Thị trường Chứng khoán

Reuters: Việt Nam đẩy mạnh giải pháp thanh toán, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025

Ngô Minh Ngọc   |  27/10/2023

Theo nguồn tin từ Reuters, các cuộc họp của UBCKNN với FTSE Russell rất tích cực và có thể thúc đẩy việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ Cận biên lên thị trường Mới nổi thứ cấp (secondary emerging) vào tháng 9 năm 2025, Theo nguồn tin từ Reuters , Việt Nam đang lên kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây được xem là một biện pháp quan trọng để thuyết phục các tổ chức xếp hạng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi, từ đó có thể thu hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư mới chảy vào. Cụ thể hơn, Việt Nam sẽ cho phép các công ty chứng khoán bảo lãnh cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua cổ phiếu – động thái được Tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đánh giá là một bước tiến và có thể giúp loại bỏ rào cản pháp lý đã cản trở quá trình nâng hạng thị trường trong nhiều năm. Hiện Việt Nam được các tổ chức xếp hạng thị trường là FTSE Russell và MSCI phân loại vào nhóm thị trường cận biên. Điều này phần nào trở thành rào cản đối các tổ chức cũng như quỹ đầu tư rót vốn vào các doanh nghiệp niêm yết. Mới đây, đại diện FTSE Russell đã có buổi làm việc với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cập nhật các thông tin chính sách/thị trường, định hướng giải pháp chi tiết để tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam. Reuters trích đánh giá của bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc chiến lược Chứng khoán SSI - người trực tiếp tham gia vào kế hoạch rằng: “Các cuộc họp với FTSE Russell rất tích cực và có thể dẫn đến việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ Cận biên lên thị trường Mới nổi thứ cấp (secondary emerging) vào tháng 9 năm 2025”. Để đáp ứng mốc thời gian đó, FTSE Russell sẽ cần thông báo việc nâng hạng sớm nhất là vào tháng 9/2024, trước thông báo chính thức từ 6-12 tháng. Nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vào chung nhóm với thị trường Indonesia, Philippines, Qatar và Trung Quốc. Ước tính khoảng 800 triệu USD có thể chảy vào TTCK Việt Nam thông qua các quỹ thụ động nếu được nâng hạng Theo kế hoạch mới, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế giải quyết các khoản thanh toán cho giao dịch cổ phiếu nhằm đáp ứng yêu cầu chính từ FTSE về việc nâng hạng. Ở các thị trường tiên tiến, nhà đầu tư thanh toán giao dịch 2 ngày sau khi mua cổ phiếu, nhưng ở Việt Nam, họ phải chuyển tiền ngay trong ngày, gây ra chi phí và rủi ro cao hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Để vượt qua rào cản này, cơ quản quản lý và các công ty chứng khoán Việt Nam đang xây dựng cơ chế tương tự như cơ chế được sử dụng ở Trung Quốc, các công ty chứng khoán sẽ bảo lãnh thanh toán cho các quỹ nước ngoài, cấp tín dụng trong hai ngày cho đến khi giao dịch hoàn tất. Mặc dù phải chấp nhận một số rủi ro, nhưng thị trường sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn mới, SSI ước tính khoảng 800 triệu USD có thể chảy vào từ các quỹ thụ động với giả định tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi là 1%. Đồng thời, ước tính các quỹ cũng sẽ đầu tư gấp 5 lần khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE, mang lại cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE. Trước đó, trong báo cáo cập nhật hồi cuối tháng 9/2023 của FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market). Điều đó có nghĩa thị trường Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên (Frontier Market). Theo FTSE Russell, Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp do vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu thanh toán được quy định. FTSE Russell cho biết: "Mặc dù kế hoạch cải tổ thị trường vẫn tiến triển chậm nhưng các quan chức năng đã thể hiện cam kết đẩy mạnh quá trình này. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tích cực tìm kiếm các giải pháp khả dĩ về vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding)" Trong khi đó, nguồn tin Reuters cho rằng Việt Nam sẽ chưa thể vào danh sách nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market) của tổ chức MSCI do những yêu cầu khắt khe hơn. Theo quy định của Việt Nam, các ngân hàng không được phép cấp tín dụng cho người nước ngoài. Điều này đã cản trở sự tham gia của dòng vốn ngoại và khiến quá trình xem xét nâng hạng của MSCI với Việt Nam gặp nhiều rào cản hơn. Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường đang ở vùng tốt để giải ngân mua cổ phiếu

Ngô Minh Ngọc   |  22/10/2023

Theo chuyên gia DSC, có hai nhóm cổ phiếu có thể thu hút được dòng tiền trong thời gian tới nhờ Beta cao, độ biến động mạn. Khi thị trường hồi phục khả năng cao sẽ được các nhà đầu tư lựa chọn để "gỡ lỗ". Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 16-20/10 ghi nhận diễn biến rung lắc mạnh. Chỉ số VN-Index giảm sâu trên 1%/phiên trong 4 ngày đầu tuần khi áp lực mạnh đột biến trên nhiều cổ phiếu khiến chỉ số chịu áp lực giảm về dưới ngưỡng 1.070 điểm. Lực cầu trở lại giúp thị trường quay đầu hồi phục trong ngày thứ Sáu. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index giảm 46,7 điểm xuống mức 1.108,03 điểm, tương ứng mất hơn 4% so với tuần trước. Tâm lý nhà đầu tư đè nặng trong bối cảnh thị trường điều chỉnh. Dù vậy nhiều chuyên gia vẫn chỉ ra những tín hiệu tích cực và các cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng danh mục cổ phiếu. Chờ đợi thị trường xác nhận đáy 2 thành công Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT , trái với kỳ vọng rằng đà phục hồi có thể được duy trì, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp ghi nhận 4 phiên điều chỉnh mạnh trong tuần qua và chỉ phục hồi một phần trong phiên giao dịch ngày thứ 6. Đà bán mạnh thường bất ngờ xuất hiện trong phiên buổi chiều làm nhà đầu tư trở tay không kịp và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường. Điều này có thể là do hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin của một số bên cho vay. Vì vậy, ông Hinh cho rằng cần quan sát thêm tác động của diễn biến này tới xu thế thị trường trong những phiên tới. Điểm tích cực xuất hiện trong phiên cuối tuần đó là đã bắt đầu le lói những thông tin hỗ trợ cho tỷ giá. Đồng thời, động thái mua ròng liên tục của khối ngoại trong những phiên giảm điểm tuần qua cũng là yếu tố hỗ trợ đáng chú ý cho thị trường. Về chiến lược đầu tư, chuyên gia VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc mua gom dần cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh giảm do thị trường đã về vùng định giá khá hấp dẫn để mua và nắm giữ. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất về vùng đáy nhiều đáy nhiều năm và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu chu kỳ phục hồi thì việc mua và nắm giữ cổ phiếu để đầu tư dài hạn là một lựa chọn đáng giá. Còn đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, vẫn nên duy trì kỷ luật, chờ đợi thị trường xác nhận đáy 2 thành công thì mới tham gia để giảm thiểu rủi ro và tăng xác suất thành công. Thị trường đang ở vùng chiết khấu tốt để giải ngân mua cổ phiếu Theo quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC , nguyên nhân chính cho đà điều chỉnh của thị trường này tới từ kỳ vọng chính sách của nhà đầu tư liên quan tới dòng tiền. Phát biểu gần đây của Thống đốc NHNN cho rằng "nếu xu hướng lạm phát bùng lên, thì chính sách tiền tệ có nhiệm vụ phòng ngừa, chuẩn bị xu hướng thắt chặt". Ông Hiệp nhận định thị trường đang có phần phản ứng với những thông tin này khi kỳ vọng tiền rẻ bị tác động. Sau nhiều phiên giảm mạnh, thị trường có phiên hồi kỹ thuật là điều bình thường. Tuy nhiên, phiên hồi cuối tuần qua có thanh khoản không cao do đó chưa xác nhận tín hiệu đảo chiều, thị trường có thể tiếp tục giảm điểm sau hồi kỹ thuật. " Thị trường sau khi giảm 150 điểm từ đỉnh đã có mức chiết khấu hấp dẫn. Việc dò chính xác đáy là rất khó và không cần thiết. Thị trường ở mức chiết khấu tốt như hiện tại là lúc để nhà đầu tư bắt đầu giải ngân vào các cổ phiếu tốt ", chuyên gia đến từ DSC cho vay. Thực tế cả khối ngoại và các nhóm tổ chức đã bắt đầu mua ròng trở lại. Ông Hiệp cho rằng đây là bằng chứng cho thấy dòng tiền thông minh đã đánh giá rằng mức chiết khấu của VN-Index đã ở mức tốt, phù hợp để đẩy mạnh giải ngân tìm kiếm cơ hội, nhất là khi mùa kết quả kinh doanh quý 3 sắp tới. "Tình hình kinh doanh c ác doanh nghiệp sẽ có sự khởi sắc hơn so với 2 quý trước và tăng trưởng so với cùng kỳ do hiệu ứng nền so sánh thấp của năm ngoái cộng thêm môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện nhất định nhờ chính sách hỗ trợ được ban hành, XNK hồi phục tốt, giải ngân đầu tư công tốt, lãi suất cho vay đã giảm ". Về nhóm cổ phiếu có thể thu hút dòng tiếp, sau đà điều chỉnh, ông Hiệp đánh giá các cổ phiếu mang tính thị trường cao như chứng khoán, đầu tư công đã có mức chiết khấu tốt. Những cổ phiếu này có Beta cao, độ biến động mạnh nên khi hồi phục khả năng cao sẽ được các nhà đầu tư lựa chọn để "gỡ lỗ". Xu hướng giảm điểm đang đóng vai trò chủ đạo, ngưỡng 1.055 trở nên quan trọng Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua, ô ng Thái Hữu Công, Chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng chỉ số VN-Index đã bước sang tuần giảm điểm thứ 5 kể từ vùng đỉnh thiết lập đầu tháng 9. Mặc dù chỉ số đã xuất hiện những nỗ lực hồi phục đầu tiên song đây khả năng cao chỉ là một phiên hồi phục mang tính kỹ thuật và thị trường vẫn chưa đủ điều kiện để xác nhận đã tạo đáy. Trong kịch bản tích cực nhất, ông Công cho rằng VN-Index sẽ diễn biến theo xu hướng sideway down và chớm phá vùng đáy quanh 1.073-1.075 điểm. Nếu chỉ số có thể giữ vững ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 1.055 (+-5), VN-Index sẽ có cơ hội bước vào một nhịp hồi phục trong ngắn hạn. Với xu hướng giảm điểm đang đóng vai trò chủ đạo, ông Công nhận định việc ưu tiên quản trị rủi ro danh mục nên đặt ưu tiên hàng đầu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao trong danh mục, chúng tôi khuyến nghị bán hạ tỷ trọng về mức an toàn trong các nhịp hồi phục sớm. Còn đối với các nhà đầu tư đang đứng ngoài chờ cơ hội, các ngưỡng hỗ trợ xa hơn tại vùng 1.055 (+-10) sẽ phù hợp để có thể gia tăng tỷ trọng trading trở lại. Trong bối cảnh thị trường trong nước diễn biến ảm đạm cũng như rủi ro suy thoái toàn cầu vẫn hiện hữu, vị chuyên gia đến từ KBSV duy trì khuyến nghị khả quan đối 2 nhóm ngành là đầu tư công và dầu khí. Nếu lạm phát từ hiện tại tới cuối năm 2023 không gây quá nhiều áp lực lên nền kinh tế, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Còn đối với dầu khí, kết quả kinh doanh của nhóm ngành này trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan hơn so với mặt bằng chung của thị trường khi mà các cuộc xung đột kéo dài vẫn đang gây áp lực lớn lên nguồn cung dầu trên thế giới. Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán

Ngô Minh Ngọc   |  13/10/2023

Thủ tướng Chính phú Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thủ tướng giao Ủy ban chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11/2023. Sáng 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị". Chương trình do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là "Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia". Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là những kết quả bước đầu, Thủ Tướng cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, trong đó nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, nhất là dữ liệu số. Nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức đã được nhận diện như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; hạ tầng dữ liệu số; an toàn thông tin, an ninh mạng và nguồn nhân lực. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Yêu cầu làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán, đẩy mạnh số hóa giao dịch bất động sản Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Với thông điệp "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", yêu cầu "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý", Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đặc biệt là cần chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06. Trong đó, có một số nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cần tổ chức triển khai thực hiện ngay. Thủ tướng giao Ủy ban chứng khoán Nhà nước kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 11/2023. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp tài khoản định danh điện tử với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2023. Bộ Công an chủ trì, làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giải pháp tích hợp tiện ích sổ Bảo hiểm Xã hội trên ứng dụng VNeID, bảo đảm hiệu quả, không chồng chéo, lãng phí; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2023. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VneID; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2023. Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua và những hoạt động nổi bật tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và phát triển dữ liệu số sẽ có nhiều chuyển biến toàn diện, tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quản lý xã hội, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nguồn: Phương Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Nhóm ngành nào được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong quý 3/2023?

Ngô Minh Ngọc   |  06/10/2023

Trong Q3/2023, VDSC dự báo lợi nhuận của đa phần các nhóm ngành sẽ ghi nhận sự cải thiện so với Q2/2023, xu hướng có phần tương đồng với diễn biến phục hồi của các hoạt động kinh tế và thương mại theo số liệu của GSO. VN-Index chủ yếu đi ngang trong tháng 10 Sau cuộc họp của Fed, SBV đã bắt đầu phát hành tín phiếu. Sau khi lượng hút ròng lũy kế tính đến ngày 3/10/2023 đạt gần 111.000 tỷ, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và lãi suất tín phiếu đã bắt đầu lần lượt tăng lên 0,55% và 1,18% theo số liệu gần nhất. Diễn biến này cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc cuối năm có thể sẽ giúp cho chênh lệch lãi suất VNĐ và USD thu hẹp hơn. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không kỳ vọng việc chênh lệch lãi suất tạo thêm áp lực lên tỷ giá khi tỷ giá đã tăng 3,5% kể từ đầu năm. Nhưng trong kịch bản kém khả quan nhất, DXY tăng vượt 110, SBV có thể sẽ phải can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. VDSC cho rằng việc SBV hút ròng trên kênh tín phiếu không phải là một tín hiệu đảo chiều chính sách khi tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp (tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2023 là 4,24%) và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng rõ ràng là không gian để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tương đối hạn chế, và điều này không phải là thông tin tích cực đối với TTCK trong giai đoạn cuối năm. Trên thực tế, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của thanh khoản toàn thị trường. Đặc biệt dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua – BĐS, CK, xây dựng (đầu tư công) – đã có dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Do đó, xu hướng tăng điểm diện rộng của thị trường trên hiệu ứng chính sách từ tháng 5 sẽ dần nhường chỗ cho trạng thái dao động (swing) với xu hướng đi ngang. Trong tháng 10, VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.100 – 1.180, tương ứng với vùng định giá P/E trong khoảng 13,2x-14,2x và tỷ suất sinh lời hàm ý là 7,0%-7,6%, hấp dẫn hơn tương đối so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện dưới 6%. Tâm điểm những nhóm có KQKD tích cực trong quý 3 Đội ngũ phân tích cho rằng diễn biến thị trường sẽ xoay quanh các câu chuyện về ước tính KQKD quý 3/2023 của các doanh nghiệp niêm yết. Khảo sát sơ bộ quan điểm của các chuyên viên phân tích ngành, VDSC nhận thấy thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố KQKD lạc quan trên diện rộng. Trong Q3/2023, VDSC dự báo lợi nhuận của đa phần các nhóm ngành sẽ ghi nhận sự cải thiện so với Q2/2023, xu hướng có phần tương đồng với diễn biến phục hồi của các hoạt động kinh tế và thương mại theo số liệu của GSO. Xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành Dầu khí, Dược phẩm, Công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng LNST tích cực ở mức hai chữ số trong Q3/2023. Ở chiều ngược lại, các ngành Thủy sản, BĐS, Phân bón, Bán lẻ, Điện dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với Q3/2022. Nhìn chung, mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ cải thiện so với quý trước, mức độ cải thiện vẫn sẽ khá hạn chế. Do đó, động lực cải thiện về định giá và điểm số cho thị trường là không lớn trong mùa báo cáo quý này. Triển vọng tăng trưởng LNST khả năng cao sẽ tích cực hơn trong Q4/2023 do cùng kỳ năm ngoái nhiều nhóm ngành có mức nền lợi nhuận thấp như Ngân hàng, Thép, Hàng tiêu dùng, BĐS và Chứng khoán. Riêng với ngành ngân hàng, bức tranh lợi nhuận nhìn chung sẽ ổn định và tích cực hơn so với các nhóm ngành kinh doanh khác. Trong bối cảnh hiện tại, nhóm phân tích cho rằng những ngân hàng có lợi thế về vốn, tập khách hàng ít bị tổn thương bởi kinh tế suy yếu và bộ đệm dự phòng cao sẽ là những ngân hàng có khả năng chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng sớm nhất. Dù vậy, VDSC cho rằng mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. NĐT đón sóng KQKD quý 3/2023 sẽ cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành. Nguồn: Mai Chi - Nhịp sống thị trường
Xem thêm

Vì sao con số 1.200 điểm vẫn "đeo bám" chứng khoán Việt Nam suốt 16 năm qua?

Ngô Minh Ngọc   |  30/09/2023

Sự đi lên của chứng khoán Việt Nam những năm qua phụ thuộc nhiều vào các yếu tố mang tính chu kỳ, dòng tiền, nhưng đang thiếu vắng những gương mặt niêm yết chất lượng mới. “VN-Index vượt 1.200 điểm, nhà đầu tư vỡ oà” có lẽ là tiêu đề lặp đi, lặp lại rất nhiều lần trên truyền thông kể từ lần đầu thị trường chứng khoán đạt cột mốc này năm 2007. Sau 16 năm thăng trầm, VN-Index cứ lên rồi lại xuống, mãi vẫn trồi sụt quanh mức 1.200 điểm bất chấp nền kinh tế Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng của khu vực và thế giới. Cần phải nhấn mạnh rằng, cùng một mốc điểm của VN-Index nhưng quy mô vốn hoá của HoSE đã tăng trưởng vượt bậc sau 16 năm. Dù vậy, yếu tố bền vững lại là dấu hỏi lớn khi chứng khoán Việt Nam ngày càng lệch pha rõ rệt với tăng trưởng kinh tế và nền tảng cơ bản của doanh nghiệp. Điều này một phần xuất phát từ tính đầu cơ cao của thị trường theo các chu kỳ bơm, hút tiền. Giai đoạn kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ được ưu tiên nới lỏng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lãi suất thấp tạo ra môi trường tiền rẻ nhưng mức độ hấp thụ của nền kinh tế lại có phần hạn chế khiến một phần dòng tiền nhàn dỗi trong dân cư chảy vào các kênh đầu tư có rủi ro cao. Thị trường chứng khoán tăng nóng cùng thanh khoản tăng vọt. Nền kinh tế hồi phục trong khi các kênh đầu tư rủi ro cao tăng trưởng quá nóng, chính sách tiền tệ dần thay đổi theo hướng thắt chặt hơn. Môi trường tiền rẻ không còn khiến thanh khoản tụt áp nhanh chóng, chứng khoán cũng trượt dốc. Vòng xoáy này sẽ tiếp tục lặp đi, lặp lại nếu thị trường không có một sự thay đổi thực sự về chất. Thiếu hàng hoá chất lượng mới Động lực quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững là chất lượng hàng hoá lại gần như “dậm chân tại chỗ”. Trong năm 2022, tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần trên HoSE chỉ đạt 939 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2013. Cả năm ngoái chỉ có 8 cổ phiếu niêm yết mới trên HoSE. Sang đến nửa đầu năm nay, con số này giảm xuống chỉ còn duy nhất 1 cổ phiếu mới. Hoạt động niêm yết mới những năm gần đây không chỉ đi xuống về mặt số lượng mà còn thiếu cả về chất lượng. Các thương vụ “bom tấn” có sức ảnh hưởng lớn dần vắng bóng. Nguyên nhân lớn khiến thị trường chứng khoán thiếu hàng mới chất lượng đến từ sự ảm đạm của hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Trong danh sách chờ thoái vốn Nhà nước chỉ còn vài cái tên thực được nhà đầu tư quan tâm như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Còn lại đa phần các doanh nghiệp quy mô nhỏ tại địa phương. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp “hot” để chờ đợi ngoài một vài tên tuổi như Thaco, TH True Milk. Một số cái tên đã “quay xe” vì những lý do khác nhau. Thiếu hàng hoá mới chất lượng khiến nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn. Số tài khoản mở mới liên tục tăng lên nhưng giao dịch gần như chỉ tập trung vào một số mã quen thuộc. Quy mô vốn hóa tăng trưởng chủ yếu đến từ sự xoay vòng của dòng tiền đầu cơ giá lên. Điều này về cơ bản là khó duy trì trong dài hạn nếu chỉ trông chờ vào chu kỳ tiền rẻ. Cơ cấu thị trường mất cân bằng Thiếu vắng bom tấn niêm yết mới, cơ cấu thị trường chứng khoán trong nhiều năm gần như “đóng khung” với nhóm cổ phiếu có tình chu kỳ chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo. Điển hình là nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 40% vốn hoá HoSE), theo sau là bất động sản, hàng hoá cơ bản,… Riêng nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất thị trường (VN30) đã có đến 13 cổ phiếu ngân hàng, 3 cổ phiếu bất động sản (VHM, VRE, BCM), 2 cổ phiếu hàng hóa (HPG, GAS) và 2 cổ phiếu tài chính (BVH, SSI). Đây là những cổ phiếu có tính chu kỳ, lợi nhuận thường biến động mạnh theo “hình sin” phụ thuộc vào chu kỳ của nền kinh tế. Vì thế, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành kể trên ở một góc độ nào đó cũng mang tính chất đầu cơ khá cao. Các cổ phiếu chu kỳ càng áp đảo, định giá thị trường chứng khoán lại càng thấp hơn sau mỗi lần VN-Index “lượn” qua mốc 1.200 điểm. Vào lần đầu đạt đỉnh năm 2007, P/E của VN-Index lên đến xấp xỉ 42 lần. Khi trở lại mốc điểm này sau 11 năm, con số trên chỉ còn khoảng 22 lần hồi đầu tháng 4/2018. Đến nay, P/E của VN-Index chỉ còn 13,x lần. Các cổ phiếu chu kỳ thường có P/E thấp nhờ lợi nhuận tăng mạnh, thậm chí đột biến vào cuối giai đoạn tăng trưởng. Định giá càng xuống thấp cho thấy các doanh nghiệp này có thể sẽ sớm bước vào thoái trào. Điều này đồng nghĩa với việc rẻ chưa hẳn là hấp dẫn. Vì thế, P/E của VN-Index duy trì ở mức thấp trong thời gian dài nhưng vẫn khó thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Sự khác biệt có thể thấy rõ khi nhìn vào cơ cấu của chứng khoán Mỹ khi các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế và chăm sóc sức khỏe có tỷ trọng hàng đầu. Các nhóm ngành trên đều có tiềm năng tăng trưởng cao, ổn định trong dài hạn khiến nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức định giá P/E vượt trội. Điều này giúp các chỉ số như Nasdaq, Dow Jones vẫn liên tục phá đỉnh, bất chấp định giá cao hơn so với thị trường Việt Nam. Dòng vốn ngoại trồi sụt thất thường Thiếu các yếu tố hấp dẫn dòng vốn dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua gần như chỉ phù hợp với trường phái đầu cơ theo xu hướng chính sách tiền tệ. Hàng hoá chất lượng để đầu tư vốn đã ít lại không được bổ sung thêm khiến lựa chọn ngày càng hạn chế. Điều này là nguyên nhân lý giải tại sao dòng vốn ngoại vẫn mãi trồi sụt trên sàn chứng khoán. Sau giai đoạn bất ngờ mua ròng vội vã cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đảo chiều bán ròng 6 tháng liên tiếp từ đầu quý 2. Tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm trên HoSE lên đến hơn 7.700 tỷ đồng. Trước đó trong 2 năm 2020 và 2021, khối ngoại đã bán ròng gần 80.000 tỷ đồng trên HoSE. Ở chiều ngược lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn không ngừng đổ vào Việt Nam những năm qua bất chấp những biến động trên toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng GDP cũng phụ thuộc không nhỏ vào các doanh nghiệp FDI trong khi trên sàn chứng khoán nhóm này gần như không để lại dấu ấn. Khác biệt này là nguyên nhân chủ yếu tạo ra sự lệch pha giữa chứng khoán và tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Nguồn: Hà Linh - Nhịp Sống Thị Trường
Xem thêm

Góc nhìn chuyên gia: Nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá về mức hấp dẫn

Ngô Minh Ngọc   |  24/09/2023

Theo chuyên gia VNDirect,mùa báo cáo KQKD quý 3/2023 đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới. VN-Index liên tục rung lắc mạnh trong tuần qua với sự thận trọng của nhà đầu tư. Tuy có được phiên phục hồi nhưng thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng mạnh, đặc biệt vào phiên cuối tuần đã khiến chỉ số chung giảm điểm mạnh, đánh mất mốc 1.200 điểm. Tổng cộng, VN-Index giảm hơn 34 điểm, đóng cửa tại 1.193 điểm, tương đương giảm 2,8% so với tuần trước. Nhận định về kịch bản tuần giao dịch mới, các chuyên gia lạc quan cho rằng nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về mức hấp dẫn và VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại. VN-Index sẽ sớm ổn định trở lại, đón đầu mùa báo cáo quý 3 tại một số nhóm cổ phiếu triển vọng (Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT) Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán mạnh trong phiên cuối tuần qua sau diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá. Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm kém tích cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN. Thực tế, ông Hinh cho rằng bước đi này của NHNN không phải là một bước đi nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó. " NHNN cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, do đó thị trường có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN ", chuyên gia VNDirect nhận định. Đồng thời, mùa báo cáo KQKD quý 3/2023 đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn (tăng trưởng dương so với cùng kỳ so với tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nay) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỷ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm, nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng KQKD chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng). Ngưỡng hỗ trợ 1.150 – 1.180 điểm được kỳ vọng là vùng cân bằng cung cầu (Ông Tô Quốc Bảo - Trưởng nhóm chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán Dầu khí PSI) Bàn về nguyên nhân của phiên giảm sâu cuối tuần, ông Bảo chỉ ra rằng sau pha giảm điểm mạnh vào giữa tháng 8/2023, thị trường đã có sự hồi phục mạnh và nhanh. Chính sự đảo chiều tăng gấp gáp khiến nền giá trở nên lỏng lẻo trong khi phần dư địa tăng bị thu hẹp khá nhanh. Bởi vậy, khi chỉ số chạm đến vùng đỉnh gần nhất và không thể vượt qua, việc xuất hiện áp lực điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Liên quan tới phiên họp FED ngày 21/9, quan điểm "diều hâu" trong chính sách tiền tệ của Mỹ đã được thể hiện một cách rõ ràng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ dự kiến số lần giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ ít hơn so với kế hoạch trước đó. Việc điều hành chính sách tiền tệ "ngược chiều" FED của NHNN Việt Nam đã khiến cho tỷ giá chịu áp lực. Ông Bảo dự báo tình trạng trên kéo dài có thể sẽ khiến dòng vốn ngoại chảy khỏi Việt Nam. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng thời gian gần đây hết sức dồi dào, lãi suất liên ngân hàng qua đêm chỉ khoảng 0,15%. Vì vậy, ông Bảo cho rằng, việc NHNN rút khỏi hệ thống 10.000 tỷ đồng là động thái để thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD qua đó ổn định tỷ giá sau khi VND đã mất giá nhanh hơn đáng kể từ cuối tháng 8 tới nay. Đây là động tác kỹ thuật để ổn định tỷ giá trong ngắn hạn hơn là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của NHNN. Tỷ giá USD/VND tăng vọt, lên cao nhất 10 tháng Đối với chứng khoán Việt Nam, vị chuyên gia PSI nhận định thị trường xuất hiện “gap down” lớn từ đầu phiên 22/9 khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, chỉ số VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ MA50, qua đó xác nhận xu hướng tích lũy trung hạn đã bị vi phạm. " Hiện nay, ngưỡng hỗ trợ 1.150 – 1.180 điểm được kỳ vọng là vùng cân bằng cung cầu của chỉ số. Thị trường trong giai đoạn tiếp theo có thể sẽ bước vào giai đoạn giảm hoặc Sideway đi ngang, đồng nghĩa là cơ hội đầu tư trong giai đoạn tới sẽ khó khăn hơn những tháng đầu năm ", chuyên gia PSI dự báo xu hướng. Về chiến lược, ông Tô Quốc Bảo cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên tránh hoảng loạn, giữ tỷ trọng danh mục phòng thủ, không vội vàng tham gia bắt đáy hay sử dụng Margin và chờ tín hiệu xu hướng mới được xác nhận. Nếu vùng hỗ trợ được giữ vững và lực cầu xuất hiện trở lại thì sẽ là cơ hội tốt để giải ngân mua cổ phiếu với mức chiết khấu tốt. Nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về mức hấp dẫn (Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC) Theo quan sát của chuyên gia DSC, làn sóng tăng giá kéo dài từ tháng 5 của thị trường Việt Nam có phần không nhỏ xuất phát từ niềm tin chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì trong dài hạn. Tuy nhiên, niềm tin này đang dần lung lay từ những biến động tỷ giá gần đây, với tỷ giá USD vượt qua cột mốc 24.000 và liên tục tăng từng ngày. Mặt bằng lãi suất thấp thị trường Việt Nam đang áp dụng không chỉ gây hiện tượng trượt giá của VNĐ, xét về tương quan, đang khiến cho những cơ hội đầu tư với lãi suất cố định ở các thị trường đang phát triển như Mỹ trở nên hấp dẫn hơn. Đánh giá về nền kinh tế phía bên kia bán cầu, ông Đạt chia sẻ còn nhiều yếu tố khiến lạm phát tại Mỹ chưa thể quay về mức mục tiêu 2% mà FED đưa ra: giá dầu vượt đỉnh 9 tháng, biến động địa chính trị, thị trường việc làm đang khỏe hơn so với dự báo của kỳ họp FOMC tháng 6/2023. Dự kiến, các yếu tố này sẽ còn tiếp tục đeo bám dai dẳng tới hết năm 2024, đi kèm là mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức cao. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ có mức chiết khấu điều chỉnh tương ứng với rủi ro này. Đối với chứng khoán Việt Nam, nhiều nhóm ngành trên thị trường đã có khoảng thời gian tăng nóng và bớt hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư tổ chức. Từ đây, xảy ra hiện tượng khối NĐT lớn trong và nước ngoài liên tục bán ròng, còn NĐT cá nhân vẫn giữ tâm lý hưng phấn và nắm giữ cổ phiếu nhiều hơn. Ông Đạt nhìn nhận rằng cơ cấu sở hữu của NĐT cá nhân lớn, với xu hướng sử dụng đòn bẩy cao cùng tâm lý giao dịch mua-bán linh hoạt, là nguồn cơn của những biến động mạnh gần đây. " Song chỉ là những biến động có tính chất ngắn hạn, nhà đầu tư nên tỉnh táo và đánh giá nhịp điều chỉnh dưới góc nhìn tìm kiếm cơ hội hơn là sợ rủi ro ", chuyên gia từ DSC nêu rõ. Những phiên thị trường giảm mạnh đi kèm thanh khoản cao đột biến đều cho thấy sự thay đổi cơ cấu sở hữu của NĐT, trong đó dòng tiền dài hạn tìm cách thoát khỏi thị trường và nhường chỗ cho dòng tiền ngắn hạn. Trước mắt hiện tượng này có thể kéo theo những nhịp hồi phục kỹ thuật, tuy nhiên nếu chỉ số tiếp tục biến động mạnh trong thời gian dài thì có thể xác nhận khu vực phân phối. Về hành động, nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản, hoặc tối thiểu duy trì tỷ lệ đòn bẩy thấp trong tài khoản, với mục đích để tỉnh táo nhìn nhận cơ hội trong những nhịp điều chỉnh sâu hơn có thể xảy ra. Vị chuyên gia từ DSC giữ góc nhìn lạc quan với triển vọng đầu tư của thị trường Việt Nam trong nửa cuối 2023 và trong 2024: "Những nhịp điều chỉnh là cần thiết để đưa mặt bằng giá cổ phiếu về giá hấp dẫn hơn , từ đó NĐT sẽ chấp nhận mạnh tay giải ngân kể cả trong trường hợp rủi ro gia tăng ". Nguồn: Ngọc Ly - Nhịp sống thị trường
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook