Thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa biến động mạnh trong tuần cuối cùng của quý II

Ngô Minh Ngọc   |  04/07/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trải qua tuần giao dịch rất sôi động. Diễn biến giá phân hóa khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Tuy nhiên, lực bán mạnh trên nhóm nông sản đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,13% xuống 2.173 điểm.  Đáng chú ý, biến động mạnh của thị trường đã thu hút lượng lớn dòng tiền đầu tư trong tuần qua; thể hiện ở giá trị giao dịch trung bình toàn Sở đạt trên 5.800 tỷ đồng/phiên, cao hơn 11% so với tuần trước đó. Trong đó, phiên giao dịch ngày 27/6 có giá trị đạt gần 9.600 tỷ đồng, là 1 trong 5 phiên có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.  Giá ngô lao dốc 16%, lúa mì giảm 6 phiên liên tiếp Giá ngô hợp đồng tháng 12 kết thúc tuần giao dịch 26/6 - 30/6 với mức lao dốc mạnh lên tới gần 16% do những kỳ vọng về triển vọng nguồn cung tại Mỹ, yếu tố có quyết định lớn nhất tới xu hướng giá trong giai đoạn này. Thị trường đóng cửa cả 5 phiên trong sắc đỏ và mức giảm ngày càng được mở rộng, đặc biệt là khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố 2 báo cáo quan trọng vào thứ Sáu (30/6).    Mặc dù chất lượng ngô tại Mỹ vẫn tiếp tục sụt giảm và thấp hơn dự đoán của thị trường với chỉ 50% diện tích đạt tốt – tuyệt vời nhưng dự báo thời tiết sắp tới lại có sự cải thiện. Những cơn mưa cùng với giông bão đã mang lại độ ẩm cần thiết cho giai đoạn phát triển quan trọng của ngô Mỹ và giúp thị trường gia tăng kỳ vọng về năng suất niên vụ 23/24.  Bên cạnh đó, trong báo cáo Diện tích gieo trồng (Final Acreage), USDA ước tính nông dân Mỹ đã trồng 94,1 triệu mẫu ngô, mức cao nhất trong 9 năm qua, tăng khoảng 2 triệu mẫu so với dự báo hồi tháng 3 và vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường. Cả diện tích và năng suất đều được đánh giá tích cực hơn trong khi nhu cầu đối với ngô Mỹ lại đang khá yếu vào thời điểm hiện tại. Những yếu tố trên đã thúc đẩy lực bán ồ ạt trên thị trường ngô trong tuần vừa rồi. MXV cho biết, nếu như mưa tiếp tục xuất hiện và độ ẩm gia tăng, giá ngô có thể sẽ tiếp tục suy yếu, phá vỡ vùng đáy trước đó.  Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng trải qua tuần giảm mạnh mẽ khi kết tuần với phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Những thông tin tích cực về nguồn cung là yếu tố chính tạo áp lực lên giá mặt hàng này.   Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2023/24 thêm 3 triệu tấn lên mức 786 triệu tấn. Sự gia tăng phản ảnh triển vọng vụ mùa cải thiện tại Ukraine, nơi sản lượng lúa mì đang được dự báo sẽ đạt 22,5 triệu tấn, tăng so với mức 20,2 triệu tấn trong dự đoán trước. Trong khi đó, tại Mỹ, USDA ước tính diện tích trồng lúa mì năm 2023 giảm nhẹ xuống còn 49,6 triệu mẫu nhưng vẫn nằm trong dự đoán của thị trường nên tác động không đáng kể. Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam: “Trong tuần này, những lo ngại xung quanh thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen có thể giúp hạn chế đà giảm của giá lúa mì.” Giá dầu hồi phục Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của quý II/2023, giá dầu cho thấy tín hiệu hồi phục. Tuy nhiên, dầu thô đã đánh dấu quý giảm giá thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại các nước tiêu thụ hàng đầu có thể làm giảm triển vọng nhu cầu.  Trong tuần qua, giá dầu được hỗ trợ chủ yếu do các dữ liệu từ báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối tích cực tại Mỹ. Giá dầu WTI đã lấy lại mốc 70 USD/thùng sau khi tăng 2,14%, và giá dầu Brent cũng tăng 1,89% lên mức 75,41 USD/thùng.    Cụ thể, báo cáo EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ đã giảm mạnh 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/6, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng không đáng kể. Dữ liệu này củng cố kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc tại Mỹ trong mùa lái xe cao điểm, nhất là khi Kỳ Nghỉ Lễ Độc lập ngày 04/7 sắp tới.  Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung thu hẹp cũng đã thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô khi giá về các vùng hỗ trợ quan trọng, 67 USD/thùng đối với dầu WTI và 72 USD/thùng đối với dầu Brent. Vào tháng 7, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu toàn cầu.  Theo các nhà phân tích của Ngân hàng HSBC, thị trường dầu sẽ thâm hụt khoảng 2,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, và sẽ hỗ trợ một phần cho giá dầu trong thời gian tới, mặc dù sức ép tăng trưởng chậm từ một số quốc gia hàng đầu thế giới sẽ hạn chế đà tăng mạnh.  Trong khi đó, nguồn cung tại Mỹ tiếp tục cho thấy sự thu hẹp quy mô khai thác. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 7 xuống 675 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 30/6, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022. Như vậy, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động trong tuần thứ 9 liên tiếp.  Một số dữ liệu vĩ mô tích cực của Mỹ cũng đã làm gia tăng niềm tin đối với kịch bản “hạ cánh mềm”, góp phần hỗ trợ cho giá dầu trong tuần qua. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong Quý I/2023 bất ngờ được điều chỉnh tăng 2% so với quý trước đó, cao hơn đáng kể so với con số 0,7% trong báo cáo sơ bộ.  Trong tuần này, thị trường năng lượng sẽ chờ đón các thông tin từ cuộc hội thảo do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tổ chức vào ngày 05 và 06 tháng 7 tại Vienna. Cuộc họp của các CEO ngành dầu mỏ với các bộ trưởng năng lượng từ OPEC và đồng minh dự kiến sẽ khiến giá dầu biến động mạnh trong tuần. Ông Phạm Quang Anh nhận định: “Thị trường hàng hóa đang ở trong giai đoạn biến động rất mạnh, ở nhiều mặt hàng quan trọng. Đây cũng là giai đoạn bản lề, chuyển giao giữa quý II và quý III, cũng như chuyển giao bán niên, nên xu hướng giá sẽ có nhiều thay đổi trong trung và dài hạn. Vì thế, các nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý tới các thông tin mới, cũng như đề cao nghiệp vụ quản trị rủi ro, giúp hoạt động giao dịch an toàn và hiệu quả.” MXV cũng cho biết, sự kiện quan trọng trong tuần này phải kể đến biên bản họp của FED công bố vào 1h sáng thứ năm. Bất kỳ động thái tăng lãi suất nào của FED, cũng có thể tạo ra biến động lớn đối với các mặt hàng nhạy cảm với kinh tế vĩ mô như dầu thô, kim loại hay cà phê. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá ngô có thể sẽ chịu áp lực bán mạnh hơn khi tiến sát vùng kháng cự tâm lí 600

Ngô Minh Ngọc   |  27/06/2023

Giá ngô mở cửa phiên giao dịch đầu tuần đang suy yếu nhẹ do những dự báo ngắn hạn cho thấy thời tiết tại Mỹ sẽ cải thiện trong vài ngày tới. Triển vọng nguồn cung tại Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất lên diễn biến giá trong tuần này. Nếu như mưa lớn xuất hiện trở lại thì sẽ tác động “bearish” mạnh tới giá. Ngoài ra, các báo cáo về tồn kho và diện tích ngô tại Mỹ được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào cuối tuần này cũng sẽ nhận được sự chú ý của thị trường trong vài phiên tới. Mặc dù ban đầu, mô hình El Nino được xác nhận quay trở lại sau 3 năm liên tiếp Mỹ phải trải qua La Nina đã khiến cho thị trường gia tăng kì vọng về triển vọng nguồn cung năm nay. Khác với La Nina,  El Nino mang lại ảnh hưởng có lợi hơn cho cây trồng nhờ độ ẩm cao hơn. Tuy nhiên những tác động chưa rõ ràng và chậm trễ kéo theo thời tiết hiện đang khô hạn hơn so với dự kiến ở khu vực Trung Tây. Điều kiện cây trồng năm nay vẫn đang đứng trước rủi ro thiệt hại về năng suất. Chất lượng ngô của Illinois giảm xuống 36% diện tích đạt tốt – tuyệt vời. USDA đã báo cáo 83% diện tích ở Illinois có độ ẩm dưới đất không đủ, chỉ đứng sau 89% của Michigan. Trước đó, chất lượng ngô ở Illinois đạt mức thấp hơn là vào tháng 6 năm 1992 khi chỉ có 28% diện tích được đánh giá tốt - tuyệt vời. Tuy nhiên, nhờ lượng mưa lớn sau đó, con số này đã tăng lên mức 94% vào cuối tháng 9 và giúp sản lượng ngô niên vụ 92/93 đã đạt mức kỷ lục. Thời tiết sẽ là thông tin được chú trọng nhất trong giai đoạn này và nếumưa bất ngờ xuất hiện trở lại thì sẽ là yếu tố “beairsh” tiềm ẩn với giá. Ngoài ra, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cảng Paranagua của Brazil có thể sẽ tăng hơn 30% so với quý II năm ngoái, chủ yếu là do nhu cầu vận chuyển ngô tăng cao, các nhà chức trách của cảng cho biết. Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với ngô Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn các số liệu xuất khẩu của Mỹ vẫn đang kém hơn nhiều so với năm ngoái. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá cà phê còn có thể giảm khi nguồn cung hồi phục

Ngô Minh Ngọc   |  24/06/2023

Kết thúc phiên giao dịch 22/06, hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Giá Arabica ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi hoạt động thu hoạch tích cực tại Brazil làm giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Ở chiều ngược lại, giá Robusta khởi sắc khi thị trường tiếp tục neo theo những lo ngại khan hiếm nguồn cung tại các nước sản xuất chính. Triển vọng nguồn cung trong niên vụ 2023/24 tiếp tục được củng cố thông qua báo cáo Thị trường và Thương mại Cà phê năm 2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Cụ thể, USDA dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ tăng 4,3 triệu bao loại 60kg so với niên vụ trước, lên mức 174,34 triệu bao, kéo theo xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới dự kiến ở mức cao kỷ lục với 122,2 triệu bao, cao hơn 5,8 triệu bao so với niên vụ 2022/23. Triển vọng nguồn cung mở rộng kết hợp cùng tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil đang ở mức cao hơn so với thời điểm này năm trước, tạo tiền đề cho nông dân mạnh dạn hơn trong bán hàng, giúp nguồn cung ổn định hơn giai đoạn trước. Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã chính thức gián đoạn đà giảm suốt 3 tháng khi tăng 5.511 bao loại 60kg trong phiên ngày 22/06. Như vậy, tổng lượng cà phê lưu trữ tại các kho hiện nay ở mức 546.650 bao. Đặc biệt, hiện có 3.540 bao đang chờ phân loại tiếp, vẫn là tín hiệu cho thấy nguồn cung đang hồi phục.  Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá kim loại năng lượng xu hướng giảm nhẹ trong ngày thị trường Mỹ nghỉ Lễ

Ngô Minh Ngọc   |  20/06/2023

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua ngày (19/6), chỉ số hàng hóa  MXV- Index quay đầu suy yếu 0,29% xuống 2.255 điểm, kết thúc chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Ngày hôm qua, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường năng lượng và kim loại. Tuy nhiên, các mức biến động hầu như không quá lớn trong bối cảnh các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp liên thông với Sở Chicago và Sở giao dịch liên lục địa ICE đóng cửa nghỉ lễ. Áp lực cung cầu kéo dầu thô suy yếu Lực bán chiếm ưu thế trong ngày giao dịch 19/06 của mặt hàng dầu thô đã khiến giá dầu kết phiên trong sắc đỏ sau 2 ngày tăng giá liên tiếp trước đó. Sự không chắc chắn về đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong khi nguồn cung tại nhiều quốc gia sản xuất gia tăng trở lại đã tạo ra rào cản đối với đà phục hồi của giá dầu. Giá dầu WTI chốt phiên ở mức 71,35 USD/thùng sau khi giảm 0,81%. Giá dầu Brent giảm 0,68% xuống 76,09 USD/thùng.  Một số ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc. Ngân hàng lớn của Nhật Bản Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 5,5% xuống 5,1% trong năm nay, sau động thái tương tự của Ngân hàng UBS, Standard Chartered, Bank of America và JPMorgan. Các ngân hàng hiện kỳ ​​vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ nằm trong khoảng từ 5,1% - 5,7% trong năm 2023, giảm so với mức 5,5% - 6,3% trước đó.  Triển vọng tăng trưởng kém sắc hơn tại quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới Trung Quốc đã gây áp lực tới giá dầu. Theo ước tính từ Reuters, Trung Quốc đã bổ sung vào các kho dự trữ dầu thô với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm vào tháng 5, do nhập khẩu mạnh vượt trội so với hoạt động chế biến gần của nhà máy lọc dầu.  Tổng cộng 1,77 triệu thùng mỗi ngày (bpd) đã được bổ sung vào kho dự trữ trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, và trái ngược với mức giảm hiếm hoi 340.000 thùng/ngày trong tháng 4.  Về yếu tố cung cầu, xuất khẩu dầu thô của Iran gia tăng bất chấp sự tồn tại liên tục của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, cũng đã gây áp lực đáng kể cho giá dầu. Cụ thể, xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm ngoái lên khoảng 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Sự gia tăng doanh số bán hàng là một ví dụ khác về việc Iran tái khẳng định mình trên thị trường hàng hóa toàn cầu.  Trong khi đó, sự gia tăng sản lượng tại một số nước trong nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) khiến cho nỗ lực cắt giảm nguồn cung tự nguyện của nhiều quốc gia còn lại ít có tác động hỗ trợ giá dầu.   Đối với Nga, các cơ sở lọc dầu đã xử lý 5,49 triệu thùng dầu thô/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 14/06, cao hơn gần 194.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Nguồn cung dầu thô cho các nhà máy lọc dầu ở Nga gia tăng, cùng với khối lượng xuất khẩu bằng đường biển ổn định, vẫn khiến thị trường hoài nghi về cam kết cắt giảm sản lượng tại Nga.  Quặng sắt là mặt hàng kim loại duy nhất tăng giá Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/06, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại đều giảm giá so với phiên cuối tuần trước. Trong phiên hôm qua, các mặt hàng kim loại quý đồng loạt chịu sức ép do đồng USD tăng trở lại từ mức thấp nhất trong 1 tháng vào phiên cuối tuần trước.   Đồng USD đang trên đà phục hồi nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát. Củng cố kỳ vọng này, vào cuối tuần trước, loạt quan chức Fed bao gồm Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin tiếp tục thể hiện thái độ ủng hộ đối với quan điểm cần thêm nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa do lạm phát vẫn chưa quay trở lại mức 2%.  Hiện tại, theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch, đã có khoảng 75% số nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ khởi động lại chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 7, tăng từ mức 60% của tuần trước. Hơn nữa, có tới 65% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong tháng 9.  Do đó, kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất giúp củng cố sức mạnh của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng 0,27% lên 102,57 điểm khiến các mặt hàng kim loại quý chịu sức ép, khi chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.  Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục giảm 0,62%. Trong khi quặng sắt là mặt hàng tăng giá duy nhất trong nhóm, ghi nhận mức tăng 0,3% lên 113,85 USD/tấn.  Đối với thị trường đồng, sức mua đồng được củng cố nhờ kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản chuẩn vào 20/06, tiếp nối hai lần cắt giảm lãi suất ngắn hạn và trung hạn trong tuần trước.  Tuy nhiên, đồng USD phục hồi trở lại là yếu tố khiến giá đồng chịu sức ép. Bên cạnh đó, nguồn cung tích cực cũng làm suy yếu lực mua đồng trong phiên hôm qua. Tồn kho đồng trên Sở COMEX đã phục hồi từ mức đáy thấp nhất kể từ đầu năm 2023, chỉ đạt 26.502 tấn vào ngày 12/06. Hiện tại, tồn kho đã tăng thêm 13% kể từ mức đáy này, đạt 30.002 tấn.   Đối với thị trường quặng sắt, kỳ vọng Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản cũng là yếu tố dẫn dắt giúp giá giữ được đà tăng.  Trung Quốc mua hơn 70% tổng khối lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu và sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới, điều này khiến các điều kiện kinh tế của nước này trở thành chìa khóa quan trọng cho triển vọng của nguyên liệu thô chính sản xuất thép toàn cầu.  Hơn nữa, hàng tồn kho giảm tại các cảng của Trung Quốc cũng giúp hỗ trợ cho giá sắt. Các kho dự trữ cảng do tư vấn SteelHome giám sát đã giảm xuống 126,2 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 09/06, giảm so với 126,9 triệu tấn của tuần trước đó và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắt thép Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn Trên thị trường nội địa, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 5, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,2 triệu tấn, tăng 2,3%; bán hàng thép các loại đạt 2,3 triệu tấn, tăng 13,62% so với tháng trước và tương đương với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt 11,1 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 10,409 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ.  Mặc dù so với năm 2022, mức sản xuất và tiêu thụ nội địa vẫn còn khá yếu, nhưng thị trường sắt thép tháng 5 trong nước đã ghi nhận bức tranh tích cực hơn so với các tháng đầu năm.  Năm 2023 với những dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng phát triển. Tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,47 – 6,83%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ khoảng 1,5%, Mỹ thậm chí thấp hơn, khoảng 0,5%; còn với các nước Đông Nam Á trung bình khoảng 5%. Vào cuối tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Thép thế giới (WSA) đưa ra dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023 sau khi giảm 3,2% năm 2022. Theo đó, Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng nhu cầu năm 2023, bù đắp cho sự suy yếu ở châu Âu và Mỹ. Hiện, thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam là khu vực ASEAN với khoảng 36% thị phần. Do vậy, triển vọng tích cực hơn đối với cả 2 khía cạnh, tiêu thụ nội địa và hoạt động thương mại hứa hẹn sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá heo hơi tăng mạnh, các doanh nghiệp chăn nuôi dần có lãi

Ngô Minh Ngọc   |  18/06/2023

Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ sau đại dịch Covid -19, ngành chăn nuôi nước ta đã bước đầu ghi nhận sự khởi sắc. Từ quý II năm nay, giá heo hơi tăng mạnh đang nhen nhóm niềm vui trở lại cho các hộ nông dân và doanh nghiệp. Liệu đây là dấu hiệu cho chu kỳ mới của ngành hay vẫn chỉ là một đợt hồi phục ngắn? Giá heo hơi ghi nhận đà tăng mạnh  Trong vòng gần 2 tháng gần đây, giá heo hơi của nước ta đã tăng mạnh trở lại. Dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá heo hơi tại miền Bắc kể từ giữa tháng 4 đến nay đã ghi nhận mức tăng tốt nhất với 21%. Tiếp theo sau đó là miền Nam với mức tăng 18,18% và miền Trung - Tây Nguyên với mức tăng 17,3%. Trong khoảng thời gian đầu tháng 6, giá thịt heo hơi nhìn chung đang biến động sát ngưỡng 60.000 đồng/kg. Đây được xem là vùng giá mà các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu có lãi. Tính đến ngày 15/6, giá heo hơi tại miền bắc đang biến động trong khoảng từ 59.000 – 62.000 đồng/kg với mức giá tốt nhất được ghi nhận tại Thái Bình, Hưng yên và Vĩnh Phúc. Tại miền Trung – Tây nguyên, heo hơi đang được mua bán trong khoảng 56.000 – 59.000 đồng/kg, với vùng giá phổ biến ở nhiều tỉnh thành là 57.000 – 58.000. Tại miền Nam, heo hơi được giao dịch trong khoảng 56.000 – 60.000 đồng/kg. Bến Tre và Long An là hai địa phương ghi nhận mức giá cao nhất. Sự thiếu hụt nguồn cung là yếu tố hỗ trợ giá heo Sau giai đoạn thị trường bán tháo do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, giá đã bắt đầu tăng kể từ giữa tháng 3 khi lo ngại dư thừa nguồn cung lắng xuống. Sau hai năm bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ nông dân đã từ bỏ hoạt động tái đàn trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cũng chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường không còn dồi dào như giai đoạn đầu năm nay. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng số đàn heo của nước ta tính đến hết tháng 5 tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết con số thực tế ước tính thấp hơn nhiều do dịch bệnh cùng giá thấp khiến nhiều nông dân phải “treo chuồng”.  Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hàng hóa Việt nam, cho biết: “So với các doanh nghiệp chăn nuôi, các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tái đàn do nguồn vốn hạn chế. Mặc dù giá heo hơi đã có sự cải thiện trong quý II, tuy nhiên, nhu cầu chăn nuôi sẽ cần một khoảng thời gian dài để phục hồi”. Bên cạnh thiếu hụt nguồn cung, kỳ vọng giá thịt cải thiện trên thị trường thế giới cũng hỗ trợ giá heo hơi của nước ta. Tại Trung Quốc, số ca nhiễm dịch tả heo châu Phi tăng đột biến vào đầu năm nay đã khiến quốc gia này đẩy mạnh việc giết mổ trong quý I. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng dịch vụ tài chính Rabobank dự báo sản xuất thịt heo của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý II và đẩy giá thịt heo tăng trở lại. Tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng nhẹ so với năm trước do nhu cầu của người tiêu dùng hồi phục sau đại dịch Covid – 19. Áp lực về chi phí nguyên liệu dự báo sẽ giảm bớt Về dài hạn, nhu cầu của thị trường nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tiêu thụ thịt heo nước ta sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm là khoảng 3,1% trong giai đoạn 2022 – 2023. Công ty tư vấn Fitch Solution cũng dự báo tiêu thụ thịt heo của Việt Nam sẽ tăng 25% trong giai đoạn 2018 – 2026. Với việc lạm phát hạ nhiệt từ tháng 03, nhu cầu của người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ có sự cải thiện rõ rệt. Điều này dự kiến sẽ giúp giá heo hơi tiếp tục có động lực tăng trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh nhu cầu tốt, việc giá nông sản hạ nhiệt từ đầu năm cũng sẽ hỗ trợ ngành, đặc biệt là khi khoảng 75% nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta  phụ thuộc vào nhập khẩu.  Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã nhập khẩu 398.603 tấn ngô trong tháng 05, giảm 36% so với tháng trước đó. Lũy kế nhập khẩu ngô trong 5 tháng đầu năm nay của nước ta cũng đang thấp hơn 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta chủ yếu nhập khẩu ngô từ Brazil, chiếm 43,0% tổng nhập khẩu ngô cả nước. Tiếp theo là Argentina với 28,3%. Điều đáng mừng là tại hai quốc gia này, nguồn cung nông sản dự báo sẽ được cải thiện rõ rệt trong niên vụ tới. Với việc mô hình thời tiết El Nino quay trở lại trong năm nay, thời tiết tại khu vực Nam Mỹ được dự báo sẽ khá thuận lợi cho cây trồng phát triển. Theo báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới tháng 06, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2022/23 của Brazil lên mức 132 triệu tấn, từ mức 130,93 triệu tấn trong báo cáo trước trong khi duy trì dự báo sản lượng niên vụ mới ở mức 129 triệu tấn. Đối với Argentina, sản lượng ngô và đậu tương niên vụ 2023/24 cũng được dự báo sẽ cải thiện đáng kể so với niên vụ hiện tại. Nguồn cung nông sản gia tăng có thể khiến cho giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi duy trì đà giảm trong nửa cuối năm nay, giúp các doanh nghiệp không còn phải đau đầu với bài toán chi phí. “Trong bối cảnh lạm phát dần được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của nước ta nhiều khả năng sẽ cải thiện rõ rệt. Kết hợp với việc giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt so với năm ngoái, ngành chăn nuôi nước ta có thể sẽ ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm nay”, Ông Phạm Quang Anh nhận định. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều

Ngô Minh Ngọc   |  17/06/2023

Trong phiên sáng cuối tuần, lực bán áp đảo trên thị trường đồng do lo ngại tiêu thụ phục hồi chậm tại Trung Quốc. Sáng nay, một số ngân hàng lớn đã dạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, do loạt dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 5. JPMorgan Chase, UBS Group và Standard Chartered đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc xuống 5,2 – 5,5%. Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng vào hôm qua, tuy nhiên, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất này chưa đủ để hỗ trợ kinh tế phục hồi, do niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp còn yếu. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc cần nhận được nhiều biện pháp ổn định tăng trưởng hơn từ Chính phủ và vẫn cần thời gian để phục hồi. Theo đó, với vai trò là thước đo sức khỏe nền kinh tế, triển vọng tiêu thụ đồng chưa rõ ràng có thể khiến giá đồng chưa thể bứt phá. Tuy vậy, tiêu thụ đồng nhận được tín hiệu tích cực trong ngành điện của Trung Quốc. Cục Quản lý Năng lượng Năng lượng Quốc gia của Trung Quốc đã công bố sản lượng điện tiêu thụ đạt 722,2 tỷ kwh trong tháng 5, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ đạt 3,53 nghìn tỷ KWH, tăng 5,2% theo năm. Trong khi đó, đồng là một trong những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất lưới điện, dây điện, cáp điện. Nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng tích cực làm gia tăng kỳ vọng tiêu thụ đồng trong thời gian tới và là yếu tố hỗ trợ cho giá đồng. Hơn nữa, sự suy yếu của đồng USD với chỉ số Dollar Index đang ở mức mức thấp nhất trong vòng 1 tháng có thể là yếu tố hỗ trợ lực mua đồng trong phiên. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại có động thái tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và dự báo có thể tiếp tục tăng thêm. Điều này đang củng cố sức mạnh của đồng Euro và cản trở đà tăng của chỉ số Dollar Index. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook