Thị trường hàng hóa

Giá dầu có thể phục hồi khi Fed bỏ ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất

Ngô Minh Ngọc   |  05/05/2023

Giá dầu WTI mở cửa phiên với mức giảm đột ngột khoảng 4 USD xuống 63,6 USD/thùng, nhưng sau đó nhanh chóng rút chân và hiện đang tăng hơn 5 USD so với thời điểm mở cửa. Diễn biến bất thường này xuất phát từ các giao dịch thuật toán, đòi hỏi sử dụng công thức và việc tính toán siêu tốc để xác định những cơ hội giao dịch. Lực bán mạnh liên tục trong 3 phiên trở lại đây trên thị trường dầu thô đã kích hoạt giao dịch này. Trong hôm nay, nhiều khả năng giá dầu sẽ phục hồi trở lại, khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua cho thấy giọng điệu ôn hoà hơn, và có một vài tín hiệu cho thấy Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất. Các quan chức đã loại bỏ một cụm từ quan trọng trong tuyên bố chính sách trước đó của họ, vào tháng 3, đó là “dự đoán một số mức tăng bổ sung có thể phù hợp”, được thay thế bằng “sẽ theo dõi cẩn thận nền kinh tế và tác động của việc tăng nhanh lãi suất trong năm qua”. Trong bối cảnh rủi ro suy thoái gia tăng, và sau 10 đợt tăng lãi suất, rõ ràng Fed cần cận trọng hơn trong các hành động tiếp theo. Việc bỏ ngỏ cơ hội tạm dừng tăng lãi suất trong kỳ họp thang 6 sắp tới sẽ cải thiện tâm lý các nhà đầu tư, và thị trường dầu nhiều khả năng sẽ đón nhận lực mua trở lại sau khi liên tục lao dốc trong giai đoạn qua. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy gần như 100% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữu nguyên lãi suất trong kỳ vọng tháng 6. Tuy nhiên, xét về dài hạn, nền kinh tế vẫn còn nhiều áp lực. Việc siết chặt tiền tệ qua thị trường trái phiếu còn tiếp diễn, đồng thời Fed vẫn nhắc lại mục tiêu lạm phát 2%. Hơn nữa, Fed sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong năm nay, và điều này sẽ gây áp lực tới nền kinh tế. Tín dụng ngân hàng cũng sẽ hạn chế, nhiều doanh nghiệp đáo hạn trả nợ và chịu mức lãi cao hơn. Trong bối cảnh thiếu vắng các tác động cung cầu đáng chú ý, đà phục hồi của giá dầu vẫn còn tương đối mong manh.   Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Thị trường hàng hóa nối dài đà suy yếu

Ngô Minh Ngọc   |  01/05/2023

Đóng cửa hôm qua ngày 27/04, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, lực bán mạnh trên thị trường nông sản đã kéo chỉ số MXV- Index giảm 0,38% xuống 2.230 điểm. Với ưu thế tính chất hai chiều của thị trường giao dịch T0, nhà đầu tư vẫn có thể có lời ngay cả khi giá giảm, dòng tiền đầu tư đến thị trường tiếp tục gia tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với ngày trước đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết. Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/04, giá đậu tương ghi nhận phiên thứ 7 liên tiếp suy yếu và giảm về gần mức hỗ trợ tâm lý 1400. Tiếp nối đà giảm của hôm trước, giá đã tiếp tục chịu áp lực và duy trì đến cuối phiên. Sức ép từ diễn biến dầu đậu tương, sau khi triển vọng dầu thực vật nới lỏng hơn là yếu tố lý giải cho diễn biến giá. Ngày hôm qua, Bộ Thương mại Indonesia cho biết sẽ hạ thấp ngưỡng bán hàng nội địa bắt buộc đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ xuống còn 300.000 tấn mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 5, cho phép nhiều lô hàng được rời khỏi nước này. Đây là chính sách nới lỏng, sau khi Indonesia thắt chặt xuất khẩu vào đầu năm nay do dự đoán nhu cầu cao hơn trong tháng lễ hội Ramadan linh thiêng của người hồi giáo. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ cho phép các công ty tiếp tục sử dụng giấy phép xuất khẩu với khối lượng khoảng 3 triệu tấn đã bị đình chỉ đầu năm nay. Một quan chức cấp cao Bộ Thương mại cho biết những giấy phép này sẽ được phép sử dụng trong từng giai đoạn trong 9 tháng tới. Việc Indonesia đẩy mạnh bán hàng sẽ nới lỏng nguồn cung dầu thực vật trong dài hạn. Đây là thông tin đã khiến giá dầu cọ và dầu đậu tương giảm mạnh trong ngày hôm qua, từ đó khiến đậu tương chịu áp lực bán. Ở một diễn biến khác, nhịp giảm mạnh của ngô trong hơn 1 tuần trước đó tiếp tuc mở rộng khi giá phá vỡ vùng hỗ trợ tâm lí 600. Triển vọng nhu cầu ngô Mỹ suy yếu cũng góp phần thúc đẩy lực bán mạnh đối với giá mặt hàng này. Cùng với đó, giá lúa mì cũng ghi nhận mức giảm mạnh, tiếp nối đà suy yếu và tạo thành chuỗi 7 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Những đánh giá tích cực về nguồn cung vẫn đóng vai trò là yếu tố chính tạo sức ép lên giá mặt hàng này. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã tăng mạnh dự báo tồn kho lúa mì cuối niên vụ 22/23 của Liên minh châu Âu (EU), do xuất khẩu dự kiến giảm trong khi nhập khẩu tăng. Cụ thể, tồn kho lúa mì mềm cuối niên vụ hiện tại của EU được dự báo ở mức 19.6 triệu tấn, từ mức 18,1 triệu tấn trong báo cáo tháng 03. Điều này là kết quả của việc xuất khẩu lúa mì mềm niên vụ 22/23 dự kiến ở mức 31 triệu tấn (giảm 1 triệu tấn so với ước tính trước), trong khi dự báo nhập khẩu lúa mì là 8 triệu tấn (tăng 0,5 triệu tấn so với báo cáo tháng trước). Báo cáo tháng này của EC cũng nêu ra vấn đề nguồn cung dư thừa, khiến một số nước phía đông châu Âu kêu gọi hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Không chỉ có tồn kho nới lỏng, nhu cầu nhập khẩu lúa mì cũng góp phần củng cố lực bán mạnh trên thị trường trong phiên hôm qua. Cụ thể, báo cáo Export Sales (Xuất khẩu hàng tuần) của USDA cho thấy Mỹ chỉ bán được 155.733 tấn lúa mì trong tuần tước, giảm mạnh gần 40% so với báo cáo trước đó. Những thông tin trên đã gây sức ép  và khiến giá lúa mì giảm gần 2%. Giá bông phục hồi, đường thô tiếp tục đạt đỉnh hơn 11 năm Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/04, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp. Giá Arabica suy yếu với mức giảm 1,77% trong phiên hôm qua khi thị trường tiếp tục kỳ vọng vào mùa vụ tích cực tại Brazil.   Thị trường nói chung vẫn có những cái nhìn khá lạc quan về triển vọng sản lượng cà phê Arabica niên vụ 2023/24 tại Brazil. Các đơn vị dự báo từ tư nhân đến chính phủ đều đưa ra mức sản lượng và xuất khẩu trong niên vụ mới cao hơn hẳn 2 năm trước khi thời tiết đã trở lại bình thường và ủng hộ cho sự phát triển của cây cà phê. Đồng thời, nông dân đẩy mạnh bán hàng vụ mới khi giai đoạn thu hoạch đến gần, cũng là nhân tố gây áp lực khiến giá giảm.  Giá Robusta tiếp tục suy yếu với mức giảm nhẹ 8 USD so với mức tham chiếu, đây cũng là phiên mang sắc đỏ thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này. Những dấu hiệu tích cực cho thấy nguồn cung mở rộng đang gây sức ép lên giá ở thời điểm hiện tại.   Thị trường kỳ vọng sản lượng Robusta niên vụ 2023/24 tại Brazil sẽ cao kỷ lục, giúp xua tan lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia châu Á. Cùng với đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE tăng lên mức 78,180 tấn, mức cao nhất nhất từ đầu tháng 12/2022 cũng tạo áp lực lên giá trong phiên hôm qua.   Với việc Indonesia nới lỏng chính sách xuất khẩu của mình và giúp cải thiện nguồn cung dầu cọ toàn cầu, giá dầu cọ đã ghi nhận phiên suy yếu thứ 5 liên tục.   Phe bán đã chiếm ưu thế áp đảo ngay sau khi mở cửa và đà giảm của giá được duy trì trong suốt thời gian giao dịch của phiên hôm qua. Điều đó khiến giá dầu cọ đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Bộ Thương mại Indonesia cho biết sẽ hạ thấp ngưỡng bán hàng nội địa bắt buộc đối với các nhà xuất khẩu dầu cọ xuống còn 300.000 tấn mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 05, cho phép nhiều lô hàng được rời khỏi nước này. Ở chiều ngược lại, đường thô gây chú ý khi tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất trong 11 năm rưỡi.   Cụ thể, mặt hàng này ghi nhận mức tăng hơn 2% trong phiên hôm qua khi thị trường gia tăng lo ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung.   Sản lượng đường trong nửa đầu tháng 4 tại khu vực Trung nam của Brazil ở mức 542.000 tấn, thấp hơn mức 572.000 tấn kỳ vọng của thị trường, theo tập đoàn công nghiệp UNICA. Điều này làm gia tăng những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường khi trước đó Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia sản xuất hàng đầu cũng dự báo sản lượng giảm trong niên vụ hiện tại; và là nhân tố hỗ trợ giá tăng mạnh.   Cùng với đó, giá bông hồi phục khi tăng 2,60% so với mức tham chiếu nhờ nhu cầu đối với bông Mỹ tăng trở lại.   Theo báo cáo Export Sales trong tuần kết thúc ngày 20/04, bán hàng ròng bông Mỹ tăng lên 194.900 kiện, cao hơn hẳn so với mức 62.100 kiện vào tuần trước và xuất khẩu tăng 38% lên mức 398.400 kiện. Đặc biệt, nhu cầu gia tăng chủ yếu từ các nước nhập khẩu chính như Trung Quốc và Việt Nam là dấu hiệu cho thấy tiêu thụ dần trở lại sau thời gian dài ảm đạm trước đó. Đây là yếu tố hỗ trợ giá bông tăng.  Nhập khẩu bông sợi các loại tăng trong tháng 03 Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, quý I năm nay, cả nước đã nhập khẩu hơn 242 nghìn tấn bông các loại, với tổng kim ngạch 575,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu bông nước ta đã giảm đến 34,4% về lượng và 39,4% về trị giá. Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 03, nhập khẩu bông đạt 95,5 nghìn tấn, tăng mạnh 24,6% so với tháng 02. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu chỉ tăng 19,5% nhờ giai đoạn giá bông điều chỉnh giảm trước đó, giúp giá bông thế giới và giá nhập khẩu về Việt Nam hạ nhiệt. Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho biết, trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%/ năm kể từ ngày 15/3/2023. Cùng với động thái giảm lãi suất điều hành, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước ngày 16/3/2023 cũng giảm về mức 23.622 VND/ USD. Tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng ngày 16/3/2023 đã giảm nhẹ 0,02% so với những ngày trước đó, xuống 23.582 VND/USD. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành giảm cùng lúc tỷ giá ngoại tệ hạ nhiệt làm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, tăng khả năng huy động ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nói chung và doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may nói riêng. Mặc dù có những tín hiệu tích cực về thị trường tiền tệ trong nước, đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn chưa có tín hiệu phục hồi khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam vẫn yếu, điều này cũng chưa thể thúc đẩy Việt Nam tăng nhập khẩu nhóm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, do đó, dự báo, nhập khẩu bông các loại, xơ nguyên liệu vào Việt Nam khó có thể tăng mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam có cơ hội duy trì mức 4 tỷ USD

Ngô Minh Ngọc   |  28/04/2023

Sau năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt 4 tỷ USD, 2023 nước ta đang đứng trước cơ hội có thể duy trì kỷ lục trên trong bối cảnh giá cà phê giao dịch trên Sở ICE chạm mức cao nhất trong 12 năm. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê Robusta giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa Châu Âu (ICE EU) tính đến ngày 24/04/2023 đạt mức 2.564 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 05 năm 2011 và đã tăng gần 40% kể từ hồi đầu năm 2023 khi giao dịch tại mức 1.869 USD/tấn. Mức giá kỷ lục được xác lập trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt Bắt đầu năm 2023, thị trường liên tục xuất hiện những thông tin cho thấy nguồn cung có xu hướng thu hẹp tại các quốc gia sản xuất chính. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/04/2023 ở mức 634.032 tấn, thấp hơn so với mức 662.816 tấn của cùng kỳ năm trước, số liệu từ Tổng cục Hải quan. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu ở mức cao đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam tăng lên mức 52.000 VNĐ/kg, mức cao lịch sử, thống kê từ giacaphe.com. Bên cạnh đó, sản lượng cà phê tại Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới, dự báo ở mức 9 triệu tấn, thấp nhất trong 10 năm, theo Volcafe. Thêm vào đó, sản lượng Robusta tại Brazil ở mức 17,51 triệu bao, giảm gần 4% so với niên vụ 2022/23, dự báo từ Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB). Như vậy, nguồn cung không chỉ thiếu hụt trong ngắn hạn mà còn thu hẹp trong trung và dài hạn, từ đó kéo giá cà phê tăng mạnh. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Sau khi xuất khẩu kỷ lục vào năm 2022, tồn kho cà phê Việt Nam dần thu hẹp. Cùng với, sản lượng cà phê năm 2022 ước tính giảm mạnh 10-15% so với dự báo ban đầu do mưa lớn xảy ra đúng giai đoạn thu hoạch, đã khiến nguồn cung thắt chặt và chu kỳ tăng giá là điều tất yếu.” “Thiên thời” đối với xuất khẩu cà phê Việt Nam Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022. Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 tiếp tục ảm đạm với mức dự báo 2,8%, giảm 1 điểm phần trăm so với mức 2,9% được đưa ra hồi tháng 1, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo mới nhất. Đặc biệt, hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đều được dự đoán mức tăng trưởng khá khiêm tốn, lần lượt dưới 1% và 2%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thường có nhu cầu hạn chế chi tiêu đối với các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cà phê hòa tan cũng gia tăng lỷ lệ Robusta pha trộn với Arabica để giảm giá thành sản phẩm do giá Arabica đang giao dịch trên Sở ICE dao động trên 4.300 USD/tấn, cao gần gấp 2 lần giá Robusta. Điều này khiến nhu cầu Robusta trên thế giới thậm chí cao so với những giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt.    “Nguồn cung thu hẹp từ phía đối thủ cạnh tranh kết hợp nhu cầu không bị cắt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều kiện lý tưởng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đây sẽ là tiền đề để nước ta hướng tới mục tiêu kép của ngành cà phê với kim ngạch xuất khẩu duy trì trên 4 tỷ USD, cũng như khẳng định vị thế của nước cung ứng Robusta lớn nhất thế giới”, ông Quang Anh cho biết. Tuy vậy, cũng không thể phớt lờ khó khăn Việt Nam đang phải đối diện, chính là tình hình dư lượng xuất khẩu thấp khi tồn kho của nông dân cạn kiệt, kéo theo lũy kế xuất khẩu từ đầu năm 2023 đến ngày 15/04/2023 của nước ta giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.  Tuy vậy, đây chưa phải cản trở lớn trong việc duy trì kim ngạch trên 4 tỷ USD, nhờ giá cà phê duy trì ở mức cao và kim ngạch xuất khẩu trong năm nay đang bám sát mức cùng kỳ năm trước. Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững Trong ngắn hạn, việc gia tăng xuất khẩu cà phê khi giá đang ở mức cao là giải pháp tối ưu giúp Việt Nam tiếp tục có được kim ngạch trên 4 tỷ USD. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần hướng tới các biện pháp mang tính bền vững hơn. Nguồn cung cà phê tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng và chanh leo của Việt Nam. Số đơn đặt hàng lớn trong khi nguồn cung đủ điều kiện xuất khẩu còn thấp đã đẩy giá mặt hàng này tăng đột biến. Nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng đẩy mạnh diện tích canh tác sầu riêng, thậm chí là phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang loại cây trồng đang phát triển “nóng” nói trên. Hơn thế, tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, định hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030. Như vậy, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD. Đồng thời, chúng ta cần có những nhìn nhận lâu dài hơn vì sự phát triển bền vững của ngành. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu có thể tiếp tục suy yếu khi lo ngại suy thoái lất át triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc

Ngô Minh Ngọc   |  25/04/2023

Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay khi đồng USD hồi phục trở lại, cùng với tâm lý ngại rủi ro, phản ánh qua việc hợp đồng tương lai chỉ số S&P500 cũng giảm điểm. Trong tâm của phiên sáng vẫn là các tin tức về triển vọng tiêu thụ tại khu vực châu Á. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, khi nước này bước vào tuần nghỉ lễ đầu tháng 5. Fenglei Shi, giám đốc thị trường dầu mỏ Trung Quốc tại S&P Global Commodity Insights, cho biết “Nhu cầu nhiên liệu máy bay nội địa của Trung Quốc gần như đã phục hồi hoàn toàn, trong khi nhu cầu nhiên liệu máy bay quốc tế đã phục hồi gần 70% so với mức trước đại dịch Covid-19. Do đó, có thể Tuần lễ sắp tới sẽ đánh dấu sự phục hồi gần như hoàn toàn đối với tổng mức tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc.” Tuy nhiên, hiện thị trường dầu mỏ toàn cầu đã bị kẹt giữa luận điểm đầu tư bao gồm triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, và rủi ro suy thoái. Vì thế, ngay cả khi nhu cầu của Trung Quốc được cải thiện, giá dầu vẫn khó có thể tăng mạnh. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Giá dầu có thể phục hồi trong phiên hôm nay bởi dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc

Ngô Minh Ngọc   |  20/04/2023

Dầu thô mở cửa phiên giao dịch sáng nay với diễn biến tương đối giằng co khi các dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc vẫn có nhiều điểm trái chiều. Tuy nhiên, so với các tháng trước, các con số ghi nhận tích cực hơn, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy lực mua trong phiên chiều tối. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I năm nay tăng 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh bại dự báo với mức tăng 4%. So với quý trước, GDP cũng đã tăng 2.5%. Mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là 5%. Với tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý I, Trung Quốc hoàn toàn có thể hoàn thành và thâm chí là vượt mục tiêu. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế và là yếu tố “bullish” đối với giá dầu. Tuy nhiên, dữ liệu sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định vẫn tăng trưởng thấp hơn dự kiến, để lại một số hoài nghi về đà tăng liệu có bền vững hay không. Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3, đạt khoảng 14.9 triệu thùng/ngày, tăng 8.8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Nhập khẩu dầu thô rẻ hơn từ Nga, nước bán dầu cho Trung Quốc với mức chiết khấu cao do khan hiếm những người mua khác, đã nâng cao lợi nhuận lọc dầu và khuyến khích sản xuất nhiều hơn. Ngoài ra, hoạt động lọc dầu cũng được đẩy mạnh do nhu cầu tích trữ trước khi nhiều nhà máy đóng cửa bảo trì. Nhưng trong giai đoạn tới, từ khoảng tháng Năm, nhiều nhà máy bảo trì có thể khiến lượng tiêu thụ dầu thô suy yếu nhẹ, đà tăng sẽ chững lại. Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Xem thêm

Lúa mì được mùa, giá tiếp tục giảm

Ngô Minh Ngọc   |  16/04/2023

Tính đến kỳ hạn cuối tháng 4-2023, giá lúa mì kỳ hạn giao dịch trên các sàn tại Mỹ đã giảm xuống dưới mức 6,7 USD/giạ, tiến sát mức thấp nhất trong 20 tháng gần đây là 6,6 USD vào ngày 23 tháng 3 khi báo cáo WASDE của USDA chỉ ra nguồn cung lúa mì toàn cầu vẫn đang dồi dào. USDA đã nâng dự báo nguồn cung toàn cầu trên thị trường hiện tại tăng lên hơn 700 nghìn tấn, chủ yếu là do trữ lượng dự trữ ở khu vực Trung Đông và Châu Phi đã tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ trong nước đã giảm 25 triệu giạ do nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc lúa mì đang giảm và lượng dự trữ lúa mì theo niên hạn vẫn còn tương đối lớn. Cùng với đó nguồn cung vẫn được củng cố bởi vụ thu hoạch lúa mì đạt năng suất cao kỷ lục 153,8 triệu tấn của Nga vào năm 2022. Nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới ước tính sẽ bán tới 60 triệu tấn lúa mì trên thị trường nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn một số lo lắng về hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine, khi Nga tiếp tục phản đối việc gia hạn thỏa thuận đảm bảo hành lang thương mại cho ngũ cốc ra khỏi Biển Đen. Các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa nông sản vẫn theo dõi sát sao các động thái của Nga và Ukraine, bất cứ biến động gì cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của 2 thị trường lớn nhất thế giới này. Nguồn: Tổng hợp internet
Xem thêm
Chat hỗ trợ
Chat ngay
facebook