Thị trường Chứng khoán

VinFast sắp niêm yết sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu Vingroup tăng kịch trần lên đỉnh 14 tháng

Ngô Minh Ngọc   |  12/08/2023

Tính riêng trong nửa tháng qua, VIC đã tăng gần 42% để leo lên mức cao nhất trong 14 tháng kể từ cuối tháng 6 năm ngoái. Đóng góp lớn cho đà tăng của VN-Index là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup khi tăng kịch trần lên mức 72.600 đồng/cp với hơn 10,6 triệu đơn vị khớp lệnh tính đến 10h20p sáng ngày 11/8. Tính riêng trong nửa tháng qua, VIC đã tăng gần 42% để leo lên mức cao nhất trong 14 tháng kể từ cuối tháng 6 năm ngoái. Thanh khoản cải thiện mạnh với khối lượng khớp lệnh trung bình trên 10 triệu cổ phiếu, thậm chí phiên 4/8 VIC khớp lệnh kỷ lục lên đến hơn 21 triệu đơn vị. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 82.800 tỷ đồng sau nửa tháng, lên gần 277.000 tỷ đồng. Đà tăng tốc của VIC diễn ra trong bối cảnh VinFast đang tiến gần đến ngày niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup, VinFast dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8 sau khi cổ đông Black Spade đã thông qua kế hoạch hợp nhất kinh doanh tại Đại hội cổ đông đặc biệt diễn ra vào ngày 10/8. Giao dịch hợp nhất dự kiến hoàn tất vào ngày 14/8. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market vào ngày 15/8, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là VFS và VFSWW. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu cho biết sự kiện này thể hiện sự tin tưởng của các cổ đông Black Spade dành cho VinFast. "Tôi tự hào về những thành tựu chúng tôi đã đạt được cho đến thời điểm này và tràn đầy kỳ vọng vào những hành trình mới, đầy hào hứng và tiềm năng mà sự hợp tác này sẽ mang đến trong tương lai”, lãnh đạo VinFast chia sẻ. Theo đánh giá về thông tin VinFast chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch FIDT cho rằng sự kiện này đánh giá bước ngoặt tự hào cho VinFast/Vingroup nói riêng và thị trường vốn Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, sự kiện này còn có tác động tích cực về mặt tâm lý và định hướng cho các doanh nghiệp Việt tiến ra thị trường vốn quốc tế. Trước đó, để huy động nguồn lực cho VinFast, Vingroup thông báo sẽ phát hành 5 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng. Giá bán sẽ là 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng số tiền thu được sẽ được Vingroup cho VinFast vay đầu tư dự án sản xuất ôtô tại Cát Hải, Hải Phòng. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực của VIC cũng đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc của Vingroup 6 tháng đầu năm với tổng doanh thu thuần hợp nhất bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.936 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả khả quan này nhờ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 trong kỳ. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác gồm kinh doanh bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, doanh thu mảng sản xuất trong 6 tháng đầu 2023 tăng 55,2% so với cùng kỳ 2022 nhờ doanh số xe điện tăng mạnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ trong khi doanh thu xe xăng còn không đáng kể do đã ngừng sản xuất.   Nguồn: Hạ Anh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: Nhịp điều chỉnh bất ngờ có thể xuất hiện, nhiều nhóm cổ phiếu đang tiềm ẩn rủi ro sau giai đoạn tăng "nóng"

Ngô Minh Ngọc   |  06/08/2023

Theo dự báo của ông Đinh Quang Hinh, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh tại vùng này do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Lực cầu từ nhóm cổ phiếu lớn kéo VN-Index bật tăng mạnh 15 điểm để tiến lên mốc 1.225 trong phiên cuối tuần. Thanh khoản cải thiện mạnh với giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt ngưỡng 22.000 tỷ đồng. Phiên tăng điểm thuyết phục phần nào xoá tan lo ngại thị trường diễn ra phân phối đỉnh trong phiên trước đó và kỳ vọng đà tăng của chỉ số vẫn được nối dài. Dù vậy, các chuyên gia vẫn đưa ra góc nhìn tương đối thận trọng với xu hướng của VN-Index khi tiến đến vùng cản. Đa số chuyên gia gia dự báo thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc bất ngờ khi áp lực chốt lời ở vùng này tăng cao. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao và thận trọng quan sát diễn biến thị trường quanh vùng cản này để đưa ra quyết định “trading” phù hợp. VN-Index sẽ đối diện nhịp điều chỉnh bất ngờ (Ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Vietinbank (CTS) Dù đối diện những nhịp tăng giảm trái chiều, nhưng lực kéo từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cụ thể là ngành bất động sản đã giúp VN-Index đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên cuối tuần. Ngoài ra, khối lượng giao dịch đang ở mức trên 1 tỷ cổ phiếu cho thấy tâm lý các nhà đầu tư đang lạc quan trở lại. Trong bối cảnh thị trường vẫn đang thu hút dòng tiền, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và chinh phục kháng cự vùng 1.23x – 1.24x điểm trong tuần tới. Tuy nhiên, với mức P/E hiện tại đạt gần 14 lần đã về khá gần mức trung bình của thị trường (khoảng 15.x lần), áp lực chốt lời ở một số nhóm ngành đã tăng dần trong khi nhóm trụ VN30 luân phiên kéo tăng chỉ số. Do đó, trong tháng 8 này nhiều khả năng VN-Index sẽ có những phiên điều chỉnh bất ngờ để kiểm định lại lực cầu tại kháng cự tâm lý đã bị vượt qua là mức 1.200 điểm. Một số yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường trong tháng 8 bao gồm khả năng kiểm soát lạm phát khi giá lương thực bắt đầu xu hướng tăng mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và chính sách cắt giảm diện tích trồng lúa tại Thái Lan, áp lực bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu để thanh toán các khoản trái phiếu đáo hạn trong tháng 9 với tổng giá trị gần 32.500 tỷ đồng. Đồng thời các cổ phiếu cần thời gian xác lập lại nền giá mới hấp dẫn nhà đầu tư tham gia giải ngân mới, chỉ 1 số ngành như bất động sản sẽ tích cực vượt trội so với các nhóm ngành khác do nhóm này chưa lên nhiều và đang được chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc hạ lãi suất và gỡ thanh khoản, pháp lý thông qua các biện pháp vừa qua của chính phủ, vì vậy nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành này vào nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, chuyên gia CTS cho rằng việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư trong nhóm BĐS sẽ khó hơn vì các cổ phiếu đã có nhịp tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua, vì vậy nhóm ngành BĐS khả năng sẽ có sự phân hóa tăng giảm không đồng nhất. Nhà đầu tư tham gia nhóm này cần phân tích kỹ cổ phiếu, đánh giá kỳ vọng tăng trưởng và tuân theo chiến lược đúng đắn, tập trung vào 1 số nhóm thanh khoản tốt và tích cực trở lại. Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt ở mức 80/20 nhằm sẵn sàng cho các biến động mạnh của thị trường. Việc giải ngân được khuyến nghị nên thực hiện trong các giai đoạn giảm điểm của thị trường và tại các vùng hỗ trợ mạnh, với hai ngưỡng hỗ trợ gần nhất trong giai đoạn hiện nay lần lượt là 1.220 và 1.200 điểm. Nhà đầu tư dài hạn được khuyến nghị áp dụng chiến lược tích sản cổ phiếu thuộc các ngành có triển vọng tăng trưởng vào nửa cuối năm trong các phiên điều chỉnh của thị trường. Ví dụ như nhóm ngành bất động sản, năng lượng – xây dựng được hưởng lợi trực tiếp hay nhóm ngành ngân hàng, logistic được hưởng lợi gián tiếp từ câu chuyện đầu tư công. Hạn chế mua đuổi giá cao khi VN-Index tiến đến vùng cản mạnh (Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT) VN-Index đã có nhịp điều chỉnh ngắn trong 3 phiên giữa tuần qua sau khi chạm vùng kháng cự mạnh quanh 1.235 điểm (+/- 10 điểm). Tuy nhiên, thông điệp tích cực của Chính Phủ tại Hội nghị “Đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản” đã kích hoạt dòng tiền đã đổ vào nhóm cổ phiếu bất động sản (nhóm vốn hóa lớn thứ 2 thị trường), qua đó thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Đà tích cực có thể lan tỏa sang đầu tuần tới và chỉ số VN-Index có thể tiến sâu vào vùng kháng cự 1.235 (+/-10 điểm). Tại vùng này, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi tại vùng giá cao và thận trọng quan sát diễn biến thị trường quanh vùng cản này để đưa ra quyết định “trading” phù hợp. Nếu chỉ số VN-Index không bứt phá được qua vùng kháng cự trên và quay đầu giảm điểm thì nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng margin và xem xét chốt lời một phần danh mục để bảo vệ thành quả, đặc biệt là các cổ phiếu có nhịp tăng mạnh trên 20% trong khoảng thời gian ngắn vừa qua và chờ đợi nhịp điều chỉnh để quay trở lại. Còn nếu thị trường tiếp tục bứt phá qua được vùng kháng cự trên một cách thuyết 3 phục thì nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu để hướng tới các mốc cao hơn. Nhiều nhóm cổ phiếu đang tiềm ẩn rủi ro, không nên "đua lệnh" với nhóm BĐS (Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco ) Dự báo xu hướng tuần tới, thị trường có thể tiếp tục duy trì trạng thái tăng điểm sau khi đã diễn biến khá tích cực trong tuần vừa rồi. Hiện nay, xu hướng dòng tiền gia nhập thị trường chứng khoán từ các kênh đầu tư khác đang diễn ra tương đối tốt; số lượng tài khoản mở mới trong tháng vừa rồi lên đến hơn 150.000 tài khoản sẽ củng cố cho đà tăng của thị trường. Ngoài ra, vẫn chưa có thông tin tiêu cực nào quá xấu để khiến cho thị trường giảm điểm. Thanh khoản thị trường đã tăng cao liên tục đặc biệt trong các tháng gần đây là nhân tố chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Với việc mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ nhiệt và các kênh đầu tư vẫn gặp khó khăn, kênh đầu tư chứng khoán đang chứng minh được sự thu hút cao nhất trong giai đoạn hiện nay. Thị trường trong tháng 8 có thể vẫn duy trì tích cực do xu hướng dịch chuyển dòng tiền vẫn đang diễn ra. Một số yếu tố tác động trong tháng 8 có thể kể đến như :(1) Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với những ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn; (2) Kế hoạch chốt quyền cổ tức của các doanh nghiệp có thể tạo nên con sóng phân hóa cho những nhóm ngành có thông tin diễn ra; (3) Câu chuyện đầu tư công đang được triển khai tích cực, tiến độ giải ngân vẫn tốt trong tháng 7 cũng sẽ là câu chuyện thu hút dòng tiền trong tháng 8 này. Ở chiều ngược lại, một số yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư nên cân nhắc: (1) Một số cổ phiếu đang ở mặt bằng định giá khá đắt đỏ; (2) Khối ngoại mặc dù đã quay trở lại mua ròng tuy nhiên xu hướng chưa rõ ràng, khi quay trở lại trạng thái bán ròng mạnh có thể sẽ phần nào ảnh hưởng tới tâm lý thị trường ; (3) Kết quả kinh doanh của nhiều nhóm ngành hiện vẫn đang có sự phân hóa và có thể sẽ không được như kì vọng trong quý III này sau khi đã diễn biến kém tích cực trong 2 quý đầu năm. Xét về thị trường chung, mặt bằng định giá P/E vẫn chưa phải quá cao so với trung bình 5 năm gần đây, điều này hàm ý rằng thị trường vẫn chưa quá đắt đỏ. Tuy nhiên cần lưu ý chúng ta nên xem xét theo từng nhóm ngành, nhóm cổ phiếu cụ thể. Bởi hiện nay thị trường bị ảnh hưởng lớn bởi định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng – nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất. Theo quan sát của chuyên gia, hiện nay đã có nhiều nhóm cổ phiếu đã ở trạng thái định giá tương đối cao và đang tiềm ẩn rủi ro. Ngược lại, vẫn có một số cơ hội tiềm năng khác mà chúng ta có thể vẫn còn dư địa tăng giá khi mà mặt bằng định giá vẫn đang thấp so với bình quân 5 năm vừa rồi. Bàn về nhóm cổ phiếu BĐS, mặc dù nhóm này có đà tăng khá tốt nhờ những thông tin về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Agriseco không đánh giá cao về mặt triển vọng tăng giá trong trung và dài hạn của nhóm này mà đà tăng chủ yếu mang tính đầu cơ nhiều hơn. Một phần vì kết quả kinh doanh có thể sẽ chưa được cải thiện trong nửa cuối năm. Việc nhà đầu tư "đua lệnh" mua cổ phiếu có thể tiềm ẩn rủi ro đặc biệt với những doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án thấp. Ở chiều ngược lại, đối với những cổ phiếu đầu ngành, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân một phần nhỏ tỷ trọng để đa dạng hóa danh mục. Chiến lược đầu tư cho giai đoạn hiện nay nên ưu tiên cho việc duy trì và bảo vệ kết quả. Việc giải ngân mới nên cân nhắc khi thị trường đã đi vào vùng quá mua và các nhịp rung lắc sẽ xảy ra khá thường xuyên. Mặc dù xu hướng tăng giá trung và dài hạn vẫn đang được duy trì tuy nhiên để tận dụng tối ưu hóa danh mục chúng ta nên giảm tỉ trọng và chốt lời dần tại các phiên hưng phấn; ngược lại ở những phiên thị trường giảm mạnh chúng ta có thể tăng tỉ trọng cổ phiếu để giảm giá vốn. Nguồn: Hạ Anh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: Một lượng tiền lớn đang chực chờ đổ vào chứng khoán, VN-Index có thể hướng tới 1.300 điểm

Ngô Minh Ngọc   |  30/07/2023

Dù cho rằng VN-Index khó quay lại vùng đỉnh cũ 1.500 điểm, song chuyên gia Agriseco cho rằng thị trường có thể hồi phục khoảng một nửa mức trên, tương đương với con số 1.300 điểm. Sau nhiều lần rung lắc mạnh quanh 1.200 điểm, cuối cùng VN-Index cũng dứt khoát vượt ngưỡng tâm lý. Thanh khoản ghi nhận tăng cao khi VN-Index tiệm cận ngưỡng này cùng với lực cầu hỗ trợ từ khối ngoại cho thấy khả năng hấp thụ chốt lời rất tốt. Đưa ra dự báo về xu hướng thị trường, đa số chuyên gia đều thống nhất khả năng thị trường sẽ tiếp tục đi lên, trên cơ sở dòng tiền mạnh và các yếu tố hỗ trợ vẫn đang tạo kỳ vọng tích cực. Trong kịch bản tích cực nhất, VN-Index có thể chạm mốc 1.300 điểm trong năm 2023. Chưa có dấu hiệu điều chỉnh, VN-Index hướng về 1.300 điểm (Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco ) Thị trường vượt mốc kháng cự 1.200 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang lạc quan và cũng phản ánh phần nào xu hướng giảm lãi suất vừa qua là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường tăng điểm. Sau khi vượt mốc 1.200 điểm, VN-Index sẽ tiến tới những vùng kháng cự ở ngưỡng tiếp theo. Hiện tại, chuyên gia cho rằng vẫn chưa thấy điều gì quá rủi ro có thể khiến thị trường có khả năng giảm mạnh. Vì vậy, khả năng cao thị trường vẫn có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn tới. Một động lực hỗ trợ cho thị trường là có thể sẽ có lượng lớn tiền gửi chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán. Giai đoạn vừa qua, dòng tiền trên thị trường một phần có đến từ những khoản tiền gửi đáo hạn kì hạn 6 tháng. Trong giai đoạn cuối năm, vị chuyên gia kỳ vọng sẽ lượng lớn tiền gửi lãi suất cao 1 năm đáo hạn tới đây sẽ là trợ lực quan trọng cho thị trường. Dù cho rằng VN-Index khó quay lại vùng đỉnh cũ 1.500 điểm, song chuyên gia Agriseco cho rằng thị trường có thể hồi phục khoảng một nửa mức trên, tương đương với con số 1.300 điểm.   Trong bối cảnh thị trường tăng liên tục và chưa có điểm dừng như hiện nay, việc giải ngân mới tất nhiên sẽ có rủi ro. Tuy nhiên xu hướng tăng giá trung và dài hạn vẫn đang được duy trì. Vì vậy, chúng ta giao dịch ở thời điểm hiện tại vẫn còn cơ hội. Nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành hoặc VN30 để giảm thiểu rủi ro chốt lời trong ngắn hạn. Thị trường giai đoạn vừa rồi có sự luôn phiên dẫn sóng giữa các nhóm. Trong giai đoạn tới, có thể sẽ quay lại những nhóm truyền thống như VN30, Bluechips; hoặc những nhóm có câu chuyện như đầu tư công; hoặc những nhóm có sự phục hồi về kết quả kinh doanh như ngành thép, ngành hàng không, du lịch cũng có thể là những điểm đến hấp dẫn của dòng tiền. Một dòng tiền lớn đang chực chờ vào chứng khoán Ô ng Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường Chứng khoán BIDV (BSC) Động lực chính cho đà tăng mạnh của chứng khoán vẫn đến từ xu hướng hạ nhiệt của lãi suất kích thích dòng tiền chảy vào chứng khoán. Mặt khác, sự trở lại nhanh chóng của dòng tiền khối nội khiến những nhà đầu tư “lỡ tàu” cũng sốt ruột giải ngân trong những nhịp tăng giá. Điều này khiến thị trường dễ dàng vượt mốc 1.200 điểm mà gần như không có bất cứ nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Dù vậy, chuyên gia BSC cho rằng khi nền tảng cơ bản chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng vẫn là yếu tố kéo thị trường đi lên trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu kỳ vọng không "đuổi kịp" nền tảng cơ bản, VN-Index khó có thể tăng nhanh và mạnh hơn nữa. Hơn nữa, thời điểm thị trường trading dễ nhất vẫn là giai đoạn đầu, bởi khi thị trường đã có nhịp tăng nhất định, kỳ vọng phản ánh vào giá dòng tiền sẽ chờ đợi yếu tố cơ bản và chọn lọc kỹ lưỡng hơn. Vị chuyên gia đưa ra hai kịch bản (1) Nếu kết quả kinh doanh cải thiện tốt trong những quý tới, VN-Index có thể tiếp tục đà tăng lên 1.300 điểm. (2) Ngược lại, nếu kỳ vọng về KQKD không đạt được khiến dòng tiền mất đà, thị trường có thể vượt 1.200 điểm, song sẽ điều chỉnh và tích luỹ trong thời gian dài. Dù vậy, ông Khoa cho rằng xu hướng này phải đến cuối quý 3, đầu quý 4 mới rõ ràng hơn.   Quan sát dòng tiền trên thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa cũng nhận thấy có một dòng tiền đang chực chờ bên ngoài thị trường tìm cơ hội trong bối cảnh lãi suất đang đi xuống. Theo thống kê của chuyên gia BSC, dòng tiền chảy vào kênh huy động đã giảm gần 1 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ. “Dù không thể kỳ vọng dòng tiền đó có thể chảy hoàn toàn vào chứng khoán, song cũng cho thấy sự dịch chuyển của tài sản sang những kênh lãi suất cao. Lượng tiền gửi 6 tháng đã đáo hạn trong quý 2, song lượng tiền gửi 1 năm sẽ đáo hạn dần trong quý 3 tới đây. Với lãi suất hạ nhiệt như hiện tại, tôi kỳ vọng một phần dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán trong thời gian tới”, vị chuyên gia nhận định. Mặt khác, ông Khoa đánh giá rủi ro trên thị trường chưa quá cao. Bởi dòng tiền trên thị trường có hai loại là cơ sở và margin, rủi ro sẽ xuất hiện trong trường hợp hai dòng tiền này đều tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện lượng margin tại các công ty vẫn đang giữ mức ổn định cho thấy dòng tiền tăng nhiều từ cơ sở. Nhìn số lượng tài khoản mở mới tăng gấp đôi trong tháng 6 cũng phần nào thấy đang có lượng tiền mới tham gia thị trường. Theo vị chuyên gia, giai đoạn xấu nhất gần như đã đi qua, vĩ mô có thể bắt đầu tạo đáy và đi lên. Đồng thời, bối cảnh thế giới cũng không có quá nhiều vấn đề đáng lo ngại và đang trong xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, khi định giá đẩy lên mức cao, KQKD không cải thiện kịp thì đó sẽ là thời điểm rủi ro của thị trường. Trên thị trường hiện có hai trạng thái đan xen đó là những người đứng ngoài tiếc nuối khi chưa kịp giải ngân và những người "bán hớ" khi thị trường tiếp tục tăng. Theo chuyên gia, thay vì đoán đỉnh thị trường, nhà đầu tư cần quan tâm đến kỷ luật phân bổ tài sản phù hợp. Ba hành động phù hợp cho nhà đầu tư Ông Phạm Việt Duy, Trưởng Nhóm Thị trường Khối Phân tích Chứng khoán VNDIRECT Thị trường có chút lưỡng lự và rung lắc đầu tuần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của FED về chính sách tiền tệ vào giữa tuần. Mọi thứ diễn ra đúng như thị trường kì vọng và sau đó VN-Index đã có nhịp tăng khá mạnh về cuối tuần và chính thức vượt mốc 1.200 điểm. Bên cạnh đó, thông tin về tăng trưởng GDP quý 2 của Mỹ đạt 2,4% cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia và Quý 1/2023 cũng góp phần vào đà tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái quá mua, do đó nhà đầu tư nên giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo và hạn chế “Fomo” ở thời điểm này. Chuyên gia đưa ra hành động phù hợp với nhà đầu tư trong thời điểm này: (1) Hạn chế mua đuổi cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, bất động sản; (2) Cũng không cần thiết phải vội vàng bán ra nếu như thị trường và cổ phiếu chưa mất xu hướng; (3) Khi phiên phân phối xảy ra với đặc điểm thanh khoản cao và giảm hơn 10 điểm khi đóng cửa, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời để có thể bảo toàn lợi nhuận. Khi phiên phân phối xảy ra thị trường có thể không điều chỉnh sâu nhưng sẽ cần thời gian tương đối để tích lũy trở lại để chinh phục các mốc cao hơn và vì vậy việc chốt lời bảo toàn lợi nhuận để tìm các điểm mua hợp lý sẽ là hành động tối ưu. Nguồn: Hạ Anh - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Nhà đầu tư mạnh dạn dùng margin, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán tăng 27.000 tỷ sau quý 2, lên mức 150.000 tỷ đồng

Ngô Minh Ngọc   |  23/07/2023

Thời điểm cuối quý 2, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin ước đạt 142.000 tỷ đồng, tăng 24.000 tỷ so với cuối quý 1. Sau nhịp điều chỉnh trong tháng 4, thị trường chứng khoán đã hồi phục mạnh mẽ trong phần còn lại của quý 2 cùng với làn sóng nhà đầu tư mới tham gia đông đảo. Tâm lý nhà đầu tư được cải thiện rõ rệt, nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) cũng theo đó tăng mạnh. Dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 2 ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ (~1,1 tỷ USD) so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ so với cuối quý 1, ước đạt 142.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6, còn lại là ứng trước tiền bán. Con số này cũng tương đương với thời điểm giữa năm ngoái. Sau quý 2 vừa qua, thị trường đã ghi nhận thêm 2 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ là VPS và TCBS bên cạnh Mirae Asset và SSI. Dù vậy, số lượng này vẫn ít hơn so với thời điểm đỉnh cao khi dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán lập kỷ lục 200.000 tỷ vào cuối quý 1 năm ngoái. Thời điểm đó, thị trường có đến 6 công ty chứng khoán có dư nợ trên vạn tỷ. Đa phần các công ty chứng khoán đều ghi nhận dư nợ cho vay vào cuối quý 2 tăng so với thời điểm 31/3. 10 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường đều đã mở rộng quy mô hoạt động này trong quý vừa qua. So với thời điểm cuối quý 1, toàn thị trường có 9 công ty chứng khoán ghi nhận dư nợ cho vay tăng trên nghìn tỷ trong đó 2/3 số này nằm trong top 10. VPS là cái tên có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất, hơn 3.300 tỷ đồng, đạt gần 10.800 tỷ - mức cao nhất kể từ khi hoạt động. 2 công ty dẫn đầu là Mirae Asset và SSI cũng đều có dư nợ cho vay tăng mạnh lần lượt 2.900 tỷ và 2.300 tỷ đồng so với cuối quý 1. Trong top đầu còn có HSC, KIS và MBS cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay trong quý 2. Nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng đòn bẩy cũng góp phần đẩy thanh khoản thị trường cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt là trong tháng 6. Giá trị giao dịch nhiều phiên đã trở lại ngưỡng tỷ USD. Riêng trên HoSE, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trong tháng 6 đạt trên 15.000 tỷ, tăng hơn 40% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn một năm kể từ tháng 4/2022. Thanh khoản dồi dào vẫn tiếp tục dược duy trì sang tháng 7. Cú huých từ lãi suất Cú huých được đánh giá có tác động lớn đến dư nợ margin và thanh khoản thị trường là xu hướng giảm của lãi suất thời gian qua. Từ trung tuần tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành liên riếp. Sau điều chỉnh của NHNN, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng “rục rịch” giảm. Lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán. Theo nhiều đơn vị phân tích, một phần tiền gửi ngân hàng đã chuyển dịch sang kênh cổ phiếu dù con số có thể không quá lớn. Trong khi đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm đã góp phần giảm chi phí vốn, giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Lãi suất giảm là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng margin. Theo SGI Capital, nhờ VND ổn định và lạm phát hạ trong nửa năm qua, SBV đã có dư địa để hạ mạnh lãi suất và tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý 2/2022. Quỹ đầu tư này cho rằng, nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm, SBV sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất. Trong khi đó, Dragon Capital đánh giá Việt Nam vẫn có thể duy trì mở rộng chính sách tiền tệ như một “liều thuốc bổ” ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sẽ khó có thể cải thiện tăng trưởng trong nửa sau 2023 nếu thiếu sự đồng hành của chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công. Tương tự, Pyn Elite Fund cũng cho rằng hành động của Chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các quyết định của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới. Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Kết quả kinh doanh quý 2 chưa thể tăng trở lại, những nhóm ngành cổ phiếu nào là tâm điểm hút tiền nửa cuối năm?

Ngô Minh Ngọc   |  14/07/2023

Theo Agriseco, khi các thông tin kém tích cực được công bố có thể ảnh hưởng tới tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn sẽ phân hóa mạnh vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan. Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá số liệu kinh tế vĩ mô nửa đầu năm đã cho thấy các yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Một vài điểm sáng cho nửa cuối năm như tình hình lạm phát vẫn ở mức thấp, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, tín hiệu tích cực từ giải ngân đầu tư công các tháng gần đây. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm nay thì tốc độ tăng trưởng trong 2 quý cuối năm cần đạt khoảng 9 – 10%, Agriseco Research cho rằng đây là mục tiêu rất thách thức. Dư địa có thể đến từ các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời các chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ kỳ vọng thẩm thấu vào nền kinh tế.   Xét với thị trường chứng khoán , kỳ công bố kết quả kinh doanh bán niên 2023 đang đến gần và được dự báo không quá tích cực. Agriseco Research dự báo tổng lợi nhuận các doanh nghiệp trên cả 3 sàn có thể tiếp tục giảm nhẹ hoặc đi ngang sau khi đã giảm khoảng 20% trong quý 1/2023. Các thông tin kém tích cực được công bố có thể ảnh hưởng tới tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn sẽ phân hóa mạnh vào những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan. Thứ nhất, với mặt bằng lạm phát đang thấp, sức cầu hồi phục chậm, mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay có thể tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ nền kinh tế. Hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng có thể được nới lỏng hơn trong các tháng cuối năm trong trường hợp thuận lợi. Các yếu tố kể trên là nhân tố tích cực cho thị trường chứng khoán trên cả phương diện dòng tiền và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Các nhóm có cơ hội là bluechips, ngân hàng hoặc các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao.   Đáng chú ý, tỷ giá là yếu tố cần lưu tâm khi đang tăng gần 1% trong 1 tháng qua, kết hợp với việc khối ngoại đang bán ròng liên tục kể từ tháng 4. Đây là những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường chứng khoán nửa cuối năm. Thứ hai, theo Agriseco, xuất khẩu mặc dù giảm tới 12% trong 6 tháng đầu năm nhưng vẫn có điểm sáng khi Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu. Kỳ vọng một số nhóm ngành xuất khẩu cao trong nửa đầu năm sẽ duy trì đà tăng tốt trong nửa cuối năm 2023 như gạo, nông sản, rau củ quả và một số nhóm ngành phục hồi dần khi tình hình xuất khẩu dự báo khởi sắc hơn.   Thứ ba, tiến độ giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong các tháng gần đây khi các dự án trọng điểm đồng loạt được triển khai. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đầu tư tư nhân chững lại, đầu tư công được coi là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới cơ hội với nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, xây dựng .   Thứ tư, ở khía cạnh khác, tăng trưởng số liệu về hàng không, du lịch cũng như lưu trú, ăn uống tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ giúp cho kết quả kinh doanh các doanh nghiệp hàng không, dịch vụ du lịch , lưu trú khởi sắc hơn. Chính sách visa mới hiệu lực từ 15/8 cũng kỳ vọng tạo cú hích cho ngành du lịch nửa cuối năm Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ kỳ vọng hỗ trợ thị trường và các doanh nghiệp trong nền kinh tế trong nửa cuối năm. Bên cạnh các chính sách đã được ban hành, một số chính sách, luật mới cần lưu ý trong thời gian tới như Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản dự kiến; Chính sách giảm thuế VAT, chính sách tăng lương cơ bản, Luật tín dụng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016 (nới lỏng tín dụng cho BĐS KCN, NOXH). Theo Agriseco Research, các chính sách mới nếu được thông qua kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường chung. Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Nhận định thị trường ngày 07/07/2023 

Ngô Minh Ngọc   |  07/07/2023

✨ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG * Nội bộ Fed bất đồng về quyết định tạm ngưng nâng lãi suất trong tháng 6. Tại cuộc họp tháng 6/2023, các quan chức Fed quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng nhấn mạnh cần thắt chặt chính sách thêm trong tương lai nhưng với tốc độ chậm hơn so với đầu năm 2022. Một vài thành viên thậm chí còn muốn nâng lãi suất trong tháng 6.  * Chuyện “nhặt hàng” của chứng sĩ. Nhớ về năm 2022, thị trường đậm vị chua chát với quá nhiều sự vụ tiêu cực, từ thao túng chứng khoán, sai phạm khiến thị trường trái phiếu đóng băng, cho đến các biến động kinh tế địa chính trị. Kết phiên cuối cùng của năm cũ, VN-Index dừng lại ở 1,070 điểm, giảm tới 70% so với đỉnh 1,522 điểm ghi nhận vào tháng 04/2022. Khi ấy, các chuyên gia dự báo năm 2023 sẽ khởi sắc, nhưng với thái độ dè dặt và thường chỉ đưa ra những nhận định chung, đại loại là “sẽ còn nhiều khó khăn”.   ✨GÓC NHÌN KỸ THUẬT * Về góc nhìn kỹ thuật, trong 3 phiên gần nhất, VN-Index đã hình thành mẫu hình nến tương tự mẫu hình evening star báo hiện rủi ro điều chỉnh đã tăng lên. Thêm vào đó, tại khung đồ thị ngày, chỉ báo MACD và RSI đồng loạt cho tín hiệu phân kỳ 3 đoạn cho thấy xác xuất cao thanh khoản bán chủ động sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong các phiên tới. * Trong trường hợp nhịp hồi xuất hiện, nhà đầu tư nên ưu tiên hạ bớt tỷ trọng với các mã mất nền tích luỹ trong nhịp giảm vừa rồi. Hành động giải ngân mới nên thực hiện tại nhóm cổ phiếu bluechip khi chỉ số xác nhận cân bằng trở lại quanh vùng hỗ trợ. Trân trọng! ✍️  Phòng Chứng Khoán Cao Bắc Công ty CP Thương mại Cao Bắc (ĐVTV thuộc Thái Hưng) Địa chỉ: 70 Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Hotline: 0909 564 333 Fanpage: https://www.facebook.com/ChungkhoanCaoBac https://caobac.com.vn/ Nguồn: Internet tổng hợp
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook