Thị trường hàng hóa

Giá lúa mì có khả năng sẽ hồi phục trở lại từ vùng giá tâm lí 600

Ngô Minh Ngọc   |  25/05/2023

Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/05, giá lúa mì quay đầu giảm mạnh trở lại nhưng vẫn đang biến động quanh vùng giá tâm lí 600. Mặc dù giá vẫn đang chịu sức ép về nguồn cung sau khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được xác nhận sẽ gia hạn nhưng một số yếu tố hỗ trợ đang xuất hiện trong vài phiên gần đây và có thể giúp giá bước vào một nhịp hồi phục ngắn. Nông dân ở Kansas, nơi sản xuất lúa mì lớn nhất của Mỹ, đang buộc phải từ bỏ mùa màng của mình, do hạn hán nghiêm trọng và giá rét tàn phá nặng nề cây trồng, Reuters cho biết trong một cuộc khảo sát mùa vụ. Việc bỏ hoang các diện tích lúa mì đã trồng sẽ khiến nguồn cung của Mỹ - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 toàn cầu - bị thu hẹp, với lượng tồn kho được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Điều này cũng sẽ khiến các thương nhân lúa mì phải điều chỉnh kế hoạch thu mua bằng cách chuyển sang nguồn cung từ nước khác. Trên toàn nước Mỹ, nông dân trồng lúa mì vụ đông có kế hoạch từ bỏ 33% diện tích cây trồng, tỉ lệ cao nhất kể từ Thế chiến I, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong một báo cáo. USDA dự kiến nông dân Kansas sẽ bỏ hoang 19% diện tích lúa mì đông đã trồng, tăng từ mức 10% của năm ngoái và mức 4% của năm 2021. Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Reuters thậm chí còn cảnh báo về một tỉ lệ cao hơn. Bang Kansas dự kiến chỉ sản xuất 191,4 triệu giạ lúa mì trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1963, dự báo mới nhất của USDA cho thấy. Các nhà phân tích trong chuyến khảo sát dự báo con số thực tế có thể còn thấp hơn nữa, ở mức 178 triệu giạ. Bên cạnh lo ngại về vụ lúa mì của Mỹ, biểu đồ giá đã xuất hiện tín hiệu phân kì sau đợt giảm mạnh. Mặc dù giá tạo lên những đáy thấp dần nhưng RSI lại tạo đáy cao hơn cho thấy động lượng giảm giá đã yếu đi nhiều nên có thể sẽ xuất hiện tín hiệu đảo chiều ngắn hạn ở vùng giá này. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu có thể phục hồi khi nhu cầu nội địa của Trung Quốc khởi sắc

Ngô Minh Ngọc   |  22/05/2023

Giá dầu mở cửa sáng nay với lực mua chiếm ưu thế, khi bối cảnh thị trường tài chính nói chung có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Đà phục hồi có thể sẽ đươc duy trì trong phiên hôm nay khi áp lực vĩ mô giảm bớt, trong khi một vài thông tin cung cầu mang tính hỗ trợ giá. Các bằng chứng đang cho thấy nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Trung Quốc đang có vài tín hiệu khởi sắc. Trung Quốc không cập nhật dữ liệu về mức tồn kho dự trữ dầu quốc gia, nhưng có thể ước tính được thông qua các hoạt động thương mại và lọc dầu. Cụ thể, lượng dầu có sẵn của Trung Quốc trong tháng 4 sẽ bao gồm nhập khẩu 42.41 triệu tấn và sản lượng khai thác 17.3 triệu tấn, tổng cộng ghi nhận khoảng 59,71 triệu tấn. Trong khi đó, thông lượng lọc dầu tháng 4 ở mức 61,6 triệu tấn, vượt quá lượng dầu sẵn có 1,39 triệu tấn, tương đương khoảng 340,000 thùng. Đây là lần đầu tiên sau ít nhất 9 tháng thông lượng lọc dầu vượt quá lượng dầu sẵn có tại Trung Quốc, nên nhiều khả năng quốc gia này đã rút dầu từ kho dự trữ cho hoạt động lọc dầu. Trong khi đó, xuất khẩu dầu diesel tháng 4 giảm mạnh 56% so với tháng 3 xuống 620.000 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Sản xuất tích cực, xuất khẩu giảm, cho thấy nhu cầu nội địa có dấu hiệu khởi sắc và nguồn cung sản phẩm lọc dầu từ Trung Quốc cho quốc gia khác cũng hạn chế hơn, là yếu tố hỗ trợ giá dầu. Ngoài ra, Anh cũng đã công bố một làn sóng trừng phạt mới nhằm vào Nga, nhắm tới các công ty liên quan tới vận chuyển năng lượng của Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản cuối tuần này. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Yếu tố vĩ mô hỗ trợ giá kim loại, năng lượng bật tăng trở lại

Ngô Minh Ngọc   |  20/05/2023

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục đảo chiều, lấy lại đà tăng trong ngày hôm qua (17/05). Mức hồi phục mạnh của các mặt hàng kim loại và năng lượng hỗ trợ chỉ số MXV- Index đóng cửa tăng 0,58% lên 2.167 điểm.  Tin tức vĩ mô tích cực là yếu tố thúc đẩy dòng tiền trở lại thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường hàng hóa, đặc biệt là thị trường năng lượng và kim loại. Khối lượng giao dịch nhóm năng lượng tăng vọt gần gấp đôi, đạt gần 1.800 tỷ đồng, chiếm đến 43% tổng giá trị giao dịch toàn Sở trong hôm qua. Sau hàng tháng bế tắc kéo dài về vấn đề trần nợ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm qua đã đạt được thỏa thuận mới. Cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh quyết tâm sớm đạt mục tiêu nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của Chính phủ liên bang và tránh một “vụ vỡ nợ thảm khốc”.  Dầu Brent lên sát mốc 80 USD/thùng Giá dầu thô WTI tăng 2,78% lên 72,83 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 2,74% lên 76,96 USD/thùng. Tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn bất chấp đà tăng của đồng USD và các số liệu từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Chỉ số Dollar Index tăng lên 102,88 điểm, mức cao nhất trong vòng 1,5 tháng. Về phía báo cáo của EIA, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 5 triệu thùng, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên vẫn có 2,4 triệu thùng được chảy ra từ Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) của Mỹ, nên tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần qua thực chất chỉ tăng 2,6 triệu thùng.   Tồn kho nhiên liệu chưng chất gần như không đổi, với mức tăng nhẹ 100.000 thùng, trong khi tồn kho xăng giảm 1,4 triệu thùng. Kết hợp với số liệu tổng sản phẩm được cung cấp trong tuần qua giảm từ 20,2 triệu thùng về 19,6 triệu thùng, báo cáo của EIA cho thấy mức tiêu thụ nội địa của Mỹ trong tuần qua có sự suy yếu.   Một yếu tố hiếm hoi hỗ trợ giá dầu trong báo cáo đến từ số liệu xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 12/05 từ 2,9 triệu thùng/ngày lên 4,3 triệu thùng/ngày. Điều này phản ánh nhu cầu gia tăng từ các đối tác thương mại của Mỹ.   Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận số liệu lạm phát tích cực của khu vực Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dù vẫn cao hơn 7,0% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ tăng 0,6% so với tháng 3, nhẹ hơn dự báo. Các chỉ số CPI khác đều không quá chênh lệch so với dự báo, phản ánh áp lực lạm phát đã giảm dần đối với EU.   Vì thế Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất để tránh đẩy nền kinh tế các nước trong khu vực rơi vào suy thoái. Thông tin này tác động tích cực đối với triển vọng tiêu thụ dầu, và cũng thúc đẩy sức mua trong phiên hôm qua.   Giá kim loại hồi phục  Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 2,39% lên mức 3,75 USD/pound. Sức mua đồng được củng cố nhờ triển vọng tiêu thụ trong lĩnh vực ô tô gia tăng tại Trung Quốc.   Cụ thể, sản lượng ô tô tháng 4 của Trung Quốc đạt trên 2 triệu xe, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 586.000 xe sử dụng năng lượng mới (NEV), tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc đã tăng trưởng 44,6% trong tháng 4.   Hơn nữa, lo ngại nguồn cung thiếu hụt cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua đồng tăng mạnh trong phiên hôm qua. Các nhà phân tích cho biết thị trường tinh quặng đồng toàn cầu sẽ thâm hụt nghiêm trọng trong giai đoạn 2025-2027, khi các nhà máy luyện kim ở châu Á tăng cường công suất.    Giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 2,95% lên mức 108,14 USD/tấn. Giá quặng sắt liên tục tăng trong thời gian gần đây nhờ kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc trong ngành sản xuất thép tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.  Các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động trong thời gian tới do biên lợi nhuận được cải thiện; từ đó thúc đẩy lực mua quặng sắt do sắt là nguyên liệu đầu vào sản xuất thép.  Xuất khẩu thép Việt Nam sụt giảm trong 4 tháng đầu năm Trên thị trường nội địa, tình hình sản xuất và bán hàng thép vẫn cho thấy những dấu hiệu khó khăn trong bài toán tìm nguồn tiêu thụ.  Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 4 đạt 2,17 triệu tấn, giảm 9,66% so với tháng 3/2023 và giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam. Bán hàng thép các loại đạt 2,03 triệu tấn, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính chung trong 4 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đã giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022, và bán hàng thép thành phẩm giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022.  Theo MXV, nhu cầu chững lại trong lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng tại Việt Nam trong năm 2023. Đây vẫn sẽ là những khó khăn chính cho ngành. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá sắt thép thế giới đang bắt đầu tăng nhẹ trở lại, đem lại kỳ vọng tích cực hơn cho bức tranh nhu cầu so với 2 tháng trước. Điều này có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, tháo gỡ một phần những khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Đà giảm giá đậu tương có thể sẽ duy trì do áp lực từ hoạt động xuất khẩu của Brazil

Ngô Minh Ngọc   |  17/05/2023

Giá đậu tương nối tiếp đà suy yếu khi mở cửa phiên giao dịch ngày 17/05. Phiên lao dốc hôm qua đã củng cố và mở rộng cho xu hướng giảm mạnh của mặt hàng này trong trung hạn. Nguồn cung toàn cầu dự báo sẽ gia tăng trong niên vụ 23/24 nhờ có mùa vụ của Mỹ thuận lợi và tồn kho cao nhờ sản lượng kỷ lục của Brazil là những yếu tố cơ bản khiến áp lực bán duy trì đối với thị trường đậu tương. Trong khi đó, những phiên giảm mạnh hay nhịp biến động liên tiếp suy yếu lại nhận được thêm ủng hộ từ yếu tố kĩ thuật. Việc phá vỡ hỗ trợ 1380, vùng giá đóng vai trò là mức chặn dưới đẩy giá đậu tương bật lên trong hơn nửa năm qua, cho thấy dấu hiệu xuất hiện một nhịp giảm mới. Với tình hình hiện tại, chúng tôi cho rằng trong trung hạn, giá đậu tương có khả năng sẽ quay trở lại vùng thấp nhất trong năm 2022. Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) vừa dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 05 của nước này lên mức kỷ lục 15,76 triệu tấn, cao hơn khoảng 5,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Vụ thu hoạch thuận lợi năm nay cho phép nông dân đẩy mạnh bán hàng và con số trên cũng cao hơn so với mức cao nhất được ghi nhận trước đó là 15.67 triệu tấn đạt được vào tháng 4/2021. Hoạt động xuất khẩu của Mỹ sẽ gặp phải cạnh tranh từ Brazil, từ đó dẫn tới khả năng tồn kho cuối niên vụ 22/23 sẽ tiếp tục được USDA điều chỉnh tăng lên so với báo cáo tháng 5. Đây chính là yếu tố tạo sức ép tới giá đậu tương trong vài tuần tới khi hoạt động thu hoạch ở Bazil đang ở tỏng giai đoạn cao điểm. Xét về mặt kĩ thuật, giá đậu tương đang hình thành cấu trúc giảm mạnh với các vùng đáy trước liên tiếp bị phá vỡ. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục duy trì, ít nhất là tới vùng hõ trợ cứng tiếp ở 1320. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu có thể nối dài đà tăng nếu số liệu lạm phát hạ nhiệt

Ngô Minh Ngọc   |  12/05/2023

Giá dầu giảm trong sáng nay sau khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3,6 triệu thùng, sau ba tuần giảm liên tiếp. Tại Canada, Rystad Energy cho biết các vụ cháy rừng ở Alberta, khu vực chịu trách nhiệm gần 80% sản lượng dầu của nước này, có thể đã gây thiệt hại tương đương 500.000 thùng/ngày. Trong tối nay, tin tức có sức ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường dầu là Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ. Số liệu này sẽ giúp cho các nhà đầu tư có được dự báo sớm về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Hiện các nhà phân tích dự báo CPI và CPI lõi (trừ năng lượng và thực phẩm) tháng 4 sẽ tăng lên 0,4% so với tháng 3. Nếu các số liệu cao hơn so với dự báo, đồng USD sẽ tăng mạnh và gây sức ép lên giá dầu. Trong kịch bản ngược lại, tâm lý thị trường sẽ được cải thiện vì lạm phát hạ nhiệt sẽ là động lực để Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và tránh đưa nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giá dầu sẽ nối dài đà tăng nhờ sự suy yếu của đồng USD, và kỳ vọng tiêu thụ dầu tăng trưởng. Bên cạnh đó, báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng sẽ được công bố vào tối nay. Nếu số liệu tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu trái ngược với thông tin của API hoặc không tăng quá mạnh so với dự báo, giá dầu có thể nhận được sự hỗ trợ lớn. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Nguồn cung dần được cải thiện, giá Arabica có thể hướng về 181 cents

Ngô Minh Ngọc   |  09/05/2023

Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/05, Arabica đảo chiều suy yếu do dữ liệu xuất khẩu khả quan hơn tại Brazil. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), 314.960 bao Arabica loại 60kg được đẩy đi trong 5 ngày đầu tháng 05, tăng gần 20% so với mức 255.550 bao trong cùng kỳ tháng trước. Khi vụ thu hoạch Arabica niên vụ mới đang đến gần, thị trường dần được bổ sung bởi những thông tin cơ bản thiên hướng “bearish”. Sau dữ liệu xuất khẩu khả quan trong 5 ngày đầu tháng 05, giá cà phê giao ngay tại Brazil trong tuần vừa qua đã về dưới mức 1.000 Real/ bao loại 60kg. Khi giá nội địa giảm mà giá giao dịch vẫn duy trì ở mức cao, thúc đẩy nông dân nước này đẩy mạnh nguồn cung hơn ra thị trường quốc tế cũng như vào các kho chứa của ICE, từ đó giảm bớt những lo ngại về nguồn cung ở mức thấp. Tuy vậy, ở hiện tại, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn duy trì đà giảm dù đã về mức thấp nhất trong 5 tháng khi xuất khẩu trước đó của các nước cung ứng hàng đầu như Brazil và Colombia đều giảm mạnh. Đây sẽ tiếp tục là yếu tố hạn chế phần nào các tác động “bearish”. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook