Thị trường hàng hóa

Giảm 5 ngày liên tiếp kéo chỉ số MXV-Index xuống mức thấp nhất hai tuần

Ngô Minh Ngọc   |  23/09/2023

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua. Có 25 trên tổng số 31 mặt hàng đóng cửa giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày giảm 0,78% xuống 2.287 điểm. Như vậy, sau chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp, chỉ số hàng hoá này đã xuống mức thấp nhất 2 tuần trở lại đây. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư gia tăng mạnh mẽ trong ngày hôm qua, thể hiện ở mức tăng vọt 50% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt trên 5.400 tỷ đồng, cao nhất trong gần 1 tháng. Giá đậu tương rơi xuống đáy của một tháng Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 lao dốc trong phiên hôm qua, với mức giảm lên tới 1,99% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng. Theo MXV, doanh số bán hàng tiêu cực trong tuần vừa rồi, kết hợp với triển vọng xuất khẩu kém khả quan trong ngắn hạn của Mỹ là những yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá đậu tương.  Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán được 434.065 tấn đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần kết thúc ngày 14/09, giảm 38,3% so với một tuần trước đó, đồng thời nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường đối với số liệu này là 550.000 - 1.200.000 tấn. Điều đó phản ánh việc Mỹ vẫn chưa thể lấy lại vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế mặc dù đang ở trong giai đoạn thu hoạch được đẩy mạnh. Ngược lại, nguồn cung dồi dào từ Brazil vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Số liệu trên đã gây sức ép mạnh lên giá đậu tương trong hôm qua. Giá ngô kỳ hạn tháng 12 đã khép lại ngày giao dịch 21/9 với mức giảm hơn 1,4% sau hai ngày hồi phục mạnh trước đó. MXV cho biết, xuất khẩu ngô Mỹ trong tuần này vẫn không có sự cải thiện khiến thị trường giảm kỳ vọng về nhu cầu, đặc biệt là trong giai đoạn nguồn cung vừa được thu hoạch đang gia tăng   Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) của USDA cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 14/9, bán hàng ngô niên vụ 2023/24 của Mỹ tiếp tục giảm mạnh gần 25% so với tuần trước đó xuống mức 566.857 tấn. Con số này gần sát với mức thấp nhất của khoảng dự đoán. Mặc dù đây mới chỉ là giai đoạn đầu của niên vụ mới nhưng những số liệu bán hàng tiêu cực trong báo cáo của 2 tuần gần đây đang gây ra lo ngại về tình hình xuất khẩu cũng như nhu cầu đối với ngô Mỹ. Điều này đã gây ép mạnh đến giá ngô CBOT trong phiên vừa rồi.   Ngoài ra, việc thị trường liên tục đón nhận thông tin tích cực về nguồn cung nhờ mùa vụ tại các khu vực sản xuất chính đều đang dần ổn định đã củng cố đà giảm của giá. Cụ thể, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) mới đây đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2023/24 thêm 1 triệu tấn lên mức 1,22 tỷ tấn, do triển vọng mùa vụ cải thiện tại Ukraine.   Trên thị trường nội địa, cập nhật đến hôm qua 21/9, giá ngô Mỹ chào bán tại cảng Cái Lân dao động trong khoảng 6.750 – 6.600 đồng/kg đối với kỳ hạn giao 3 tháng cuối năm. Với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá chào bán dao động quanh mức 6.700 – 6.900 đồng/kg. Trong khi đó, khô đậu tương Mỹ ở khoảng 13.350 – 13.500 đồng/kg đối với kỳ hạn giao cuối năm nay. Giá chào bán thấp hơn ở kỳ hạn giao 3 tháng đầu năm sau, ở mức 12.700 – 12.750 đồng/kg. Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại  Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại trong ngày giao dịch 21/9. Trong nhóm kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,88% xuống mức 924,6 USD/ounce. Theo sau là giá bạc với mức giảm 0,63%, đóng cửa tại mức 23,68 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,52% xuống 1.919,57 USD/ounce.  Nhóm kim loại quý tiếp tục phải chịu sức ép do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.  Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu vẫn còn một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, các nhà đầu tư đã đặt cược 45% FED sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm, theo CME FedWatch.   Trước lo ngại FED duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, đồng USD tiếp tục mạnh lên với chỉ số Dollar Index tăng 0,2% lên 105,36 điểm, vượt qua mức cao nhất trong 6 tháng. Hơn nữa, đồng USD càng mạnh hơn khi đồng bảng Anh và đồng france Thụy Sĩ đồng loạt suy yếu ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bất ngờ tạm dừng tăng lãi suất.  Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng mạnh với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản lên 4,49%, duy trì ở mức cao nhất trong 16 năm.  Do đó, đà tăng mạnh của đồng USD đã gây áp lực bán lên bạc và bạch kim do chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, trong khi lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.  Với nhóm kim loại cơ bản, sau phiên phục hồi trước đó, giá đồng COMEX lại quay đầu giảm 2,12% xuống mức 3,69 USD/pound, mức thấp nhất trong hơn 1 tháng. Trong khi đó, giá quặng sắt giảm 3,58%, đóng cửa tại mức 117,48 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn hai tuần.  Dưới áp lực vĩ mô, giá các mặt hàng kim loại cơ bản cũng phải sức ép khi mà giới đầu tư lo ngại FED duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ hạn chế đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời, gián tiếp gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ nhóm kim loại công nghiệp, đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất.  Bên cạnh đó, báo báo triển vọng hàng tuần mới nhất của Mysteel cho biết, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục có xu hướng đi xuống. Đây vẫn đang là một trong những lực cản lớn đối với tiêu thụ kim loại cơ bản, đặc biệt là đồng hay sắt thép.  Hơn nữa, đối với thị trường đồng, tồn kho đồng tăng mạnh càng làm hạn chế sức mua đồng trong phiên hôm qua. Tồn kho trên Sở Giao dịch London vốn đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 7 hiện đã tăng lên 162.900 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu có thể diễn biến giằng co sau sau báo cáo lạm phát của Mỹ

Ngô Minh Ngọc   |  15/09/2023

Giá dầu vẫn duy trì ở trên mốc 88 USD/thùng sau báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố tối hôm qua. chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2023 của Mỹ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và mức tăng 3,2% trong tháng 7. Số liệu lạm phát thể hiện được những tác động trực tiếp từ việc giá dầu tăng cao trong giai đoạn này. Ngay sau khi số liệu được công bố, thị trường vẫn kỳ vọng Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 này nhưng đã có những sự kỳ vọng vào một đợt tăng lãi suất nữa trong tháng 11. Theo CME, tỷ lệ đặt cược Fed tăng lãi suất trong tháng 11 đã lên 42 %. Kỳ vọng thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn còn tiếp tục đang hỗ trợ đồng USD tăng, mặc dù hiện tại đang có những sự điều chỉnh ngắn hạn. USD duy trì đà tăng sẽ gây sức ép lên chi phí nhập khẩu đối với các quốc gia nhập khẩu dầu. Trong khi đó, những lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn đang là tâm điểm trong những tháng cuối năm, các lo ngại này có thể vẫn còn kéo dài sẽ có thể tiếp tục hỗ trợ giá tăng trong giai đoạn cuối năm Tuy nhiên, trong trường hợp bước vào giai đoạn nhu cầu giảm sẽ có thể sẽ khiến giá hạ nhiệt. Trong thời điểm hiện tại các nguồn tin vẫn đang hỗ trợ giá tăng do đó những dự báo điều chỉnh sẽ còn quá sớm và không thật sự chắc chắn. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá kim loại quý có thể tiếp tục suy yếu trước đà tăng của đồng USD

Ngô Minh Ngọc   |  08/09/2023

Thị trường kim loại quý tiếp tục chịu sức ép trong phiên sáng do đồng USD mạnh lên làm tăng chi phí nắm giữ.  Đồng USD vẫn đang được hỗ trợ do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, sau khi Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố chỉ số quản lý mua hàng (PMI) phi sản xuất của Mỹ mạnh hơn dự kiến trong tháng 8, làm gia tăng áp lực về lạm phát.  Ngoài ra, động thái diều hâu của Chủ tịch Fed bang Boston, Collins, đã củng cố đà tăng cho đồng USD khi bà cho rằng còn quá sớm để tuyên bố lạm phát có thể duy trì ở mức 2% và Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết. Đồng Euro cũng đang mất giá trước đồng USD do dữ liệu kinh tế yếu của Đức. Cụ thể, theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) công bố ngày 7/9, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 0,8% so với tháng trước, yếu hơn mức dự báo giảm 0,5% của giới phân tích và mức giảm 1,4% được điều chỉnh từ giảm 1,5% trong tháng trước.  Bên cạnh đó, đồng Bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Andrew Bailey, phát đi tín hiệu rằng BOE đang tiến gần hơn tới đỉnh của việc tăng lãi suất. Vào tối nay, thị trường sẽ đón chờ báo cáo số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/9. Với việc các dữ liệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, nhiều khả năng dữ liệu lao động tối nay có thể sẽ thấp hơn dự báo. Đồng USD có thể được hưởng lợi trước thông tin này, gây áp lực lên giá kim loại quý. Hơn nữa, phát biểu của Chủ tịch Fed bang Philadelphia, Patrick Harker, cũng có thể chi phối đáng kể đến xu hướng biến động của đồng USD. Bất kỳ động thái diều hâu nào của ngài Harker có thể sẽ hỗ trợ đồng USD và khiến giá kim loại quý gặp áp lực. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hóa nguyên liệu trở lại đà khởi sắc

Ngô Minh Ngọc   |  02/09/2023

  Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục đóng cửa ngày giao dịch hôm qua với diễn biến giá phân hoá. Lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày đảo chiều tăng trở lại, với mức tăng 0,08% lên 2.283 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 3.250 tỷ đồng. Giá quặng sắt phục hồi Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá thị trường kim loại khi đóng cửa ngày 30/8. Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng tăng 0,26% lên 1.942,24 USD/ounce, trong khi giá bạc kỳ hạn tháng 9 giảm 0,22% xuống 24,73 USD/ounce, giá bạch kim kỳ hạn tháng 10 giảm 0,28% xuống 983,3 USD/ounce. MXV cho biết, cả giá bạc và bạch kim đều giảm do áp lực chốt lời kỳ hạn.   Tuy vậy, giá bạc và bạch kim kỳ hạn mới đều nhận được mức tăng tốt khi một loạt số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ củng cố quan điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tạm dừng tăng lãi suất.  Theo MXV, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm tốc trong quý II, lạm phát và thị trường lao động đã có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Theo công cụ FedWatch của CME Group, tỷ lệ đặt cược vào việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên gần 91%, từ mức 88,5% trước khi có dữ liệu, trong khi đặt cược về việc tạm dừng vào tháng 11 đã tăng lên gần 59% từ mức 52% một ngày trước đó.  Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX kỳ hạn tháng 9 giảm 0,25%, một phần do áp lực chốt lời kỳ hạn. Hơn nữa, sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đặc biệt là lĩnh vực bất động sản vẫn đang là lực cản lớn đối với đà tăng của giá đồng.  Điểm sáng thuộc về thị trường quặng sắt, giá sắt phục hồi 2,01% lên 114,43 USD/tấn. Sắt thép vốn là những mặt hàng đặc biệt nhạy cảm với các kích thích của Chính phủ Trung Quốc, do đó, với triển vọng Trung Quốc sắp ban hành một loạt chính sách mới, giá quặng sắt đã được hỗ trợ.  Cụ thể, các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đang chuẩn bị cắt giảm lãi suất đối với các khoản thế chấp và tiền gửi hiện có, theo Bloomberg. Bên cạnh đó, Quảng Châu trở thành thành phố lớn đầu tiên của Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các hạn chế thế chấp. Điều này làm gia tăng triển vọng các thành phố khác sẽ nới lỏng các chính sách nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang bị khủng hoảng. Trên thị trường nội địa, tính đến hôm nay 31/8, giá thép trong nước đã được điều chỉnh giảm 17 lần liên tiếp từ đầu năm, hiện đã xuống dưới mức 15 triệu đồng/tấn và tạo một nền giá mới.  Bài toán tiêu thụ vẫn đang là sức ép chính kéo giá sắt thép trong nước giảm sâu, đặc biệt là mùa tiêu thụ thấp điểm quý III vẫn chưa kết thúc. Các cửa hàng vật liệu xây dựng cho biết từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, sức mua giảm rất mạnh đến 60%-70%, thậm chí có cửa hàng giảm đến 90%. Những nhà máy thép có quy mô lớn cũng phải điều chỉnh giảm sản lượng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Áp lực vẫn tiềm ẩn, song MXV cho biết nhu cầu được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào giai đoạn quý IV khi một số dự báo từ các doanh nghiệp cho rằng nguồn cung bất động sản sẽ hồi phục nhẹ, qua đó thúc đẩy tiêu thụ thép.  Ngoài ra, trong Công điện số 749 mới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Giai đoạn cuối năm cũng thường là thời điểm nhiều dự án gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Các công trình xây dựng, dự án cầu đường, hệ thống nhà ở xã hội được thúc đẩy, sẽ tháo gỡ một vài khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Giá cà phê tăng mạnh trước lo ngại nguồn cung Số liệu từ MXV cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 30/8, sắc xanh bao phủ trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá dầu cọ dẫn dắt xu hướng thị trường với mức tăng 2% vào hôm qua trong bối cảnh thời tiết nắng nóng đe dọa nguồn cung và nhu cầu cao tại Ấn Độ.   Tháng 8 khô hạn bất thường đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng hạt lấy dầu tại châu Á, đồng thời dự báo lượng mưa thấp hơn trong tháng 9 đang đe dọa gián đoạn nguồn cung dầu thực vật toàn cầu. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết triển vọng nhu cầu cao hơn tại Ấn Độ trong mùa lễ hội cũng là yếu tố hỗ trợ giá. Trong khi đó, giá hai mặt hàng đường nối tiếp xu hướng trái chiều sang phiên thứ 2 liên tiếp. Kết phiên, giá đường 11 giảm nhẹ 0,43%, dù trước đó giá đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Trái lại, giá đường trắng vẫn tăng 0,7%, lên mức cao nhất trong 12 năm. Thị trường vẫn chưa dứt khỏi lo ngại sản lượng đường có thể giảm tại các quốc gia sản xuất lớn, đặc biệt là khả năng cấm xuất khẩu đường từ Ấn Độ.   Giới chuyên gia lo ngại, hiện tượng El Nino khiến lượng mưa ở mức thấp so với tiêu chuẩn tại các nước sản xuất đường hàng đầu thế giới như Thái Lan và Ấn Độ sẽ khiến sản lượng đường sụt giảm trong niên vụ 2023/24. Đặc biệt, nguồn cung đường yếu đi tại Ấn Độ càng làm gia tăng khả năng quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24 vào tháng 10 tới. Điều này khả năng cao khiến cán cân thương mại đường rơi vào thâm hụt trầm trọng.   Trên thị trường cà phê, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục có được sự khởi sắc với mức tăng lần lượt 1,47% của Arabica và 1,92% của Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi tồn kho ở mức thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.   Theo báo cáo hàng ngày từ Sở ICE, tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn đang lưu trữ trong các kho của đơn vị tính đến hết ngày 29/8 ở mức 500.931 bao loại 60kg, giảm 11.502 bao so với phiên trước đó. Như vậy, lượng cà phê tồn kho hiện tại đã giảm về mức thấp nhất trong hơn 9 tháng.   Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE vẫn chưa có tín hiệu ngừng đà giảm, dù đã chạm mức 33.840 tấn, mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận từ năm 2016.   Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ được điều chỉnh tăng mạnh đến 800 đồng/kg, đưa giá thu mua lên mức 65.800 – 66.600 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê đã tăng liên tục trong 7 ngày qua. So với đầu tuần trước đó, giá cà phê trong nước đã tăng tới 2.200 đồng/kg. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá ngô có thể sẽ tiếp tục giằng co dưới kháng cự tâm lí 500

Ngô Minh Ngọc   |  26/08/2023

Trong bối cảnh thị trường đón nhận kết quả mới nhất của chuyến khảo sát mùa vụ tại Mỹ, giá ngô nhận được lực mua nhẹ ngay từ khi mở cửa phiên sáng. Tuy nhiên, tác động của doanh số bán hàng ngô Mỹ gây thất vọng trong báo cáo Export Sales vào tối qua vẫn còn tương đối mạnh mẽ khiến giá ngô chỉ diễn biến giằng co trong phiên sáng nay. Chuyến khảo sát vùng Trung Tây đã cho kết quả của ngày cuối cùng về mùa vụ tại bang Iowa và Minnesota. Những cơn mưa không đồng đều đã gây ra sự khác biệt về năng suất giữa các cánh đồng ngô năm nay của bang Iowa. Mặc dù 3 quận phía Tây được dự báo có năng suất cao hơn một chút so với trung bình 3 năm, nhưng vụ ngô năm nay ở bang sản xuất ngô lớn nhất của Mỹ được cho là mùa vụ kém nhất từng ghi nhận trong 17 năm. Các chuyên gia dự báo năng suất ngô năm nay của Iowa chỉ đạt 182,8 giạ/mẫu, thấp hơn so với mức 183,81 giạ/mẫu của năm ngoái. Đối với vụ ngô ở Minessota, tình trạng cây trồng bị cháy nắng cũng khiến năng suất ngô năm nay dự báo đạt 181,34 giạ/mẫu, thấp hơn nhiều so với mức 190,39 giạ/mẫu cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, sau 4 ngày khảo sát trên hơn 2000 cánh đồng tại 7 bang gieo trồng ngô lớn nhất tại Midwest, kết quả cho thấy hầu như toàn bộ các bang đều đang chịu ảnh hưởng đáng kể bởi thời tiết khô hạn. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, những lo ngại về triển vọng mùa vụ năm nay tại Mỹ vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá ngô trong trung hạn. Ở chiều ngược lại, con số bán hàng ngô Mỹ niên vụ 22/23 đạt mức âm trong khi bán hàng niên vụ mới sụt giảm so với tuần trước đó đang kìm hãm đà tăng của giá. Tuy nhiên, báo cáo Daily Export Sales đã cho thấy 2 đơn hàng với tổng khối lượng là 223,770 tấn ngô niên vụ 23/24 từ Mỹ sang Mexico trong tuần đánh giá của báo cáo Export Sales tới đây. Do vậy, chúng tôi cho rằng tình hình xuất khẩu niên vụ mới của Mỹ sẽ khả quan hơn trong báo cáo tuần tới, đồng thời xoa dịu những lo ngại về triển vọng xuất khẩu của quốc gia này. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới chấm dứt chuỗi suy yếu

Ngô Minh Ngọc   |  19/08/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (17/8), giá hàng hoá nguyên liệu thế giới lấy lại động lực hồi phục, hỗ trợ chỉ số MXV-Index đóng cửa tăng 0,53% lên 2.230 điểm, kết thúc chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư đến thị trường có sự suy yếu, giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.100 tỷ đồng. Nhóm kim loại và năng lượng đóng góp chính vào mức tăng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua. Trong đó, toàn bộ 10 trên 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. 10 mặt hàng kim loại đồng loạt bật tăng Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim đều chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp. Cụ thể, giá bạc phục hồi 0,80% lên 22,71 USD/ounce và giá bạch kim chốt ở 895,6 USD/ounce sau khi tăng 0,48 USD/ounce. MXV cho biết, vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý được phát huy, trong bối cảnh thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã thúc đẩy lực mua đối với bạc và bạch kim trong ngày hôm qua. Cụ thể, dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần 12/08 đạt 239.000, thấp hơn 1.000 đơn so với dự báo, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn tích cực hơn so với dự báo.  Trong khi đó, loạt dữ liệu được công bố ngày 16/8 cũng cho thấy việc xây dựng nhà ở tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 7. Do vậy, số liệu việc làm và sản xuất tích cực đã làm gia tăng mối lo ngại của nhà đầu tư về việc tăng lãi suất, đặc biệt là sau khi biên bản họp tháng 7 được công bố cho thấy các quan chức vẫn kiên quyết với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát về 2%. Theo đó, kỳ vọng lãi suất tiếp tục tăng đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,30%, đạt cao nhất kể từ năm 2007. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng tăng lên mức cao nhất trong 12 năm, với 4,41%. Đối với nhóm kim loại cơ bản, kỳ vọng gia tăng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu, đã giúp củng cố sức mua các mặt hàng trong ngày hôm qua. Giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt tăng lần lượt 0,93% và 4,8%, chốt ngày tại mức 8.138,35 USD/tấn và 105,65 USD/tấn.  Bên cạnh đó, đối với thị trường đồng, giá còn được hỗ trợ do một số lo ngại về nguồn cung. Tồn kho đồng tại Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải và các kho ngoại quan của Trung Quốc chỉ còn 110.314 tấn vào ngày 11/08, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương với mức tiêu thụ chỉ dưới ba ngày.  Hơn nữa, các nhà phân tích của Citi mới đây đã hạ dự báo sản lượng đồng khai thác toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 22,2 triệu tấn, giảm 310.000 tấn so với 22,5 triệu tấn theo dự báo trước đó. Sang năm 2024, sản lượng đồng được dự báo giảm xuống 23,2 triệu tấn, tương đương giảm 154.000 so với lần báo cáo trước. Trên thị trường nội địa, ngày 17/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước tiếp tục hạ giá bán thép, khoảng 100.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép cuộn CB240, xuống còn 13,5 – 14,04 triệu đồng/tấn, đồng thời giữ nguyên giá bán với thép vằn thanh D10 CB300, ở mức 13,89 - 14,04 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online. Như vậy, tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 16-17 đợt giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất và mức điều chỉnh khác nhau. Giá thép vẫn đang duy trì ở mức thấp trong vòng 3 năm trở lại đây. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nhu cầu tiêu thụ thép nội địa và xuất khẩu trong 7 tháng vừa qua ở mức thấp, các nhà máy phải giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất/bán hàng, tần suất 1 lần/tuần, mức giảm trung bình 150.000 – 200.000 đồng/tấn. Một mặt, giá thép trong nước biến động theo đà giảm của giá sắt thép toàn cầu. Mặt khác, tiêu thụ sắt thép trong nước vẫn còn trầm lắng vì vẫn đang trong mùa tiêu thụ thấp điểm. Theo MXV, dự đoán khoảng đầu quý IV, ngành thép mới có thể giảm bớt một số áp lực do bước vào thời điểm mùa xây dựng cao điểm hơn, các công trình đẩy nhanh tiến độ thi công và các dự án đầu tư lớn gấp rút hoàn thiện. Dầu WTI hồi phục sau 3 ngày liên tiếp suy yếu Kết ngày giao dịch 17/08, giá dầu phục hồi nhẹ sau chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp, một phần do lực mua bắt đáy của các nhà đầu tư sau khi giá dầu giảm xuống vùng hỗ trợ quan trọng. Mặt khác, những tín hiệu tích cực về nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc, 2 quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu cũng đã thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này. Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 1,27% lên 80,39 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,8% lên 84,12 USD/thùng. Dự trữ xăng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết ngày 16/08. Các sản phẩm được cung cấp hàng tuần, đại diện cho nhu cầu, cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12.   Tại Trung Quốc, bất chấp các trở ngại lớn cho tăng trưởng kinh tế, nhu cầu dầu thô cho các hoạt động lọc dầu của nước này tương đối mạnh mẽ. Mặc dù nhập khẩu giảm trong tháng 7, nhưng quốc gia này đã rút dầu từ kho dự trữ nhằm phục vụ cho quá trình lọc dầu. Đây là một trong số ít những lần sử dụng dầu từ kho sau khi Trung Quốc liên tục bổ sung kho trong nhiều tháng liên tiếp.  Trung Quốc không công bố dữ liệu về dòng chảy dầu trong kho dự trữ quốc gia, nhưng ước tính có thể được thực hiện bằng cách trừ lượng dầu thô đã qua chế biến khỏi tổng lượng dầu thô có sẵn từ nhập khẩu và sản lượng trong nước. Theo đó, các nhà máy lọc dầu đã sử dụng khoảng 510.000 thùng/ngày từ các kho dự trữ trong tháng 7.  Theo dự báo từ Reuters, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc có thể sẽ tăng cường nhập khẩu trong tháng 8 và tháng 9, dự báo lượng hàng đến là 11,91 triệu thùng/ngày trong tháng này, so với khoảng 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7 vừa qua.  Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)  
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook