Thị trường hàng hóa

Kỳ vọng lãi suất sắp đạt đỉnh hỗ trợ giá kim loại, năng lượng

Ngô Minh Ngọc   |  13/04/2023

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua ngày 12/04, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa hỗ trợ chỉ số MXV- Index tiếp tục tăng 0,46% lên 2.348 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức trên 4.700 tỷ đồng. Năng lượng và kim loại là hai nhóm dẫn dắt xu hướng thị trường với hầu hết các mặt hàng trong nhóm đồng loạt đóng cửa tăng giá. Trong đó có đến 4 mặt hàng ghi nhận mức tăng trên 2%, 5 mặt hàng chốt tăng hơn 1%. Giá dầu phá vỡ khoảng đi ngang Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/04, giá dầu phá vỡ khoảng đi ngang, ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi báo cáo lạm phát Mỹ tháng 3 có dấu hiệu hạ nhiệt, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tạm dừng tăng lãi suất. Tâm lý cho rằng áp lực của nền kinh tế giảm bớt đã kéo giá dầu WTI tăng hơn 2,12% lên mức 83,26 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,01% lên mức 87,33 USD/thùng.  Giá dầu đã liên tục giằng co trong nửa phiên đầu tiên, trước khi phản ứng với tâm điểm của thị trường trong ngày hôm qua 12/04, dữ liệu lạm phát của Mỹ. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng chậm lại ở mức 5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 6% trong tháng trước đó, và cũng thấp hơn so với dự báo 5,2% của thị trường, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ.  Lạm phát tại Mỹ giảm tháng thứ 7 liên tiếp kể từ tháng 7/2022, cho thấy những dấu hiệu hạ nhiệt của nền kinh tế Mỹ từ tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này thúc đẩy hy vọng rằng Fed đang tiến gần hơn đến việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.   Đồng USD suy yếu kéo chỉ số Dollar Index có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0,69%. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu được định giá bằng USD rẻ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, hỗ trợ cho dầu WTI phá vỡ khoảng đi ngang sau khi tăng vọt ngày 03/04, vượt lên trên kháng cự 82 USD/thùng.  Góp phần vào đà tăng của giá, Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) phát biểu với báo giới rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể chứng kiến ​​tình trạng khan hiếm trong nửa cuối năm 2023.   Các yếu tố vĩ mô đã giảm bớt tác động về một sự gia tăng nhỏ trong trữ lượng dầu thô của Mỹ trong tuần qua. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 0,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 07/04 so với tuần trước đó, nâng tồn kho lên mức 470,5 triệu thùng.   Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng đã giảm rất mạnh gần 50% khi chỉ ghi nhận 2,73 triệu thùng/ngày từ mức 5,24 triệu thùng/ngày trong tuần cuối tháng 3. Mặc dù phản ánh nhu cầu dầu Mỹ suy yếu, nhưng mức trung bình 4 tuần vẫn cao hơn 37,6% so với cùng kỳ 2022, và dữ liệu lạm phát trước đó đã làm lu mờ tác động từ báo cáo. Giá dầu hầu như không gặp sức ép đáng kể từ thông tin này.  Về nguồn cung tại Nga, xuất khẩu sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tháng 3 tăng 17,3% so với tháng trước lên mức 12,37 triệu tấn, bất chấp giới hạn của châu Âu hồi tháng 2, dữ liệu tính toán từ Reuter cho biết.   Đà tăng của giá dầu gần như chững lại vào cuối phiên, khi Biên bản họp lãi suất tháng 3 của Fed được công bố cho biết hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái vào cuối năm nay. Dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán sau khi Biên bản được công bố, giá dầu cũng giằng co trở lại vào cuối phiên.  Kỳ vọng Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hỗ trợ giá kim loại Sức mua tiếp tục áp đảo giúp cho sắc xanh duy trì trên bảng giá kim loại trong phiên 12/04. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,08% lên 25,46 USD/ounce. Giá bạch kim tăng mạnh nhất nhóm, 2,23%, lên 1027,5 USD/ounce.   Sự suy yếu của đồng USD tiếp tục là yếu tố thúc đẩy đà tăng của nhóm kim loại quý. Chỉ số Dollar Index giảm về 101,5 điểm, mức thấp nhất trong vòng một tuần. Đồng bạc xanh giảm giá sau khi chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 3 được công bố cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt rõ ràng hơn. Cụ thể, chỉ số CPI chỉ tăng 0,1% so với tháng 2, và cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, và đều thấp hơn dự báo. Chỉ số CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,4% theo tháng và 5,6% theo năm. Các chỉ số này cũng không cao hơn so với dự báo. Thu nhập thực tế của người dân Mỹ giảm 0,1% so với tháng 2.   Các số liệu lạm phát tích cực của Mỹ khiến cho thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất. Công cụ theo dõi của CME cho thấy xác suất cho kịch bản Fed không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 3 đã tăng vọt lên 70,4%, hoàn toàn áp đảo so với kịch bản tăng 25 điểm cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc triển vọng tăng của đồng USD không còn nhiều, đồng thời, giá các mặt hàng kim loại nói chung, và kim loại quý nói riêng đều được hưởng lợi khi mà chi phí đầu tư và kinh doanh hàng vật chất đều giảm.   Bên cạnh đó, sức mua cũng gia tăng trên thị trường kim loại quý khi mà dòng tiền rời khỏi thị trường tư rủi ro như chứng khoán và tiền điện tử. Biên bản cuộc họp tháng 3 được công bố cũng cho thấy các thành viên của Fed cảnh báo về khả năng rủi ro suy thoái nhẹ vào cuối năm nay ở Mỹ do ảnh hưởng tiêu cực của ngành ngân hàng.   Đối với nhóm kim cơ bản, giá đồng tiếp tục tăng 1,53% lên 4,08 USD/pound. Bên cạnh sự hỗ trợ từ đà giảm của đồng USD, sức mua được củng cố trên thị trường trước những lo ngại về tồn kho giảm trên Sở LME. Theo trang tin Reuters, công ty giao dịch hàng hóa Trafigura đã tiến hành nhận một khối lượng đồng lớn từ các kho dự trữ của Sở LME. Hiện mức dự trữ trên Sở LME đã giảm về 56.800 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2005 đến nay. Dự trữ đồng giảm tại một trong những Sở Giao dịch có hoạt động giao nhận hàng thực lớn trên thế giới làm gia tăng rủi ro về nguồn cung trong ngắn hạn, và giúp cho giá đồng tăng lên mức cao nhất trong vòng một tuần.   Trái lại, giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore, giảm 1,27%, về 118,23 USD/tấn. Sức ép kép từ việc nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu ở Trung Quốc, cùng với việc các nhà chức trách có thể vào cuộc để hạ nhiệt giá sắt thép khiến cho thị trường quặng sắt kém sôi động, và nhận được ít sức mua hơn.   Giá thép xây dựng nội địa giảm lần thứ 2 trong vòng 1 tuần Cùng chung xu hướng giảm trên thế giới, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng 1 tuần qua, sau 6 lần tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay. Theo SteelOnline.vn, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 thêm 460 đồng, hiện ở mức 15.200 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng, có giá 15.580 đồng/kg. Nguyên nhân từ đà giảm này là do bức tranh tiêu thụ khá yếu của nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, khiến giá nguyên liệu đầu vào và giá thép đều chung xu hướng giảm. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc được Reuters ước tính là 94,17 triệu tấn trong tháng 3, tương đương với tốc độ hàng ngày là 3,04 triệu tấn. So sánh với dữ liệu chính thức của hải quan, con số này thấp hơn so với mức 3,29 triệu tấn mỗi ngày trong hai tháng đầu tiên. Giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than cốc trong thời gian qua liên tục suy yếu, góp phần hạ nhiệt giá thép thành phẩm trong nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu còn là do trong thời gian này, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước giảm, nhất là khi bất động sản vẫn còn gặp khó khăn. Khảo sát từ các đại lý cho biết tiêu thụ hiện chỉ bằng khoảng 40% cùng kỳ năm trước. Theo MXV, nhu cầu thép trong quý II vẫn sẽ là thách thức và giá thép có thể còn dư địa giảm. Tuy nhiên, kỳ vọng đầu tư công và các dự án nhà ở xã hội được thúc đẩy nhiều khả năng sẽ hỗ trợ ngành thép khởi sắc trong nửa cuối năm. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá hàng hoá thế giới giằng co tìm kiếm xu hướng mới

Ngô Minh Ngọc   |  09/04/2023

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa hôm qua (06/04) với diễn biến giá phân hoá. Lực bán có phần chiếm ưu thế đã khiến chỉ số MXV- Index đảo chiều suy yếu 0,24% xuống 2.319 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 3.100 tỷ đồng. Cà phê Arabica tăng mạnh phiên thứ 2, đường thô tăng 6 phiên liên tiếp Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/04, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận sự phân hóa giữa sắc xanh và đỏ. Đáng chú ý khi 2 mặt hàng cà phê đóng cửa với xu hướng trái chiều. Arabica ghi nhận phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, đóng cửa giá tăng gần 2% so với mức tham chiếu. Thị trường tiếp tục bị chi phối bởi ước tính thâm hụt cán cân cung – cầu cà phê niên vụ 2022/23 của Tổ chức Cà phê Thế giới ở khoảng 7.200 bao loại 60kg, khiến lực mua trở nên áp đảo. Bên cạnh đó, sự suy yếu của Dollar Index trong phiên tối qua cũng phần nào thúc đẩy nhu cầu về cà phê, từ đó hỗ trợ giá Arabica đóng cửa ở mức 183,60 cents/pound. Trong khi đó, sau khi chạm mức cao nhất trong 7 tháng, giá Robusta đã có sự điều chỉnh với mức giảm 0,65% dù những lo ngại về khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng chính vẫn tiếp diễn cũng như tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục giảm về 74.660 tấn, mức thấp nhất trong gần 1 tháng.  Đường thô nối tiếp đà tăng với phiên thứ 6 liên tiếp khi thị trường tiếp tục bị chi phối bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Theo đó, các chuyên gia tiếp tục đưa ra những dự báo sản lượng đường sụt giảm tại Ấn Độ trong niên vụ hiện tại khi các nhà máy sản xuất đường đóng cửa sớm hơn bình thường, thậm chí sản lượng có thể xuống dưới mức 33 triệu tấn. Cùng với đó, thời tiết khô nóng hơn bình thường ở thời điểm hiện tại của Thái Lan đang dấy lên lo ngại sản lượng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong niên vụ 2023/24, làm gia tăng khả năng thiếu hụt nguồn cung, từ đó thúc đẩy giá đường đang được giao dịch tăng.   Cùng chung sự khởi sắc với phần đa các mặt hàng trong nhóm, giá bông ghi nhận mức tăng hơn 2% trong phiên hôm qua sau dữ liệu bán hàng bông của Mỹ. Theo đó, Mỹ đã bán được 160.500 kiện bông trong tuần kết thúc ngày 30/03, giảm 43% so với tuần trước, tuy nhiên số đơn hàng từ các nước nhập khẩu chính như Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tốt, cho thấy nhu cầu từ các nước tiêu thụ chính đang dần được cải thiện và đây cũng là tín hiệu cho sự trở lại trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ giá bông tăng mạnh trong phiên hôm qua.   Thị trường kim loại giằng co, giá quặng sắt thấp nhất trong hai tuần  Thị trường kim loại đã trải qua phiên ngày 06/04 với diễn biến tương đối giằng co, trước khi kết thúc phiên phần lớn với sắc xanh. Mức tăng giá nhẹ của các mặt hàng thể hiện tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước ngày nghỉ Thứ Sáu tốt lành 07/04, và sau loạt dữ liệu kinh tế tương đối yếu của Mỹ đặt ra lo ngại về suy thoái kinh tế.   Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim đều ghi nhận mức tăng nhẹ lần lượt là 0,22% lên 25,09 USD/ounce và 0,93% lên 1016,8 USD/ounce. Tuy nhiên, cả hai mặt hàng này đều có xu hướng biến động đi ngang trong phiên.   Bức tranh thị trường lao động của Mỹ đang cho thấy một vài sức ép nhất định. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đạt mức 228.000 đơn, cao hơn 28.000 so với mức dự báo. Mặc dù thấp hơn so với con số của tuần trước đó, nhưng dữ liệu tuần tham chiếu đã được điều chỉnh tăng mạnh 48.000 lên mức 246.000. Kết hợp cùng với các dữ liệu lao động khá yếu trong các phiên gần đây, điều này làm gia tăng lo ngại về những ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ đang gây sức ép tới thị trường việc làm.  Nhà đầu tư cũng kỳ vọng rằng những tín hiệu này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm dừng tăng lãi suất. Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy có khoảng 50% ý kiến cho rằng lãi suất sẽ được giữ nguyên trong kỳ họp đầu tháng 5. Tâm lý này cũng đã củng cố cho đà tăng trở lại của gía bạc và bạch kim vào cuối phiên, với đồng USD yếu hơn tăng tính hỗ trợ, đẩy giá hai kim loại quý chốt phiên với mức tăng nhẹ.  Đối với nhóm kim loại cơ bản, lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ 3,95 USD/pound đã giúp đồng COMEX phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp, với mức tăng 0,73% lên 4,01 USD/pound. Chỉ số quản lý mua hàng PMI tổng hợp của Caixin, bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ tại Trung Quốc đã tăng lên mức 54,5 trong tháng 3, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. Phí bảo hiểm đồng ở cảng Dương Sơn, phản ánh nhu cầu đồng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên 32,5 USD/tấn vào đầu tuần này, mức tăng đầu tiên sau nửa tháng. Mặc dù tốc độ phục hồi vẫn chậm hơn so với kỳ vọng, nhưng những tín hiệu tích cực này vẫn đang thúc đẩy lực mua trên thị trường.  Giá quặng sắt tiếp tục phiên suy yếu với mức giảm 0,29% xuống 117.5 USD/tấn, mức thấp nhất trong hai tuần qua trong bối cảnh bức tranh trên thị trường thép kém sắc. Theo dữ liệu từ Mysteel, sản lượng các sản phẩm thép xây dựng, bao gồm thép cây và thép cuộn, giảm 1,04% so với tuần trước xuống còn 4,23 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 06/04, trong khi nhu cầu giảm 6,7% so với tuần trước xuống 4,36 triệu tấn. Giá thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm Cùng chung xu hướng giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, giá thép xây dựng nội địa cũng được các thương hiệu trong nước đồng loạt điều chỉnh giảm, sau khi tăng liên tục đến 6 lần kể từ đầu năm nay. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 giảm khoảng 300 đồng/kg, dao động ở mức 15.660 đồng/kg. Thép thanh D10 CB300 giảm khoảng 100 đồng/kg, về vùng giá 15.890 đồng/kg. Như vậy, mặt bằng giá thép hiện được đưa về giai đoạn tháng 7-8 năm ngoái. Tuy nhiên, theo MXV, nếu so với giai đoạn quý I và quý II/2022, giá thép hiện vẫn đang cao hơn khá nhiều. Các nhà máy phải tập trung sản lượng cho các đơn hàng từ năm ngoái, nên dẫn đến nguồn cung ngắn hạn bị thiếu, và vẫn giữ giá thép trong nước hiện ở mức khá cao. MXV nhận định, nhiều yếu tố có thể tiếp tục đẩy giá thép giảm sâu hơn trong giai đoạn tới, đặc biệt là khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang liên tục giảm giá thép cuộn cán nóng tại Việt Nam. Kết hợp với triển vọng tiêu thụ thép vẫn thấp hơn so với kỳ vọng, các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ phải tiếp tục giảm giá bán thép trong các kỳ điều chỉnh sắp tới. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá thép tiếp tục xu hướng giảm

Ngô Minh Ngọc   |  05/04/2023

Thép thanh vằn kỳ hạn trên sàn giao dịch Đại Liên tiếp tục giảm xuống vùng 4.010 CNY/tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2; trong bối cảnh kỳ vọng nguyên liệu đầu vào rẻ hơn khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi triển vọng nhu cầu của Trung Quốc.  Một dữ liệu khảo sát của các tổ chức tài chính cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã bị đình trệ trong tháng 3, trong bối cảnh lo ngại thời tiết lạnh giá trên khắp Trung Quốc có thể làm gián đoạn các hoạt động xây dựng trong giai đoạn này. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một cảnh báo khác để kiềm chế giá quặng sắt sau khi đưa ra một số cảnh báo về hoạt động tích trữ quặng sắt và đầu cơ trong thời gian qua do giá tăng. Tuy nhiên, sản lượng thép ở mức thấp trong thời gian qua cũng đã giúp hạn chế đà giảm giá của thép. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang xem xét giảm sản lượng thép thô 2,5% trong năm 2023, năm thứ ba liên tiếp cắt giảm sản lượng do nền kinh tế Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ đạt mức giảm phát thải carbon cao nhất vào năm 2030. Việc giảm sản lượng thép trùng với dự báo về nhu cầu mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiến hành bơm mới thanh khoản và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng để hỗ trợ tín dụng từ lĩnh vực xây dựng đang ngập trong nợ nần. Những tín hiệu này đang tạo cho thị trường kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành bất động sản và giúp giá thép hồi phục tăng trở lại trong thời gian tới. Nguồn: Tổng hợp từ internet
Xem thêm

Triển vọng nguồn cung của Mỹ khi bước vào giai đoạn gieo trồng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong trung hạn

Ngô Minh Ngọc   |  04/04/2023

Mở cửa phiên giao dịch ngày 03/04, giá ngô đang ghi nhận mức bật tăng mạnh do ảnh hưởng gián tiếp từ diễn biến của giá dầu thô. Trong tuần này, thị trường sẽ tiếp nhận và phản ứng thêm với các thông tin xoay quanh mùa vụ ở Mỹ, bên cạnh tiến độ và tình hình vụ ngô thứ 2 của Brazil. Thông thường, thị trường nông sản sẽ nhận được nhiều tác động “bullish” hơn vào giai đoạn này trong năm do các rủi ro đối với năng suất và triển vọng nguồn cung. Hai báo cáo quan trọng về tồn kho sẵn có và dự báo diện tích gieo trồng của Mỹ đã được USDA công bố vào tuần trước và là cơ sở để đánh giá về ảnh hưởng tới cơ cấu cung cầu thế giới. Tồn kho ngô tính đến ngày 1/3 thấp hơn dự kiến và thấp hơn so với cùng kì năm ngoái trong khi tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới do các đơn hàng Daily Export Sales liên tục xuất hiện trong 2 tuần vừa qua. Khối lượng mua hàng tiếp tục gia tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong vài phiên tới. Đối với mùa vụ sắp tới, theo khảo sát mà USDA thực hiện, nông dân Mỹ chủ yếu đều muốn mở rộng diện tích gieo trồng. Mặc dù cao hơn mức dự đoán trung bình nhưng đây cũng không phải là yếu tố hoàn toàn bất ngờ vì chi phí sản xuất với ngô năm nay đã giảm đi đáng kể. Giá phân bón luôn chiếm tỉ trọng cao trong quyết định gieo trồng do năng suất ngô sẽ ảnh hưởng nhiều hơn so với đậu tương hay các loại nông sản có thể trồng thay thế khác. Chính vì vậy nên khi chi phí phân bón giảm 20 – 30% so với mức đỉnh thiết lập vào cùng kì năm ngoái do chiến tranh ở Biển Đen thì cũng dẫn tới lợi nhuận của ngô sẽ cạnh tranh hơn. Nhìn chung, diện tích sẽ không phải là yếu tố có thể khiến giá biến động mạnh trong thời gian tới mà thay vào đó, diễn biến thời tiết trong quá trình gieo trồng có thuận lợi và tiến độ mùa vụ sẽ là yếu tố có tác động mạnh nhất tới giá.  Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu cọ có dấu hiệu điều chỉnh

Ngô Minh Ngọc   |  01/04/2023

Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia giảm xuống dưới mốc 3.750 MYR/tấn sau bốn ngày tăng, trong bối cảnh các nhà đầu tư thực hiện chốt lời và đồng ringgit mạnh lên. Trong khi đó, nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 2 giảm 30% so với tháng 1 xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, do nhu cầu yếu trong bối cảnh dự trữ tăng do nhập khẩu quá mức trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 1. Tuy nhiên, hợp đồng chuẩn đã được thiết lập với xu hướng tăng hàng tuần, trong bối cảnh kỳ vọng xuất khẩu cao hơn. Dữ liệu do các nhà đầu tư hàng hóa tổng hợp cho thấy các lô hàng sản phẩm dầu cọ của Malaysia đã tăng từ 11,4% đến 19,8% so với tháng trước trong 25 ngày đầu tiên của tháng Ba. Cùng với đó, đối thủ cung cấp là Indonesia đã hạn chế xuất khẩu cho đến cuối tháng Ramadan và lễ Eid để hỗ trợ nhu cầu trong nước. Từ đầu năm đến nay, dầu cọ đã tăng 20 USD/tấn, phản ánh sự gián đoạn nguồn cung khi  khu vực Indonesia và Malaysia là 2 nhà sản xuất lớn nhất và lâu đời thứ hai trên thế giới, hứng chịu lượng mưa lớn. Nhưng diễn biến này có thể sẽ là yếu tố giữ cho giá dầu ổn định và không bị giảm trong thời gian tới. Nguồn: Tổng hợp internet
Xem thêm

Thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực

Ngô Minh Ngọc   |  28/03/2023

  Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hoá trong ngày giao dịch hôm qua 27/03. Đóng cửa, có đến 26 trên tổng số 31 mặt hàng tăng giá đã kéo chỉ số MXV- Index tăng mạnh 1,4% lên 2.261 điểm, cao nhất trong 9 phiên trở lại đây. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 4.000 tỷ đồng. Dầu thô bật tăng mạnh Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần do sự gián đoạn nguồn cung ở nhiều khu vực và tâm lý lạc quan khi cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng đang được ngăn chặn. Kết thúc phiên 28/03, giá dầu thô WTI tăng 5,13% lên 72,81 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 4,25% lên 77,76 USD/thùng.   Tranh chấp pháp lý giữa Iraq, khu vực bán tự trị Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến dòng chảy xuất khẩu dầu lên tới 400.000 thùng/ngày phải dừng lại. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất dầu tại Pháp cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mà các nhà máy lọc dầu chỉ hoạt động với một phần nhỏ công suất bình thường, do ảnh hưởng của các cuộc đình công về kế hoạch cải cách lương hưu. Theo Bloomberg, khoảng 80% công suất xử lý dầu thô của Pháp bị ảnh hưởng, và làm giảm nguồn cung dầu diesel của nước này còn 200.000 thùng/ngày.   Đối với nguồn cung dầu của Nga, các lô hàng xuất khẩu đã giảm 123.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 24/03, còn 3,1 triệu thùng/ngày. Số liệu cho thấy Nga vẫn chưa hoàn tất việc cắt giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày như đã thông báo từ trước đó. Khu vực châu Á, với những cái tên quen thuộc như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ kỳ vẫn là khách hàng chính của Nga. Khối lượng dầu thô đến những khu vực này cùng với số lượng trên các tàu chưa cho thấy điểm đến cuối cùng giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tuần.  Ngoài các yếu tố cơ bản về cung cầu, sức mua được cải thiện đáng kể trên thị trường dầu khi mà First Citizen Bank Shares đã tiến hành mua lại Ngân hàng Silicon Valley. Bloomberg cũng đưa tin rằng các nhà chức trách ở Mỹ đang cân nhắc mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp đối với các ngân hàng, và điều này có thể làm giảm sức ép trên thị trường tài chính nói riêng, và nền kinh tế nói chung. Nguy cơ suy thoái giảm cũng làm triển vọng tiêu thụ dầu trở nên sáng sủa hơn và hỗ trợ cho giá.   Đồng USD suy yếu trong phiên hôm qua, một mặt làm cho chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô giảm, mặt khác phản ánh dòng tiền rời khỏi các thị trường trú ẩn và phân bổ vào các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu. Chỉ số Dollar Index giảm 0,25% về 102,86 điểm. Theo MXV, mặc dù hướng phục hồi của giá dầu đang được hỗ trợ chủ yếu bởi tâm lý lạc quan hơn của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế còn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương vẫn cần thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Nguồn cung trong ngắn hạn nhìn chung vẫn tương đối dồi dào, do đó, đà tăng của giá dầu thô  sẽ còn nhiều lực cản. Trong 1 – 2 tháng tới, giá dầu có thể hướng tới vùng 75 – 76 USD/thùng nhưng nhiều khả năng sẽ khó bứt phá khỏi ngưỡng này. Giá nông sản tiếp đà hồi phục Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô nối tiếp đà tăng và hoạt động mua hàng từ Trung Quốc được đẩy mạnh trong giai đoạn gần đây lại tiếp tục đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy giá. Giá mặt hàng này đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Trong báo cáo Daily Export Sales, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Trung Quốc đã tiếp tục mua 204.000 tấn ngô niên vụ 2022/23. Điều này cho thấy triển vọng nhu cầu sản xuất gia tăng nhờ việc mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đại dịch Covid-19 của quốc gia tỷ dân và từ đó tạo hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, theo khảo sát của tạp chí FarmProgress, nông dân đang lựa chọn các loại cây trồng chịu hạn nhiều do độ ẩm của đất cạn kiệt là một thách thức đáng kể đối với cây trồng trong mùa trồng trọt năm 2023 sắp tới. Chính vì thế diện tích ngô dự kiến sẽ giảm xuống và đạt khoảng 87,7 triệu mẫu, giảm 1% so với năm ngoái là mức thấp nhất kể từ mức 86,4 triệu mẫu trong niên vụ 2009/2020. Đây sẽ là cơ sở cho số liệu trong báo cáo chính thức của USDA được phát hành vào tối thứ 6 tuần này. Khả năng diện tích thu hẹp trong khi nhu cầu ngắn hạn gia tăng mạnh mẽ là nguyên nhân lý giải cho diễn biến tăng giá của ngô trong phiên hôm qua. Giá lúa mì cũng ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Bên cạnh các thông tin hỗ trợ, diễn biến chung từ các mặt hàng khác trong nhóm nông sản cũng thúc đẩy lực mua đối với lúa mì. Theo báo cáo Export Inspections, khối lượng lúa mì từ Mỹ lên tàu xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong tuần vừa rồi đạt mức 392,484, cao hơn so với báo cáo trước và cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh vị thế cạnh tranh của nguồn cung từ Mỹ đang dần được cải thiện và thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này. Ngoài ra, cũng theo Farm Progress, tổng diện tích gieo trồng lúa mì Mỹ năm nay có thể đạt mức 45,74 triệu mẫu, gần như không thay đổi so với năm ngoái. Trong đó, nông dân dự kiến sẽ trồng 31,42 triệu mẫu Anh lúa mì vụ đông, nhưng thấp hơn dự báo 36,95 triệu mẫu của USDA. Thông tin này cũng góp phần hỗ trợ nhẹ đối với giá lúa mì. Giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở vùng giá thấp Ghi nhận trong sáng nay, giá chào bán ngô Nam Mỹ về Việt Nam đối với các kỳ hạn giao quý II năm nay đồng loạt được điều chỉnh tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Tại cảng Cái Lân, giá ngô được chào bán trong khoảng 7.800 – 8.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào tại cảng Vũng Tàu thấp hơn một chút, dao động ở mức 7.700 – 8.150 đồng/kg. Còn đối với lúa mì, tại miền Bắc, lúa mì Úc được giao dịch ở mức 8.100 đồng/kg. Mặc dù giá giao dịch tại thị trường nội địa đã tăng nhẹ trong 2 ngày gần đây, tuy nhiên giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang thấp hơn khoảng 200 -250 đồng/kg so với hồi đầu tháng 03, đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước khi mà giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook