sau khi chia lãi cho các bên góp vốn, bù đắp khoản lỗ của các năm trước, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, trích quỹ đầu tư phát triển (tối đa 30%) thì phần lợi nhuận còn lại sẽ thực hiện chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông. Quy định này khiến cổ đông của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm quyền chi phối như PV Gas, VEAM Corp có thể yên tâm với chính sách cổ tức hàng năm. Thậm chí, những doanh nghiệp Nhà nước không còn nắm quyền chi phối như Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh cũng không ngần ngại “dốc hầu bao” khi trích gần như toàn bộ lợi nhuận để chi trả cổ tức hàng năm. Đây là một trong những yếu tố làm gia tăng sức hút của các cổ phiếu này trong mắt khối ngoại. Điển hình như trường hợp của Thaibev tại Vinamilk, Sabeco hay SCG tại Nhựa Bình Minh, cổ tức cao hàng năm đem lại cho các tập đoàn này dòng tiền ổn định qua đó bù đắp một phần số tiền bỏ ra để mua gom cổ phần đồng thời có thêm nguồn lực để triển khai các kế hoạch trong tương lai. Thực tế cho thấy chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức không chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân mà còn cả các tổ chức. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu DC (DC Blue Chip Fund, DCBC) thuộc Dragon Capital mới đây đã thay đổi mục tiêu đầu tư tập trung vào nguồn thu đều đặn từ lãi và cổ tức thay vì các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn như trước. Theo chiến lược mới, DCBC sẽ tập trung dành 100% tài sản quỹ vào cổ phiếu các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn trong quá khứ hoặc trong thời gian tới tại tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, cơ cấu đầu tư sau khi thay đổi sẽ không đầu tư vào trái phiếu niêm yết, trái phiếu chào bán ra công chúng, trái phiếu phát hành riêng lẻ. Động thái của “cá mập” DCBC (do Dragon Capital quản lý) như một lời khẳng định cho vị thế của trường phái đầu tư dài hạn “ăn” cổ tức sẽ không bao giờ lỗi thời ngay cả trong bối cảnh làn sóng đầu cơ áp đảo trên thị trường chứng khoán. Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Kỷ lục mới: 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE, cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngô Minh Ngọc   |  19/08/2023

Tâm lý nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu bằng mọi giá khiến cho hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn, 240 mã giảm hết biên độ trong phiên giao dịch hôm nay. Phiên giao dịch ngày 18/8 gây bất ngờ giới đầu tư với đà giảm mạnh nhất 15 tháng trở lại đây. Giữa lúc thị trường rơi mạnh, bảng giá một số công ty chứng khoán ghi nhận lỗi, không hiển thị đúng mức giảm và điểm số của VN-Index, khiến nhiều người càng trở nên bất an. Kết phiên, VN-Index mất hơn 55 điểm rơi về mức 1.177,99 điểm, trong đó VN30 giảm tới gần 61 điểm. Tâm lý nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu bằng mọi giá khiến cho hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn. Trên HOSE, có 148 cổ phiếu giảm sàn, HNX có 52 mã cổ phiếu giảm sàn và UpCoM có 46 cổ phiếu giảm sàn. Tổng ba sàn có tới 240 cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay. Với phiên chỉnh mạnh, vốn hóa sàn HoSE mất 222.000 tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng 4,7 triệu tỷ đồng Đáng nói, nhà đầu tư ồ ạt chen lấn bán ra đưa khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt gần 1,65 tỷ cổ phiếu, thiết lập kỷ lục về số lượng cổ phiếu giao dịch một phiên trong suốt hơn 23 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam . Xét theo giá trị, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE đạt 36.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD). Tính riêng theo từng mã cổ phiếu, cổ phiếu Novaland (NVL) dẫn đầu về khối lượng với hơn 70 triệu đơn vị được sang tay, giá trị tương ứng gần 1.400 tỷ đồng. DIG xếp ngay sau với hơn 48 triệu đơn vị được khớp lệnh, VND, DXG, BCG, VIX, VCG, HPG, SSI, STB đồng loạt ghi nhận khối lượng giao dịch vượt mức 30 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup đứng đầu về giá trị giao dịch với xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, tương đương 26 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên. Đặc điểm chung của hầu hết cổ phiếu này đều là áp lực bán giảm sâu khiến thị giá nằm sàn, VIC giảm 7% xuống 66.900 đồng/cp, NVL còn 19.250 đồng/cp, DIG đạt 25.900 đồng/cp, DXG, VCG, VIX đồng loạt đóng cửa “xanh lơ”. Việc những trụ cột như VIC giảm hết biên độ cũng là nguyên nhân khiến thị trường mất trụ đỡ, đà rơi càng thêm nhanh. Trong phiên thị trường đỏ lửa, nhà đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng hiếm hoi khi mua ròng, giá trị xấp xỉ 460 tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào xấp xỉ 2.600 tỷ đồng. Hầu hết các phiên kỷ lục về thanh khoản gần đây đều đi kèm với những "cú rơi" mạnh của thị trường. Nhiều nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu rồi lại lao vào nhằm bắt đáy những mã giảm sàn khiến tần suất giao dịch bị đẩy lên nhanh chóng cũng là nguyên nhân đẩy thanh khoản lên mức cao kỷ lục. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC, nhà đầu tư không nên mua mới trong ngắn hạn. Một khi thị trường đã chỉnh mạnh, quán tính để tiếp tục điều chỉnh là cao, vì vậy không nên tham gia các trò chơi “bắt dao rơi” mạo hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ cơ hội. Theo ông Hiệp, thị trường điều chỉnh không hẳn lúc nào cũng xấu. Với tỷ trọng tiền mặt lớn, nhà đầu tư có thể chờ đợi các điểm cân bằng của thị trường để giải ngân mua thêm các cổ phiếu giá rẻ để đầu tư dài hạn. Nguồn: Phương Linh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook